Phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh mới
Biên phòng – Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS), mỗi dân tộc lại có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và phong phú. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm cho rằng, thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS chính là biện pháp nhằm khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hội nhập quốc tế.
Đồng bào dân tộc Thái khai thác văn hóa truyền thống phát triển kinh tế du lịch. Ảnh: Bích Nguyên
Nguy cơ mai một, lai căng
Trò chuyện với chúng tôi bên bếp lửa đêm đông, ông Ly Giờ Lúy, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thoăn thoắt đan mây tạo hình chiếc mâm truyền thống của người Hà Nhì. Ông bảo rằng, nhiều thế hệ người Hà Nhì đã cùng nhau giữ gìn nghề đan mâm mây truyền thống cho đến ngày hôm nay. Điều khiến ông suy ngẫm là thế hệ con cháu ông, không mấy ai còn tha thiết giữ nghề đan của cha ông. Vì thế, chiếc mâm truyền thống có nguy cơ biến mất trong mỗi nếp nhà người Hà Nhì, đồng nghĩa với một nét văn hóa truyền thống bao đời nay của người Hà Nhì sẽ có thể mất đi mãi mãi. Điều khiến ông Lúy suy nghĩ, trăn trở cũng là thực tế đang diễn ra ở các dân tộc khác.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS được thể hiện rõ trong các quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, XI về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là cơ sở quan trọng trong định hướng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS giai đoạn vừa qua.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Qua đó, đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng DTTS. Tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, hình thành tư tưởng, tình cảm, tinh thần trong đời sống tinh thần của các DTTS và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, vùng và đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của một số DTTS có nguy cơ bị mai một, thậm chí đã biến mất. Theo kết quả điều tra kinh tế – xã hội mới nhất về 53 DTTS, có tới 17 DTTS có tỷ lệ người biết đọc, biết viết chữ dân tộc dưới 10%. Cá biệt, có 2 dân tộc có tỷ lệ này chưa tới 1% gồm Co và Lự. Kết quả điều tra cũng cho thấy, chỉ có 5,5% người DTTS biết sử dụng nhạc cụ truyền thống. Thậm chí, một số dân tộc chỉ còn dưới 10 người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như Chứt, Si La, Ngái. Về điệu múa, chỉ còn 13% người DTTS biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình… Tỉ lệ người biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình cũng rất thấp (13,6%)…
Đề cập về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các DTTS ở nước ta đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, lai căng, mất dần bản sắc, đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Trước hết, đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Hơn nữa, quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ. Do đó, yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế.
Người Mông ở Hà Giang vẫn gìn giữ được nghề thêu may trang phục truyền thống. Ảnh: Bích Nguyên
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập thì vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS, miền núi cũng cần được đặt ra.
Cần đổi mới tư duy trong bảo tồn văn hóa
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, sự tác động và tính hiệu quả mang lại của các chính sách văn hóa hiện nay đối với dân tộc ở từng vùng cụ thể thì chưa thật tương xứng với tiềm năng và điều kiện thực tiễn ở địa phương. Do vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan hoạch định cần có những đánh giá đa chiều, dài hạn, khoa học và khách quan về những tác động của các chính sách, chương trình, đề án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội đối với sự biến đổi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần phải nghiên cứu, đánh giá những bất cập, hạn chế trong chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS để công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh, tiềm năng, lợi thế của đồng bào DTTS đóng góp cho sự phát triển của đất nước…
Trên cơ sở đánh giá những hạn chế, bất cập nêu trên, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS trong bối cảnh mới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm đề xuất, cần tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS; tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS, quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS. Đồng thời, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS.
Bích Nguyên