Phát triển du lịch biển đảo: chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng…

Phát triển du lịch biển đảo: chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đánh giá cao chủ đề hội thảo, theo Thứ trưởng, thời gian qua, hoạt động du lịch gắn với biển, đảo đã góp phần tích cực để Du lịch Việt Nam khởi sắc, tạo sức hấp dẫn, nâng cao sức cạnh. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển, đảo là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định phát triển du lịch biển đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm. Như vậy có thể khẳng định du lịch biển, đảo đang và sẽ tiếp tục là một hướng chủ đạo, có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể đẩy mạnh khai thác, phát triển ở Việt Nam.

Hoạt động du lịch biển, đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành Du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách du lịch quốc tế đến các điểm du lịch biển, đảo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 23%. Du lịch biển phát triển cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho dải ven biển, nơi hiện có trên 21 triệu người trong độ tuổi lao động. Định hướng thời gian tới, Du lịch Việt Nam sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, thu hút khách nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với tìm hiểu văn hóa, di sản. “Nghỉ dưỡng biển là hướng đi đúng đắn để khách du lịch quay trở lại nhiều lần. Điều này không những góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, đồng thời còn có một ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, quốc phòng, khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển và nhận thức về chủ quyền quốc gia” – Thứ trưởng nhận định.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đồng thời cho rằng các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn những hạn chế cần giải pháp hợp lý để khắc phục. Thứ trưởng chỉ ra, đó là việc phát huy giá trị tài nguyên du lịch biển còn hạn chế, các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều, chưa thu hút được nhiều khách nghỉ dưỡng, quay lại nhiều lần… Còn có những bất cập về môi trường, về quy hoạch cần giải quyết hài hòa… Tính cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng gay gắt, đòi hỏi liên tục phải đầu tư sản phẩm du lịch đa dạng, khác biệt và tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá. “Tại hội thảo ngày hôm nay, tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia đưa ra những thảo luận, giải pháp phát triển du lịch biển đảo xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” – Thứ trưởng đề nghị.

Hội thảo diễn ra 2 phiên. Phiên 1 nêu lên thực trạng phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam với các tham luận: “Hiện trạng và tài nguyên phát triển du lịch biển đảo của Việt Nam”; “Quan điểm của Đảng đối với phát triển du lịch biển, đảo”; “Thực trạng hoạt động du lịch tàu biển tại Việt Nam thời gian qua”; “Tiềm năng du lịch biển đảo của Đà Nẵng: Thực trạng và giải pháp”. Phiên 2 tọa đàm và trao đổi giải pháp thúc đẩy du lịch biển đảo Việt Nam. Hội thảo cũng đã nghe nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ nghiệp vụ cho bà con khu vực biển đảo; tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý, chồng chéo về cơ chế, chính sách quản lý; ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn…

Trao đổi tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng các ý kiến đã rất tập trung vào du lịch biển đảo; đánh giá du lịch biển đảo có nhiều thế mạnh tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đồng thời tiếp thu ý kiến các đại biểu đối với kiến nghị về chiến lược tổng thể phát triển du lịch biển đảo; quy hoạch phát triển; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất; bảo vệ môi trường; cơ chế chính sách và chiến lược truyền thông. Các Vụ chức năng của TCDL cũng chia sẻ thêm, chỉ ra các vướng mắc là từ phía địa phương, địa phương phải cùng chung tay vào cuộc tháo gỡ; các địa phương cũng cần chuẩn hóa lại các tàu thuyền nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Các địa phương cũng cần khai thác sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp gắn với văn hóa để có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; phát triển sản phẩm bổ trợ để tạo sự đặc sắc cho sản phẩm du lịch biển đảo. TCDL sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến quảng bá, tuy nhiên trên hết là cần phải có sản phẩm tốt.

Theo Chủ tịch HHDLVN Vũ Thế Bình, nhiều vấn đề cần phải tìm cách giải quyết từng bước một, trước tiên là cần có một chiến lược phát triển du lịch biển đảo rõ ràng. HHDL Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo và dành ngân sách để TCDL phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một chiến lược phát triển rõ ràng, có ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp. “Rõ ràng là tiềm năng to lớn, nhưng lại phát triển một cách manh mún. Mỗi đơn vị làm một cách, mỗi đơn vị hiểu một cách càng nghiêm trọng. Vậy thì làm sao có thể phát triển được” – ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, trong thời gian chờ đợi chiến lược, cần làm trước những gì có thể giải quyết, bàn về các quy định ở địa phương để có sự thống nhất trong các cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên doanh nghiệp không thể chỉ nói không. “Các doanh nghiệp cần thông qua tổ chức Hiệp hội, bàn với nhau về một chiến lược rõ ràng trong quá trình hành động. Phải bằng hành động, phải kiến nghị, địa phương không giải quyết được thì kiến nghị lên Trung ương… Khi chúng ta đặt Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì Nhà nước phải có những ưu tiên, ưu tiên đó phải thể hiện cụ thể bằng những chính sách” – Chủ tịch HHDL Việt Nam nhấn mạnh.

Đình Phong