Pháp Luật Plus – Các thiết bị y tế bị nâng giá, tẩy xóa giá nhập khẩu trước khi vào các bệnh viện tại Hà Nội ra sao

Theo đó, tờ khai hàng hoá nhập khẩu thông quan của các loại thiết bị y tế do nhà thầu cung cấp cho CDC và các bệnh viện bản chụp đều bị tầy xoá, che khuất giá nhập khẩu của thiết bị.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ mới đây đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 218/TB-KLTT về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội, giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021.

Liên quan đến việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc năng giá thiết bị từ các công ty trúng thầu.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong việc tổ chức thực hiện mua sắm thiết bị, Chủ đầu tư lấy đơn giá tổng hợp của dự toán gói thầu mua sắm hàng hoá tương tự để phê duyệt dự toán mà không lập chi tiết cho thiết bị và các phụ kiện kèm theo, hồ sơ đề xuất của nhà thầu đối với tất cả các gói thầu cung cấp thiết bị đều có đơn giá tổng hợp không tách riêng giá trị thiết bị, thuế, phí theo hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư.

Cùng với đó, một số bệnh viện như Đông Anh, Bắc Thăng Long, Sơn Tây đã thực hiện mở thầu sớm so với thời gian quy định tại hồ sơ yêu cầu của gói thầu mua sắm thiết bị hình thức mua sắm trực tiếp nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng tải thông tin theo quy định.

4

Hệ thống xét nghiệm Real time PCR tại Thái Bình. Ảnh LSVN.

Đặc biệt Thanh tra Chính phủ phát hiện, tờ khai hàng hoá nhập khẩu thông quan của các loại thiết bị y tế do nhà thầu cung cấp cho CDC và các bệnh viện bản chụp đều bị tẩy xoá, che khuất giá nhập khẩu của thiết bị. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện lựa chọn nhà thầu pháp luật về đấu thầu chưa quy định về việc phải công khai giá nhập khẩu hoàng hoá.

Cụ thể, Bệnh viện Bắc Thăng Long đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầy sau khi có thư mời tham gia mua sắm trực tiếp 5 gói thầu, vi phạm quy định về đăng tải thông tin đấu thầu theo quy định.

Bệnh viện Đông Anh thực hiện mua sắm Gói thầu số 1 có thay đổi từ máy thở E360E sang máy thở E360T nhưng không lấy ý kiến của Hội đồng khoa học, hội đồng mua sắm, chuyên gia.

Bệnh viện Đông Anh phê duyệt dự toán một số gói thầu tư vấn có giá trị cao hơn mức quy định nhưng không lập dự toán.

Bệnh viện Bắc Thăng Long thực hiện mua sắm máy thở và máy theo dõi bệnh nhân cùng thời điểm, nhưng chia nhỏ thành các gói thầu để phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầy mua sắm trang thiết bị không đảm bảo quy định. Trong đó kế hoạch lựa chọn nhà thầu không nêu hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ việc một số nhà thầu được các hãng sản xuất thiết bị y tế có văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội, Sở Y tế và các Bệnh viện về việc chỉ định nhà phân phối cho hãng hoặc cam kết cung cấp đầy đủ thiết bị nếu trúng thầu. Tuy nhiên sau khi trúng thầu các đơn vị này không mua thiết bị của hãng mà lại mua qua các công ty khác làm tăng đơn giá thiết bị cụ thể:

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng thầu 7 máy X quang di động Kỹ thuật số; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách trúng thầu 12 máy thở chức năng cao, 35 máy thở xâm nhập và không xâm nhập, 8 máy theo dõi bệnh bệnh nhân>3 thông số; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê trúng 35 máy theo dõi bệnh nhân>5 thông số .

Trong đó một số bệnh viện đã mua thiết bị của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê là đơn vị bị Cục Y tế –  Bộ Công an có quyết định không cho tham gia đấu thầu dự án Y tế trong Bộ Công an trong vòng 3 năm.

Qua thanh tra về giá các thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những sai phạm như:

Giá của 20 loại thiết bị y tế do các nhà thầu cung cấp cho 31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà nội (58 gói thầu) được mua bán qua nhiều công ty trung gian, các công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, qua mỗi lần mua bán giá trang thiết bị đều có mức chênh lệch tăng cao, dẫn đến giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu.

Sau khi các đơn vị thực hiện hợp đồng mua sắm thiết bị, UBND TP Hà nội đã yêu cầu các nhà thầu giảm giá để cùng chung tay với TP chống dịch và nhiều nhà thầu đã ký phụ lục hợp đồng về việc giảm giá nhưng giá một số thiết bị vẫn cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu cụ thể: Tổng giá trị trúng thầu là 134.764 triệu đồng, giá trị nhập khẩu và nhập phụ kiện mua thêm 61.954,85 triệu đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu 72.809,16 triệu đồng. Sau khi thanh ký hợp đồng nhà thầu giảm giá còn 111.482,1 triệu chênh lệch 49.527,25 triệu đồng.

Trong đó có 41 gói thầu thiết bị tại 34 bệnh viện và CDC Hà Nội do 2 nhà thầu đã mua, bán qua nhiều Công ty trung gian và có giá trị chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu kèm phụ kiện mua thêm là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng thầu và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách trúng thầu với tổng giá trị 66.623 triệu đồng, giá trị nhập khẩu 31.521,27 triệu đồng, chênh lệch 53.567,5 triệu đồng chênh lệch 22.046,23 triệu đồng.

7

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong

Đối với 40 gói thầu thiết bị tại 33 bệnh viện và CDC Hà Nội do 3 nhà thầu có giá trị chênh lệch lớn giá trị trị trúng thầu và giá trị nhập khẩu kèm theo phụ kiện mua thêm là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê, Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao và Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông với tổng giá trị trúng thầu 37.620 triệu đồng, tổng giá trị nhập khẩu 17.060,98 triệu đồng, chênh lệch 20.559,02 triệu đồng. Sau thanh lý hợp đồng các nhà thầu giảm giá còn 35.635 triệu đồng chênh lệch 18.574,02 triệu đồng.

Các gói thầu thiết bị còn lại có giá trúng thầu 30.521 triệu đồng, giá nhập khẩu 13.372,61 triệu đồng, chênh lệch 17.148,39 triệu đồng. Sau thanh lý hợp đồng nhà thầu giảm giá còn 22.279,6 triệu đồng, chênh lệch 8.906,98 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ xác định UBND TP Hà Nội và Sở Y tế chưa kịp thời kiểm tra, giám sát đôn đốc CDC và các bệnh viện trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, còn để xảy ra một số tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh quyết toán các gói thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm và đặt hàng xét nghiệm như đã nêu tại phần kết luận.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành, cơ quan, đơn vị, CDC Hà Nội, các bệnh viện có liên quan đã nêu tại Kết luận thanh tra kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đã để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Liên quan đến những sai phạm tại Sở Y tế Thái Bình như Phapluatplus.vn đã đăng tải trước đó tại bài viết “Công ty Trần Lê được chỉ định thầu nhiều gói thầu thiết bị y tế tại các bệnh viện”. Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trần Lê đã được chỉ định hàng loạt gói thầu vật tư y tế phòng chống Covid-19. Trong đó có gói thầu tại tỉnh Thái Bình đã bị thanh tra và kết luận hàng loạt vi phạm…

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.