Phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi
Với mục tiêu giúp các em học sinh có thể thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng, xây dựng kỹ năng đọc…, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động: xây dựng thư viện trong nhà trường, khu dân cư; tổ chức Ngày hội Sách thiếu nhi; thi đại sứ văn hóa đọc; vẽ tranh và giới thiệu sách hay.
Phòng đọc Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) được thiết kế thân thiện, thu hút học sinh đến tham gia các hoạt động. Ảnh: L.Na
Đặc biệt, nhiều trường học đã và đang chung tay tạo dựng những không gian đọc sách mở, sinh động và hấp dẫn để kết nối tình yêu sách và hình thành kỹ năng học tập suốt đời.
* Môi trường đọc tích cực, khoa học
Không giống các thư viện khác với các kệ sách ngồn ngộn, Thư viện Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) được bố trí không gian thân thiện, khoa học, phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”.
Thư viện được thiết kế với không gian mở, không vách ngăn, tận dụng ánh sáng tự nhiên. Các loại đồ dùng thiết bị được trang bị đầy đủ như: giỏ đựng sách, bàn ghế phục vụ việc đọc, thảm xốp trải phòng tạo thiện cảm, gần gũi và sinh động. Đặc biệt, trên sân trường, nhiều kệ sách, báo được tái sử dụng từ nhiều vật liệu tái chế cũ được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của học sinh.
Phó thủ tướng Chính phủ VŨ ĐỨC ĐAM vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 1-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định với trọng tâm là hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học. Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn.
Chị Phan Thị Trang, nhân viên Thư viện Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết, hiện Thư viện có hơn 300 đầu sách với khoảng 10 ngàn bản. Từ nguồn ngân sách của nhà trường, thư viện lên kế hoạch bổ sung sách hằng năm phù hợp với chương trình dạy và học thực tế. Ngoài bổ sung các bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi như: truyện tranh, văn học, truyện cổ tích, sách học tiếng Anh…, Thư viện còn kêu gọi học sinh quyên góp, tặng sách cũ cho Thư viện (mỗi năm 2 đợt) nhằm bổ sung vào các tủ sách, phục vụ nhu cầu đọc của các em.
“Để xây dựng mô hình thư viện thân thiện cũng như ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống thư viện, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tham gia các lớp tập huấn do ngành GD-ĐT, ngành Văn hóa tổ chức. Hiện tại, ngoài việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, tổ chức các cuộc thi đọc, giới thiệu sách…, nhà trường đã có kế hoạch để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phòng nghe đọc trực tuyến dành cho học sinh, dự kiến sẽ thực hiện vào cuối tháng 11 này” – chị Trang chia sẻ.
Trường tiểu học Trảng Dài (P.Biên Hòa) nhiều năm qua cũng dành không gian riêng để xây dựng thư viện theo hướng thân thiện, gần gũi với học sinh, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường.
Chị Âu Thị Thuận, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Trảng Dài cho biết, với hơn 10 ngàn đầu sách, trong đó có khoảng 5 ngàn sách thiếu nhi, nhà trường đã bố trí thư viện với nhiều góc hoạt động hấp dẫn cho học sinh như: đọc, viết, trò chơi, mỹ thuật. Nhiều góc đọc sách cộng đồng đã được xây dựng, tận dụng những không gian hành lang, ngoài trời…, mỗi ngày thu hút khoảng 100-200 học sinh đến đọc sách.
“Để tạo phong trào đọc sách cho thiếu nhi, nhà trường có sự phối hợp chặt chẽ giữa thư viện với liên đội xây dựng đa dạng các hoạt động. Trong đó, quan tâm phát triển thư viện điện tử, thúc đẩy mô hình mỗi tuần đọc một cuốn sách hay dưới cờ; thực hiện các video clip giới thiệu sách… lan tỏa những câu chuyện, những bài học ý nghĩa trong sách đến học sinh” – chị Thuận nói.
