Phát triển Du lịch thông minh hiện nay ở Việt Nam hướng tới phát triển bền vững – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR)
Tóm tắt: Trong bối cảnh toàn cầu đang đối diện với một trong những loại dịch bệnh được xem là nghiêm trọng nhất lịch sử loài người đến nay trong quá trình phát triển, với mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả ngành nghề cũng như đời sống sinh hoạt, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe, về các quyết định hành vi thực hiện đối với các nhu cầu thiết yếu của con người trong đó có nhu cầu về du lịch. Với xu hướng cần ứng dụng, sử dụng nhiều hơn các sản phẩm công nghệ cao từ trí tuệ nhân loại ngày càng phổ biến và có tính cấp thiết như hiện nay là hết sức cần thiết, cùng với đó việc ra đời cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và với đường lối rõ ràng cho sự phát triển công nghệ đã phần nào được thể hiện rõ trong cuộc sống, giải quyết được bài toán về tính cấp thiết cũng như nâng cao hiệu quả công việc có tính chuyên nghiệp, hiện đại, có sức lan tỏa về thông tin, sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian… Cùng với đó, ngành Du lịch Việt Nam đang được định hướng phát triển nhanh chóng theo mô hình Du lịch thông minh trong tình hình mới, nhằm cung cấp các dịch vụ tốt nhất đến du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch.
Từ khóa: Du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, công nghệ 4.0, phát triển du lịch
1. Nêu vấn đề
Du lịch thông minh (Smart Tourism), chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên cho du lịch toàn cầu, hiện nay đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nền tảng công nghệ số, không gian số phổ biến như Anh ngữ, Pháp ngữ, Hoa ngữ… được đánh giá là những mô hình phát triển hiệu quả, tiên phong trong phát triển du lịch thông minh và đã thích ứng nhanh trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như du khách khi ứng dụng các loại hình công nghệ này cho việc đáp ứng các nhu cầu về du lịch của họ. Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh… đối với du lịch đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 16 CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/5/2017 đã nêu, du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam, và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 cũng đã được thể hiện rõ khát vọng phát triển và nâng tầm du lịch Việt Nam tương xứng với tiềm năng du lịch đang có. Bài viết phân tích nội dung cơ bản quan niệm du lịch thông minh, tình hình du lịch thông minh hiện nay trong trạng thái bình thường mới, đưa ra những giải pháp chính để phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.
2. Nội dung
2.1. Một số quan niệm về du lịch thông minh hiện nay
Có thể nói từ trước đến nay du lịch thông minh là một khái niệm đang còn mới mẻ đối với du khách nói riêng và ngành du lịch nói chung, hiện nay sự xuất hiện các trào lưu, mô hình du lịch thông minh ở các nước có ngành du lịch phát triển đã tác động đến các hoạt động du lịch trên phạm vi toàn cầu cùng với sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng chúng vào các hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ du lịch, tìm hiểu, tiếp cận thông tin của điểm đến, gói sản phẩm du lịch mà du khách có nhu cầu… đã phần nào thu hẹp khoảng cách giữa các đối tượng tham gia cũng như thời gian thực hiện mỗi hoạt động đó một cách hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các quốc gia đang siết chặt việc đi lại, hạn chế tiếp xúc nơi đông người để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, sự ra đời và ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao vào hoạt động phát triển du lịch hay còn gọi là phát triển Du lịch thông minh rất kịp thời và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: “Du lịch thông minh làm cho con người tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng, đa dạng và nhiều thông tin nhất. Vì thế, nó đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy của một ngành kinh tế đó là thông tin” [4].
Theo TS Lê Quang Đăng: “Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, nó không cụ thể cho mỗi hoạt động du lịch, mỗi loại hình du lịch, mỗi sản phẩm du lịch… ở đâu, khi nào có sự ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại vào du lịch thì ở đó, khi đó có du lịch thông minh” [5].
