Phim Hàn của Song Hye Kyo, Kim Nam Gil dựa trên câu chuyện có thật
–
Thứ tư, 11/01/2023 10:33 (GMT+7)
Tác phẩm của Song Hye Kyo , Kim Nam Gil, Lee Seung Gi được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật, từ đó nâng cao nhận thức của khán giả về những vấn nạn trong xã hội.
“The Glory” của Song Hye Kyo có những cảnh bạo lực gây ám ảnh người xem. Ảnh: Nhà sản xuất.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện đời thực
Gần đây, “The Glory” (Vinh quang trong thù hận) – bộ phim do Song Hye Kyo đóng chính thu hút nhiều chú ý. Nội dung phim xoay quanh Moon Dong Eun (Song Hye Kyo) và kế hoạch trả thù những kẻ từng bắt nạt cô thời trung học.
Ngay sau khi lên sóng, những cảnh bạo lực học đường trong phim đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của khán giả. Đặc biệt là cảnh những kẻ bắt nạt gọi Dong Eun đến phòng tập thể dục và dùng máy duỗi tóc kẹp bỏng cánh tay của cô.
Theo Wikitree, cảnh bạo lực ám ảnh trên thực chất được xây dựng trên câu chuyện có thật xảy ra vào năm 2006, tại một trường trung học nữ ở thành phố Cheongju, thuộc tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc.
Khi đó, K thường xuyên dùng máy uốn tóc kẹp vào vùng ngực của J và tống tiền bạn học. Sau khi vụ việc được nhiều người biết đến, tòa án quận Cheongju đã ban hành lệnh bắt giữ K.
Hay với “Through The Darkness” (Xuyên qua bóng tối) do Kim Nam Gil đóng chính được chuyển thể từ cuốn sách phóng sự cùng tên do Kwon Il Yong, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm đầu tiên của Hàn Quốc, và nhà báo Ko Na Mu đồng chấp bút.
Tội ác của hai kẻ sát nhân được đưa vào bộ phim “Through the Darkness” của Kim Nam Gil. Ảnh: Nhà sản xuất.
Nội dung cuốn sách bao gồm kinh nghiệm thực tiễn của Kwon xuyên suốt quá trình anh thực hiện công việc. Đáng chú ý, khi theo dõi phim, khán giả liên tưởng tới một số kẻ sát nhân khét tiếng giết người hàng loạt như Yoo Young Chul và Jeong Nam Gyu.
Với “Mouse” (Kẻ săn người), tác phẩm Lee Seung Gi đóng chính, lấy chủ đề sát nhân là những kẻ biến thái đa nhân cách cũng dựa trên vụ án mạng có thật xảy ra tại Incheon (Hàn Quốc) năm 2017.
Theo NamuWiki, nữ sinh 16 tuổi họ Kim đã sát hại một bé gái 8 tuổi (gọi là A), sau đó phân chia nhỏ cơ thể nạn nhân và giấu xác ở nhiều nơi.
Vụ án gây chấn động Hàn Quốc bởi sự man rợ, kinh hoàng mà Kim và đồng phạm Park đã tiến hành với thi thể nạn nhân. Ngoài ra, sự lạnh lùng, vô cảm của Kim trong một phiên xét xử cũng khiến dư luận bàng hoàng.
Góc nhìn trực diện, phơi bày góc tối
Phim truyền hình được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật, tác động của nó với công chúng là rất lớn.
Ngoài việc những tác phẩm này khiến người xem nhìn nhận lại các vụ án ngoài đời thực, đạo diễn, biên kịch, ê-kíp sản xuất còn góp thêm tiếng nói nhắc nhở về mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Vói “The Glory”, biên kịch Kim Eun Sook nhận ra thực trạng đáng báo động của bạo lực học đường khi nói chuyện với con gái. Sau đó, cô đọc các bài viết của nạn nhân và hiểu được tâm trạng của họ.
Cô quyết định đặt tên phim là “The Glory” như một lời động viên dành cho các nạn nhân. “Khi bị bạo lực, các nạn nhân đánh mất nhân phẩm và danh tiếng của mình. Họ cần được xin lỗi bởi những kẻ bắt nạt” – nữ biên kịch nổi tiếng nói.
Hay biên kịch Choi Ran – người viết kịch bản “Mouse” cũng hy vọng những người mắc chứng đa nhân cách nhìn nhận, suy ngẫm lại hành động của bản thân.
“Ngay cả khi cơ hội là rất nhỏ, hy vọng những kẻ tội phạm đa nhân cách theo dõi phim và nhìn nhận được lỗi lầm của bản thân”.
“Mouse” dựa trên vụ án mạng có thật xảy ra tại Incheon (Hàn Quốc) năm 2017. Ảnh: Nhà sản xuất.
Dù tạo nên tác động tích cực và mạnh mẽ, song những bộ phim lấy cảm hứng từ đời thực cần đặc biệt chú ý đến việc diễn tả lại câu chuyện, tránh việc nạn nhân và gia đình của họ bị tổn thương khi những sự việc đau lòng trong quá khứ bị nhắc lại một lần nữa.
Như chia sẻ của đại diện ê-kíp phim “Through The Darkness”: “Tác phẩm phản ánh tội ác dựa trên câu chuyện có thật, do vậy, có rất nhiều điều phải được thực hiện cẩn thận”.