Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch
Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch
(Tạp chí Du lịch) – Sáng 14/4/2023, Diễn đàn Du lịch văn toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Hội chợ VITM 2023. Diễn đàn nhằm thực hiện chủ trương phục hồi nhanh và tăng tốc phát triển du lịch của Chính phủ, hướng tới khai thác các giá trị văn hóa là hướng đi mới giúp cho ngành Du lịch Việt Nam sớm phục hồi.
Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh tại Diễn đàn: Ngành Du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20 – 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Những năm qua, loại hình du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền… Các giá trị nghệ thuật cũng đã được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Áo dài”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Múa rối nước”, “À Ố Show”. Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng khẳng định: Hiện nay việc đưa công nghiệp văn hóa lên hàng đầu là nhiệm vụ mới, việc phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch một cách chặt chẽ, trong đó điện ảnh là 1 trong 13 nhiệm vụ đề án công nghiệp văn hóa đưa ra, qua đó việc gắn bó giữa các thương hiệu du lịch Việt Nam với điện ảnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Thứ trưởng cho biết, trong năm 2023, Bộ VHTTDL sẽ triển khai hai chương trình lớn, trong đó có việc xây dựng chương trình biểu diễn “Tứ Linh – Huyền tích Thăng Long” và chuỗi sự kiện gắn kết giữa du lịch và điện ảnh được tổ chức tại Khánh Hòa vào tháng 5/2023. Đây là những định hướng quan trọng cho sự hợp tác giữa du lịch và văn hóa.
Những năm gần đây, Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Có thể thấy tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa. Cụ thể, năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á” và là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn. “Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế. Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách” – Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định.
Chính vì vậy, Diễn đàn du lịch toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam” nằm trong khuôn khổ hội chợ VITM 2023 tập trung nội dung về phát triển du lịch văn hóa với mục tiêu góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn giá trị các di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời phát triển du lịch để đưa văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại của Việt Nam ra thế giới. Đại dịch COVID-19 đồng thời đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Để phát triển du lịch văn hóa, Diễn đàn đã tập trung làm rõ vai trò, mối quan hệ giữa văn hóa – du lịch, du lịch – văn hóa và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa Việt Nam thời gian tới. Qua hai phiên Diễn đàn với chủ đề phiên 1 “Mối quan hệ văn hóa – du lịch, du lịch văn hóa Việt Nam” và phiên 2 “Đề xuất các giải pháp phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam”, lãnh đạo ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, các chuyên gia du lịch, đại diện các doanh nghiệp du lịch đã trao đổi những vấn đề tồn tại và vướng mắc trong phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam để đề ra các giải pháp phát triển trong giai đoạn mới.
Theo đó, nhiều mô hình và cách tiếp cận du lịch văn hóa đã được trao đổi tại Diễn đàn như: giới thiệu mô hình du lịch văn hóa thông qua các tư liệu và hiện vật của Bảo tàng Việt Nam; phát triển du lịch văn hóa dựa trên khai thác các hiện vật lịch sử từ các bộ sưu tầm tư nhân, qua đó định hướng chính sách thu hút các nhà văn hóa, nhà sưu tầm cổ vật, các bảo tàng tư nhân tham gia phát triển du lịch văn hóa; kinh nghiệm xây dựng và phát triển thực cảnh “Ký ức Hội An” với tiêu chí “lấy kiến trúc là hình, lấy văn hóa là hồn”… Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai sản phẩm du lịch văn hóa của một số doanh nghiệp như: cách tiếp cận du lịch giá trị di sản văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển của Lux Travel; triển khai sản phẩm du lịch văn hóa chuyên đề của Công ty SGO Travel…, hay thúc đẩy các sự kiện du lịch văn hóa, lễ hội du lịch văn hóa tại VinWonder…
Các giải pháp được đề xuất tập trung vào các nội dung: Chính sách, chủ trương, kế hoạch hành động khai thác giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, nghề truyền thống… phục vụ phát triển du lịch; chú trọng công tác phối hợp giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lĩnh vực du lịch; nâng cao chất lượng và phát triển số lượng nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN; công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phải chuyên nghiệp, hiệu quả; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phải được quan tâm, được đầu tư tương xứng tại các địa điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống.
Kết luận tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định: “Du lịch văn hóa là vấn đề nóng và cần thiết cho phát triển du lịch trong giai đoạn mới sau đại dịch COVID-19. Khi nhận ra cốt lõi của Việt Nam là văn hóa, cần đưa văn hóa vào du lịch và biến thành bộ phận quan trọng trong phát triển du lịch”. Ông Vũ Thế Bình cho biết, qua Diễn đàn, nhiều vấn đề liên quan đến du lịch văn hóa đã được khơi gợi và nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu cùng hơn 2000 lượt xem trên livestream. Các ý kiến tại Diễn đàn sẽ được tiếp thu và sẽ có tổng kết chi tiết để có định hướng phát triển du lịch văn hóa trong thời gian tới, hướng tới ra đời một số sản phẩm du lịch văn hóa năm 2023 và kỳ vọng đến năm 2024 Việt Nam trở thành một thị trường du lịch văn hóa…
Trang Lê