Theo An Nhi: “Du lịch thông minh dựa trên nền tảng tích hợp cao độ hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí thông minh nhân tạo” [6]. Hình thức biểu hiện của du lịch thông minh là du lịch trực tuyến (Online Tourism) còn gọi là du lịch điện tử (E-Tourism).
Theo Buhalis, Du lịch trực tuyến là việc sử dụng công nghệ số trong tất cả các quy trình và chuỗi giá trị trong du lịch, bao gồm lữ hành, vận chuyển, khách sạn và phục vụ ăn uống, giải trí… để các đơn vị, tổ chức du lịch phát huy tối đa hiệu suất và hiệu quả hoạt động [7].
Như vậy có thể thấy được rằng, thay vì con người bằng hành vi thực hiện các hoạt động tìm hiểu thông tin điểm đến, các thông tin du lịch liên quan bằng cách thăm dò thông tin từ những người thân quen đi trước hay tìm hiểu thông tin với các hình thức truyền thống trước kia như thông qua tài liệu, sách báo, tạp chí, hồ sơ đối tác du lịch… để có thể quyết định thực hiện chuyến du lịch, hay thực hiện các hoạt động đầu tư, hợp tác, liên kết phát triển du lịch… đến nay du lịch thông minh bằng việc ứng dụng phần mềm công nghệ cao trên nền tảng sản phẩm thông minh (smart phone, máy tính bảng, laptop…) sử dụng dữ liệu trực tuyến thông qua nền tảng phát triển của hệ thống công nghệ thông tin với cơ sở dữ liệu lớn, tốc độ cao được kết nối với điểm đến, trực tiếp giữa bên có nhu cầu và bên cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch đã trở nên nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả được phản ánh chân thực với độ tin cậy cao, qua đó đã tác động đến quyết định thực hiện các công việc được hay không được thực hiện. Thêm vào đó, với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý du lịch áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, xúc tiến và quảng bá du lịch, cùng với các doanh nghiệp du lịch giới thiệu, cung cấp các thông tin chính thống về các quy định, chính sách, các dịch vụ sản phẩm du lịch… đáp ứng được các nhu cầu của các bên liên quan một cách nhanh chóng, hiệu quả.
2.2. Thực trạng và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam hiện nay
Phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách để chủ động tranh thủ cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0, từ các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp đến từng cá nhân, cộng đồng đang tích cực chuyển đổi số trong du lịch, tạo nên những chuyển biến đột phá.
Năm 2019, số du khách quốc tế đến Việt Nam trên 18 triệu lượt khách, trong đó thông qua mạng internet đã có trên 70% du khách tìm kiếm thông tin và trên 60% du khách đặt mua dịch vụ. Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng (NSD) Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ NSD Internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%, trong đó một nửa dùng Internet để đặt tour du lịch.
Hiện nay, nhiều tỉnh và thành phố của nước ta đã được Tập đoàn Viễn thông – Công nghệ thông tin Việt Nam (VNPT) hỗ trợ phát triển Du lịch thông minh. VNPT đã hỗ trợ, tư vấn, triển khai giải pháp Du lịch thông minh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và hoàn thiện Đề án Du lịch thông minh ứng dụng công nghệ hiện đại.