Phí và giá khác thế nào?

Theo Luật Phí và lệ phí năm 2015, phí là khoản tiền tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải trả cho đơn vị quản lý nhằm bù đắp chi phí và đặc biệt mang tính chất phục vụ mà cơ quan nhà nước giao cho đơn vị cung ứng dịch vụ đó thực hiện.

Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Đơn vị được thu phí bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Điều 12 Luật Phí và Lệ phí quy định, về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí như sau:

– Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ và phần còn lại nộp ngân sách nhà nước;

– Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ. Việc thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

– Đối với phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu được theo quy định của pháp luật.

Giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư

Theo Luật Giá năm 2012, giá được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.

Theo khoản 5 Điều 4, luật này thì tùy thuộc vào hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ đó.

Để bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất cũng như của người tiêu dùng thì việc quản lý giá tuân thủ một số nguyên tắc sau:

– Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

– Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật này để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước;

– Nhà nước có chính sách về giá nhằm hỗ trợ khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

– Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Như vậy, bản chất của phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ, trong khi giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư. Sự khác biệt căn bản giữa “phí” và “giá” như sau:

– Phí do nhà nước ban hành, được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc nộp cho tổ chức được nhà nước giao (có sự kiểm soát của nhà nước) đối với người sử dụng dịch vụ công và có miễn, giảm cho một số đối tượng

– Giá là là khoản tiền người tiêu dùng phải trả cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để họ có được hàng hóa, dịch vụ đó, về cơ bản mức giá do nhà cung cấp quyết định trên cơ sở quy luật thị trường (chỉ chịu sự quản lý của nhà nước đối với một số dịch vụ, mặt hàng nhất định) và về nguyên tắc là không có miễn, giảm.

Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An