Phát triển du lịch bền vững gắn với vai trò của di sản văn hóa

(KTSG Online) – Sự tăng trưởng và phát triển du lịch nhanh chóng trong thời gian gần đây đã đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong việc quản lý và khai thác di sản văn hóa hiệu quả, thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều di sản văn hóa bị thương mại hóa quá mức, làm suy giảm giá trị. Do đó, ngành du lịch đang hướng đến việc phát triển du lịch bền vững gắn với vai trò của di sản văn hóa.

Đó là những thông tin được ghi nhận tại Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững được tổ chức vào ngày 22-4 tại Phú Thọ. Sự kiện do AVSE Global và UBND Tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị trên, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết cả nước hiện có hơn 4 vạn di tích, trong số đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.614 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới…

Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Ông Cương cho biết, chỉ tính riêng tại 8 di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 đón 14,3 triệu khách doanh thu khoảng 1.776 tỉ đồng. Năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách, doanh thu khoảng 2.322 tỉ đồng – đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản.

Ông Cương cho rằng, sáng kiến tổ chức Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thể hiện trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững.

Cũng tại diễn đàn trên, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục
Du lịch Việt Nam, cho biết di sản văn hóa là nguồn tài nguyên và nguồn lực vô giá để phát triển du lịch Việt Nam, đây cũng là động lực thu hút du khách trong nước và quốc tế. Việc có hàng chục di sản được Unesco công nhận là di sản thế giới và sở hữu một hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh… góp phần đưa du lịch Việt Nam nhận nhiều giải thưởng quốc tế và năm 2022 Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.

Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống.

Thêm nữa chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh quan điểm: phát triển du lịch văn hóa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; xác định du lịch văn hóa là một trong những dòng sản phẩm quan trọng của du lịch Việt Nam; phấn đấu đến năm 2030 du lịch văn hóa chiếm tỉ trọng khoảng 30% trong tổng số khoảng 130 tỉ đô la Mỹ tổng thu từ khách du lịch…

Ông Hà Văn Siêu cho rằng trước Covid-19 du lịch Việt Nam đã đạt được những dấu mốc ấn tượng và du lịch văn hóa đã khẳng định vai trò quyết định trong việc tạo nên kết quả đó. Tuy nhiên chính sự tăng trưởng và phát triển du lịch nhanh chóng đã đặt ra thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo quản lý di sản văn hóa  hiệu quả, nâng cao giá trị của di sản cũng như thúc đẩy phát triển bền vững.

Nhiều giá trị di sản văn hóa bị thương mại hóa quá mức, làm suy giảm giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều nét văn hóa truyền thống, lối sống, phong tục tập quán địa phương bị phá vỡ, biến đổi… du lịch Việt Nam thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn văn hóa có tính tương tác cũng như các công trình văn hóa nghệ thuật, cũng như các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách…

Vị đại diện Tổng cục Du lịch dẫn chứng tại hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây, nhiều vấn đề quan trọng mang tính định hướng của toàn ngành được đưa ra bàn luận. Trong đó có vấn đề phát triển sản phẩm du lịch  Việt Nam gắn với khai thác hiệu quả bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc.

Để khắc phục những bất cập trong khai thác du lịch gắn với di sản văn hóa, ông Siêu đưa ra những khuyến nghị sau: đặt di sản văn hóa làm trọng tâm, các địa phương có di sản cần quan tâm chỉ đạo để phát huy giá trị di sản văn hóa tối ưu, bền vững; cần giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch; cần có cơ chế phối hợp phân chia hài hòa lợi ích hợp lý giữa văn hóa và du lịch, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan (người dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước về du lịch và di sản và chính quyền địa phương)…

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở các nước, kinh nghiệm cho Việt Nam. Các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cũng như các tỉnh thành cần tìm ra những giá trị khác biệt của địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch và những trải nghiệm đáng nhớ…

Diễn đàn Bền vững Việt Nam hướng đến một không gian trao đổi để các nhà lãnh đạo toàn cầu và các chủ thể liên quan (các nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nghiệp, doanh nhân, và tổ chức phi chính phủ) trình bày và thảo luận về các sáng kiến, thực tiễn và xu hướng mới về sự bền vững. Sứ mệnh cốt yếu là thúc đẩy sự phát triển lâu dài cho xã hội, trong đó thịnh vượng gắn liền với môi trường bền vững.

Tiếp nối sự thành công của 2 diễn đàn năm 2018 và 2019, năm nay Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023 được tổ chức trở lại sau thời gian gián đoạn vì Covid-19.