Phát sốt ứng dụng “chạm để đổi tiền” ở Hàn Quốc

Đám đông di chuyển một cách vô định trước một bảo tàng ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc), lặng lẽ lướt qua nhau với những mái đầu cắm cúi vào màn hình điện thoại thông minh trong khi tay điên cuồng gõ. Đó là hình ảnh những người dùng ứng dụng “chạm-đổi tiền” Toss mới nổi ở quốc gia này, theo Reuters. 

Các nhân viên văn phòng dùng ứng dụng ngân hàng trực tuyến Toss tại khu vực Bảo tàng Nghệ thuật Seoul trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: Reuters
Các nhân viên văn phòng dùng ứng dụng ngân hàng trực tuyến Toss tại khu vực Bảo tàng Nghệ thuật Seoul trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: Reuters

Với sự ra đời của ứng dụng dịch vụ tài chính Toss, người dùng chỉ cần đi bộ 10.000 bước, hoàn thành các nhiệm vụ như đăng ký mạng xã hội hoặc chỉ chạm vào màn hình khi những người dùng khác ở gần có thể tạo ra tới 10 xu một lần. Sản phẩm được sản xuất bởi công ty khởi nghiệp Viva Republica của Hàn Quốc.

Dù mới xuất hiện thời gian ngắn, ứng dụng Toss đang dẫn dầu xu hướng giành người dùng thông qua các ứng dụng tặng điểm và tiền mặt cho khách hàng thân thiết, vốn phổ biến trong nền kinh tế có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và lạm phát tăng.

Khoảng 4,4 triệu người dùng đã sử dụng tính năng tặng tiền mặt qua ứng dụng của Toss kể từ khi ra mắt vào tháng 1 và số lần mọi người mở ứng dụng trên thiết bị cầm tay đã tăng 30%, Viva Republica cho biết.

Han Sun-jae, 77 tuổi, cho biết ông đã kiếm được khoảng 50.000 won (37,91 USD) thông qua ứng dụng Toss.

“Nơi đây có nhiều người tụ tập và con gái tôi cũng làm việc gần đây nên tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở khu vực này”, ông nói bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Seoul, nơi các nhân viên văn phòng tụ tập vào giờ ăn trưa.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của cổng thông tin việc làm Incruit, có đến 75% số người trưởng thành từng kiếm tiền thông qua các ứng dụng như vậy.

“Tôi mới chỉ kiếm được 150 won (0,11 USD), nhưng hy vọng có thể mua cà phê hoặc thanh toán gì đó bằng ứng dụng,” nhân viên văn phòng 27 tuổi Baek Na-young cho biết.

Theo các chuyên gia, xu hướng này cho thấy người dân đang nỗ lực tìm mọi cách vượt qua tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ.

Lạm phát ở Hàn Quốc lên đến 5,1% vào năm 2022, cao nhất kể từ năm 1998, trong khi giá thực phẩm và phương tiện giao thông tăng lần lượt là 5,9% và 9,7%.

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, vào tháng 2/2023 khoảng 497.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 29 tại nước này cho biết họ đang nghỉ việc và không tích cực tìm kiếm việc làm, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu quá trình thống kê này vào năm 2003.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc trao đổi dữ liệu kiếm xu có thể dẫn đến rò rỉ thông tin cá nhân nhạy cảm với bên thứ ba.

Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết: “Dù nỗ lực kiếm tiền là đáng khen ngợi, nhưng cũng đặt người dùng trước nguy cơ rò rỉ và bị lợi dụng dữ liệu cá nhân”.