Phân tích môi trường marketing đem lại hiệu quả tiếp thị cao hơn

Môi trường Marketing là một khái niệm bao gồm các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh và tiếp thị của doanh nghiệp, tổ chức ấy. Cùng ACCESSTRADE nghiên cứu xem môi trường marketing là gì và các yếu tố để phân tích trong môi trường marketing nhé.

Môi trường Marketing là gì?

môi trường marketingmôi trường marketing

Môi trường Marketing nói đến sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, hoặc từ bên trong doanh nghiệp đến hoạt động Marketing một cách tích cực hoặc tiêu cực. Các yếu tố này hầu hết là các yếu tố khách quan, vì thế luôn biến thiên tạo nên các nguy và cơ cho doanh nghiệp.

Môi trường marketing của doanh nghiệp bao gồm môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp đó. Bên trong công ty bao gồm các yếu tố đặc thù như chủ sở hữu, nhân viên, máy móc, vật liệu, nhà đầu tư…Trong khi đó, môi trường bên ngoài phân chia thành 2 thành phần, môi trường vi mô và môi trường vĩ mô.

Môi trường vi mô bao gồm các yếu tố liên quan đến tiến trình sản xuất, phân phối, cung cấp. Môi trường vĩ mô bao phủ rộng lớn hơn, gồm các yếu tố có ảnh hưởng đến toàn xã hội như nhân khẩu học, kinh tế học, khoa học công nghệ, chính trị pháp luật hay văn hóa xã hội.

Tại sao cần phân tích môi trường Marketing?

Bất kể các doanh nghiệp lớn nhỏ, việc hoạt động trong môi trường marketing cũng đều rất quan trọng. Tất cả các yếu tố liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp, kể cả lợi nhuận, hình ảnh thương hiệu và định vị giá trị doanh nghiệp đều phụ thuộc vào môi trường Marketing cả bên trong lẫn bên ngoài. Môi trường marketing trong kinh doanh là một trong những khía cạnh thú vị nhất của doanh nghiệp.

Tính quan trọng của phân tích môi trường marketing có thể được giải thích cặn kẽ hơn bằng những lý do sau đây:

Cần thiết cho việc lập kế hoạch

Việc hiểu biết về môi trường marketing cả trong lẫn ngoài là điều cần thiết cho bất kỳ chiến lược nào trong tương lai. Một marketer cần phải có đầy đủ thông tin về các xu hướng, yếu tố thúc đẩy thị trường, các yếu tố ảnh hưởng, tiềm năng… ở hiện tại để xây dựng các kịch bản tiếp thị nếu muốn chiến lược thành công.

Hiểu về thị hiếu khách hàng

Khách hàng là một phần không thể thiếu của doanh nghiệp, các hoạt động marketing của công ty đều vì một mục đích chung là tạo ra giá trị mà khách hàng mong muốn. Vì thế, mọi doanh nghiệp đều phải luôn biết về những nhu cầu và thay đổi trong nhu cầu, mong muốn của khách hàng để cho họ những giá trị phù hợp. Phân tích môi trường marketing chính là chìa khóa để tìm hiểu mong muốn của khách hàng và tạo ra các chiến lược, hướng đi đúng đắn.

Xu hướng khai thác

Phân tích môi trường marketing cho phép các nhà tiếp thị đột nhập, len lỏi vào các thị trường mới và tận dụng các xu hướng mới. Mọi khía cạnh của thị trường mới nên cần được tìm hiểu, phân tích để ra kế hoạch khai thác tiềm năng triệt để thị trường đó.

Các mối đe dọa và cơ hội

Hiểu biết cặn kẽ và môi trường marketing ở bên trong và bên ngoài doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp đó có lợi thế hơn trong việc suy nghĩ và triển khai các chiến lược phù hợp, đồng thời tránh được những mối nguy đến ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Hiểu các đối thủ cạnh tranh

Đối thủ cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu với mỗi doanh nghiệp ở bất cứ ngành hàng nào. Hiểu rõ về môi trường tiếp thị giúp doanh nghiệp hiểu về sự cạnh tranh, vị thế và khả năng của doanh nghiệp trên đường đua, cũng như hiểu về đối thủ của mình để học những điều tốt của họ, đồng thời tránh việc bị trùng lặp ý tưởng.

> Xem thêm: Referral Marketing và 5 cách xây dựng chiến dịch Marketing giới thiệu hiệu quả

Phân tích môi trường Marketing cho doanh nghiệp

môi trường marketingmôi trường marketing

Môi trường Marketing, với các yếu tố ảnh hưởng được phân thành hai môi trường chính bao gồm bên trong và bên ngoài. Nhiều người thường cho rằng môi trường bên trong, hay môi trường nội bộ công ty khó kiểm soát hơn môi trường bên ngoài, thực tế, mỗi môi trường đều có những điểm khác biệt và đều không dễ kiểm soát.

