Phát triển du lịch Bàu Trắng tương xứng tiềm năng
Thuộc địa phận thôn Hồng Lâm – xã Hòa Thắng (Bắc Bình), Bàu Trắng được ví như một ốc đảo xanh giữa “tiểu sa mạc” với những đồi cát trắng tuyệt đẹp. Cùng với sự phát triển của du lịch Bình Thuận, địa chỉ này càng trở nên nổi tiếng và có sức cuốn hút du khách trong lẫn ngoài nước đến chiêm ngưỡng, khám phá… Chính vì thế, tới đây điểm du lịch Bàu Trắng cần được khai thác phát triển hiệu quả theo hướng bền vững và tương xứng với tiềm năng.
Điểm du lịch nổi tiếng
Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có, Bàu Trắng là điểm tham quan nổi tiếng mà hầu hết du khách không thể bỏ qua mỗi khi chọn Bình Thuận là nơi nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí. Cách đây hơn 10 năm (tháng 1/2012), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt “Phương án quản lý điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng, huyện Bắc Bình”. Với tổng diện tích khoảng 45 ha, điểm du lịch bao gồm 23,2 ha thuộc đất 3 loại rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong quản lý, còn lại 2,8 ha đất và 19 ha mặt nước do UBND xã Hòa Thắng quản lý.
Bàu Trắng – điểm du lịch nổi tiếng, có sức cuốn hút du khách trong lẫn ngoài nước.
Năm 2013, nơi đây được công nhận là địa điểm nằm trong top 100 điểm đến ấn tượng của Việt Nam, trong giai đoạn 2014 – 2016 tiếp tục nhận danh hiệu điểm đến ưa thích Asean và top 100 điểm yêu thích khu vực phía Nam. Đặc biệt năm 2019, Bàu Trắng vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo TS. Đinh Kiệm – nguyên Trưởng khoa Quản lý nguồn nhân lực Trường Đại học Lao động – Xã hội (cơ sở II) TP. Hồ Chí Minh, dọc suốt chiều dài bờ biển Bình Thuận có cấu trúc tạo địa chất, địa mạo rất đặc biệt. Tuy nhiên độc đáo hơn phải kể đến khu cảnh quan Bàu Trắng – đồi cát Trinh Nữ, một tài nguyên địa du lịch ven biển đặc sắc không nơi nào có được. Bởi ở đây mang đặc trưng một hồ thiên nhiên rộng lớn chưa từng cạn nước, lại nằm ngay sát một khu đồi cát hoang sơ được mệnh danh “tiểu sa mạc” ven biển của Bình Thuận…
Nói về điểm du lịch hút khách này, TS. La Nữ Ánh Vân – Trường Đại học Phan Thiết cho rằng Bàu Trắng rất thích hợp với du khách yêu thích các hoạt động trải nghiệm ngoài trời, thường thì bình minh và hoàng hôn là thời điểm đẹp nhất ở nơi đây. Với cảnh quan độc đáo, Bàu Trắng cũng trở thành địa điểm “sống ảo” ưa thích của nhiều bạn trẻ, vì chỉ cần giơ máy lên là có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong chuyến du lịch… Đối với những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh, điểm du lịch thuộc địa bàn huyện Bắc Bình luôn là nguồn cảm hứng bất tận và đã có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng ảnh nghệ thuật về điểm đến Bàu Trắng.
Cần phát triển tương xứng…
Mới đây vào cuối tháng 10/2022, Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch Bàu Trắng” đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp UBND huyện Bắc Bình, Viện Địa lý Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Thực trạng cho thấy du lịch Bàu Trắng hiện đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và cần có hướng giải quyết hợp lý để gìn giữ, tôn tạo, phát huy các giá trị danh thắng quốc gia gắn kết với phát triển du lịch bền vững…
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình thông tin tại điểm du lịch Bàu Trắng hiện có 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, cho thuê xe mô tô, ô tô… Dù vậy việc đầu tư kinh doanh dịch vụ còn tự phát, hầu hết xe địa hình của các cơ sở kinh doanh chưa có giấy phép hoạt động trên đồi cát Trinh Nữ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nơi đây cũng còn hạn chế và tình hình vệ sinh môi trường, hoạt động xe địa hình, trượt ván còn nhiều bất cập… Để điểm du lịch Bàu Trắng được quản lý và khai thác tốt hơn, là điểm đến lý tưởng thu hút đông du khách trong lẫn ngoài nước thì cần triển khai các giải pháp mang lại hiệu quả. Trong đó có thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá cũng như ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước – trong – sau chuyến đi. Ngoài tập trung đầu tư phát triển, địa phương cần tính đến nâng cấp điểm du lịch Bàu Trắng làm điểm nhấn trong toàn khu du lịch để khai thác hiệu quả đồi cát, kết hợp rừng khu Lê Hồng Phong (căn cứ kháng chiến) phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với văn hóa, lịch sử nơi đây.
Hướng tới phát triển du lịch Bàu Trắng một cách bền vững, TS. Đinh Kiệm – nguyên Trưởng khoa Quản lý nguồn nhân lực Trường Đại học Lao động – Xã hội (cơ sở II) TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra một số gợi ý. Cụ thể tập trung vào các giải pháp: Quy hoạch, quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; Bảo tồn và phát triển tài nguyên cảnh quan du lịch; Đầu tư phát triển tài nguyên du lịch; Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững. Trong đó cần xây dựng cơ chế ưu tiên khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm lực, có trách nhiệm trong vấn đề bảo tồn cảnh quan và môi trường tự nhiên, áp dụng công nghệ tiên tiến theo hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường. Đồng thời thu hút nguồn tài chính của toàn xã hội dành cho các hoạt động bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nói chung và cảnh quan du lịch nói riêng…
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó về các điểm du lịch quan trọng, danh thắng Bàu Trắng được xác định là biểu tượng độc đáo của Mũi Né và định hướng khai thác các giá trị cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường…