Pháp luật Việt Nam về bảo hộ bí mật kinh doanh: Thực trạng và một số kiến nghị
Tóm tắt:
Bài viết tập trung phân tích những qui định pháp luật về: Việc bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam; Một số thực trạng, bình luận và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hộ bí mật kinh doanh.
Từ khóa: Bảo hộ bí mật kinh doanh, thực trạng xâm phạm bí mật kinh doanh, quy định về bí mật kinh doanh.
Mục lục bài viết
1. Bí mật kinh doanh là gì?
Theo cách hiểu thông thường bởi các doanh nghiệp, người tiêu dùng thì bí mật kinh doanh là thông tin hữu ích cần thiết để tạo ra và cung cấp các hàng hóa và dịch vụ mới hoặc cải tiến ra thị trường. Các đối thủ cạnh tranh trên thương trường thường tìm ra rất nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận những thông tin này. Do đó, bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn tồn tại được bền vững trên thị trường, ngăn chặn sự suy giảm hay mất đi lợi thế cạnh tranh do những thông tin này đem lại, một công ty thành công phải nhất thiết bằng mọi giá bảo vệ tài sản hay thông tin bí mật của chính mình.
Vậy theo những quy định của pháp luật, bí mật kinh doanh có được bảo hộ, và cần thiết phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hay không?
Hiện nay, tài sản sở hữu trí tuệ nói chung, cũng như tài sản sở hữu công nghiệp, trong đó có quyền tác giả, nhãn hiệu, tên thương mại,… và bí mật kinh doanh, là những đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005. Văn bản quy phạm pháp luật này có một vai trò rất lớn trong việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp được bảo hộ, hạn chế các hành vi xâm phạm quyền từ những chủ thể khác và bí mật kinh doanh cũng không phải là một phạm trù ngoại lệ.
Theo khoản 23, điều 4 Luật SHTT năm 2005, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Từ định nghĩa của quy phạm này, ta có thể hiểu rộng hơn như sau:
Bí mật kinh doanh là một thông tin bất kỳ nào đó mà:
(1) Nhìn chung không được biết đến trong cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực tương tự, có liên quan hoặc với công chúng, cộng đồng người tiêu dùng;
(2) Tạo ra những lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu nó khi sở hữu trong tay nhóm thông tin này. Lợi ích đó phải xuất phát từ việc thông tin đó nói chung không được biết, chứ không chỉ bởi giá trị của thông tin đó;
(3) Cần có những nỗ lực cần thiết để duy trì bí mật này;
(4) Bí mật kinh doanh có tính thông tin được thể hiện dưới dạng vật chất hữu hình, cụ thể như tài liệu, giấy tờ chứa đựng thông tin, mô hình, mẫu vật… Những thông tin được coi là bí mật kinh doanh cần phải mang đến cho những người có khả năng tiếp cận nó những nhận thức, những sự hiểu biết nhất định về một sự vật, một hiện tượng nào đó trong thế giới khách quan;
(5) Bí mật kinh doanh là những thông tin có tính năng sử dụng thực tế, phải tạo ra sản phẩm về mặt vật chất là những sản phẩm hoặc dịch vụ là đối tượng trực tiếp trong quá trình sản xuất.
2. Vấn đề đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi tiếp cận đến việc đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh hiện nay. Thực tế, nếu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ hay bí mật kinh doanh nói riêng, có thể thấy rằng, một khái niệm như vậy chưa được quy định và giải thích cụ thể. Quy định duy nhất các doanh nghiệp có thể dựa vào là khoản 23 điều 4 của Luật SHTT 2005 nêu trên về định nghĩa của bí mật kinh doanh và từ khái niệm này có thể rút ra được một số vấn đề như sau:
Khác với nhãn hiệu, sáng chế, chỉ dẫn địa lý… bí mật kinh doanh không yêu cầu phải đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền. Cơ chế công nhận quyền sở hữu đối với bí mật kinh doanh là dựa trên việc sở hữu bí mật kinh doanh đó một cách hợp pháp và có hành vi thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó (Điểm c, khoản 3 điều 6 Luật SHTT 2005). Có thể hiểu rằng, một mặt, do tính chất của khái niệm bí mật kinh doanh là cần được giữ “bí mật”, nên việc không đăng ký, công bố công khai thông tin của phạm trù này là có thể hiểu được, mặt khác sẽ làm các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc bảo vệ bí mật của mình.