Môi trường bên trong/Môi trường nội bộ

Môi trường marketing bên trong gồm tất cả các yếu tố có trong tổ chức, doanh nghiệp của bạn. Các yếu tố này có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và marketing, bao gồm hàng hóa, chính sách công ty, chiến lược, tiềm lực tài chính, vốn liếng, thương hiệu… Những yếu tố kể trên có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường marketing và mối quan hệ giữa tổ chức và khách hàng.

Môi trường bên ngoài

Các yếu tố tạo nên môi trường marketing bên ngoài bao gồm nhà đầu tư, nhân viên, nhà cung cấp, đối thủ, hay các yếu tố như kinh tế, chính trị, lịch sử, nhân khẩu, văn hóa… Môi trường bên ngoài được chia làm hai loại – môi trường vi mô và môi trường vĩ mô. Ở môi trường này khả năng kiểm soát các yếu tố của các nhà tiếp thị là rất thấp.

Môi trường marketing vi mô

  • Khách hàng: Sự thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng chính là mục đích chính cho sự tồn tại và hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp thỏa mãn khách hàng, từ đó thu về doanh thu và lợi nhuận là triết lý cơ bản nhất trong kinh doanh chân chính. Đó là lý do vì sao cần lắng nghe khách hàng, liên tục nghiên cứu các phản hồi, hành vi, sở thích, mong muốn, nhu cầu của họ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đáp ứng những nhu cầu đó.

  • Nhân viên: Trong bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào, nhân viên cũng là nhân tố nòng cốt ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Họ là những người tạo ra chiến lược, tạo ra doanh thu, tạo ra văn hóa doanh nghiệp và vận hành doanh nghiệp. Đôi khi nhân sự của công ty có ảnh hưởng rất lớn về mặt thương hiệu, do đó, nhân viên là yếu tố quan trọng trong môi trường marketing cần được phân tích khi bắt đầu bất kỳ chiến lược marketing nào.

  • Nhà cung cấp: Nhà cung cấp của doanh nghiệp có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức khác. Phía nhà cung cấp sẽ cung ứng các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, linh kiện, công nghệ, hay thậm chí data và các tài nguyên số…cho doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động sản xuất, bán hàng. Doanh nghiệp vì thế có mối quan hệ win-win với nhà cung cấp. Họ là những nhân tố quan trọng của doanh nghiệp, là mắt xích không thể thiếu trong quá trình sản xuất và bán hàng.

  • Nhà bán lẻ/nhà phân phối (trung gian marketing): Trái ngược với nhà cung cấp – giải quyết đầu vào của doanh nghiệp, các nhà bán lẻ và nhà phân phối là các kênh giải quyết đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp đó. Họ là những người gần với khách hàng còn hơn cả doanh nghiệp, và là một trong những mắt xích cao nhất quyết định doanh nghiệp bạn có phân phối được sản phẩm đến tay khách hàng hay không.

  • Đối thủ cạnh tranh: Đối thủ cạnh tranh là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng trên hết họ cũng là những nhân tố đáng quan tâm trong lĩnh vực của doanh nghiệp. Họ có thể tạo ra những hiệu ứng cộng hưởng cho doanh nghiệp của bạn, nhưng cũng đồng thời tranh giành thị phần và tài nguyên. Các đối thủ cạnh tranh có ảnh hướng lớn đến doanh nghiệp trong chiến lược marketing như: lựa chọn thị trường mục tiêu, nhà cung cấp, kênh tiếp thị, danh mục sản phẩm, danh mục giá & kết hợp khuyến mại… 

  • Cổ đông: Cổ đông là những người góp vốn và nắm giữ một phần công ty. Họ là những người đầu tư cho doanh nghiệp và thu về lợi nhuận từ doanh nghiệp đó. Vì thế, cổ đông là người có tiếng nói cao trong doanh nghiệp, có ảnh hưởng rất cao đến các hoạt động, chiến lược marketing trong môi trường marketing.

  • Chính phủ: Các chính sách, quy định của nhà nước, chiến lược phát triển của nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến các chiến dịch marketing của doanh nghiệp, như chính sách giá cả, chính sách tín dụng, chính sách giáo dục…

  • Công chúng: Ý kiến, thái độ của công chúng với sản phẩm và thương hiệu có ảnh hưởng rất quan trọng đến chiến lược marketing của doanh nghiệp. Công chúng có thể là khách hàng của doanh nghiệp, hoặc là khách hàng tiềm năng trong tương lai. Vì vậy luôn phải phân tích, quan sát và kiểm soát ý kiến của họ, bởi chỉ cần một vài luồng ý kiến trái chiều hoặc tiêu cực thì không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu mà còn là quyết định ra đơn của khách hàng.

