Phật giáo và văn hóa Việt Nam truyền thống

Hơn 2500 năm trước, với những triết lý nhân sinh chứa đựng tinh thần khoan dung của người sáng lập là Ðức Phật (Sakya Muni – Thích Ca Mâu Ni), đạo Phật đã từ Ấn Ðộ nhanh chóng lan truyền đến nhiều nước châu Á, tới các châu lục khác, dần dần trở thành một trong các tôn giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Với Việt Nam, ngay từ đầu thiên niên kỷ I, người Việt Nam ở Giao Châu đã tiếp xúc với Phật giáo, theo hai con đường, hoặc từ Ấn Ðộ sang, hoặc từ Trung Quốc xuống.

Trong các thế kỷ tiếp theo, Phật giáo phát triển rất mạnh mẽ, có uy tín cao trong đời sống tinh thần của xã hội, có thời kỳ đã trở thành Quốc đạo. Không ngẫu nhiên, sau ngày Vua Ðinh Tiên Hoàng định đô ở Hoa Lư, Khuông Việt Ðại sư (Ngô Chân Lưu) từng giữ vai trò là cố vấn của nhà Vua.

Ở thời lập nước, nhiều thiền sư Việt Nam đã có công sức góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc, mở mang dân trí, giúp nhà nước quân chủ mới ra đời tạo lập sự ổn định đất nước sau hàng nghìn năm chịu ách đô hộ của nước ngoài.

Cho đến ngày nay, lịch sử dân tộc vẫn còn ghi lại tên tuổi của nhiều tăng sĩ Phật giáo nổi tiếng từ Pháp Thuận, Mãn Giác, Không Lộ, Viên Chiếu… đến Thảo Ðường, Tuệ Trung,… đặc biệt là vai trò sáng lập Thiền phái Trúc Lâm của vị minh quân Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa và Huyền Quang (Trúc Lâm Tam Tổ). Với các con người nổi tiếng này, họ là các nhà tu hành có nhân cách lớn, có tư cách trí thức và tầm vóc trí tuệ, đã có đóng góp đối với sự phát triển đất nước, vì thế họ đã nhận được sự kính trọng của nhân dân trong nhiều thế hệ.

Qua gần 2000 năm, đạo Phật từng bước hóa thân, hòa nhập vào đời sống tinh thần của người Việt Nam, trở thành nguồn gốc của một số giá trị văn hóa, thông qua việc cải biến nội dung giáo lý, niềm tin tín ngưỡng, hình thức tổ chức.

Ðể có được điều ấy, trước hết phải nói rằng, ngoài việc tự cải biến để thích nghi với bản sắc của văn hóa Việt Nam, đối với cuộc sống xã hội – con người ở các thế kỷ trước, nguyên lý từ bi của đạo Phật, lấy bình yên làm cứu cánh, luôn luôn mở rộng cửa đối với mọi tầng lớp xã hội, truyền bá với thái độ dung dị, cởi mở đã tác động đến tâm thức con người; khuyến khích họ suy nghĩ, hành động theo các chuẩn mực đạo đức có tư cách tín điều, để hướng tới một Niết bàn (dù hư ảo) song cũng là nơi mà tinh thần có thể được giải thoát khỏi những khổ nạn trần ai trong xã hội có mâu thuẫn giai cấp gay gắt. Giàu tình thương yêu và yêu chuộng hòa bình, mang dấu ấn của tinh thần nhân văn và bác ái, lại luôn răn dạy con người làm việc thiện và xa lánh điều ác… nên đạo Phật dễ cộng sinh với số đông dân chúng, vừa như là sự an ủi, vừa như là niềm tin thế tục của tín đồ.

Du nhập vào Việt Nam, sau hàng nghìn năm, Phật giáo đã vừa đồng hành, vừa góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Hòa nhập vào với đời sống xã hội, Phật giáo không chỉ là lời răn dạy mà còn là sự thực hành. Khát vọng về một cuộc sống an bằng, bình ổn, phản đối chiến tranh… đã làm cho Phật giáo trở nên gần gũi với dân chúng, nhiều tín điều Phật giáo đi vào đời sống xã hội Việt Nam truyền thống, gắn kết với văn hóa dân tộc để trở thành một số tiêu chí đạo đức mà mọi người đều muốn hướng tới.

Cho đến nay, nhiều bài học đạo đức thường vẫn được truyền dạy trong gia đình, trong xã hội chúng ta là có nguồn gốc từ quan niệm của Phật giáo hoặc theo tinh thần Phật giáo, như: “Ở hiền gặp lành”, “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, “Ác giả ác báo”, “Tu nhân tích đức”, “Nhân nào quả nấy”, “Dù xây chín bậc phù đồ – Không bằng làm phúc cứu cho một người”, “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”…

Xưa kia, nếu các trung tâm Phật giáo lớn như Luy Lâu, Hoa Lư đồng thời là các trung tâm văn hóa, thì hệ thống các chùa làng đã trở thành tụ điểm văn hóa của nhiều làng xã Việt Nam. Ðó là nơi dân chúng ngoài việc hành lễ, còn có thể đến để học hỏi kinh nghiệm canh tác, được nhà sư chữa bệnh, dạy học chữ, thậm chí còn là nơi gửi gắm tâm sự riêng tư.