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, với xu hướng và yêu cầu chuyển đổi số để phát triển du lịch thông minh càng trở nên cấp thiết, như là yêu cầu đối với thực tiễn hiện nay để có thể đáp ứng được lượng lớn nhu cầu của du khách, người làm du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Đối với ngành du lịch Việt Nam, nhằm để chuẩn bị tốt mọi điều kiện để khôi phục và phát triển du lịch trong tình hình mới, đón đầu xu hướng thị hiếu nhu cầu của thị trường, yêu cầu chuyển đổi số để phát triển du lịch thông minh càng trở nên rõ nét, hiện nay Tổng cục Du lịch đã ra mắt app “Du lịch Việt Nam an toàn” (H1), ngoài những tính năng tiện ích cần thiết về các thông tin các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, các dịch vụ, sản phẩm du lịch… ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” đã tích hợp tính năng Tờ khai y tế theo quy định của Bộ y tế trong công tác phòng chống COVID-19, đây là một tính năng rất thiết thực, tạo thuận lợi cho người dùng có thể thực hiện cùng lúc các chức năng khác trên một nền tảng mà không cần phải chuyển sang nền tảng công nghệ phần mềm khác, đặc biệt đảm bảo an toàn cho du khách và giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Cùng với đó, để đảm bảo du lịch an toàn trong bối cảnh mới, bên cạnh tính năng tờ khai y tế, ứng dụng cũng đang được nâng cấp và tích hợp thêm nhiều tính năng tiện ích khác như đăng ký khai báo an toàn COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh du lịch, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ…
Hình 1: App Du lịch Việt Nam an toàn
Nguồn: Tổng cục Du lịch, 10/10/2020
Đến nay, Du lịch thông tin ở nước ta đã được đánh giá khá đầy đủ bởi Tổng cục Du lịch Việt Nam. Trong báo cáo “Du lịch thông minh – Tầm nhìn chính sách”, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nêu thực trạng về khách Du lịch thông minh; doanh nghiệp Du lịch thông minh; điểm đến, khu du lịch, điểm Du lịch thông minh và cơ quan quản lý Du lịch thông minh của nước ta như sau:
Cơ quan quản lý du lịch thông minh
Tiêu chí công nghệ 4.0
Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn
Đánh giá hiện trạng ứng dụng
– Dịch vụ công trực tuyến
– 100% các cơ quan quản lý thực hiện chế độ một cửa và dịch vụ công trực tuyến
– Hành chính công trực tuyến
– 100% cơ quan quản lý du lịch có website giới thiệu thông tin hoạt động, 80% có mạng nội bộ quản lý điều hành
– Chiến lược E-Marketing
– Đã có, nhưng thực hiện chưa hiệu quả
– Kết nối mạng liên thông: quản lý, điều hành, thống kê du lịch
Đã có, nhưng thực hiện chưa hiệu quả
– Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch
– Đã có nhưng chưa đầy đủ, một số lĩnh vực còn thiếu như: thị trường, nhân lực du lịch, thanh tra,…
– Thị thực điện tử; hoàn thành thuế điện tử
– Đã có, cần mở rộng; Chưa có
– Thanh toán điện tử
– Đã có, nhưng chưa đồng bộ hóa giữa các ngân hàng
– Đào tạo nhân lực trực tuyến
– Đã có, nhưng chưa được xã hội thực sự quan tâm
Điểm đến, khu du lịch, điểm Du lịch thông minh
Tiêu chí công nghệ 4.0
Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn
Đánh giá hiện trạng ứng dụng
– Website giới thiệu thông tin dịch vụ
– 100% các điểm đến có website, chủ yếu tiếng Việt, bằng chữ và ảnh, ít các video cốt truyện
– Quảng bá điểm đến bằng công cụ tìm kiếm, mạng xã hội
– Chủ yếu sử dụng dịch vụ miễn phí, hiệu quả chưa cao
– Phát triển các ứng dụng di động giới thiệu điểm tham quan, kết nối giao thông, các dịch vụ tại điểm đến
– Đang thí điểm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…; thí điểm ở một số địa phương với các hãng taxi
– Cung cấp đường truyền internet không dây (wifi, 5G,…)
– Hầu hết các khách sạn, điểm vui chơi, nhà hàng đều có wifi miễn phí. Đang thí điểm một số khu vực các thành phố lớn; Các nhà mạng đang thí điểm dịch vụ 5G
– Thiết bị ứng dụng, robot thuyết minh ngôn ngữ và hướng dẫn; ứng dụng công nghệ thực tế ảo
– Đang thí điểm: Hà Nội (Văn Miếu – 8 ngôn ngữ), Huế (Di tích Huế – 5 ngôn ngữ), một số bảo tàng;
Hạn chế
– Hệ thống camera an ninh; hệ thống soát vé tự động
– Hầu hết các điểm du lịch lớn đã có camera; đã có nhưng chưa phổ biến
