Phát triển du lịch ồ ạt tác động tiêu cực đến di sản văn hóa

Di sản văn hóa được xác định là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Việc khai thác, phát huy giá trị các di tích đã góp phần tích cực trong thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch nhanh, liên tục lại đang gây nhiều áp lực cho công tác bảo tồn, thậm chí có nguy cơ làm biến dạng di tích.

Hiện nay, Việt Nam có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 3.463 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt, nhiều di tích tiêu biểu đã được lựa chọn để  lập hồ  sơ khoa học, trình và đã được UNESCO ghi danh 8 di sản vào danh mục Di sản thế giới. Các khu di sản là điểm đến được ưa thích của khách du lịch, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ du lịch.

Theo công bố chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, Vịnh Hạ  Long (Quảng Ninh) đón trên 3,6 triệu lượt khách (trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế và 1,2 triệu lượt khách trong nước); quần thể  danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón 6,1 triệu lượt khách (trong đó có 710.834 lượt khách quốc tế  và 5.415.050 lượt khách trong nước);

Quần thể di tích Cố  đô Huế (Thừa Thiên – Huế) đón 3 triệu lượt khách (trong đó có trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế  và gần 1,2 triệu lượt khách trong nước, thu từ  vé trên 320 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần so với năm 2011), Chùa Hương và Quần thể  di tích Hương Sơn, Hà Nội đón gần 2 triệu lượt khách, thu từ phí thắng cảnh khoảng 110 tỷ  đồng và phí chở  đò khoảng 70 tỷ  đồng; 

Đền Ngọc Sơn đón khoảng 925 nghìn lượt khách, thu từ vé đạt khoảng 27 tỷ  đồng; Khu di tích Văn Miếu  –  Quốc Tử Giám đón khoảng 1,9 triệu lượt khách, thu từ  vé khoảng 46 tỷ đồng.

Phát triển du lịch đang gây áp lực cho hoạt động bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long.

Nếu tính riêng các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế  giới, số liệu thống kê đều cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về lượt khách tham quan cũng như doanh thu từ việc bán vé.  Cụ thể, năm 2017 có trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế) tới tham quan, nghiên cứu các di sản thế giới của Việt Nam, thu về khoảng 2.535 tỷ đồng từ  vé tham quan và phí dịch vụ  trực tiếp.

Mức tăng trưởng cao và liên tục của du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản nhưng cũng đang có những tác động tiêu cực tới các di sản. 

Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu nhận định: Quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng ở nước ta đang gieo rắc không ít những tác động nhiều mặt như: sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản khiến di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đang đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản. 

Thời gian qua, ở một số di sản nổi tiếng đã có những hoạt động đầu tư phát triển, trong đó có những xâm hại nghiêm trọng tới di sản mà giai đoạn kế tiếp sẽ phải trả giá rất đắt cho việc phục hồi giá trị di sản đã bị xâm hại. 

Ở khía cạnh khác, tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa, nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương, gia tăng sự chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… là hồi chuông báo động đối với các bên liên quan trong việc quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Riêng với di sản thế giới ở Việt Nam, ông Michael Croft Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội cũng cho rằng, các di sản đang chịu nhiều áp lực du lịch và phát triển. 

Việt Nam xếp thứ  6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất theo thống kê của UNWTO (Tổ  chức Du lịch thế  giới) trong năm 2017. Việc không có quy định cụ  thể  về  tỷ  lệ tái phân bổ và ban quản lý cần phải đệ trình các đề xuất cho các dự án bảo tồn hằng năm và sự chấp thuận thay đổi tùy thuộc vào mức độ quan tâm của chính quyền địa phương đang gây nhiều trở ngại cho bảo tồn di sản. 

Dữ liệu về tái phân bổ doanh thu cho bảo tồn di sản không được báo cáo đầy đủ và thường xuyên cho Bộ Văn hóa, Thể  thao và Du lịch nên rất khó để đánh giá đóng góp từ  các hoạt động tham quan du lịch vào hỗ trợ bảo tồn. 

Về mặt giải pháp, ông Michael Croft khuyến nghị, Việt Nam phải có phương thức tiếp cận thực tiễn hiệu quả. Để có thể vừa giải quyết những mối quan tâm chính đáng dành cho phát triển vừa thỏa mãn các yêu cầu về bảo tồn và bảo toàn giá trị của các di sản thì cần có sự chung tay góp sức từ các bên liên quan gồm Chính phủ, khối tư nhân và cộng đồng địa phương. Ở đó, hợp tác giữa khu vực công – tư là yếu tố then chốt…

Ông Hà Văn Siêu cũng cho rằng, để bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch thì ngoài hoạch định về chính sách, chiến lược phát triển phù hợp, cần chú trọng phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng. Cần nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản, xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Việt Nam, ứng dụng thành quả cách mạng công nghệ 4.0 trong quản lý, khai thác, xử lý nghiêm các vi phạm…