Phiên chợ ngày giáp Tết – Nơi lưu giữ hồn quê

Có lẽ không có thời điểm nào đẹp hơn, nhộn nhịp hơn bằng những phiên chợ quê ngày giáp Tết. Bỏ lại tất cả những ồn ào của đô thị hóa, những phiên chợ quê ngày Tết vẫn mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc, làm sống dậy các giá trị văn hóa truyền thống và tắm mình trong sắc hương hồn quê Việt.

Chợ quê ngày Tết Sắc hương hồn quê Việt
Chợ quê những ngày cận Tết tại Nghệ An nhộn nhịp do nhu cầu mua sắm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng cao. Ảnh: Thái Đạt

“Trở về”, câu nói ấy như thôi thúc con người ta dù ở nơi xa cũng hãy về với nguồn cội, và “trở về” trong không khí đón Tết cổ truyền, vui đón Xuân mới càng khiến con người ta thêm nhiều cảm xúc xốn xang khác lạ. Đặc biệt hơn, khi được “trở về” và tắm mình trong không gian làng quê, chợ quê những ngày giáp Tết.

Chợ quê mang những đặc trưng riêng không giống với đô thành, phố thị, đây chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương, vùng miền, và nó cũng cho tôi, cho bạn cảm thấy rõ nhất không khí rộn ràng của một mùa Xuân mới đang về.

Chợ quê ngày Tết Sắc hương hồn quê Việt
Chợ Tết là dịp nông sản như chuối, cau trầu đắt hàng. Ảnh: Thái Đạt

Mỗi khi Tết đến ai cũng nôn nóng được trở về nhà, về quê, và thích được đi chợ quê ngày Tết như cái thuở còn thơ theo mẹ đi sắm quần áo mới… Chợ quê ngày Tết như thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.

Tôi vốn thích chợ quê và thường trải nghiệm mỗi dịp được trở về, đặc biệt là chợ quê những ngày giáp Tết, bởi không chỉ vui, mà đó có lẽ là lúc để tôi được đắm chìm vào ký ức tuổi thơ. Ở chợ quê, vẫn còn đó sự nhọc nhằn của mẹ, sự vất vả của cha và có cả những khuôn mặt rạng rỡ, hồ hởi của những đứa trẻ khi được khoác lên mình bộ đồ mới.

Hơn thế, trong không gian của chợ quê ngày Tết, ta cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa mình trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc Xuân, hương vị mùa Xuân. Bởi thế, nhiều khi ta gọi là đi chợ nhưng không hẳn là đi chợ, đó như là chút trải nghiệm để được thỏa mình thưởng thức cái không khí nhộn nhịp của những ngày Tết quê hương.

Không giống như những phiên chợ bình thường, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên những phiên chợ quê ngày Tết thường kéo dài, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cho tới sáng 30 Tết. Trong khoảng thời gian này, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm, mâm ngũ quả cho ngày Tết. Còn những đứa trẻ thì luôn phấn khởi, với chúng niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố, mẹ đi chợ mua sắm quần áo, hoa quả, bánh kẹo.

Chợ quê ngày Tết là một không gian trải dài ngút tầm mắt với đủ loại hàng hóa thiết yếu và thứ yếu. Nhiều mặt hàng nông sản từ vườn được bà con đem ra góp mặt càng làm cho chợ quê thêm phong phú. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành, đến cả những nải chuối, buồng cau… đều có ở chợ quê. Những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những nải chuối xanh, quả cau, quả bưởi… đều được người nông dân mang ra chợ, vừa tươi, vừa ngon mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị.

Điều góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những gian hàng hoa, những dãy bòng bưởi, hay rổ trầu không của các cụ già. Người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn, hoặc ngồi trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp rồi bày nông sản trên đó.

Chợ quê ngày Tết Sắc hương hồn quê Việt
Sức mua tăng mạnh những ngày cận Tết. Ảnh Thái Đạt

Phiên chợ ngày Tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn năm cũ. Vì lẽ đó, chợ quê vô hình chung đã trở thành sợi dây vô hình giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm, giúp người với người xích lại gần hơn.

Cuộc sống dẫu có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ Tết vẫn mang đến nhiều cảm xúc và giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, hơn hết đó là tình cảm quê hương vốn đã bám rễ sâu trong tâm hồn con người mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Thái Đạt