Phát huy vai trò văn hóa là động lực phát triển kinh tế

Nhận thức lý luận về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế

Từ khi Đảng lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới, tư duy về văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế đã có sự thay đổi. Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển nói chung, đối với phát triển kinh tế nói riêng đã được nhìn nhận một cách toàn diện và thấu đáo hơn. Văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Bản chất của văn hóa là sự sáng tạo hướng tới các giá trị nhân văn, vì con người. Vì con người, vì ấm no, hạnh phúc của con người và sự thịnh vượng của quốc gia – đây cũng chính là mục tiêu của phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng.

Phát huy vai trò văn hóa là động lực phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà văn hóa còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế bền vững phải hướng tới những giá trị văn hóa, thể hiện qua những chuẩn mực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, bảo đảm cho mọi người đều được thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế, không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nhân chính là những thực tế sinh động của sự thẩm thấu những giá trị văn hóa vào hoạt động kinh tế. Với tư cách là động lực của phát triển, văn hóa góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế. Ở đó, con người có điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực sáng tạo, chủ động tham gia tích cực vào đời sống kinh tế. Đồng thời, một môi trường văn hóa lành mạnh sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển nền kinh tế thị trường văn minh, đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà văn hóa còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công nghiệp văn hóa là một tập hợp các ngành phát triển dựa trên sự khai thác tổng hợp các yếu tố: sáng tạo, khoa học – công nghệ, thị trường và vốn văn hóa. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành nghề khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Công nghiệp văn hóa chính là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển.

Những nhận thức lý luận về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế đã được thể hiện trong Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới.

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998), Đảng ta đã xác định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”.

Cũng trong Nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta đã xác định sự cần thiết phải xây dựng chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế.

Từ sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Đảng ta đã bổ sung những quan điểm lý luận mới về văn hóa trong kinh tế. Nổi bật là luận điểm: “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”.

Sự phát triển bền vững đất nước không chỉ bao gồm 3 nhân tố: kinh tế, xã hội, môi trường, mà còn bao hàm cả nhân tố văn hóa. Luận điểm này thể hiện bước phát triển mới trong tư duy lý luận về văn hóa trong kinh tế của Đảng. Đại hội XI của Đảng đã tiếp tục khẳng định: “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước về chính sách phát triển thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta”. Đây là luận điểm cốt lõi phản ánh tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI của Đảng về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định vấn đề văn hóa, con người phải gắn liền với yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) tiếp tục khẳng định: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh hơn nữa vai trò động lực của văn hóa trong phát triển kinh tế: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế” và “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế”.

Những quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là những vấn đề lý luận rất mới, có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu rộng để đảm bảo sự hài hòa trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Phát huy vai trò văn hóa là động lực phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Khi các giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có hoạt động kinh tế, nó sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh các hoạt động của các chủ thể kinh tế theo hướng nhân văn

Phát huy vai trò động lực của văn hóa trong phát triển kinh tế ở Việt Nam

Sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động kinh tế ngày càng sâu rộng hơn. Với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa đã tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện, tiêu biểu là các phương diện sau:

Thứ nhất, hệ giá trị văn hóa điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng nhân văn. Hệ giá trị văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử, dưới tác động của các điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội… Hệ giá trị ấy quy định sự lựa chọn, thế ứng xử của cả cộng đồng và của từng cá nhân thuộc về cộng đồng ấy. Khi các giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có hoạt động kinh tế, nó sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh các hoạt động của các chủ thể kinh tế theo hướng nhân văn, vì cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Lúc này, các chủ thể kinh tế không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà còn quan tâm đến lợi ích của người lao động, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường, với quốc gia.

Khi văn hóa tham gia điều tiết các hoạt động kinh tế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gia tăng, khi đó, không chỉ doanh nghiệp được lợi mà cộng đồng, xã hội và người dân cùng được chia sẻ lợi ích. Như vậy, văn hóa là đường dẫn để kết nối giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây chính là một trong các tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Thứ hai, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế.

“Khát vọng và ý chí phát triển là động lực hết sức quan trọng để đưa mọi dân tộc đi tới thịnh vượng và thành công”. Khát vọng về một đất nước độc lập, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc đã hun đúc nên ý chí, dẫn dắt các thế hệ người Việt Nam vượt thoát khỏi bao cuộc thử thách hiểm nghèo của lịch sử, giành lại độc lập và chung tay xây dựng đất nước. Lịch sử đã chứng minh rằng những giá trị văn hóa được khơi dậy đúng mức sẽ biến thành sức mạnh to lớn.

