Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn với địa phương

Sự kiện do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức.

Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn với địa phương - 1

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: BTC).

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; thể hiện là một ngành công nghiệp văn hóa và hệ sinh thái văn hóa, tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân.

Phát triển lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa sức mạnh mềm, di sản và đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia.

Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn với địa phương - 2

Ông Ngô Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: BTC).

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh – cho rằng tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là khi công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ kết nối.

Đặc biệt, ngành công nghiệp văn hóa càng giàu tiềm năng phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Thắng cho rằng tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết; dư địa về mặt cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, còn nhiều bất cập, hạn chế; sự phát triển chưa thật sự bền vững và đồng bộ tại các địa phương.

Ông Ngô Xuân Thắng nhấn mạnh, văn hóa ngày càng là một yếu tố quan trọng của sản phẩm du lịch, tạo nên sự khác biệt có sức hấp dẫn du khách đến địa phương tìm hiểu và trải nghiệm.

Du lịch cũng là phương thức giúp khách quốc tế và trong nước khám phá văn hóa đa dạng theo vùng miền và theo bề dày lịch sử của một quốc gia.

Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thương hiệu quốc gia và lan tỏa tầm ảnh hưởng của nền văn hóa dân tộc; đồng thời, thúc đẩy văn hóa phát triển thông qua việc tạo thu nhập có thể hỗ trợ và tái đầu tư cho các công trình, di sản văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa mới.

Do đó, để khai thác lợi thế và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch, các địa phương cần có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng đưa du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối thoại phát triển địa phương 2022 quy tụ đại diện lãnh đạo từ hơn 50 tỉnh, thành phố và các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận vấn đề và giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch gắn với phát triển địa phương.

Đây là diễn đàn thường niên, là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.