Để được mặc nhiên bảo hộ bởi quy định của pháp luật, bí mật kinh doanh còn phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 84 Luật SHTT 2005 như sau:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Bên cạnh đó, bí mật kinh doanh không được rơi vào các trường hợp không bảo hộ tại điều 85 Luật SHTT 2005:
- Bí mật về nhân thân;
- Bí mật về quản lý nhà nước;
- Bí mật về quốc phòng, an ninh;
- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
Ngoài phương pháp bảo hộ bí mật kinh doanh như trên, các doanh nghiệp có thể cân nhắc trong việc chủ động đăng ký bảo hộ loại tài sản đặc biệt này dưới hình thức đăng ký bảo hộ sáng chế theo quy định của Luật SHTT. Hiện nay thời hạn bảo hộ đối với sáng chế là 20 năm và nếu hết khoản thời gian này thì bí mật kinh doanh, dưới danh nghĩa là sáng chế sẽ được công bố công khai. Do đó, hạn chế của cách làm này là sau khoản thời hạn trên, doanh nghiệp không thể nắm được lợi thế kinh doanh, cạnh tranh của mình trên thị trường nữa.
Vậy, hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh sẽ được xử lý như thế nào?
Điều 127 Luật SHTT 2005 có quy định về các trường hợp bị xem là xâm phạm đến bí mật kinh doanh. Nhìn chung, các trường hợp này đều mang đặc điểm chung là chủ thể thực hiện việc công bố, sử dụng, tiếp cận, thu thập thông tin một cách trái phép, không có quyền đối với những hành vi này…
Bộ luật SHTT hiện hành cũng đã đặt ra một số chế tài thường thấy để xử lý đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, do đó bao gồm hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh nói riêng, đó là cảnh cáo và phạt tiền, cũng như một số quyền, biện pháp ngăn chặn liên quan của chủ sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, biện pháp này có mang lại tác dụng răn đe cho hành vi vi phạm hay không, có đảm bảo chấm dứt được thực trạng này không… vẫn còn là một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu Luật học đang xem xét và rà soát lại.
Thực tế cho thấy, các đối tượng vi phạm sẵn sàng xâm phạm đến bí mật kinh doanh, vì giá trị mà loại tài sản này mang lại rõ ràng là rất lớn, có thể thay đổi cục diện cạnh tranh trên thương trường trong một thời gian rất nhanh. Do vậy, cách tốt nhất thực tế vẫn là việc doanh nghiệp đầu tiên nên tự trang bị cho chính mình những phương thức bảo mật công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ số đang chiếm tỷ trọng lớn trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh sản xuất.
3. Ý nghĩa của việc bảo hộ quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh
+ Bảo hộ bí mật kinh doanh có ý nghĩa tiên phong trong việc chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường
Luật Cạnh tranh năm 2004 và thời gian gần đây đã được thay thế bằng Luật Cạnh tranh năm 2018, với Bộ luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 cùng có quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Về mặt bản chất, hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh có mối quan hệ tương quan nhất định với nhau.
Đây chính là 2 phương thức tố tụng cụ thể mà tùy từng trường hợp xâm phạm nói trên, mức độ gây thiệt hại cụ thể mà người bị thiệt hại có thể lựa chọn một trong hai để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách có hiệu quả nhất. Do đó, những quy định về việc bảo hộ bí mật kinh doanh nếu có thể được cải thiện hơn nữa sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể có thêm nhiều công cụ bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của chính mình, cũng như an tâm hơn trên thị trường hiện nay, nơi nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một mối đe dọa luôn hiện hữu.