Có thể nói, cơ đồ dân tộc khát vọng phát triển đất nước đã tạo nên sự chuyển động của nền kinh tế quốc dân trong cả mục tiêu và phương thức phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ kết hợp với đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế quốc tế không chỉ là phương châm phát triển kinh tế quốc gia mà còn thể hiện rõ trong định hướng phát triển của các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, bằng ý chí, nỗ lực, khẳng định được uy tín, vị thế trên thương trường. Từ các slogan đến các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này đã thể hiện được khát vọng phát triển, ý chí tự cường, lòng tự hào dân tộc. Không giới hạn mình trong phạm vi biên giới lãnh thổ, rất nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế và khẳng định thương hiệu.

Thứ ba, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế không chỉ dừng lại ở vị thế của những nguồn lực tinh thần, tham gia điều tiết, định hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà văn hóa còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Thực tế đã chứng minh rằng rất nhiều các lĩnh vực văn hóa nếu được khai thác hợp lý sẽ có khả năng đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế quốc dân. Phát triển công nghiệp văn hóa chính là sự lựa chọn hiệu quả cho hướng phát triển này.

Phát huy vai trò văn hóa là động lực phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Văn hóa là động lực phát triển kinh tế (ảnh minh họa)

Phát huy vai trò động lực đột phá của văn hóa

Để văn hóa trở thành “động lực đột phá” cho sự phát triển kinh tế như tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thiết nghĩ, cần phải tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển nói chung, trong phát triển kinh tế nói riêng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân của cả thành công hay thất bại của các quốc gia liên quan mật thiết đến thể chế của quốc gia đó. Như đã trình bày ở trên, hệ thống quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới đã được nêu rõ trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng. Nếu những quan điểm này đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển động trong phát triển kinh tế theo mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, trước hết và trên hết, cần tập trung thể chế hóa các quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế thành luật pháp, thành các chiến lược, thành các quy định cụ thể. Cần xây dựng chế tài về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, xác định được trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh tế trong việc tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hóa cũng như khai thác nguồn vốn văn hóa để phát triển kinh tế. Có như vậy mới tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm tòi, đổi mới mô hình hoạt động theo hướng coi trọng các giá trị văn hóa trong sản xuất, kinh doanh.

Hai là, cần xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá năng lực điều hành, quản lý nhà nước của các chính quyền địa phương trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Đối với các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, để đo lường được sự phát triển đã có thước đo là các bộ chỉ số. Đối với lĩnh vực văn hóa, cho đến nay, vẫn chưa có công cụ đo lường hiệu quả. Điều này làm hạn chế việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa con người. Vì thiếu đi những bộ công cụ đo lường sẽ không thấy được tính hiệu quả của các dự án, các kế hoạch phát triển văn hóa. Dư luận xã hội luôn quan ngại đầu tư cho văn hóa là lãng phí, không thiết thực, một phần cũng vì sự thiếu hụt này. Mặc dù văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, không phải lúc nào cũng có thể định lượng được sự phát triển của văn hóa, nhưng với quyết tâm chính trị của những nhà lãnh đạo quản lý và các nhà khoa học, việc xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa, con người là khả thi.

Ba là, cần xây dựng báo cáo thường niên về phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mặc dù văn hóa được “đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, nhưng trong hệ thống số liệu thống kê quốc gia hằng năm, số liệu về văn hóa luôn là khiêm tốn nhất. Điều này có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ phía cung cấp thông tin và có nguyên nhân từ việc tiếp nhận, xử lý thông tin. Nhưng dù là nguyên nhân nào thì cũng dẫn đến kết quả là khó khăn trong tiếp cận các thông tin, số liệu về văn hóa. Việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng và công bố báo cáo thường niên về văn hóa sẽ khắc phục những hạn chế nêu trên, cung cấp một cái nhìn toàn diện về các lĩnh vực văn hóa, thấy được điểm mạnh, điểm yếu để kịp thời có những giải pháp phù hợp thúc đẩy văn hóa phát triển.

Bốn là, tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đây là ngành kinh tế mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng, đặc biệt là đối với một quốc gia sở hữu nguồn vốn văn hóa phong phú như Việt Nam. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, thành những nguồn lực, động lực để phát triển thì đòi hỏi cần phải có sự thay đổi cả về tư duy và hành động. Nhà nước nên lựa chọn để đầu tư, hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cũng như ban hành chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Các chính quyền địa phương cũng phải quyết liệt hơn nữa cùng với Chính phủ trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác các lợi thế so sánh của địa phương mình. Văn hóa, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đã khẳng định vị trí của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, văn hóa tiếp tục phát huy vai trò của mình với tư cách là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực cho sự phát triển đất nước. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ngày càng gắn bó. Đây là một trong những mối quan hệ lớn của đất nước, của thời đại, mà nếu được giải quyết tốt, sẽ góp phần làm gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.