Phiên chợ mùa Xuân
1. Dường như khái niệm thời gian không còn tồn tại ở phiên chợ cuối năm… Chợ Bến (Giao Phong, Giao Thủy, Nam Định) của tôi ngày ấy là nơi giao thương buôn bán của mấy xã vùng ven. Chợ họp vào buổi sáng các ngày. Một tháng tám phiên vào các ngày mồng 2, mồng 7 âm lịch. Vào ngày chợ phiên, chợ đông hơn ngày thường vì có thêm những mặt hàng chỉ được bày bán vào ngày phiên chợ. Chợ to nhất vùng nên càng sát Tết, chợ càng tấp nập, nhộn nhịp. Phiên chợ Tết diễn ra vào ngày 27 tháng Chạp, phiên chợ cuối cùng của năm nên lúc nào cũng đặc biệt. Chợ họp cả ngày lẫn đêm.
Phiên chợ Tết quê nồng nàn vị đất, hương xuân
Từ 1-2h đêm hàng hóa từ các nơi đã tập kết về chợ. Trong ánh đen dầu mờ mờ, ánh đèn pin đục ngầu phả sương đêm, người người hối hả tìm chỗ để sắp đặt hàng. Tiếng cãi vã tranh giành chỗ ngồi xen lẫn giữa tiếng gọi nhau í ới, tiếng chia hàng của những nhà buôn, tiếng xe cút kít chở rau củ… Đâu đó, sau những xe, quầy hàng, văng vẳng tiếng ngáy đều đều của những đưa trẻ ngủ vùi (những đứa trẻ theo cha theo mẹ đến chợ giữa đêm để trông hàng trông chỗ). Tất cả hòa vào nhau tạo nên bức tranh lao động vừa hối hả, vừa lặng lẽ song đẹp, hấp dẫn lạ thường.
Mấy mươi năm, vật đổi sao dời, dẫu không còn được sống lại những năm tháng xưa cũ ấy, nhưng cảm xúc tựa hồ như nguyên vẹn. Cả tuổi thơ được nuôi dưỡng bởi một phần thứ thanh âm cuộc sống đặc biệt của ngày phiên chợ Tết. Năm nào cũng vào ngày ấy, tháng ấy, phiên chợ Tết diễn ra mà cảm giác thấp thỏm, hiếu kỳ, khấp khởi. Một cảm giác chờ mong, lâng lâng khó tả.
2. Phiên chợ Tết như khúc nhạc mùa Xuân với đủ đầy âm sắc. Thứ âm sắc được chắt lọc bởi ước mơ hồn nhiên con trẻ, bởi tiếng lòng reo vui mỗi khi Tết đến Xuân về. Ký ức tuổi thơ được theo bà, theo mẹ, theo chị sà vào những quán, những hàng, được thỏa sức thưởng thức những món quà Tết quê… hạnh phúc nào bằng.
Đi chợ phiên Tết, với trẻ con chúng tôi, thích nhất là được ngắm nhìn những sạp hàng bánh kẹo đủ màu sắc. Những phong bánh khảo đỏ au, thơm tho mùi bột nếp, những hộp mứt tết xinh xắn chứa bên trong nào mứt gừng, mứt cà rốt, mứt quất, mứt dừa, mứt bí,… thứ nào cũng đậm vị ngọt ngậy của đường.
Có lẽ, mê hoặc hơn cả ở chiếc xe kẹo kéo. Người bán hàng gương mặt khắc khổ, nụ cười hiền từ, ánh mắt trìu mến. Ông chiều theo mọi yêu cầu của bọn trẻ chúng tôi. Bao năm, vẫn một hình ảnh quen thuộc, chiếc xe kẹo kéo đứng bên cạnh hàng kẹo bông gòn, chỉ xuất hiện một năm một lần đúng vào ngày phiên chợ Tết. Trẻ con chúng tôi vây hàng trong hàng ngoài, thèm thuồng. Ánh mắt sáng rực nhìn theo từng thanh kẹo được kéo dài, rồi người bán kẹo bằng một vài động tác, thanh kẹo được chặt thành khúc vô cùng khéo léo, gọn gàng, thanh thoát. Cầm trên tay miếng kẹo kéo, hít hà mùi của đường nâu, của gừng hòa quyện vào nhau thơm lừng, ấm đượm… cảm giác tan chảy – một thứ mùi đặc biệt, thứ mùi tuổi thơ không thể lẫn được, trộn được vào đâu. Đã mấy mươi năm vẫn nhớ, nhớ da diết mùi quà quê ấy.
Phiên chợ Tết quê đã đi vào ký ức tuổi thơ từ chính những điều giản dị. Một sạp hàng đồ chơi nho nhỏ với vài ba món đồ chơi đơn giản cũng có thể làm rực sáng những ánh nhìn. Thời gian khó ấy, được sở hữu một con búp bê nhỏ xinh hay một cây súng nhựa cũng là một điều xa xỉ. Cánh con gái chúng tôi thì thích khu hàng hoa lắm. Gọi là khu hàng nhưng thực ra chỉ có mươi hàng co cụm lại gần nhau. Thời ấy, Tết phổ biến chỉ có hoa thược dược, hoa hồng, hoa cúc,… Kế bên khu hàng hoa là khu trưng bày đào, quất. Không biết có phải vì rực rỡ nhất, vì mang hương của Trời mà năm nào khu hàng này cũng được ưu ái một bãi đất trống to rộng ngay cổng vào đầu chợ. Những cành đào được chăm chút cắt tỉa trưng diện e ấp dưới mưa phù lất phất quả khiến người mua rung rinh cảm giác Xuân về. Những chùm quất vàng óng, điểm xuyết bên đám chồi non với hoa quất trắng tinh khôi mê hoặc lòng người. Bố tôi bảo, Tết cứ phải có đào có quất mới có không khí,… Vậy nên, những ngày giáp Tết dù bận bịu đến cỡ nào, bố tôi vẫn tranh thủ chọn sớm một cây đào hoặc quất ưng ý trưng nhà.