+ Ý nghĩa thực tiễn
Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với bí mật kinh doanh là một cơ chế thể hiện mạnh mẽ ý chí, mong muốn của nhà nước, cũng như của tất cả các doanh nghiệp trong thực tiễn thực hiện, thi hành những quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, cũng như đối với bí mật kinh doanh nói riêng. Sự bảo hộ đối với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới hình thức bảo hộ bí mật kinh doanh thể hiện tính ưu việt hơn so với hình thức bảo hộ sáng chế. Lựa chọn cơ chế bảo hộ bí mật kinh doanh với những ưu điểm về việc bảo hộ tự động, chi phí ít tốn kém trong việc xác lập và kiểm soát quyền đã giải quyết được các vướng mắc về vốn và khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về việc bảo hộ những tài sản trí tuệ của mình. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn luôn ưa chuộng và ưu tiên đối với cơ chế bảo vệ bí mật kinh doanh hơn.
+ Thúc đẩy, tạo động lực cho những hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật
Đối với những cơ sở lý luận của phạm trù bí mật kinh doanh, ngoài việc được chủ sở hữu bảo vệ, bên cạnh đó còn được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước bằng công cụ pháp lý thì các chủ sở hữu sẽ yên tâm hơn, từ đó họ ra sức tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo để có những bí quyết mới, có tính ưu việt hơn, mang lại lợi ích lớn hơn trong kinh doanh mà không sợ thành quả của mình bị tước đoạt, xâm phạm từ những hành vi trái pháp luật của các chủ thể khác trên thị trường. Đối với sự phát triển xã hội nói chung, việc nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật nói trên của các chủ thể còn có ý nghĩa trong việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của nhân loại. Một mặt, quá trình này vừa mang lại những kết quả mang tính rất tích cực cho hoạt động đầu tư kinh doanh của chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mặt khác, người tiêu dùng, khách hàng trên thị trường nói chung cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển mạnh của những công trình, hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.
+ Bảo vệ bí mật kinh doanh cũng là bảo vệ thành quả lao động, một loại quyền dân sự cơ bản của công dân
Về mặt bản chất, trước tiên, quyền đối với bí mật kinh doanh là một dạng quyền sở hữu và một trong những cơ sở để tạo ra được quyền sở hữu chính là quá trình lao động của con người. Đây chính là một loại quyền dân sự rất cơ bản của con người. Bí mật kinh doanh cũng là một loại tài sản trí tuệ do sáng tạo hoặc đầu tư công sức mà có được, việc bảo hộ quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh cũng là bảo vệ quyền dân sự cơ bản của con người.
4. Bình luận về thực trạng và một số kiến nghị đối với quy định về bí mật kinh doanh
+ Do có quá nhiều bộ phận quản lý nên cho đến nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp về bí mật kinh doanh
Đây là một thực trạng có thể thấy chung đối với các loại tài sản sở hữu công nghiệp nói chung, không chỉ riêng đối với bí mật kinh doanh, như đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý… Trong bối cảnh sản xuất – kinh doanh, nghiên cứu sáng tạo như hiện nay, thiết nghĩ một nhu cầu về một văn bản riêng điều chỉnh về từng chế định cụ thể trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung nhằm thống nhất tất cả các quy định nằm rải rác khắp các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thực sự là một nhu cầu không thể thiếu, đặc biệt là đối với thực trạng xử lý và giải quyết những vụ việc xâm phạm đến bí mật kinh doanh.
