Phát triển tour du lịch sông Hồng: Gặp khó về hạ tầng, cảnh quan
(HNM) – Ngày 31-1 vừa qua, đại diện của 40 công ty lữ hành và 18 cơ quan truyền thông đã tham gia chuyến khảo sát tuyến du lịch sông Hồng. Chuyến đi đem lại cảm xúc thú vị cho người tham gia nhưng cũng gợi ra không ít vấn đề về việc phát triển tour du lịch sông Hồng.
Giàu tiềm năng
Du lịch sông Hồng là một trong những sản phẩm đặc trưng của du lịch Thủ đô. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, văn hóa cũng như các hoạt động xã hội của người Việt Nam luôn có xu hướng bám theo những dòng sông, từ đó hình thành nên di tích, những làng nghề, công trình văn hóa ven sông. Đi trên sông Hồng, du khách có thể khám phá những di tích văn hóa rất đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng như chùa Phật Tích, chùa Hoa Lâm, chùa Bút Tháp, đền Mẫu, lăng Kinh Dương Vương… Ngoài ra còn có nhiều làng nghề, nhiều làng quê với phong cảnh hữu tình như: Gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, làng cổ Đường Lâm… Chính những thế mạnh này đã giúp vùng ven sông Hồng có thể phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, tâm linh.
Làng gốm Bát Tràng – một địa điểm tham quan của tour du lịch Sông Hồng.Ảnh: Bá Hoạt
Bà Hoàng Thị Kim Vân, đại diện Công ty Du lịch Sen Rừng cho rằng: “Đi du lịch sông Hồng, thú vị nhất là được ngắm cảnh, tham quan đình, chùa dọc hai bên bờ. Tôi khám phá được rất nhiều điều thú vị, có được trải nghiệm mới, khác hẳn với khi chọn tour đường bộ”.
Về mặt thời gian, tour du lịch sông Hồng đáp ứng yêu cầu của tất cả các đối tượng khách, cả khách quốc tế và nội địa. Khách có nhiều thời gian thì có thể chọn những tour khám phá trong vòng một ngày, có kết hợp đạp xe hoặc theo ô tô tới thăm các làng nghề, làng ven sông và bãi giữa sông Hồng. Với những khách có ít thời gian, họ có thể chọn tour nửa ngày, thậm chí là tour chỉ cần vỏn vẹn 4 giờ.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC là đơn vị duy nhất tổ chức các tour du lịch trên sông Hồng. Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Thăng Long GTC, hằng năm, công ty phục vụ khoảng 300.000 lượt khách, trong đó, lượng khách quốc tế chiếm khoảng 30%. Khách nội địa chủ yếu là người của các doanh nghiệp, tổ chức, trường học ở Hà Nội. Thời gian gần đây, công ty mở thêm các tour ngắn, chỉ trong 4 giờ, điển hình như tour “Hành trình những bản tình ca” với lịch trình chùa Bồ Đề – cầu Chương Dương – cầu Long Biên – cầu Nhật Tân – cầu Thăng Long – đình Chèm. Một tour đặc biệt khác là “Đêm sông Hồng”, lịch trình chùa Bồ Đề – cầu Chương Dương – cầu Long Biên – cầu Nhật Tân. Chọn tour này, du khách không chỉ được nghe lịch sử của những cây cầu, mà còn được thả đèn hoa đăng và gửi theo dòng sông những điều ước của mình.
Cần sự hỗ trợ đa ngành
Ông Nguyễn Thiên Ngọ, đại diện Công ty Du lịch Phương Nam Sun Travel đánh giá, điều chưa được của tour du lịch sông Hồng là cảnh quan hai bên bờ sông chưa thực sự đẹp mắt. Đi từ cầu Chương Dương đến cầu Thăng Long, chỉ một đoạn ngắn nhưng du khách đã thấy rất nhiều đống rác ở hai bên bờ. “Rác ở khắp nơi và điều đó khiến du khách, đặc biệt là khách nước ngoài nản lòng. Về lâu dài, cần có sự hợp tác liên ngành để quy hoạch hai bên bờ sông Hồng”, ông Nguyễn Thiên Ngọ góp ý.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Thăng Long GTC cung cấp dịch vụ tour du lịch sông Hồng từ 20 năm nay nhưng chưa thể tạo thành sản phẩm thực sự đặc sắc, mang đặc trưng của du lịch Hà Nội bởi đã gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là hạ tầng hai bên sông Hồng chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách về cảnh quan, vệ sinh. Tiếp đến, du lịch sông Hồng bị ảnh hưởng rất lớn của yếu tố thời tiết và mùa vụ. Vào mùa khô, nước cạn, tàu cập bến rất khó khăn, công ty phải dừng tàu ở ngoài lòng sông và “tăng bo” đưa khách vào bờ. Bên cạnh đó, công ty muốn mở tour du lịch ban đêm nhưng bất khả thi bởi hiện nay, việc quản lý các phương tiện lưu thông trên sông Hồng chưa thực sự tốt, sà lan chở cát chạy ban đêm với tốc độ cao mà không có đèn, không có sự cảnh báo cần thiết, ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách. Mặt khác, tuy sông Hồng đẹp nhưng việc đô thị hóa hai bên sông Hồng chưa phát triển.
Theo các chuyên gia, để sản phẩm du lịch sông Hồng có sức hút mạnh mẽ đối với du khách, Tổng cục Du lịch, Sở VH,TT&DL Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan hai bên sông. “Hiện nay, chúng tôi có địa điểm ở 46 Chương Dương Độ nhưng đây vẫn chỉ là khu đất tạm, vào mùa cạn, tàu không cập bến được. Nếu có một địa điểm phù hợp mở cầu cảng thì hình ảnh của du lịch sông Hồng sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Thái Dũng nêu ý kiến.