Phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa vùng đất Hóc Môn trong phát triển du lịch

Đại biểu Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển huyện Hóc Môn: “Vành đai đỏ” những năm đấu tranh cách mạng; “Vành đai xanh” của những năm hòa bình, phát triển và “Đô thị sinh thái” trong thời gian tới, để xứng đáng với lịch sử vùng đất truyền thống cách mạng Hóc Môn mà thế hệ cha ông để lại.

Chiều 15-12, Tổ đại biểu 30, 31, HĐND TPHCM gồm các đại biểu: Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn; Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban Đô thị, HĐND TPHCM; Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM; Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách; Đặng Trần Trúc Dao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn; đã có buổi giám sát tại UBND huyện Hóc Môn về phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa và di tích lịch sử cách mạng trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hóc Môn. Tham gia buổi giám sát có đại diện các sở ngành TP, các phòng ban chức năng huyện Hóc Môn.

Theo UBND huyện Hóc Môn, trên địa bàn hiện có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó 2 di tích cấp quốc gia (Ngã Ba Giồng và Dinh Quận Hóc Môn – lưu giữ sự kiện Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày 23-11-1940) và 7 di tích cấp thành phố. Hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn được bảo quản, giữ gìn tốt, không có tình trạng bị xâm hại, lấn chiếm, cư ngụ bất hợp pháp trong di tích.

Phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa vùng đất Hóc Môn trong phát triển du lịch ảnh 1

Giới thiệu sắc phong đình Bình Nhan, xã Nhị Bình

Thời gian qua, huyện Hóc Môn phối hợp với Sở Du lịch TPHCM tổ chức chương trình du lịch “Hóc Môn – vùng đất lịch sử”, tham quan, học tập, tìm hiểu giá trị của Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã Ba Giồng, Công viên Cá Koi Rin Rin Park, chùa Hoằng Pháp và đình Bình Nhan. Tuy nhiên, tuyến du lịch trên chưa tạo điểm nhấn thu hút khách do thiếu sự kết nối giao thông đường thủy và đường bộ đến các điểm tham quan, hạ tầng lưu trú, các điểm tham quan, vui chơi, ẩm thực chưa bảo đảm yêu cầu phục vụ khách…

Tại buổi giám sát, đại diện các sở ngành TP kiến nghị UBND huyện cần tập trung các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, Sở TN-MT trong việc lập quy hoạch các bến thủy nội địa dọc sông Sài Gòn, chỉnh trang, mở rộng các tuyến đường kết nối di tích với các điểm tham quan, vui chơi, ẩm thực đặc sản của vùng Hóc Môn. Với các ngôi đình cổ cần thường xuyên bảo tồn, tu bổ và nâng cao giá trị di tích với việc bảo quản, khai thác tốt các bản sắc phong, hiện vật quý giới thiệu đến khách tham quan hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa và TPHCM hiện nay.

Phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa vùng đất Hóc Môn trong phát triển du lịch ảnh 2

Đại biểu Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn phát biểu tại buổi giám sát

Đại biểu Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển huyện Hóc Môn: “Vành đai đỏ” những năm đấu tranh cách mạng; “Vành đai xanh” của những năm hòa bình, phát triển và “Đô thị sinh thái” trong thời gian tới, để xứng đáng với lịch sử vùng đất truyền thống cách mạng Hóc Môn mà thế hệ cha ông để lại.

Để phát huy giá di sản với phát triển du lịch, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Khuyên đề nghị UBND huyện Hóc Môn cần phối hợp chặt chẽ với các sở ngành TP trong quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông thủy, hệ thống bến thủy nội địa với giao thông đường bộ kết nối với các di tích, điểm tham quan, khu vui chơi giải trí trên địa bàn; nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình, sản phẩm du lịch gắn với di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật; đánh giá đúng thực trạng di tích văn hóa, lịch sử, văn hóa dân gian, các làng nghề hiện nay còn những loại hình gì để bảo tồn, phát huy giá trị cho phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt là giá trị văn hóa, vùng đất con người Hóc Môn – Bà Điểm – 18 Thôn Vườn Trầu và đẩy mạnh tuyên truyền các sản phẩm văn hóa, hàng hóa, dịch vụ mang tính đặc sản của vùng đất Hóc Môn xưa và hiện nay.  

Phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa vùng đất Hóc Môn trong phát triển du lịch ảnh 3

Điểm tham quan Cánh đồng hoa xã Nhị Bình

Trước đó, các đại biểu tổ 30, 31 HĐND TPHCM đã khảo sát thực tế đình Bình Nhan, Cánh đồng hoa xã Nhị Bình, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP chùa Từ Quang, Miếu Bà mạch nước (xã Thới Tam Thôn), đình Tân Thới Nhì (thị trấn Hóc Môn) và chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp).