Phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi ở các tỉnh miền núi phía Bắc – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR)
Hiện nay các sản phẩm nghỉ dưỡng trên núi đang là cơ hội được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Xu hướng này đã hình thành và phát triển mạnh trong vài năm qua ở các nước Châu Âu và một số nước phát triển của Châu Á. Ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng tích cực của thị trường. Cùng với việc nghỉ ngơi và thư giãn, nhiều du khách mong muốn lựa chọn một không gian thiên nhiên yên bình để giải tỏa tâm trí. Trong khi những bãi biển vẫn là lựa chọn kinh điển, thì nghỉ dưỡng trên núi đang là một lựa chọn hấp dẫn trong những năm gần đây.
Du lịch nghỉ dưỡng núi: Đây là loại hình du lịch được khách du lịch rất ưa thích, chỉ đứng sau loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển về lượng khách tham quan. Ở châu Âu, loại hình du lịch này rất phát triển, đặc biệt là những vùng núi cao có không khí trong lành, phong cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ và khu vực có tuyết trắng. Ở Việt Nam, với hai phần ba diện tích lãnh thổ là đồi núi tạo nên nhiều khu vực có thiên nhiên độc đáo, phong cảnh đẹp, hùng vĩ, hấp dẫn du khách, có không khí trong lành và khí hậu mát mẻ rất phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng và loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi hiện tại được phát triển quanh năm. Theo các nhà khí tượng học, cứ lên độ cao 100m thì nhiệt độ sẽ giảm 0,6oC, nên các vùng đồi núi cao có khí hậu mát mẻ hơn vùng đồng bằng. Các địa danh Ba Vì, Tam Đảo, Sa Pa, Mẫu Sơn, Bà Nà, Đà Lạt…là những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng của Việt Nam. Hoạt động du lịch này là điều kiện để nâng cao nhận thức của dân cư và nâng cao chất lượng đời sống của các đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi xa xôi.
* Những lý do khách du lịch yêu thích lựa chọn sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi:
Bầu không khí trong lành: Bầu không khí trong lành của miền núi sẽ thu hút được khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng ở vùng núi. Du khách khi đặt chân đến những vùng cao, du khách được đắm chìm trong màn đêm lung linh ánh sao, thay vì những ánh đèn thành phố. Không chỉ vậy, đặc điểm khí hậu độc đáo của miền núi cũng có rất nhiều lợi ích hấp dẫn, bao gồm cải thiện hoạt động của tim và tăng cường hệ tuần hoàn.
Thiên nhiên tươi đẹp: Khung cảnh rừng núi bạt ngàn, những dòng thác trong lành quấn quanh khu rừng, mặt hồ tĩnh lặng là các đặc điểm thiên nhiên đầy tự hào của các khu nghỉ dưỡng trên núi. Đoạn đường đèo, dòng thác, bờ sông… tất cả đều rất thu hút khách tới khám phá.
Nhiều hoạt động du lịch nghỉ dướng núi có thể tham gia hoạt động trong các tour nghỉ dưỡng núi: Đối với những người ưa mạo hiểm, có rất nhiều hoạt động để khám phá quanh năm, như trekking, cắm trại, đạp xe, tắm rừng, ngắm hoa theo mùa, mùa lúa chín, mùa nước đổ, mùa cây ăn quả thu hoạch (dâu, mận, lê đào…)… Tuy nhiên, ngoài những hoạt động năng động, nghỉ dưỡng trên núi cũng không thiếu những hoạt động thư giãn, nhẹ nhàng. Đi bộ thưởng thức thiên nhiên, tập yoga, hay chỉ đơn giản là hít thở không khí trong lành đều thích hợp với những du khách ưa thích sự yên tĩnh.
Lối sống khác biệt trên núi: Hàng thế kỷ hòa mình cùng thiên nhiên đã tạo nên những cộng đồng miền núi với nền văn hóa riêng biệt, tình yêu thiên nhiên và sự hiếu khách. Làm quen người dân địa phương và tìm hiểu về vùng đất, truyền thống, ẩm thực và cách sống của họ chắc chắn là một trải nghiệm độc đáo. Mai Châu – nơi Avana Retreat, khu nghỉ dưỡng trên núi, tọa lạc, là quê hương của các dân tộc Thái và Hmong đã cư trú hàng trăm năm tại đây với những tập tục , truyền thống vô cùng đặc sắc, đáng quý.
