Phát huy tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị ‘Triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam.’ (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Với những người làm công tác ngoại giao văn hóa, một trong những dấu ấn quan trọng của năm 2021 và mang tính nền tảng hành lang pháp lý cho công tác này là sự kiện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, ngày 30/11/2021, chỉ 6 ngày sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chiến lược đặt ra mục tiêu là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.
Lực lượng xung kích hiện thực hóa sức mạnh mềm quốc gia
Đảng và Nhà nước đã khẳng định “văn hóa là động lực phát triển,” “là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” và nhấn mạnh “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.”
Việc khẳng định, văn hóa phải trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, cũng chính là tiếp nối, kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, như Người đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.” Nói cách khác, văn hóa cũng chính là một trong những động lực quyết định cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Ngoại giao văn hóa thực chất là hoạt động trong quan hệ quốc tế nhằm trao đổi các giá trị văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc để mang tới sự hiểu biết lẫn nhau và làm tiền đề cho việc giải quyết các nội dung nhiệm vụ công tác khác như chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Trong chính sách ngoại giao của bất cứ các quốc gia nào trên thế giới, ngoại giao văn hóa luôn được coi là một trong những nhiệm vụ cơ bản, không thể thiếu, một trong những nội dung chính yếu góp phần mang lại sức mạnh cho dân tộc cũng như bản sắc nền ngoại giao của quốc gia.
Thời gian qua, đặc biệt là từ khi Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2011, công tác Ngoại giao văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
[Tiếp tục nâng tầm giá trị các di sản và văn hóa Việt Nam]
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngoại giao văn hóa thời gian qua đạt được ba thành tựu đó là: đã góp phần tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam; quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội ở trong và ngoài nước; nâng giá trị văn hóa Việt Nam lên tầm quốc tế thông qua công tác vận động danh hiệu quốc tế.
Tiếp nối Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, Chiến lược đến năm 2030 là sự kế thừa, phát huy những kết quả đạt được thời gian qua.
Đặc biệt, Chiến lược mới đã cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại và ngoại giao văn hóa cũng hướng đến khắc phục những tồn tại hạn chế mà như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đó là “lâu nay văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước… Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc.”
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 là sản phẩm của trí tuệ tập thể, được lấy ý kiến rộng rãi. Do vậy, Chiến lược vừa có tính lý luận, thực tiễn, vừa có tính cụ thể, tổng quát.
Chiến lược có 3 điểm mới nổi bật, cụ thể: làm rõ được nội hàm của ngoại giao văn hóa, xác định nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là phục vụ 2 mục tiêu gồm đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa; xác định chủ thể hướng tới và đối tác triển khai là các địa phương, người dân, doanh nghiệp; cập nhật, cụ thể 5 nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hóa, quảng bá đất nước, vận động danh hiệu, tiếp thu tinh hoa nhân loại.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nếu như văn hóa là sức mạnh mềm của quốc gia thì ngoại giao văn hóa chính là lực lượng xung kích để hiện thực hóa sức mạnh ấy trên phạm vi thế giới, mở đường cho không chỉ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, mà còn cho sự phát triển sức mạnh hiện thực của đất nước ra ngoài biên giới quốc gia.
Với ý nghĩa đó, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã thực sự phần nào giải đáp cho những yêu cầu trên.
Chủ động thích ứng trong tình hình mới
Một trong những điểm nổi bật của công tác ngoại giao văn hóa trong giai đoạn mới là chủ động thích ứng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó, lấy các địa phương, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Phân tích nhiệm vụ quan trọng này, ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho rằng, để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế, quảng bá, xuất khẩu thương hiệu Việt, ngoại giao văn hóa cần phải được kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế trong các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, xây dựng hình ảnh một Việt Nam không chỉ hấp dẫn cho hợp tác kinh tế, đầu tư, du lịch mà còn có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và hòa hợp, “dễ sống”, dễ thích nghi đối với nhà đầu tư và người lao động nước ngoài; phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực mới của nền kinh tế, góp phần phát huy sức mạnh mềm quốc gia; kết hợp nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quốc gia với quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa.
Ông Mai Phan Dũng cũng cho rằng, cần đưa tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam vào thực tiễn công tác hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại của từng bộ, ngành, địa phương; tích cực tham gia chủ động, trách nhiệm tại các tổ chức, diễn đàn văn hóa khu vực và thế giới như UNESCO, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC)… qua đó có các hình thức giao lưu, hợp tác, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
Là một đơn vị tham gia phối hợp thực hiện ngoại giao văn hóa, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhấn mạnh sự cần thiết của quảng bá sản phẩm Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao.
Theo ông Vũ Bá Phú, về khía cạnh xúc tiến thương mại, việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Việt Nam là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm đẩy mạnh, kết nối sản phẩm và qua đó giúp gia tăng giá trị, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
“Những nỗ lực trong hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia, lồng ghép trong các sự kiện ngoại giao và ngoại giao văn hóa trong thời gian qua đã góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam. Qua đó giúp thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới trong năm 2021,” ông Vũ Bá Phú chia sẻ.
Dẫn câu chuyện trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo năm 2017 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời ăn mì Quảng. Sau đó, đi đến đâu, ông Abe đều nhắc tới mì Quảng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam gọi đó là một điểm nhấn lớn trong công tác ngoại giao văn hóa.
Từ đó, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bày tỏ mong muốn các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ tăng cường phát triển những ngành hàng văn hóa từ đồ trang trí cho đến nhà hàng ăn uống, sản phẩm đặc sản của Việt Nam tại nước sở tại.
Có thể khẳng định dưới ánh sáng của đường lối Đại hội XIII của Đảng, nước ta đang bước sang một giai đoạn mới. Cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định, và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ngoại giao văn hóa tới đây còn đảm đương sứ mệnh là khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành một sức mạnh nội sinh, thu hút các nguồn lực bên ngoài. Việc triển khai đồng bộ, toàn diện ngoại giao văn hóa sẽ là một cấu thành quan trọng trong xây dựng một nền Ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại./.