Doanh nghiệp Du lịch thông minh
Tiêu chí công nghệ 4.0
Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn
Đánh giá hiện trạng ứng dụng
– Website giới thiệu, quảng bá sản phẩm
– Gần 100% các doanh nghiệp
– Bán hàng, thanh toán online
– Trên 50% doanh nghiệp có áp dụng nhưng hiệu quả không đồng đều, doanh số thu được qua mạng chưa cao
– Sàn giao dịch điện tử du lịch: giúp khách lựa chọn dịch vụ và thanh toán online; giúp doanh nghiệp quảng cáo và bán hàng
– Khoảng 10 sàn điện tử như Tripi.vn, gotadi.vn, ivivu.com,… chiếm khoảng 20% các giao dịch dịch vụ, còn lại do sàn điện tử nước ngoài thực hiện
Khách du lịch thông minh
Tiêu chí công nghệ 4.0 *
Internet vạn vật
Đánh giá hiện trạng ứng dụng
– Sử dụng kết nối Internet (với máy tính và điện thoại thông minh)
– Tìm kiếm thông tin dịch vụ trên mạng Internet; đặt, mua dịch vụ trực tuyến; thanh toán trực tuyến; ý kiến phản hồi
– Điều tra khách du lịch quốc tế đến (2019); trên 70% có tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; trên 60% có đặt, mua dịch vụ trên mạng trong chuyến đi đến Việt Nam
– Khách du lịch nội địa; trên 50% dân số Việt Nam có sử dụng Internet; trên 30% dân số Việt Nam có tham gia ít nhất một diễn đàn trên mạng xã hội
(Nguồn: Tổng cục Du lịch [8])
Qua hiện trạng phát triển Du lịch thông minh ở trên chúng ta có thể thấy được rằng, hiện nay Việt Nam cơ bản đã có những bước phát triển công nghệ nhất định, trong đó việc phủ sóng về hạ tầng công nghệ thông tin tới 63 tỉnh thành phố trong cả nước đã tạo điều kiện ban đầu cho các ngành nghề chuyển đổi số một cách thuận lợi, đặc biệt là phát triển mô hình Du lình thông minh, Du lịch sáng tạo ứng dụng các phần mềm công nghệ cao vào hoạt đông cung cấp và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày một nhiều và đáp ứng được phần nào về nhu cầu du lịch hiện nay. Tuy vậy, với lượng người truy cập và biết cách sử dụng các công nghệ phần mềm mới là chưa nhiều, hoặc cách thức tiếp cận chưa đúng, mô hình hoạt động chưa phù hợp, chi phí chuyển đổi cao… đã phần nào gây cản trở trong việc đạt được kết quả và mở rộng phạm vi phát triển về các sản phẩm trong hệ sinh thái Du lịch thông minh chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Vì vậy, đòi hỏi cần có những chiến lược, giải pháp phát triển Du lịch thông minh thiết thực hơn, hiệu quả hơn là rất cần thiết trong giai đoạn bình thường mới.
Một vài tỉnh, thành phố ứng dụng hiệu quả các mô hình Du lịch thông minh trong phát triển du lịch:
Hà Nội, những năm trước đây, thông tin về du lịch còn sơ sài và khó tiếp cận đối với du khách. Đến nay, việc thực hiện và hiện thực hóa vào thực tiễn Đề án phát triển du lịch thông minh 2017 – 2020 đã mang lại nhiều lợi ích nổi bật tất cả các bên tham gia vào hoạt động du lịch thành phố. Hà Nội đã hoàn thiện xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu cho ngành du lịch. Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội với địa chỉ myhanoi.vn đã hoàn thành giao diện, hệ thống, tính năng, đáp ứng sự kết nối giữa các bên: du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Phần mềm trên thiết bị di động với tên gọi myhanoi đã được tích hợp bản đồ số du lịch, giúp du khách tra cứu thông tin, myhanoi được coi là trợ lý du lịch ảo. Các doanh nghiệp Hà Nội cũng tự cải tiến và nâng cấp thành doanh nghiệp Du lịch thông minh với trang ivivu.com có lượng truy cập trên 10 triệu lượt/tháng. Doanh nghiệp vận tải với ứng dụng interbus.lines đã giúp doanh nghiệp quản lý chặt chẽ và chăm sóc khách hàng hoàn toàn tự động trong việc tìm hiểu hành trình, giữ chỗ, thanh toán dễ dàng bằng mã QR [9].