Nơi để tìm sự yên bình: Không có liều thuốc nào tốt cho tâm trí hơn thế giới tự nhiên. Chữa lành từ bên trong bằng cách đắm mình trong khung cảnh tuyệt đẹp của núi non, leo lên đỉnh núi cao chót vót, ngắm nhìn những thung lũng xanh mướt, chiêm nghiệm bên dòng sông trong vắt, hoặc cảm nhận nhịp đập của rừng già trong mỗi bước chân.
Tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng núi ở vùng Tây Bắc
Tây Bắc là một vùng rộng lớn gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi. Tây Bắc là khu vực vùng núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam. Nhắc đến Tây Bắc, chúng ta liên tưởng ngay đến những dãy núi non hùng vĩ trùng điệp, những bản sương giăng, những đèo mây phủ, những ruộng bậc thang kỳ vỳ, những cánh rừng hoa ban – mơ – mai – mận – đào, những nụ cười rạng rỡ thơ ngây của những em bé dân tộc,… tất cả hòa quyện lại làm nên một Tây Bắc vô cùng quyến rũ, gọi mời những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Vùng đất Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch nghỉ dướng núi rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sa Pa – Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; Hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào… Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa Tây Bắc luôn thôi thúc lữ khách lên đường rời xa những đô thị sôi động để đến với vùng đất trời rộng mở, hùng vĩ, bình yên và bí ẩn.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên núi rừng kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.
Một số khu du lịch nghĩ dưỡng núi tiêu biểu cao cấp ở khu vực Tây Bắc đã và đang hoạt động ở khu vực Tây Bắc.
Tại Hà Giang: Hoàng Su Phì Lodge nằm ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang – nơi được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến với 3.000ha thửa ruộng bậc thang trải dài trên những sườn núi dốc, và là nơi sinh sống của 12 cộng đồng dân tộc. Toàn bộ các bungalows của Hoàng Su Phì Lodge đều được xây dựng bằng các sản phẩm tự nhiên và thân thiện với môi trường. Mỗi bungalow được thiết kế rộng rãi, thoáng, tiện nghi và đều có 2 ban công hướng núi, thung lũng, ruộng bậc thang; P’apiu Resort – khu nghỉ dưỡng xinh đẹp, ẩn mình trên đỉnh núi xanh ngút ngàn. Là điểm cuối cùng của dãy núi dài, kéo dọc suốt từ huyện Vị Xuyên đến dòng suối xanh mát dưới chân núi P’apiu, Yên Định, Bắc Mê, Hà Giang.
Tại Yên Bái: LeChamp Tú Lệ Resort Hot Spring & Spa: Vị trí lý tưởng chạy dọc theo sườn núi của bản Nước Nóng nhìn xuống thung lũng ruộng bậc thang xanh mướt và dòng suối “Nậm Lung” Tú Lệ rất trong xanh và bình dị – khu nghỉ mát có diện tích hơn 7 ha với những cánh đồng ruộng bậc thang ngút ngàn tầm mắt và một dòng suối tự nhiên biến nó thành một điểm đến mới và độc đáo; Mù Cang Chải resort – Tọa lạc trên đỉnh núi ở khu vực Hồ Thác Bà – Yên Bái, Mù Cang Chải resort là một resort 5 sao sở hữu rất nhiều tiện ích đẳng cấp được du khách ưa chuộng. Bên cạnh đó, khu nghỉ dưỡng còn có vị trí đắc địa bao quanh 3 mặt là quốc lộ 32, bốn hướng là cảnh quan ruộng bậc thang Mù Cang Chải, có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và mang nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Tây Bắc.
Tại Sa Pa – Lào Cai: Eco Palms House – Sapa Retreat – Eco Palm House là khu nghỉ dưỡng tại Sapa duy nhất được thiết kế theo phong cách nhà trình tường của người dân tộc Mông – Tây Bắc. Tọa lạc ở xã Lao Chải, khu nghỉ dưỡng Eco Palm house nằm cách thị trấn Sapa khoảng 7,3km. Resort nằm ở khu vực có tầm nhìn ra dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và thung lũng Mường Hoa đẹp tựa tranh vẽ. Eco Palm House là một trong những khu nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất tại Sapa với view núi tuyệt đẹp; Topas Ecolodge là một khu du lịch nghỉ dướng tuyệt đẹp, nằm trogn khu bảo tồn quốc gia Hoàng Liên Sơn, được đề cử là nơi lưu trú nghỉ dướng tuyệt vời nhất cho những người yêu thiên nhiên và cuộc sống xanh; Sapa Jade hill resort có view thung lũng đẹp nhất Sapa, cách Sapa chưa đầy 2km nằm trên trục giao thông chính Sapa, Sapa Jade nằm trên một vị trí đắc địa được cho là móng rồng của dãy nui Hàm Rồng, thị trấn Sapa – nơi hội tụ đầy đủ bốn mùa trong một ngày, rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng núi.
