Phản ứng bất ngờ của nhạc sĩ Phạm Tuyên khi nhận quà “lạ” từ con gái
Bữa tiệc sinh nhật có sự hiện diện của những người thân trong gia đình, bạn bè và các cháu thiếu nhi. Nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam, một người bạn thân thiết của chị Phạm Hồng Tuyến cũng đến chúc mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nụ cười rạng rỡ của nhạc sĩ Phạm Tuyên khi thấy mọi người đến chúc mừng sinh nhật. Ảnh: Phạm Hưng.
Chị Phạm Hồng Tuyến đã tạo bất ngờ cho bố mình khi tặng ông tập sách Bài hát lớn lên cùng con (Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản) gồm 23 bài viết về hoàn cảnh ra đời và những câu chuyện thú vị xoay quanh những bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây là cuốn sách mà chị Phạm Hồng Tuyên đã viết trong thời gian “thần tốc” để Nhà xuất bản Kim Đồng kịp in thành sách đúng dịp sinh nhật lần thứ 94 của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Các bạn thiếu nhi hát tặng nhạc sĩ Phạm Tuyên trong ngày sinh nhật. Ảnh: Phạm Hưng.
Trong cuốn sách này, chị Phạm Hồng Tuyến kể về những bài hát như: Đêm pháo hoa, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan, Chiếc đèn ông sao, Hát dưới trời Hà Nội… Chị Phạm Hồng Tuyến kể, bài Trường cháu là trường mầm non ra đời năm 1972. Khi đó, gia đình nhạc sĩ ở phố Đại La (Hà Nội), bị máy bay Mỹ ném bom phá sập, phải sơ tán về ở tạm cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam 58 phố Quán Sứ. Cô bé Hồng Tuyến vào học Mầm non A phố Thợ Nhuộm, ngày nào cũng ríu rít kể bố nghe đủ chuyện ở trường. Bài hát ra đời từ những câu chuyện ngây ngô ấy, sau này trở thành ca khúc phổ biến.
Chị Phạm Hồng Tuyến vui vẻ giới thiệu về cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con”. Ảnh: Phạm Hưng.
Cô và mẹ được nhạc sĩ viết năm 1974, lúc này, con gái út nhạc sĩ chuyển về học Mầm non Đống Đa, khu Kim Liên. Lúc này, cô hiệu trưởng “đặt hàng” nhạc sĩ viết một bài tặng trường. Khi con vào lớp 1, ông lại viết bài Chúng em là học sinh lớp 1. Năm 1979, khi hay tin thầy giáo của mình phải lên vùng biên giới chiến đấu, Hồng Tuyến nhờ bố viết ca khúc tặng, Tiễn thầy đi bộ đội ra đời.
Một số ca khúc nhạc Nga lời Việt được ông chuyển thể như Nụ cười, Ở trường cô dạy em thế… cũng ra đời theo yêu cầu của con và các bạn cùng lớp.
“Đó là lý do sách có tên Bài hát lớn lên cùng con. Âm nhạc của bố luôn đồng hành với mỗi cột mốc trong ký ức của tôi và nhiều người bạn cùng thế hệ”, chị Phạm Hồng Tuyến bộc bạch.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên bất ngờ trước món quà con gái tặng. Ảnh: Phạm Hưng.
Mục lục bài viết
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trách con gái toàn giấu bố việc mình làm
Trước món quà bất ngờ mà con gái dành tặng cho mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ trước những việc Tuyến làm. Tuyến viết tập sách này tôi không hề biết tí gì cả. Tuyến có một “nhược điểm” đó là giấu tôi nhiều việc. Những cuốn sách này đối với tôi rất lạ”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự thêm rằng, những bài hát thiếu nhi đối với ông rất quan trọng. Ngay cả khi ông được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm âm nhạc thì ông đã bày tỏ “giá có thêm một vài bài hát thiếu nhi thì tốt”. Và cuối cùng, trong cụm tác phẩm âm nhạc được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh có bài hát “Tiến lên đoàn viên”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên bắt tay nhà báo Tạ Bích Loan. Ảnh: Phạm Hưng.
“Ước mong của tôi là những sản phẩm viết cho thiếu nhi được đánh giá lại cho xứng tầm. Trong một bài viết của nhà phê bình âm nhạc Minh Châu mới đây có nhắc đến chuyện nghệ sĩ Lê Dung từng xin tôi hát bài “Cánh én tuổi thơ”. Bài hát này viết về thiếu nhi nhưng lại được nghệ sĩ gạo cội yêu thích và muốn hát. Điều này khiến tôi rất cảm động. Bài hát này tôi viết về mùa xuân, suy nghĩ về mùa xuân nhưng không chỉ dành riêng cho thiếu nhi mà cả người lớn cũng yêu thích. Tôi không ngờ bài hát này sau khi được hát lên thì sớm trở thành bài hát phổ biến cả ở trong nước lẫn nước ngoài”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.
Nhà báo Tạ Bích Loan kể những kỷ niệm với các bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Phạm Hưng.
Nhà báo Tạ Bích Loan cũng nhắc nhở về những kỷ niệm gắn liền với các bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nữ nhà báo kể rằng, trong Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ I, lúc đầu BTC định chọn một bài hát của nhạc sĩ khác nhưng cuối cùng lại chọn bài “Gặp nhau giữa trời Thu Hà Nội” của nhạc sĩ Phạm Tuyên vì giai điệu gần gũi, ai cũng có thể hát và cầm tay nhau để nhảy theo nhịp bài hát. Bài hát đồng thời là biểu tượng của miền Nam thống nhất.
Nhà báo Tạ Bích Loan chúc mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Tuyên. Clip: Hà Tùng Long.