Phát triển Du lịch thông minh: Tương lai của ngành công nghiệp không khói (Bài 1)
Thuật ngữ “du lịch thông minh” ra đời dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là sự phát triển rất mạnh của công nghệ thông tin – truyền thông, đã cho phép tạo ra các sản phẩm đa dạng hơn cho ngành Du lịch, đem đến những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho du khách.
Dự án “Một chạm đến Đà Nẵng” giúp du khách có thể tìm hiểu về du lịch Đà Nẵng ngay tại nhà. Ảnh chụp màn hình
Du lịch bằng những cái “chạm”
Sau những tháng dài phải “nằm yên bất động”, đầu năm 2022, du lịch bắt đầu khởi sắc. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng khách du lịch nội địa là gần 80 triệu lượt, vượt xa mục tiêu cả năm nay. Khách nước ngoài đạt hơn 1,2 triệu lượt. Chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, với tổng thu trên 356.000 tỷ đồng. Gần 90% các đơn vị du lịch, lưu trú đã hoạt động trở lại.
Trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, hành vi của du khách với du lịch đã thay đổi. Khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhiều phương thức quản lý, kinh doanh du lịch theo xu hướng mới, như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo ra đời. Khác với các tour truyền thống, du lịch thông minh chú trọng hơn đến lợi ích và cảm nhận của du khách, nhưng vẫn đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn, tiện lợi và thu hút du khách. Nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu tiếp cận loại hình du lịch này.
Nếu như trước đây muốn đi du lịch, theo phương thức truyền thống chúng ta sẽ tìm đến các tour từ công ty du lịch, đi theo kinh nghiệm của những người đã từng đi hoặc tự tìm kiếm thông tin ít ỏi về khách sạn, điểm đến. Tới giờ, tất cả những điều ta cần là một chiếc điện thoại thông minh. Từ việc đặt khách sạn, tour, nhà hàng, cấp visa, mua vé máy bay, lựa chọn điểm đến,… đều có thể thực hiện qua các app, trang web, nơi mà khách hàng có thể xem cả những đánh giá của các du khách đã từng sử dụng dịch vụ.
Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám được hướng dẫn sử dụng hệ thống thuyết minh tự động bằng 8 thứ tiếng. Ảnh: Hữu Tiệp
Bạn Đặng Văn Luyện (Hà Nội) chia sẻ: “Mình có kế hoạch đưa gia đình đi Đà Nẵng du lịch, chỉ trong chưa đầy 30 phút tất cả mọi thứ đã hoàn thành. Mình đặt vé máy bay và khách sạn trên một ứng dụng là Traveloka. Sau đó mình vào ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng” – mô hình du lịch ảo khám phá những điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng như: danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills…thông qua hình ảnh trực quan, đa chiều và cụ thể. Trong thời đại 4.0, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trong tầm tay, chúng ta sẽ có trải nghiệm du lịch hấp dẫn, nhanh chóng nhất”.
Xu hướng du lịch mới
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch thông minh giúp con người tiếp cận thông tin một cách nhanh, dễ dàng, đa dạng và nhiều thông tin nhất. Để có mô hình du lịch thông minh, đòi hỏi phải tạo dựng được một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ du lịch phát triển một cách đồng bộ.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải óng vàng trong mùa lúa chín
Nói đến du lịch thông minh là không chỉ nói đến sự dễ dàng tiếp cận các dịch vụ mà nó là sự thông minh và ưu việt đồng bộ. Theo các chuyên gia, du lịch thông minh bao gồm 3 yếu tố chính: Điểm đến thông minh, kinh nghiệm thông minh và hệ sinh thái kinh doanh thông minh.
Điểm đến thông minh là điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, có thể tiếp cận được với mọi người, tạo thuận lợi cho sự tương tác của khách truy cập và hội nhập vào môi trường xung quanh, làm tăng chất lượng của trải nghiệm tại điểm đến, cải thiện chất lượng chuyến đi của du khách.
Kinh nghiệm thông minh, là những trải nghiệm du lịch qua trung gian công nghệ và sự tăng cường trao đổi thông tin qua việc cá nhân hóa, nhận thức bối cảnh và theo dõi thời gian thực. Hệ sinh thái kinh doanh thông minh là hệ sinh thái kinh doanh phức tạp tạo ra và hỗ trợ việc trao đổi các nguồn lực du lịch kết hợp với kinh nghiệm du lịch.
Chúng ta đã có những điểm đến thông minh, ví dụ như: Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những đơn vị đầu tiên của Hà Nội đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide), với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp, địa phương cũng đang manh nha tạo kinh nghiệm du lịch thông minh bằng nhiều ứng dụng, website, bản đồ ẩm thực,… nơi mà du khách có thể tìm hiểu nhiều nhất về nơi mình muốn đặt chân đến.
Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%.
Hội An là điểm đến rất thu hút du khách quốc tế
Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Như vậy có thể thấy, khách du lịch sử dụng Internet, các tiện ích thông minh, các thiết bị thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… ngày càng có xu hướng gia tăng. Họ đang trực tiếp trở thành những vị “khách du lịch thông minh” tiềm năng của du lịch Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, toàn bộ hệ sinh thái được hưởng lợi khi tham gia du lịch thông minh. Cơ quan nhà nước quản lý điểm đến tốt hơn, hỗ trợ du khách tốt hơn. Các doanh nghiệp dễ dàng giới thiệu sản phẩm, điểm đến. Du khách thuận tiện trong việc tìm kiếm thông tin và thanh toán.
Triển khai du lịch thông minh, không chỉ giúp ngành Du lịch giải quyết được nhiều vấn đề nội tại, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, hài hoà với văn hoá và môi trường. Có rất nhiều tiềm năng để ngành Du lịch Việt Nam, áp dụng công nghệ phù hợp nhằm thay đổi hoàn toàn trải nghiệm khách hàng, từ đó nâng cao tính cạnh tranh lâu dài của ngành công nghiệp không khói.