Thành phố Đà Nẵng, đã chính thức ứng dụng thông minh vào du lịch, đó là chatbot “Da Nang fantasticity”, du khách và cộng đồng dân cư có thể tra cứu thông tin, lập hành trình du lịch, tìm hiểu các điểm đến về ẩm thực, lưu trú, vận chuyển, thời tiết,…
Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua du lịch của thành phố đã vươn lên mạnh mẽ, khách du lịch đã được sử dụng ứng dụng du lịch bằng song ngữ Việt – Anh với đầy đủ các thông tin du lịch. Du khách có thể kiểm tra thông tin nhờ chức năng Quick Booking (H2). Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin chung để chuyển tải đến du khách. Du khách có thể tự tìm hành trình, đặt phòng và biết các địa điểm cần thiết. Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng thành một trong ba đô thị thông minh của nước ta (cùng với Hà Nội và Đà Nẵng) sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch [10]. Và ngay tại thời điểm các hoạt động du lịch bị gián đoạn vào cuối tháng 3/2020 vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến toàn cầu, nhiều du khách đã rất ấn tượng và có dự định đến TP. Hồ Chí Minh trong thời gian gần nhất có thể để trải nghiệm và thưởng thức các đặc sản, ẩm thực phong phú của thành phố sau khi được xem một trong những sản phẩm truyền thông trực tuyến “Tôi yêu bánh mỳ Sài Gòn” do Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, các đơn vị truyền thông tổ chức đã có sự lan tỏa lớn và tín hiệu tích cực từ đông đảo du khách trong và ngoài nước thích thú.
Hình 2: Một số app Du lịch phổ biến hiện nay ở Việt Nam
Theo số liệu của Hiệp hội thương mại điện tử, các đại lý du lịch trực tuyến thương hiệu toàn cầu, như: Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com… đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần. Trong khi đó, hiện chỉ có hơn 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến, ví dụ như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn… Tuy nhiên các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp.
2.3. Những tồn tại, hạn chế và ý nghĩa của phát triển Du lịch thông minh
Nhìn chung Du lịch thông minh nước ta hiện nay đã bước đầu phát triển với trình độ cơ bản, nhưng cũng còn nhiều mặt còn bất cập.
Một số tồn tại, hạn chế
– Cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch thông minh còn thiếu. Hiện nay, về cơ chế, chính sách ưu đãi, cách thức tiếp cận, thu hút đầu tư, đổi mới trang thiết bị về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong các doanh nghiệp du lịch còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho phát triển du lịch thông minh. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ số, chuyển đổi số trong ngành du lịch đòi hỏi đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân, điểm đến du lịch, các thông tin liên quan cũng là vấn đề lớn.
– Các tổ chức, doanh nghiệp du lịch đang còn thiếu kinh nghiệm. So với các tổ chức, doanh nghiệp du lịch nước ngoài phát triển có bề dày trăm năm lịch sử, có ưu thế vượt trội về tài chính và kinh nghiệm thương mại điện tử, truyền thông tiếp thị online, thì các đơn vị du lịch Việt Nam còn non trẻ, ít kinh nghiệm. Việc ứng dụng công nghệ để làm tiền đề xây dựng du lịch thông minh hiện chỉ ở bước đầu, năng lực cạnh tranh còn yếu trên thị trường online.
