Phát huy tinh thần Xô viết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
(Baonghean.vn) – Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh, trong những năm qua, nông dân Hưng Nguyên tiếp tục khắc phục những điều kiện khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh với ý chí, khát vọng làm giàu cho gia đình, cho quê hương…
Chúng tôi về Hưng Nguyên vào ngày giữa mùa Thu nắng vàng, cờ Đảng, cờ Tổ quốc rợp đỏ trên nhiều tuyến đường. Tại Khu di tích Xô viết Nghệ Tĩnh, nơi tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh ngày 12/9/1930 ở Thái Lão, là những bó hoa thơm, những lễ vật được bày biện ngăn nắp. Người dân sống ở gần khu di tích cho biết: Ngoài những ngày Rằm, mồng Một hàng tháng, Tết Nguyên đán thì hàng năm vào mùa Thu này, nhiều người dân lại đến khu di tích dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ.
Nơi đây ghi dấu sự kiện cách đây 92 năm về trước, vào ngày 12/9/1930, hàng vạn nông dân giương cao cờ búa liềm, biểu ngữ tham gia biểu tình rầm rộ, đòi “miễn sưu”, “hoãn thuế”, “tăng tiền lương”, dành lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình. Cuộc biểu tình đã bị dìm trong máu, nhưng hào khí của nó vẫn còn vang vọng mãi, thôi thúc lớp lớp nông dân Hưng Nguyên bền gan vững chí đi theo Đảng thực hiện các cuộc cách mạng giành độc lập, tự do và hoà bình cho đất nước.
Trong chặng đường xây dựng và phát triển quê hương, nông dân Hưng Nguyên tiếp tục khắc phục những điều kiện khó khăn của thực tại để phát triển sản xuất, kinh doanh với ý chí, khát vọng làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư với các nhà màng, nhà lưới trồng rau, củ quả sạch và chăn nuôi lợn, gà theo hướng VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều cây, con giống mới được nông dân mạnh dạn đưa vào sản xuất gắn với áp dụng quy trình sản xuất mới. Điển hình hộ ông Lê Quốc Tân (xã Hưng Nghĩa) nuôi 130 con lợn nái và 300-500 con lợn thịt/lứa bằng tự động và xử lý chất thải bằng bioga và men vi sinh, doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Hay hộ ông Nguyễn Văn Kỳ (xã Hưng Yên Nam) chăn nuôi gà thịt, giống Dabaco theo hướng an toàn sinh học, quy mô khoảng 2.000-3.000 con/lứa. Hoặc hộ ông Tạ Quang Phượng (xã Hưng Lĩnh) nuôi dê thương phẩm bằng công nghệ cao (dê nghe nhạc) với quy mô dao động trong chuồng 250 – 350 con… Tại xã Hưng Yên Bắc, anh Nguyễn Văn Lý thành công với việc nuôi dúi thịt và dúi giống, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Trên địa bàn huyện cũng đã phát triển được một số mô hình nuôi gà đen ở Hưng Tân, Châu Nhân, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở xã Hưng Phúc; nuôi tôm càng xanh trong ao đất tại thị trấn; nuôi ếch, lươn, ba ba, ốc bươu đen trong ao đất hoặc bể xi măng ở thị trấn, xã Châu Nhân, Hưng Tân, Hưng Yên Nam; nuôi cá lồng trên sông Lam tại xã Hưng Thành; trồng rau thuỷ canh tại xã Hưng Phúc…
Hàng năm, toàn huyện có trên dưới 9.000 hộ nông dân đăng ký tham gia thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có trên 50% hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở.
Cùng với các mô hình mang tính điểm nhấn, theo chia sẻ của bà Bá Thị Dung – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, sản xuất nông nghiệp đại trà ở địa phương được nông dân tích cực chuyển đổi theo hướng sản xuất cái thị trường cần, chứ không sản xuất những cái mình có thông qua thay đổi cơ cấu giống và áp dụng phương thức canh tác đảm bảo vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn trong canh tác lúa nước, trong mỗi vụ sản xuất khoảng 3.500 ha thì có 75% được cơ cấu giống lúa thuần chất lượng cao, trong đó có khoảng 300 – 500 ha sản xuất theo cánh đồng lớn với giá trị kinh tế tăng lên 15-20% so với sản xuất đại trà; đồng thời áp dụng phương pháp canh tác cải tiến SRI, ICM nhằm giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu vào gắn xây dựng chất lượng, thương hiệu lúa gạo hàng hoá Hưng Nguyên. Trong chăn nuôi, ngoài lợn, gà theo hướng an toàn sinh học, nông dân Hưng Nguyên đưa giống bò sind, bò Zêbu, 3B có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, chiếm tỷ lệ 77% tổng đàn. Nông dân cũng mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng các cây trồng có giá trị hàng hoá như chanh không hạt, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, ổi, mít Thái….; chuyển một số diện tích trồng cây truyền thống ngô, khoai, lạc sang làm rau hàng hoá với diện tích tăng lên hàng năm.
Cùng với ý chí, khát vọng thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình, nông dân cùng với các tầng lớp nhân dân Hưng Nguyên còn thể hiện rõ trách nhiệm chung sức xây dựng quê hương. Minh chứng rõ nhất, họ trở thành vai trò chủ thể quan trọng, lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Như hiến đất, hiến tài sản và đóng góp tiền để hoàn thiện cơ sở hạ tầng: trường học, trạm xá, nhà văn hoá, đường giao thông, điện chiếu sáng; xây dựng các vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới; tham gia chỉnh trang, giữ gìn môi trường nông thôn “xanh – sạch – đẹp” thông qua các mô hình tự quản vệ sinh môi trường, tự quản về an ninh trật tự, mô hình đường cờ, đường hoa, đường cây xanh; tổ chức phong trào “Hàng cây nông dân ơn Bác”…
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, toàn huyện có 16/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến hết năm 2022 sẽ đưa xã cuối cùng về đích nông thôn mới và thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời phấn đấu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Một minh chứng nữa khẳng định tinh thần hy sinh vì sự phát triển chung của người dân Hưng Nguyên là việc nhường đất, nhường nhà ở đã gắn bó với cuộc sống của mình để thực hiện các dự án đầu tư phát triển, điển hình là dự án VSIP; các công trình giao thông như tuyến đường tránh Vinh, tuyến cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 46B, Quốc lộ 46C…; góp phần xây dựng bộ mặt Hưng Nguyên với dáng vóc hiện đại và ngày càng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thị Thơm – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Hưng Nguyên chia sẻ: Để phát huy tinh thần, hào khí phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, và niềm tự hào về những con người ưu tú của quê hương như Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà hoạt động cách mạng Phạm Hồng Thái, nhà canh tân yêu nước Nguyễn Trường Tộ… cổ vũ mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hưng Nguyên xây đắp cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị tiếp tục trăn trở đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội. Gắn với đó là chú trọng cải cách hành chính, thực hiện dân chủ cơ sở đi đôi với giữ vững kỷ cương, đẩy lùi sự trì trệ, tiêu cực. Chăm lo công tác cán bộ, bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng thì thường xuyên rà soát để sắp xếp, bố trí lại cán bộ đối với những nơi nội bộ chưa có sự thống nhất cao hoặc phong trào chậm; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị…
Nhìn lại lịch sử, nhìn lại chặng đường phát triển đi lên kể từ ngày nổ ra cuộc biểu tình của hàng vạn nông dân Hưng Nguyên vào năm 1930, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Nguyên có thêm ý chí và quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, mà trọng tâm trước mắt là hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2023 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.