Môi trường marketing vĩ mô

Môi trường marketing vĩ mô được cấu thành từ các yếu tố mà tổ chức hoặc doanh nghiệp không thể kiểm soát. Các chuyên gia Marketing đã tổng hợp nó lại thành 6 yếu tố, được sắp xếp thành mô hình PESTLE:

  • P – Political: Yếu tố chính trị

  • E – Economic: Yếu tố kinh tế

  • S – Social: Các yếu tố xã hội và nhân khẩu học

  • T – Technology: Các yếu tố tiến bộ công nghệ

  • L – Legal: Các yếu tố pháp lý và quy định

  • E – Environment: Yếu tố môi trường

Đây là những yếu tố khách quan từ thị trường mà doanh nghiệp hay tổ chức không thể kiểm soát. Tuy vậy, các yếu tố này lại có ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược tiếp thị và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, bạn nên tránh thêm vào kế hoạch tiếp thị các hoạt động, hay chất liệu nào đó liên quan đến làn sóng tẩy chay một chính sách hoặc lệnh cấm của một quốc gia, bởi chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận phản ứng trái chiều từ công chúng.

Môi trường marketing vĩ mô sẽ thiên biến vạn hóa liên tục. Đôi khi những điều này xảy ra rất nhanh chỉ trong một đêm. Điều đó cũng là thách thức cho bộ phận marketing, bởi tùy vào đặc điểm của doanh nghiệp mà họ sẽ phải theo dõi liên tục các thay đổi ở môi trường marketing vĩ mô, hoặc phải dự trù nhiều phương án để bảo vệ thương hiệu khi thực hiện các chiến dịch.

Không sai khi nói doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí sụp đổ vì các yếu tố từ môi trường marketing vĩ mô, nhưng trong ‘nguy’ luôn có ‘cơ, các yếu tố này cũng có thể là bệ phóng đưa thương hiệu đến tầm cao mới. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường Marketing

  • Sinh thái học: Môi trường hiện tại là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu. Các chiến dịch marketing nên chú trọng vấn đề này để không vô tình gây ra các tác động xấu đến môi trường sinh thái, bởi sẽ kéo theo ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của bạn.

  • Nhân khẩu học: Thị trường bao gồm rất nhiều nhiều người dùng, và nhân khẩu học là tên gọi chung cho các yếu tố định danh, định tính khách hàng của bạn. Nhân khẩu học nghiên cứu khái quát về mặt dân số, việc nghiên cứu nhân khẩu học của khách hàng sẽ cho bạn một chân dung cụ thể về nhóm khách hàng mục tiêu và ra chiến lược tập trung về mục tiêu đó.

  • Yếu tố kinh tế: Yếu tố kinh tế là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng. Môi trường marketing này còn phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ chính phủ, xu hướng thị trường, lãi suất, lạm phát hay các sự thay đổi kinh tế hàng đầu.

  • Chính trị: Chính trị có thể là yếu tố tác động trực tiếp và có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh và tiếp thị. Không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, các quy định về bản quyền, thuế phí, luật môi trường, luật sức khỏe…đều có thể ảnh hưởng đến các chiến lược marketing của thương hiệu.

  • Công nghệ: Công nghệ sản xuất, kiểm soát và phân phối các sản phẩm, dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng của doanh nghiệp, nhất là trong thời đại hiện nay khi kinh doanh và marketing đã tận dụng rất nhiều lợi thế của sự phát triển công nghệ. Vì công nghệ phát triển nhanh chóng, bạn cần phải hết sức nhạy bén và sớm cập nhật những thay đổi, cải tiến để không bị tụt hậu, đồng thời luôn đảm bảo doanh nghiệp đi đầu xu thế trên thị trường.

Kết

Môi trường Marketing là khái niệm bao gồm các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp có thể tác động, hoặc gây ảnh hưởng ít nhiều đến chiến lược marketing và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Việc nghiên cứu, phân tích môi trường Marketing là một trong những bước quan trọng nhất trong việc hình thành chiến lược marketing tổng thể. 

Mong rằng qua bài viết này, bạn đã nắm được cơ bản môi trường Marketing và các yếu tố bên trong, bên ngoài môi trường một cách rõ ràng và tường minh nhất.