– Về nguồn nhân lực đáp ứng phát triển Du lịch thông minh còn hạn chế. Để phát triển du lịch thông minh cần có nguồn nhân lực thông minh. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo du lịch trong nước hiện nay vẫn thiên về cách dạy truyền thống, khả năng thích ứng công nghệ còn chậm. Để nhân sự đáp ứng tốt mảng công nghệ trong du lịch, công ty thường phải bỏ chi phí, thời gian đào tạo lại từ đầu.
– Hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin cũng đang là vấn đề bất cập. Hạ tầng công nghệ thông tin (mạng lưới viễn thông, trang thiết bị hiện đại đi kèm) ở các địa phương không đồng đều, chênh lệch rõ rệt giữa khu vực đô thị với các vùng nông thôn, khu vực miền núi… rất hạn chế để phát triển du lịch thông minh hay xây dựng các sản phẩm có yếu tố công nghệ cao.
– Vai trò của nhà tổ chức tour đang suy giảm. Với sự phát triển công nghệ, thay vì mua tour của công ty du lịch, du khách liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp, book dịch vụ và du lịch tự túc. Đây là áp lực lớn, đòi hỏi các công ty du lịch phải luôn đổi mới, thiết kế các dịch vụ mới lạ, các chương trình khuyến mãi, tiếp thị hấp dẫn để thu hút khách. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là về doanh thu, giữ chân nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang là bài toán nan giải lúc này, thay vì đó các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động về du lịch dần dần chuyển đổi sang mô hình kinh doanh lĩnh vực khác nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
– Công tác quản lý hệ thống vận hành mô hình Du lịch thông minh đang còn lúng túng. Những doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, mô hình quản lý truyền thống không tránh khỏi vấn đề bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian và các quy định, quy trình phức tạp, đôi khi chồng chéo. Đây là một rào cản làm ảnh hưởng đến quy trình chuyển đổi quản lý và làm chậm quá trình ứng dụng công nghệ vào thực tiễn doanh nghiệp.
– Số lượng người truy cập internet khá nhiều, phạm vi rộng nhưng sự nhìn nhận và ứng dụng, sử dụng sản phẩm công nghệ cao vào phát triển Du lịch thông minh còn hạn chế, chưa phát huy đúng, đủ các tính năng ưu việt hiện có.
Ý nghĩa phát triển Du lịch thông minh
Đối với du lịch nói chung:
– Là nhân tố quan trọng để kết nối toàn cầu giữa các quốc gia, các đối tác, các doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân, điểm đến du lịch…;
– Du lịch thông minh góp phần nâng cao hoạt động xúc tiến, quảng bá, dự báo phát triển du lịch;
– Du lịch thông minh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tạo sự đột phá về năng suất, nâng cấp hệ thống ngành du lịch;
– Du lịch thông minh góp phần kích thích sự tăng trưởng, tính tương tác giữa các đối tượng tham gia, rút ngắn thời gian, khoảng cách, quản lý và hoạt động hiệu quả;
– Du lịch thông minh góp phần chuyển đổi số ngành du lịch, giúp ngành du lịch đi tắt đón đầu trong sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;
– Du lịch thông minh góp phần bảo đảm cho sự phát triển trong tình hình mới, tránh sự tiếp xúc hạn chế lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Đối với Doanh nghiệp:
Hiện nay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc trực tiếp tham gia cung ứng hay giao dịch với du khách là không khả thi, chưa thể thực hiện được, bằng việc phát triển Du lịch thông minh lúc này như là bắt buộc đối với việc duy trì và phát triển. Trong đó Du lịch thông minh là kênh quảng bá trực tuyến, giới thiệu về sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch hữu hiệu từ các đơn vị cung cấp dịch vụ đến du khánh một cách nhanh chóng, hiệu quả, chuyên nghiệp, có sức lan tỏa cao, đồng thời giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt trong việc vận hành, quản lý nhân viên, hoạt động tiết kiệm và có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, Du lịch thông minh giúp các doanh nghiệp du lịch nhận ý kiến phản hồi, đánh giá của khách hàng và thanh toán trực tuyến (H3).
