Phát hành cuốn sách “Đường lối văn hóa của Đảng trong chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam”
Trên cơ sở những nội dung tổng hợp tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và phát triển văn hóa, khái lược quá trình Đảng lãnh đạo phát triển văn hóa trong chiều dài cách mạng Việt Nam, các bài nghiên cứu của các chuyên gia, những định hướng phát triển văn hóa của một số bộ, ngành, địa phương, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo đó, những bài viết trong cuốn sách thể hiện chủ trương, trí tuệ của Ðảng, các tầng lớp trí thức, các nhà quản lý trong tổng kết việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ðảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung gồm các văn bản chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối văn hóa trong bối cảnh mới; toàn văn bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, tháng 11/2021. Cùng với các bài viết lý luận về xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới và việc tổ chức thực hiện ở một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương…
Cuốn sách gồm 3 phần, tập trung vào những nội dung, chủ đề chính: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý, cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù; xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Ðảng, trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội; phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Cuốn sách mang tới bạn đọc những quan điểm và tri thức về sự nghiệp phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Sách gồm 715 trang khổ 16X24cm, do nhóm tác giả Lê Mậu Lâm, Ngô Vương Anh (Báo Nhân Dân), Nguyễn Băng Nhi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) biên soạn.
Đường lối văn hóa là vấn đề rộng, có mối quan hệ mật thiết với các lĩnh vực của đời sống xã hội, diễn tiến sinh động cùng sự phát triển của đất nước, luôn cần sự nghiên cứu, đúc kết để bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nhận định, giải pháp, kiến nghị nêu trong cuốn sách có giá trị tham khảo tốt, nhưng vẫn cần tiếp tục được trao đổi, nghiên cứu thêm. Để góp phần vào sự nghiệp chung, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, tiếp tục tiếp thu, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tiến bộ phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.