Phát huy giá trị không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM (ảnh), mở đầu cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về Chương trình hành động “Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Phát huy giá trị không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Ảnh 1

Hình thành các tiêu chí, chuẩn mực văn hóa con người TPHCM

* PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, mục tiêu mà chương trình hành động đặt ra về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là gì?

* Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: Đó là phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh qua cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và trong các tầng lớp nhân dân. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với truyền thống lịch sử văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TPHCM trong sự phát triển của vùng đất Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, hướng đến xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, trong đó, tất cả người dân TPHCM là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đảm bảo hài hòa sự phát triển giữa kinh tế và văn hóa – xã hội, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

* Chương trình hành động được xác định theo mấy giai đoạn, thưa đồng chí?

* Chương trình hành động thực hiện trong 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, trọng tâm là tiếp tục phát triển văn hóa – xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thành phố theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra. Hình thành các tiêu chí, chuẩn mực văn hóa con người TPHCM trên tất cả lĩnh vực.

Xây dựng tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; cung cấp kiến thức cơ bản, bồi dưỡng tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm tự hào là công dân trẻ của thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông, nhất là môn lịch sử và cho sinh viên thành phố.

Giai đoạn 2 từ năm 2025-2030, tập trung hoàn thành các công trình, chương trình trọng điểm như: Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM; Nhà thi đấu Phan Đình Phùng; quy hoạch, đầu tư Khu liên hợp Thể dục – Thể thao Rạch Chiếc. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.

Khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa

* Thưa đồng chí, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thời gian tới?

* Trọng tâm là đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, nhất là cổ động trực quan tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, trụ sở cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn, hưởng ứng xây dựng nếp sống tốt, hành động đẹp.

Xây dựng văn hóa, con người thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển, từng bước hình thành các chuẩn mực văn hóa con người TPHCM có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa: Năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.

Cùng với đó là đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát động các cuộc thi, tìm hiểu, hiến kế xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo các chủ đề, nội dung gắn với đặc điểm từng địa phương, đơn vị; tăng cường các hoạt động, phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương gắn với chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng phát triển thành phố.

Tổ chức phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật mang giá trị tư tưởng về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công cuộc xây dựng và phát triển thành phố; tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định mục đích, ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM.

Đại biểu tham quan triển lãm TPHCM - 47 năm cùng cả nước, vì cả nước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đại biểu tham quan triển lãm TPHCM – 47 năm cùng cả nước, vì cả nước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

* Như đồng chí đã đề cập, không gian văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa vật thể và phi vật thể, sẽ bao gồm những giá trị gì?

* Giá trị văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật bao gồm việc gắn với sự phát triển văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức văn học, nghệ thuật trong nhân dân, giáo dục đạo đức, nhân cách con người, đề cao các giá trị chân – thiện – mỹ, nhất là đề cao tính nhân văn, nghĩa tình của con người thành phố trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Duy trì Giải thưởng Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sự lan tỏa, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo Bác, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu trong mỗi người dân thành phố thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Về phát huy giá trị văn hóa vật thể, trọng tâm là các giá trị di tích lịch sử – văn hóa liên quan đến thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đa dạng và hiện đại hóa các hình thức trưng bày, triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoàn thành quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết không gian văn hóa Hồ Chí Minh, quy hoạch, đầu tư các công trình tượng đài, quảng trường, các thiết chế văn hóa, công viên văn hóa gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo ra một tổng thể các công trình kiến trúc đặc trưng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

* Đồng chí cho biết, trong nhiệm kỳ 2021-2025, TPHCM chủ trương đầu tư những công trình, thiết chế văn hóa nào?

* Trọng tâm là nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM; triển khai đề án “Bảo tàng trên không gian mạng về Hồ Chí Minh”, tích hợp chia sẻ tất cả các dữ liệu có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bối cảnh đất nước giai đoạn 1890-1975, giai đoạn 1975-2020 để người nước ngoài có thể tiếp cận, tìm hiểu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó là khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa như: nhà hát, quảng trường, các khu di tích, khu tưởng niệm, các trung tâm văn hóa, thể dục thể thao… 

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn từ nay đến năm 2025

Phối hợp Tỉnh ủy Nghệ An, Bảo tàng Hồ Chí Minh hoàn thành quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết không gian văn hóa vật thể và hoàn thành đầu tư các thiết chế văn hóa, một số công trình trọng tâm: Phát huy hiệu quả các di tích lịch sử – văn hóa gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cấp, đầu tư mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM; hoàn thành xây dựng Quảng trường Công viên văn hóa Hồ Chí Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm; hoàn thành chỉnh trang Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng tại huyện Hóc Môn, rạp xiếc và nhà biểu diễn đa năng Phú Thọ; xây dựng thư viện điện tử về cuộc đời và thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên không gian mạng, trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, trang tin điện tử của thành phố.

Chuẩn hóa, đa dạng hóa việc giáo dục đạo đức, văn hóa Việt Nam trong các trường học thông qua việc đưa nội dung “Việt Nam – Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX” vào nội dung giáo dục công dân, lịch sử, sinh hoạt thường xuyên trong năm.

Nguồn: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025).

HOÀI NAM/SGGP