Qua hàng hoa là đến hàng rau, củ, quả, hàng nhựa, hàng dao, hàng gạo,… Những thúng gạo quê xếp san sát nhau. Thúng nào thúng ấy đầy ụ, bên trong hạt gạo căng tròn, bóng bẩy. Các bà, các thím, các chị đi phiên chợ Tết nhất định phải ghé qua hàng gạo để lựa những loại gạo tẻ ngon nhất để thổi cơm cúng gia tiên ba ngày tết; gạo nếp thì lựa loại để thổi xôi, loại làm bánh chưng. Nhớ lắm những thúng, những sàng, những nong, những nia,.. một thời xa ngái ấy. Thứ vật dụng dân dã từng góp sức cùng người dân quê tôi làm ra và chứa đựng “những hạt ngọc trời” nuôi nấng bao thế hệ. Hình ảnh muôn năm cũ chỉ còn trong hoài niệm, trong niềm mến thương. Xã hội ngày một phát triển, khái niệm thúng, mủng, dần, sàng vì vậy cũng đã không còn trong định nghĩa của người trẻ hôm nay.
Xúng xính, nhộn nhịp nhất là mấy dãy hàng quần áo, giày dép. Nếu ngày thường, chợ họp, chỉ có vài ba hàng của các chủ sạp người trong xã bán, nhưng riêng ngày phiên chợ Tết cuối năm, có thêm các chủ sạp hàng từ miền trên huyện (các xã Giao Tiến, Giao Châu) đưa hàng về bán. Thôi thì đủ thứ sắc màu, kích thước, kiểu dáng phục vụ trẻ con, người lớn. Trẻ em quê chúng tôi ngày ấy, thường chỉ đến Tết mới được bố mẹ mua cho quần áo mới; gia đình nào khá giả lắm thì con cái có thêm quần áo mới dịp khai giảng. Có lẽ vì vậy mà, năm nào dãy hàng này cũng đông đúc, kẻ bán người mua ra vào rộn ràng.
Không gian phiên chợ Tết quê xưa luôn ẩn chứa những điều diệu kỳ với thế giới trẻ thơ. Màu của Tết, màu của thời gian, không gian, màu của trẻ thơ mơ ước về một cái Tết đủ đầy.
3. Ở quê tôi, đã thành lệ, sau khi tiễn ông Công ông Táo chầu trời, nhà nhà mới bắt tay vào thu dọn nhà cửa, sắm sanh đồ lễ tết. Dẫu vậy, cứ phải đến phiên chợ cuối năm, không khí mua sắm Tết mới thực sự bắt đầu.
5 giờ sáng, trong màn sương dày đặc, chưa tỏ mặt người, chợ đã nhộn nhịp, hàng nối hàng san sát bên nhau. Chỉ khoảng 7 giờ sáng, chợ đã ken kín, đông đúc. Người mua người bán tấp nập. Chợ ngày tết người ta mua gần như không mặc cả. Bởi ai cũng chung suy nghĩ chỉ mong mua được nhanh, được gọn, mua được đồ ưng ý. Người quê tôi vốn rất trọng ngày lễ tết “làm cả năm chỉ để lo ba ngày tết”, ai mong có một cái tết đủ đầy. Phiên chợ Tết cuối năm vì thế mà luôn sôi động, náo nhiệt. Chợ họp xuyên trưa, sang chiều, cho đến tối mít vẫn lác đác khách ra vào chợ.
Trong ti tỉ mặt hàng ngày tết, lá dong, lạt tre luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với chị em tôi. Chúng tôi mê lắm. Thường mân mê từng chiếc lá, cái lạt rồi hình dung về những phần gạo nếp, những miếng thịt ba chỉ đượm mùi hành, tiêu được đặt gọn gàng trong từng chiếc lá. Chỉ tưởng tượng thôi, bởi nhà tôi chưa từng gói bánh chưng. Bố mẹ tôi đều bận quay quầng với hàng quán, bánh chưng ngày Tết chỉ có thể đặt người ta làm sẵn. Cho đến tận bây giờ, trong câu chuyện ngày Tết, chị em tôi vẫn thấy tiếc vì chưa từng được hưởng không khí quây quần bên nồi bánh chưng chiều 30 Tết.
“Nhà tôi ở chợ Bến”… bao năm qua, với chị em tôi và có lẽ cả với những người quê hương xóm Chợ Bến chúng tôi, định danh ấy đã trở thành cách giới thiệu thân thương về nơi “chôn rau cắt rốn của mình”. Với mỗi chúng tôi, phiên chợ Tết đã trở thành tiềm thức, gom nhặn những yêu thương, gom nhặt hồn quê,
Chợ tết, người quê nồng hậu. Bức tranh phiên chợ Tết cơ hồ như miền ký ức xưa, ký ức một thời khó khăn là vậy nhưng vẫn đủ đầy hương vị Tết, vẫn ngập tràn sắc xuân. Phiên chợ Tết – phiên chợ mùa Xuân đong đầy kỷ niệm với người quê, Tết quê.
Nơi kia, vẫn mảnh trời tuổi thơ có pháo hồng, kẹo kéo, có phong bánh khảo,… Sự kết nối thời gian, không gian có sợi dây của cảm xúc, ước mơ, hi vọng. Mùa xuân mới đã bắt đầu; một Tết đoàn viên, sum họp cho tất cả mọi người.
Phong Giao