Phát triển du lịch thông minh: Xu thế tất yếu
(HNM) – Một trong những giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội chính là xây dựng hệ thống “du lịch thông minh”. Tuy mức độ thực hiện ở các nơi còn khác nhau, song rõ ràng đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.
Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám được hướng dẫn sử dụng hệ thống thuyết minh tự động bằng 8 thứ tiếng. Ảnh: Hữu Tiệp
Ứng dụng công nghệ chưa nhiều
Du lịch tự túc có xu hướng ngày càng gia tăng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể tiếp cận nhiều thông tin về điểm đến. Chính vì vậy, việc tạo ra những ứng dụng để phục vụ nhu cầu của khách là điều không thể khác đối với các nhà cung cấp dịch vụ, quản lý điểm đến du lịch.
Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những đơn vị đầu tiên của Hà Nội đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide), với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Thiết bị được nối vào tai nghe và hoạt động dựa theo bộ định vị cài sẵn ở các địa điểm cần thuyết minh. Bản thuyết minh được chuẩn hóa, dựa trên cơ sở khoa học, lấy ý kiến của các chuyên gia văn hóa, sử học, bảo tàng về nội dung. Nhờ vậy, khách tham quan không gặp bất tiện khi muốn tra cứu thông tin của điểm đến du lịch này.
Tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động thông minh phần thuyết minh hướng dẫn tham quan. Khi người dùng tải ứng dụng về điện thoại cá nhân, họ có thể đọc nội dung diễn giải, xem các hình ảnh minh họa và được xem nội dung hướng dẫn tham quan dưới dạng video… Ứng dụng cung cấp cho người dùng hoàn toàn miễn phí, với 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật.
Còn Trang thông tin điện tử “Hoàn Kiếm 360o” là niềm tự hào của quận Hoàn Kiếm so với các địa phương khác của Hà Nội trong lĩnh vực thông tin và truyền thông về du lịch. Trước đó, VNPT – Hà Nội cũng phát triển ứng dụng di động Myhanoi, giúp du khách tra cứu địa điểm thu hút khách, ẩm thực đặc trưng của Hà Nội… và được hỗ trợ ngôn ngữ: Anh, Việt. Ngoài ra, trang du lịch trực tuyến nổi tiếng tại Việt Nam là ivivu.com đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của khách trong việc đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay, tour, ăn uống…
Tuy nhiên, không phải điểm du lịch nào cũng tiếp cận được những công nghệ hiện đại để phục vụ nhu cầu của du khách. Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Di sản, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa rất băn khoăn với giải pháp để thu hút khách đến với khu di tích. Bởi lẽ, ở Khu di tích Cổ Loa vẫn chưa có những ứng dụng hiện đại để phục vụ và tiếp cận du khách. Còn bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Khoa học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi được mời tư vấn cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, điều đầu tiên mà bà mong muốn là phải xây dựng được hệ thống thuyết minh tự động. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ cách Văn Miếu – Quốc Tử Giám vài chục mét, nhưng khách quốc tế và trong nước lại không nhiều. Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, các hướng dẫn viên du lịch rất ngại đưa khách vào đây, vì họ không hiểu biết sâu về mỹ thuật. Trong khi đó, đội ngũ thuyết minh viên tại Bảo tàng lại có hạn, khó đáp ứng được hết nhu cầu của du khách…
Ngay như ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), dù đã có tới 18 thuyết minh viên, nhưng có lúc cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Do vậy, rất cần những ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề này.
Cần sự chung tay của cả xã hội
Du khách tìm hiểu Trang thông tin điện tử “Hoàn Kiếm 360o”. Ảnh: Quang Phú
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch thông minh giúp con người tiếp cận thông tin một cách nhanh, dễ dàng, đa dạng và nhiều thông tin nhất. Để có mô hình du lịch thông minh, đòi hỏi phải tạo dựng được một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ du lịch phát triển một cách đồng bộ.
Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT – Hà Nội triển khai lắp đặt được 36 trạm phát wifi miễn phí trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Đặc biệt, Hà Nội đang triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh trong cấu thành thành phố thông minh, với các thành phần cơ bản: Cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của thành phố; Cổng thông tin du lịch Hà Nội; bản đồ số về du lịch; xây dựng phần mềm ứng dụng về du lịch dùng trên thiết bị di động cầm tay; phương tiện hỗ trợ truy, nhập thông tin cho khách du lịch và phát triển hệ thống wifi công cộng. Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đã hoàn thành nâng cấp, phát triển Trang thông tin du lịch Hà Nội kết nối toàn cầu để các nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, khách du lịch trao đổi, khám phá, giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các đơn vị liên quan đẩy mạnh xây dựng hệ thống du lịch thông minh. Nhiệm vụ xây dựng hệ thống du lịch thông minh cũng đã được thành phố bổ sung chính thức vào Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Từ đó, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân, khách du lịch, nâng cao và hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách…
Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng viễn thông tại các điểm du lịch tại Hà Nội không hề đơn giản. Ví như tiến độ lắp đặt trạm phát sóng điện thoại di động của VNPT – Hà Nội tại một số địa phương bị chậm do chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân. Mới đây, đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội cùng với các doanh nghiệp lữ hành, VNPT – Hà Nội về xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) để tìm vị trí lắp đặt trạm phát sóng điện thoại di động, nhưng rất khó thực hiện. Trong khi đó, du khách lại có nhu cầu truyền trực tiếp trên mạng xã hội về hành trình của điểm đến. Nếu không được đáp ứng điều này, có thể điểm đến du lịch đó sẽ mất dần sức hút.
Rõ ràng, chỉ riêng ngành Du lịch thì không thể giải quyết được bài toán du lịch thông minh, mà cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương và người dân, từ đó mới thu hút được khách du lịch, đẩy mạnh tăng trưởng du lịch.