Phim của Trương Nghệ Mưu rút khỏi LHP Berlin vì đề cập cách mạng văn hóa Trung Quốc?
Theo Variety, ê-kíp One Second ra thông báo tác phẩm mới nhất của đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu rút khỏi Liên hoan phim (LHP) Berlin vì “lý do kỹ thuật trong quá trình sản xuất hậu kỳ”. Phim vốn được đề cử giải cao nhất Gấu vàng tại LHP cùng với 16 tác phẩm khác, dự kiến công chiếu vào ngày 15.2. Ban tổ chức liên hoan đã phải chọn Anh hùng, một phim nổi tiếng năm 2002 của đạo diễn Trương để chiếu bù vào khung giờ vốn dành cho One Second.
Mặc dù đưa ra nguyên nhân do kỹ thuật, song báo chí phương Tây ngay lập tức cho rằng bộ phim đã bị thu hồi vì lý do chính trị. “One Second nói về cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc 1966 – 1976 dưới thời Mao Trạch Đông. Dù Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận đây là một sai lầm nhưng nhắc đến vẫn là một chủ đề nhạy cảm, nếu không phải là điều cấm kỵ”, tờ Variety bình luận.
One Second kể về một người đàn ông trốn thoát khỏi một trại tù ở tây bắc Trung Quốc vào những năm 1970, bởi vì anh ta rất muốn xem một bộ phim. Trên đường đi anh đã gặp một đứa trẻ mồ côi… Những người trong ngành xác nhận bộ phim đã có được giấy phép phát hành ban đầu từ Bắc Kinh nhưng có thể các nhà quản lý đã thay đổi quyết định và yêu cầu cắt giảm thêm vì sự nhạy cảm của chủ đề này.
Trương Nghệ Mưu từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh trong đó có Gấu vàng và Sư tử vàng. Bản thân ông cũng từng gặp rắc rối với các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc. Năm 1994, tác phẩm To Live (Phải sống) có nội dung dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Dư Hoa. Dù đoạt được giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes 1994 nhưng phim bị cấm chiếu tại Trung Quốc vì nội dung nhạy cảm. Trương Nghệ Mưu sau đó được chính quyền “tha bổng” hoàn toàn vào năm 2008 khi ông được bổ nhiệm làm tổng đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh.
Tin tức về One Second thu hút hơn 160 triệu lượt xem trên Weibo, phiên bản Twitter xứ Trung. Nhiều người bày tỏ khá sốc rằng ngay cả Trương Nghệ Mưu, một trong những nhà làm phim có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc, phải đối mặt với những rào cản kiểm duyệt khi đưa sản phẩm đi trình chiếu ở liên hoan phim quốc tế. Nhiều bình luận trực tuyến cho rằng đó là áp lực của các cơ quan quản lý. “Chỉ cần xem nó kể câu chuyện gì và bạn biết tại sao điều đó xảy ra”, một cư dân mạng bình luận. “Thừa nhận cuộc cách mạng văn hóa là một sai lầm nhưng cấm mọi người thể hiện sai lầm thông qua một tác phẩm nghệ thuật và thậm chí cấm nó tham gia vào các cuộc thi quốc tế. Đây là loại thực hành nào?”, một người khác gay gắt.
Nói về One Second, một nhà phân phối phim có trụ sở tại Bắc Kinh chia sẻ với South China Morning Post rằng phim đã có được một con dấu “rồng” cấp phép phát hành do cơ quan quản lý phim cấp, nhưng để được chiếu trong rạp nó vẫn cần một giấy phép cuối cùng. Trong thực tế, đã có phim đạt “dấu rồng” nhưng vẫn không được phép ra rạp vì thiếu “giấy phép cuối cùng”, chẳng hạn như Youth (Tuổi thanh xuân) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương.
Trước đó, The Shadow Play, bộ phim của đạo diễn Lâu Diệp cũng rút khỏi hạng mục Panorama LHP Berlin vì không được chính quyền cấp phép.