Phát huy giá trị, bảo tồn toàn vẹn Khu phố cổ Hội An
Phát triển dựa trên bản sắc văn hóa địa phương
Giám đốc Trung tâm Quản lý, Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết, bảo vệ và phát huy Khu phố cổ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể mà còn của cả cộng đồng, doanh nghiệp. Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chủ trương của các cấp chính quyền về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa đều dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa địa phương mà Khu phố cổ là hạt nhân. Do đó, việc bảo vệ và phát huy Khu phố cổ được lồng ghép, mở rộng qua nhiều đề án, dự án, quy hoạch… như: Đề án xây dựng TP Hội An sinh thái – văn hóa – du lịch, Đề án Hội An nhân tình thuần hậu, Quy hoạch kiến trúc đô thị Hội An… nhằm tạo điều kiện, động lực cho cộng đồng và doanh nghiệp, những người yêu mến di sản tham gia bảo tồn và phát huy di sản.
Giám đốc Trung tâm Quản lý, Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc chia sẻ tại Hội thảo Văn hóa 2022. Ảnh: Lâm Hiển
Về chính sách phát triển du lịch trên nền tảng di sản văn hóa, hạt nhân là Khu phố cổ đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Hiện nay, nhóm ngành dịch vụ – thương mại chiếm khoảng 70% tỉ trọng trong nền kinh tế tạo nguồn thu gân sách để không chỉ tái đầu tư cho bảo tồn Khu phố cổ mà còn phát triển các mặt kinh tế – văn hóa – xã hội của thành phố. Sự phát triển của nhóm ngành này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ về nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch khác… trên địa bàn thành phố.
Tại Khu phố cổ, hầu hết người dân đều tham gia các ngành nghề gắn với dịch vụ du lịch. Sự phát triển của du lịch còn làm cho giá trị của mỗi ngôi nhà tăng lên. Việc sinh lời có thể qua hình thức tự kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh phục vụ du lịch.
Chính sách này tác động rất tích cực không chỉ cho sự phát triển của thành phố mà còn đại bộ phận nhân dân và doanh nghiệp còn được hưởng lợi; tạo sự gắn bó, trách nhiệm của những thành phần hưởng lợi từ di sản chung tay bảo vệ di sản…
Xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn
Song song với công tác tuyên truyền, Hội An chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Gắn với giá trị vật thể của mỗi di tích là những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú. Trong đó, các hoạt động lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian được cộng đồng, tộc họ và từng gia đình nuôi dưỡng, duy trì khá tốt tại không gian các di tích.
Ông Phạm Phú Ngọc dẫn chứng, gần như xuyên suốt quanh năm, Hội An đều có các lễ hội truyền thống, nổi bật là Tết nguyên tiêu tại di tích chùa Ông, các hội quán và di tích tín ngưỡng cộng đồng diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Giêng thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tham gia.
Ngoài ra, hoạt động dựng cây nêu ngày Tết ở Hội An là một trong những hoạt động hiệu quả nhằm phục hồi giá trị di sản văn hóa phi vật thể bị mai một. Hơn 10 năm qua, hoạt động này từ mục tiêu phục hồi nay đã trở thành hoạt động thường xuyên, thu hút trung bình hàng năm khoảng 30 đơn vị tham gia với nhiều thành phần: di tích, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư tạo không khí ngày tết và là sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An.
Việc phục hồi các di sản có nguy cơ mai một cũng được quan tâm mà thành công nhất là nghệ thuật hô hát bài chòi. Từ nguy cơ thất truyền, nghệ thuật này nay đã được hồi sinh, đi vào công chúng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách hằng đêm tại Khu phố cổ.
Khai thác du lịch bền vững tại Khu phố cổ Hội An. Ảnh: Đ.H
Cùng với quần thể Di sản văn hóa kiến trúc Khu phố cổ Hội An, hàng loạt sản phẩm du lịch độc đáo như: “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ xe máy”, các khu chợ đêm, dịch vụ ghe bơi trên sông được xây dựng khẳng định thương hiệu. Nhiều sự kiện văn hóa quốc gia và quốc tế cũng được tổ chức như: Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế; các sự kiện quốc gia và quốc tế như các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất; hội nghị APEC; nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc…, trong đó sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” đã bước sang năm thứ 18…
Để nghệ nhân yên tâm sống bằng nghề
Ông Phạm Phú Ngọc cho rằng, những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, khách du lịch trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong Khu phố cổ và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ – du lịch gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi, chen lấn, trưng bày hàng hóa lộn xộn, phản cảm…; các tệ nạn xã hội, các vấn đề về trật tự – an ninh, an toàn xã hội phát sinh nóng hàng ngày làm ảnh hưởng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình, tộc họ, ảnh hưởng đến đạo đức lối sống nhân tình – thuần hậu của con người Hội An xưa.
Hội An còn ở vào tình trạng thiếu hoặc không có các loại vật liệu truyền thống cho tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; thiếu hoặc không còn các nghệ nhân/tay nghề truyền thống cho công tác tu bổ di tích, “truyền nhân” cho hoạt động diễn xướng dân gian… Sự thay đổi chủ sở hữu trong các di tích, ngôi nhà cổ Hội An làm biến đổi chức năng cấu trúc, không gian, các giá trị phi vật thể gắn với chủ di tích trong các di tích này ảnh hưởng đến sự bảo tồn toàn vẹn chung của Khu phố cổ.
Với những bất cập trên đây, ông Phạm Phú Ngọc cho biết, Hội An đang cần những cơ chế, định hướng đầu tư xứng tầm các thiết chế văn hóa như: Bảo tàng, khu vui chơi giải trí, điểm sinh hoạt văn hóa, hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông. Theo NĐ 109/2017/NĐ-CP, ngày 21.9.2017 của Chính phủ (Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam), hiện nay UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch quản lý và ban hành Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Hội An nhưng nguồn lực triển khai là rất lớn nên cần có kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam.
Nghiên cứu mô hình đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam (di sản thế giới) để có thể áp dụng cho Hội An với các cơ chế, chính sách thí điểm, riêng biệt tiến tới quản lý đô thị di sản thông minh. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ; cơ chế ưu đãi đối với cán bộ chuyên ngành bảo tồn Di sản văn hóa, văn hóa – nghệ thuật để anh chị em có thể yên tâm sống bằng chính nghề của mình và các nghệ nhân/thợ chuyên môn để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và tu bổ di tích ở Hội An và địa bàn tỉnh Quảng Nam.