Phát triển văn hóa – xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện

Nội dung Đề án gồm 3 phần: Thực trạng xây dựng, phát triển văn hóa và con người Đà Nẵng giai đoạn 2016-2021; Quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp chủ yếu về phát triển văn hóa, con người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030; Tổ chức thực hiện. 

Đề án đề ra mục tiêu chung hướng đến xây dựng bản sắc văn hóa con người Đà Nẵng năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện trên cơ sở bồi đắp và hun đúc những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, ý thức tôn trọng pháp luật, đáp ứng với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Gắn kết văn hóa, con người Đà Nẵng trong hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam; hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời chú trọng xây dựng những giá trị văn hóa, con người Đà Nẵng mang bản sắc đặc trưng phù hợp với lịch sử, văn hóa, truyền thống và sự phát triển của thành phố.

Bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống; đa dạng hóa, chuyên nghiệp hóa và tăng tần suất tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô, phát triển công nghiệp văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh thành phố, xứng tầm là trung tâm văn hóa – nghệ thuật của khu vực và cả nước.

Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, mỗi gia đình là một môi trường văn hóa lành mạnh, minh bạch. Giải phóng các nguồn lực, phát triển đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật, khoa học, thông tin và truyền thông vào xây dựng con người Đà Nẵng để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, khát vọng sống, cống hiến cho gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Cụ thể, Đề án đề ra mục tiêu đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa lớn cấp thành phố);100% thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở quận, huyện, phường, xã được đầu tư hoàn thiện đảm bảo tiến độ và tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trên 90% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 85% tổ dân phố, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố, thôn đạt chuẩn văn hóa; trên 95% số cơ quan, đơn vị tham gia phong trào và được công nhận, giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 70% doanh nghiệp tham gia phong trào đạt chuẩn doanh nghiệp văn hóa; 80% phường đạt đô thị văn minh; 70% quận đạt đô thị thông minh.

100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị bổ sung và thực hiện tốt quy dịnh cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% khu dân cư có và thực hiện tốt quy ước, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và tuân thủ pháp luật; 100% cơ sở giáo dục – đào tạo dựa vào giảng dạy chương trình giáo dục về lịch sử – văn hóa địa phương; 90% số trường học đảm bảo điều kiện triển khai chương trình giáo dục thể chất.

Trên 41,5% dân số, 35,5% gia đình tập thể dục, thể thao thường xuyên; trên 90% số học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 100% số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Phấn đấu 100% di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, cấp thành phố được tu bổ tôn tạo, hoàn thiện về cảnh quan môi trường, phục vụ phát huy giá trị di tích. Mỗi năm xếp hạng thêm từ 02 đến 03 hồ sơ di tích cấp quốc gia và cấp thành phố. Thực hiện việc trùng tu các nhà cổ dân gian có giá trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Lựa chọn ít nhất 02 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ: Xây dựng bản sắc văn hóa con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện với các chuẩn mực phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội giai đoạn mới, phát huy vai trò giáo dục của gia đình trong hình thành nhân cách và lối sống văn hóa, văn minh;…

Bên cạnh đó, phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao: Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao; phát triển văn học nghệ thuật; công nghiệp văn hóa;… Đồng thời, phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, việc làm, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người Đà Nẵng.

Các giải pháp thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra gồm: Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội và phát triển con người; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và nhân tố thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, con người; Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa – con người; bảo đảm nguồn nhân lực cho nhiệm vụ phát triển văn hóa – con người; Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa – con người và thực hiện công tác xã hội hóa.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Theo dõi, đánh giá việc thực hiện và kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế, đảm bảo thực hiện Đề án có hiệu quả; tổng hợp những bất cập, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ban, ngành trung ương, tham mưu đề xuất UBND thành phố kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ và các ngành liên quan.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các nhiệm vụ liên quan về văn hóa, thể thao được giao tại Đề án.  Theo dõi, đôn đốc việc xây dựng kế hoạch và thực hiện Đề án của các đơn vị, địa phương. Định kỳ 2 năm/lần, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án này và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND thành phố.

Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện căn cứ nội dung Đề án và chức năng nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành chủ trì các nội dung tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế đơn vị, địa phương. Định kỳ báo cáo về Sở Văn hóa và Thể thao trước ngày 30-11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

THANH NGUYÊN