Hình 3: Hệ sinh thái sản phẩm CNTT trong doanh nghiệp Du lịch
Ngoài ra việc phát triển Du lịch thông minh còn giúp cho các doanh nghiệp kịp thời kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, liên kết giữa các doanh nghiệp, người làm du lịch với nhau một cách nhanh chóng, kịp thời vừa để xử lý các tình huống xảy ra trong hoạt động du lịch vừa để đáp ứng được mọi nhu cầu du lịch của du khách trong nước và quốc tế, bảo đảm hoạt động liên tục không bị gián đoạn, có tính bảo mật thông tin và giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn.
Đối với khách du lịch:
Du lịch thông minh giúp người có nhu cầu du lịch nhanh chóng trong việc tìm hiểu thông tin du lịch cần thiết, như tìm kiếm điểm du lịch, công ty lữ hành uy tín, chất lượng, về hành trình, hình thức vận chuyển, khách sạn nhà hàng, khu vui chơi giải trí, bản đồ du lịch, thời tiết, giá cả, quy đổi tiền, hình thức thanh toán trực tuyến một cách có hiệu quả, tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian… qua đó du khách trở thành “người Du lịch thông minh” sau khi đã lựa chọn được cách thức thực hiện các nhu cầu về du lịch phù hợp. Ví dụ, ngày nay, du khách có thể đặt dịch vụ du lịch, khách sạn, vé máy bay, tàu thủy, tàu hỏa,… trực tuyến. Du khách chỉ cần có điện thoại thông minh, kết nối internet là có thể nhanh chóng thực hiện các dịch vụ mong đợi.
2.4. Một số giải pháp chính nhằm phát triển Du lịch thông minh
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hay sự phát triển của công nghệ số được xem là một trong những lợi thế giúp ngành du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu đứng top đầu khu vực Đông Nam Á. Và để ngành Du lịch có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững về du lịch một khi ngành công nghiệp không khói biết cách vận dụng, khai thác những lợi thế đó từ việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thực tiễn.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, những hạn chế khó khăn trong phát triển Du lịch thông minh tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp chính nhằm phát triển Du lịch thông minh theo hướng bền vững dưới đây:
– Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/5/2017, về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hiện thực hóa Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 ngày 13/8/2021 của Bộ VHTT&DL vào thực tiễn hoạt động du lịch trong thời kỳ mới.
– Cần phát triển đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Du khách về hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, kỹ thuật số rộng khắp, nâng cấp các ứng dụng công nghệ cao không cần có GPS và 3G/4G//wifi/internet mà vẫn có thể sử dụng được.
– Cần có khung chính sách quản lý và thực hiện số hoá trong phát triển du lịch thông minh, từ chính sách khuyến khích và tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các công cụ và kỹ thuật vận hành dịch vụ du lịch thông minh; xây dựng chương trình hành động về nâng cao nhận thức cho toàn bộ người dân trong việc chuyển đổi số; các chương trình quảng bá đồng bộ về sản phẩm du lịch thông minh đến khách du lịch dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, trên cơ sở văn hóa du lịch một cách minh bạch, thân thiện và đặc sắc.
– Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phát triển du lịch thông minh, thích ứng với quá trình chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là với nhân lực tại các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, điểm du lịch, người làm du lịch…
– Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động cập nhật, ứng dụng phát triển du lịch thông minh, từ đầu tư cơ sở trang thiết bị công nghệ – kỹ thuật số, các phần mềm, website, các trang mạng xã hội khác; nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận và chăm sóc khách du lịch trực tuyến đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch.