+ Vấn đề bảo hộ bí mật kinh doanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam và thường mới chỉ được coi trọng ở các công ty lớn
Đối với một số công ty lớn, việc bảo vệ bí mật kinh doanh của mình là một hoạt động mang tính sống còn đối với sản phẩm, hoạt động kinh doanh của chính họ. Ví dụ, trường hợp của doanh nghiệp Công ty Rượu và Nước giải khát Anh Đào. Ông Vũ Mạnh Hào – Giám đốc điều hành Công ty cho biết, để giữ bí quyết kinh doanh, ông thiết kế hẳn một quy trình bảo mật và chia thành nhiều phần. Trong quy trình công nghệ, ông Hào cắt ra một công đoạn quan trọng nhất và chỉ một mình ông nắm giữ công thức.
Công thức chế biến cà phê Trung Nguyên cũng được bảo vệ khá kỹ. Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, từng công đoạn, từ hương liệu, nhiệt độ cho tới khâu tẩm ướp nguyên liệu được giao cho nhiều người nắm giữ. Ban đầu, vị giám đốc này chịu trách nhiệm quản lý công đoạn quan trọng nhất trong 7 bước chế biến, song công việc ngày càng bận rộn, ông phải lựa chọn người có uy tín để chuyển giao.
Tuy nhiên, những hoạt động thực tế nói trên chỉ được ưu tiên và đầu tư nghiên cứu, thực hiện bởi những doanh nghiệp, công ty lớn, có sự ảnh hưởng và tầm quan trọng đối với nhu cầu của người tiêu dùng. Ở một khía cạnh khác, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang và có xu hướng tiếp tục xem nhẹ việc bảo hộ bí mật kinh doanh này. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa thể lường trước hết được các tình huống có thể xảy ra trên thực tế, dù xuất phát từ nguyên nhân cho rằng họ chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, lẻ.
Các vụ gián điệp kinh tế, mua chuộc nhân viên, phân tích ngược… vẫn diễn ra hằng năm với số lượng khá phổ biến, khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng trong cách thức giải quyết. Điển hình như vụ Công ty CP Thực phẩm Tân Tân bị đối thủ cạnh tranh thiết kế ngược sản phẩm và tạo sản phẩm tương tự cùng những bổ sung cũng như việc PR hiệu quả hơn khiến Công ty Tân Tân mất hẳn thị phần trên sản phẩm này.
+ Các chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh cũng chưa thực sự nghiêm khắc
Điều này một phần là do hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh khi ít ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng và toàn xã hội mà chỉ ảnh hưởng tới chủ sở hữu nó. Do vậy, hiện nay theo những biện pháp chế tài được quy định tại Luật SHTT, đó chủ yếu là biện pháp dân sự và hành chính. Tuy vậy, nếu xem xét và làm một phép so sánh giữa trị giá bồi thường theo chế tài mà các chủ thể vi phạm phải thực thi và ngược lại, những lợi ích khổng lồ mà hành vi xâm phạm đến bí mật kinh doanh mang lại cho những đối tượng này, có thể hiểu được tại sao họ vẫn sẵn sàng xâm phạm bí mật kinh doanh, mặc dù có thể đều đã nắm rất rõ những quy định của Luật này.
5. Một số kiến nghị đối với quy định về bảo hộ bí mật kinh doanh
+ Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh, nên được bổ sung phần thiệt hại đối với tinh thần
Nếu nhìn vào một vụ việc tương tự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, và cụ thể ở đây, bài viết muốn nhắc đến một vụ kiện kéo dài hơn 10 năm tranh chấp của tác giả Lê Phong Linh đối với bản quyền hình ảnh của nhân vật truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, chúng ta thấy một thực tiễn là các chế tài để bảo vệ thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện nay chủ yếu chỉ xoay quanh về bồi thường đối với vật chất.