“Chùa làng, phong cảnh Phật” thật sự đã trở thành nét đẹp văn hóa của làng xã, là nơi neo giữ tấm lòng, là nơi dù đi đâu về đâu thì mọi người Việt Nam đều khó lòng quên lãng. Và có thể nói, các kiến trúc Phật giáo, trong đó nổi bật là những ngôi chùa lớn nhỏ, các pho tượng Phật đa dạng và sinh động… đã không những là biểu tượng của Phật giáo, mà còn là kết tinh của sự tài hoa cùng khả năng sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam. Bởi thế, các địa chỉ Phật giáo như chùa Dâu, chùa Một Cột, chùa Mía, chùa Cổ Lễ, chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê, tháp Phổ Minh, tháp Bình Sơn… vừa là các di tích lịch sử vừa là niềm tự hào của văn hóa Việt Nam.

Có một điểm đặc biệt là ở các thời kỳ đất nước đứng trước họa ngoại xâm, như ở các thế kỷ đầu của thiên niên kỷ II và ở đầu thế kỷ 20, phần lớn tăng ni, Phật tử đã phát huy tinh thần yêu nước, thương nòi, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đã đi cùng các phong trào yêu nước từ Cần Vương, Duy Tân, Ðông Du đến các cuộc khởi nghĩa của Trương Ðịnh, Thủ Khoa Huân…

Và từ ngày phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong đội ngũ của cách mạng đã có nhiều tăng ni, Phật tử sát cánh cùng toàn dân đấu tranh vì độc lập dân tộc, đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; và câu chuyện về một số nhà sư thay bộ cà sa bằng bộ quân phục của người chiến sĩ cách mạng đã được nhân dân ca ngợi như là sự thể hiện tinh thần hy sinh của tăng ni, Phật tử khi vận mệnh đất nước bị đe dọa. Từ năm 1981, với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo ở Việt Nam đã hình thành một tổ chức thống nhất, tiếp tục là thành phần của khối đoàn kết toàn dân, cùng phấn đấu “phụng sự đạo pháp, phục vụ Tổ quốc” với phương châm “đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội”.

Mấy chục năm qua, từ quan điểm coi tín ngưỡng – tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân, với quan niệm nghiêm túc về tự do tôn giáo, với chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước, trực tiếp là sự quan tâm của chính quyền các cấp,… cùng với các tôn giáo khác, Phật giáo đã được tạo điều kiện để hoạt động ngày càng hiệu quả. Vì thế, trên mọi miền đất nước, các ngôi chùa đã được tôn tạo, nhiều ngôi chùa, nhiều trung tâm đào tạo tăng sĩ được xây dựng mới, một số ngày lễ của Phật giáo trở thành ngày hội văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Trên thực tế, các chức sắc Phật giáo cùng tăng ni, Phật tử đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của xã hội, làm cho vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới, do vậy Việt Nam đã được chọn làm địa điểm tổ chức Ðại lễ Phật Ðản Vesak 2008 – “ngày lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới” của Liên hợp quốc, với hơn 3.500 đại biểu của 80 nước và vùng lãnh thổ đến dự.

Ðến nay, Phật giáo vẫn là tôn giáo gần gũi với tâm lý, với nhu cầu tinh thần của nhiều người Việt Nam. Từ tính chất nhân văn của giáo lý, qua việc khuyến khích con người sống và hành động theo điều thiện, cổ vũ con người xa lánh và ngăn chặn cái ác, biết dừng lại trước “tham – sân – si”, không để bị mê hoặc bởi các tham vọng thái quá,… Phật giáo thu hút sự tham gia của một bộ phận công chúng và nhiều giáo lý nhà Phật có ý nghĩa trong xây dựng đạo đức con người, làm cho đời sống tinh thần của xã hội ngày càng thêm lành mạnh.

Trong bối cảnh phức tạp của thế giới, trước những thành tựu của sự nghiệp đổi mới chúng ta đã đạt được, một số thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề tín ngưỡng – tôn giáo để phá hoại sự ổn định xã hội, phá hoại sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, trong vấn đề tôn giáo là một trọng điểm chúng tập trung khai thác. Chính lúc này, sự phát triển bền vững của đất nước đang đòi hỏi đồng bào theo các tôn giáo nói chung, tăng ni, Phật tử nói riêng cần giữ gìn sự trong sáng của niềm tin tâm linh, tỉnh táo trước các âm mưu thâm độc và xảo quyệt của các thế lực thù địch, hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðồng hành cùng dân tộc, giữ vững vai trò là thành viên của khối đoàn kết dân tộc, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tham gia giữ gìn trật tự an ninh, vì quốc thái dân an… là tâm nguyện mà đa số tăng ni, Phật tử Việt Nam đã và đang theo đuổi, đó cũng là phương cách hiệu quả nhất để Phật giáo tham gia tích cực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.