Tại Hòa Bình: Mai Châu Hideaway Resort, nằm ở phía Tây của tỉnh Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La, thung lũng Mai Châu là điểm đến được ưa chuộng hàng đầu của những người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên cũng như văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi.
Một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi Tây Bắc
Để du lịch nghỉ dưỡng núi vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có thì cần có các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn, điểm khác biệt đối với du khách dựa trên các tiềm năng thế mạnh nổi trội của rừng núi Tây Bắc.
Lào Cai hội tụ tiềm năng thích hợp phát triển du lịch mạo hiểm dựa vào ưu thế có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; du lịch nghỉ dưỡng núi với “Thị trấn trong mây” Sa Pa có khí hậu mát mẻ quanh năm. Vào mùa hè, thời tiết tại đây trong 1 ngày có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc như Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ, Sín Chải ở Sa Pa, chợ phiên Bắc Hà…
Đối với Hòa Bình, du lịch nghỉ dướng nùi ở khu vực như Bản Lác, Bản Poong Cọm (Mai Châu), khu vực lòng Hồ Hòa Bình. Bên cạnh đó, Hòa Bình còn có nguồn nước khoáng phong phú, chất lượng như suối khoáng Kim Bôi, khoáng nóng xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn), xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy)… là những điều kiện tốt để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi.
Tỉnh Sơn La tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi ở khu vực: Khu vực Cao nguyên Mộc Châu; khu vực nghỉ dưỡng núi Tà Xùa (Sương sống khủng long) – Huyện Bắc Yên; khu vực xã Ngọc Chiến (Mường La) là nơi nổi bật nhất, tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của Sơn La với địa hình và khí hậu đặc trưng. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển Mộc Châu trở thành một trung tâm du lịch lớn trong vùng và cả nước. Tại đây được định hướng tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng chữa bệnh, du lịch tham quan sinh thái, dã ngoại gắn với nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó gắn với du lịch giáo dục truyền thống cách mạng với tham quan di tích nhà tù Sơn La.
Yên Bái nổi tiếng với địa danh hồ Thác Bà – một biển hồ trong lòng Tây Bắc, Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải, Vùng văn hóa Mường Lò… Trong đó, hồ Thác Bà đã được quy hoạch là địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Do vậy cần khai thác tối đa tiềm năng, tập trung phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái ở hồ Thác Bà. Cần tiếp tục phát huy hiệu quả khai thác du lịch ở Mù Căng Chải với loại hình du lịch thể thao bay dù lượn tại đèo Khau Phạ, tham quan thắng cảnh ruộng bậc thang vào các thời điểm khác nhau trong năm.
Có thể thấy, trong số 6 tỉnh Tây Bắc thì Lai Châu có điều kiện khó khăn nhất trong phát triển du lịch, là một trong số những tỉnh nghèo nhất, xa xôi, địa hình hiểm trở, không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như các tỉnh khác, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, làm du lịch ở quy mô nhỏ, lượng khách đến và nguồn thu từ du lịch còn rất thấp. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Lai Châu đã xác định văn hóa dân tộc Lự sẽ đóng vai trò quan trọng tạo dấu ấn thực sự khác biệt trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc” và đã từng bước hỗ trợ Bản Hon xây dựng nghề dệt truyền thống. Một điểm du lịch đáng chú ý nữa là bản Sin Suối Hồ cùng với văn hóa dân tộc Mông đã dần hình thành được mô hình du lịch cộng đồng dù còn ở quy mô nhỏ nhưng được đánh giá là khá bài bản và thuần khiết. Cùng với việc mở rộng khai thác các chợ phiên Sìn Hồ, San Thàng, các lễ hội Hạn Khuống, Hoa Ban, Ném còn… thì phát triển du lịch cộng đồng sẽ là hướng đi đúng đắn với Lai Châu. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh cao với đỉnh Putaleng và đỉnh Mộc Lương Tử đều cao trên 3.000m… thu hút đối tượng khách thích chinh phục, thích “phượt” vốn đang là trào lưu trong giới trẻ ở Việt Nam và du khách nước ngoài.
Nghỉ dưỡng trên núi là lựa chọn lý tưởng để thư giãn nhờ khung cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành và những hiểu biết văn hóa thú vị. Đến với miền núi, du khách được thoát khỏi những bộn bề hàng ngày, bắt đầu chuyến đi khám phá bản thân, mở mang tầm nhìn và cảm nhận đất trời một cách tự nhiên, sâu sắc.
CN. Bùi Thị Hạnh
Phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo & QLKH