Phát huy di sản văn hóa dân gian

Văn hóa dân gian là những giá trị vật chất và tinh thần do dân gian sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời kỳ hiện đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc.

 

Dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

 

Đây cũng là vấn đề chính được thảo luận trong Hội thảo: “Phát huy di sản văn hóa dân gian, thực trạng và nhu cầu phát triển”, diễn ra ngày 22/11, tại Hà Nội, nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay. Các tham luận đã trình bày nhiều ý kiến, quan điểm đánh giá về thực trạng và giải pháp để phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân gian hiện nay.

 

Bảo tồn không tốt sẽ gây mất mát

Trải qua hàng nghìn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ với ca dao, hò vè; tín ngưỡng dân gian, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian (múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm…), các nghề thủ công truyền thống như gốm Bát Tràng, thêu Quất Động… Tuy nhiên, thực tế trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đôi khi đã có những bước đi quá đà, rồi do chưa đủ cơ sở lý luận, nên dẫn đến nhiều hậu quả như làm xấu, làm ẩu, pha trộn cổ kim dẫn đến tình trạng “bình cũ rượu mới”, đôi khi là kệch cỡm.

Cụ thể như việc tổ chức lễ hội là hình thức bảo tồn các nghi thức dân gian, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong khâu tổ chức, sự can thiệp quá nhiều của chính nhà quản lý, làm mất sự cân đối trong tính dân gian của các lễ hội. Bên cạnh đó là tệ nạn buôn thần bán thánh, thương mại hóa ở các khu di tích. Với các làng nghề truyền thống, việc đưa công nghệ, máy móc hiện đại vào thay cho cách làm thủ công sẽ nâng cao thu nhập và đời sống cho mỗi làng nghề, nhưng mặt khác lại làm ô nhiễm làng nghề với các loại chất thải, đồng thời làm mất đi cảnh quan đặc trưng của làng nghề thuần Việt.

“Trong hiện tượng “biến dạng” các di sản, thậm chí một số di sản còn mất đi, ví dụ như các trò chơi dân gian. Chúng ta không còn thấy các em nhỏ vui chơi các trò chơi dân gian như: đánh chuyền, đánh chắt, đánh khăng, chơi ô ăn quan, đánh đáo, nhảy dây, bịt mắt bắt dê… trong giờ ra chơi ở trường hay ở gia đình. Thay vào những bộ tam cúc là tú lơ khơ, thay vào các kiểu đèn Trung thu là những con quay đèn xanh đèn đỏ mà không cần phải thắp nến hay đốt cháy hạt bưởi… Không chỉ các em mà nhiều người lớn cũng không còn nắm được luật chơi của các trò chơi dân gian để chỉ dạy cho các em”, nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết.

 

Xổ số miền Bắc