Cụ thể, Hội đồng xét xử của phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 3/9/2019 đã đưa ra phán quyết cuối cùng, công nhận quyền tác giả của các nhân vật trong truyện tranh là thuộc quyền sở hữu của ông Lê Linh, bị đơn là Công ty Phan Thị buộc phải thanh toán 15 triệu đồng chi phí luật sư cho Lê Linh, buộc xin lỗi công khai ông Lê Linh trên 3 kỳ báo liên tiếp của 2 tờ báo.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại xuyên suốt gần 13 năm theo đuổi vụ kiện của mình, ông Linh rõ ràng đã tốn rất nhiều thứ khác hơn là chi phí luật sư, như: thời gian, sức khỏe, khả năng tiếp tục sáng tác truyện tranh… nhưng theo quy định hiện hành thì không có căn cứ để giải quyết thỏa đáng cho ông.
Tương tự, nếu một vụ tranh chấp về quyền sở hữu bí mật kinh doanh xảy ra, thấy một phần nào các vụ kiện này cũng sẽ tiêu tốn của doanh nghiệp, cá nhân một khoảng thời gian, sức khỏe, tinh thần rất nhiều, nhưng cũng như ông Linh, cơ chế để đền bù lại những khoản mất mát này là chưa thực sự rõ ràng.
+ Chủ thể sở hữu bí mật kinh doanh phải có các biện pháp, chiến lược quản lý và bảo hộ bí mật kinh doanh thích hợp để không rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào việc bảo hộ theo pháp luật theo thực trạng hiện nay. Do vậy, nếu pháp luật muốn có được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa đối với các chủ thể nêu trên, những chế tài xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh cần được mở rộng hơn về phạm vi, cũng như mức độ áp dụng
Cụ thể, theo quy định hiện hành, nếu chỉ có các biện pháp chế tài hành chính và dân sự thì còn chưa đủ hiệu quả để mang tính răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm này. Vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung thêm một số biện pháp hình sự đối với hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với chủ thể vi phạm là pháp nhân vẫn có thể nên được xem xét và xử lý.
+ Nên bỏ việc kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến bảo mật kinh doanh của cơ quan Hải quan
Thiết nghĩ, chỉ nên quy định kiểm soát đối với các trường hợp có căn cứ phù hợp, xác đáng, để nghi ngờ rằng việc nhập khẩu các hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa giả mạo hoặc vi phạm bản quyền như Hiệp định TRIPs quy định. Vì xét theo thực tế, nếu càng hạn chế việc tiếp cận đến những loại tài sản, hàng hóa mang trong nó bí mật kinh doanh, thì việc bảo vệ quyền sở hữu bí mật kinh doanh cho các doanh nghiệp sẽ càng được đảm bảo hơn, dù rằng chủ thể kiểm soát hàng hóa ở đây là bất cứ một cá nhân nào hoặc thậm chí là cơ quan Hải quan. Như vậy, quyền được tôn trọng đối với quyền sở hữu bí mật kinh doanh của chủ thể cần được xem xét ở góc độ tuyệt đối, nghĩa là ngoài chủ thể quyền sở hữu ra, không một ai khác được phép tiếp cận đến loại tài sản bí mật kinh doanh này.
6. Kết luận
Dù các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đặt ra các loại chế tài hành chính, hình sự… và áp dụng các biện pháp luật định để xử lý các hành vi vi phạm đến bí mật kinh doanh, song thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra vẫn rất đáng kể và chưa đảm bảo có thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn. Do đó, các chủ thể sở hữu bí mật kinh doanh phải có các biện pháp phù hợp, chiến lược quản lý hợp lý và việc bảo hộ bí mật kinh doanh tương xứng để không rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.
- Nghị định số 122/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
- Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam – Trương Thị Thanh Tuyết, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Một số phân tích về tình trạng xâm phạm và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, TS. Trần Văn Hải – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vietnam’s legal provisions on protecting trade secrets: Current situation and recommendations
Nguyen Le Thanh Minh
Industrial University of Ho Chi Minh City
Abstract:
This article analyzes Vietnam’s legal provisions on protecting trade secrets and proposes recommendations to improve the effectivemess of trade secrets proctection in Vietnam.
Keywords: Trade secrets protection, current situation of breaching trade secrets, legal provisions on protecting trade secrets.