– Cần kết nối chặt chẽ và chia sẻ dữ liệu số giữa ngành du lịch với các ngành khác như ngành công nghệ – truyền thông, tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế,… và cần kết nối chặt chẽ, thông suốt giữa du khách, các doanh nghiệp du lịch với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
3. Kết luận
Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu như ngưng lại vì đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và trong những cái nguy đó cũng là cơ hội để ngành Du lịch thiết lập, đưa ra các phương án hoạt động, phát triển trong thời kỳ mới, đặc biệt là thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong du lịch phù hợp với thực tiễn và xu hướng của thời đại. Hiện nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang chú trọng phát triển mô hình Du lịch thông minh trở thành một “Hệ sinh thái Du lịch” phong phú, mang nhiều tiện ích cho du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ 4.0 vào các hoạt động phát triển du lịch. Với sự ra đời mô hình Du lịch thông minh, đã mang đến ngành Du lịch với tính năng vượt trội và tầm quan trọng cho sự phát triển là hết sức ý nghĩa, thiết thực, đảm bảo cho ngành du lịch hoạt động, kịp thời xử lý và đáp ứng được các nhu cầu của thị trường du lịch trong giai đoạn hiện nay và hướng đến tương lai. Để đạt được các kết quả như kỳ vọng, đòi hỏi toàn bộ hệ thống ngành Du lịch, các ngành liên quan cần quyết liệt hơn, chú trọng thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở hạ tầng số vững chắc, sự kết nối chặt chẽ giữa các ngành, doanh nghiệp, mọi người cùng tham gia, chia sẽ lợi ích và tôn trọng lẫn nhau, bên canh đó, cần có nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả cho quá trình phát triển. Bài viết mang tính tham khảo, trao đổi góc nhìn nhận của tác giả đối với thực trạng phát triển Du lịch thông minh hiện nay ở Việt Nam, cung cấp các thông tin, đưa ra các giải pháp chính nhằm phát triển mô hình Du lịch thông minh hướng đến phát triển bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
[2] Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
[3] Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025;
[4] “Mô hình du lịch thông minh – Điểm nhấn phát triển ngành kinh tế xanh, đăng trên Kinh tế & Đô thị”, http://m.kinhtedothi.vn/mo-hinh-du-lich-thong-minh-diem-nhan-phat-trien-nganh-kinh-te-xanh-310544.html, truy cập 20-9-2018;
[5] TS Lê Quang Đăng: “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam”, http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-viet-nam/;
[6] An Nhi (2018), “Du lịch thông minh”, http://www.hanoimoi.com.vn/Tin- tuc/Du lich/871174/phat-trien-du-lich-thong-minh-, truy cập 20-9-2018;
[7] Chiến Thắng (2018), “Sự bùng nổ của du lịch trực tuyến và những tác động tới phát triển Du lịch Việt Nam”, http://www.itdr.org.vn/vi/nghiencuu-traodoi/1700-su-bung-no-cua-du-lich- truc-tuyen-va-nhung-tac-dong-toi-phat-trien-du-lich-viet-nam.html, truy cập ngày 15-9-2018;
[8] Tổng cục Du lịch (2018), “Du lịch thông minh: Tầm nhìn chính sách”. Vũ Quốc Trí – Đại diện Tổng cục du lịch, tài liệu hội thảo, Hà Nội ngày 29-8-2018.
[9] “Du lịch thông minh – cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam”, http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/25018, Hà Nội ngày 6-10-2017, truy cập 15-9-2018.
[10] Giới thiệu một số giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các công ty du lịch lữ hành, khách sạn, đại lý bán vé lữ hành, tham luận tại hội thảo tọa đàm “Ứng dụng giải pháp công nghệ số cho du lịch thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, Trung tâm công nghệ thông tin Mobifone, Hà Nội 29- 8-2018;
[11] Thông Tấn Xã Việt Nam (2018), “Thành phố Hồ Chí Minh cạnh tranh bằng phát triển du lịch thông minh”, http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/26965, truy cập ngày 15-9-2018;
[12] VNPT hỗ trợ phát triển du lịch thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố, http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201807/vnpt-ho-tro-phat-trien-du-lich-thong-minh-cho-nhieu-tinh-thanh-pho-609159/, truy cập ngày 15-9-2018.
NCS Trần Doãn Cường – Trung tâm Tư vấn Đào tạo Du lịch