* Cần thiết đẩy mạnh xã hội hóa
Ngoài hệ thống thư viện trường học, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều không gian đọc sách dành riêng cho thiếu nhi. Trong đó phải kể đến phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Đồng Nai với hơn 60 ngàn cuốn sách; hệ thống thư viện 11 huyện, thành phố, hàng chục thư viện tư nhân, hàng ngàn tủ sách gia đình, dòng họ… đã và đang sẵn sàng phục vụ đối tượng thiếu nhi. Đây là những không gian đặc sắc và sáng tạo được duy trì để lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong các em nhỏ.
Bên cạnh không gian đọc sách sáng tạo, ở nhiều địa phương trong tỉnh, môi trường đọc cho thiếu nhi còn thiếu; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào. Nguyên nhân chủ yếu là do thư viện chưa được đầu tư đúng mức để khai thác hiệu quả hoạt động phục vụ thiếu nhi. Thư viện ở cơ sở và thư viện trong trường học chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học – công nghệ và yêu cầu thực tiễn nói chung.
Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết, việc duy trì và tổ chức những mô hình đọc sách hiện đại, thân thiện, độc đáo trước hết để thu hút các em thiếu nhi tham gia trải nghiệm, tiếp cận sách, từ đó giúp các em dần yêu thích và gắn bó với sách. Cùng với thư viện, vài năm trở lại đây đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, cùng chung tay với hệ thống thư viện tỉnh, thư viện cơ sở, trang bị cơ sở vật chất, bổ sung hàng ngàn đầu sách mới, xây dựng không gian văn hóa đọc, kết nối tình yêu cho trẻ em ở Đồng Nai.
Để tiếp tục hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, theo Phó giám đốc NXB Đồng Nai Trương Văn Tuấn, cần tăng cường công tác tuyên truyền; nhân rộng những mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi. Trong đó, chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình gia đình đọc sách – gắn kết yêu thương. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị hiện đại, có nguồn dữ liệu bản quyền đa dạng, hấp dẫn thanh thiếu nhi, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Chị CAO NGUYỄN BẢO TRUNG, cán bộ Thư viện H.Long Thành: Đầu tư phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi
Môi trường đọc cho thanh, thiếu nhi ở H.Long Thành mặc dù được địa phương quan tâm, các trường học chú trọng song còn thiếu, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp các em học sinh tiếp cận thông tin. Hằng năm, Thư viện huyện đã đẩy mạnh công tác luân chuyển sách về cơ sở, về các trường học, nhà văn hóa các dân tộc thiểu số, xã nông thôn mới; tổ chức nhiều cuộc thi đọc sách; hướng dẫn, thực hành kỹ năng tiếp cận thư viện số, nguồn tri thức trên các nền tảng công nghệ số cho thiếu nhi… Tuy nhiên, học sinh ở vùng sâu, vùng xa tham gia vẫn còn thấp. Hy vọng thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa cho phát triển thư viện, nhất là đầu tư công nghệ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Em MAI NHƯ PHÚC, học sinh lớp 3/3, Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa): Mong muốn nhân rộng mô hình Phòng đọc sách thân thiện
Con rất thích thư viện của trường, bởi vì ở đây có không gian rộng rãi, nhiều màu sắc, sách đa dạng, có thể vừa chơi, vừa đọc sách và được gặp gỡ các bạn thích đọc sách ở những lớp khác. Mỗi tuần, con đến Thư viện trường đọc sách khoảng 4 lần. Các sách đã được các cô ở đây phân loại sẵn nên con dễ dàng tìm kiếm. Ngoài đọc sách, tại Thư viện con có thể vẽ tranh, xếp hình, cùng cô giáo và các bạn sáng tạo những sản phẩm thủ công từ lá cây khô, giấy cũ. Con mong rằng, mô hình phòng đọc thân thiện ở trường sẽ được nhân rộng trong các thư viện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để những bạn có chung sở thích với con được đọc sách trong không gian thoải mái nhất.
Ly Na (ghi)
Ly Na