Phố Người Hoa Quận 5 – Sắc màu văn hóa & ẩm thực Trung Hoa
Khu phố người Hoa tại Sài Gòn một trong những góc phố độc đáo, lưu giữ những giá trị và kiến trúc mang đậm văn hóa Trung Hoa. Là sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa người Hoa và lối sống giản dị của người Việt. Sự giao thoa những nét văn hóa cổ truyền của khu phố người Hoa Sài Gòn. Những nét đặc sắc và tinh túy về kiến trúc, về ẩm thực, về con đường, về tín ngưỡng cả những ngôi chùa cổ kính đã tồn tại từ lâu đời và vẫn giữ được cái hồn vốn có cho dù trải qua bao nhiêu thập niên .
Được ngắm nhìn một phố người Hoa phiên bản thật đặc biệt trong lòng Sài Gòn là một trải nghiệm thật thú vị.
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu về phố người Hoa – Chinatown
Chinatown là gì?
Chinatown là địa điểm khu phố người Hoa đã tồn tại từ lâu đời tại Sài Gòn. Khu phố người Hoa tại Sài Gòn còn có tên gọi khác là khu Chợ Lớn. Chinatown còn được gọi là Phố Tàu hoặc là phố người Hoa, là một danh từ để chỉ khu vực mà người Hoa tập trung sinh sống.
Chinatown hầu như đã có mặt ở khắp quốc gia trên thế giới, có thể nói đến như: Chinatown Bangkok tại Thái Lan, Chinatown New York tại Mỹ, Chinatown Singapore và ở đây thì có Chinatown ở Sài Gòn. Chinatown được người Hoa xem là ngôi nhà thứ hai khi đặt chân đến Việt Nam.
Chinatown ở đâu giữa lòng Sài Gòn
Ở Sài Gòn, người Hoa sinh sống chủ yếu ở quận 5, quận 6 và quận 11. Những người Hoa ở đây chủ yếu là người Triều Châu, Phúc Kiến và Quảng Đông. Theo như thống kê thì đến hiện tại có đến 60% người Hoa đang định cư tại nơi đây. Điều đặc biệt là phần lớn người Hoa ở đây đều có thể nói Tiếng Việt tốt như những người Sài Gòn bản địa.
Tại phố người Hoa có nhiều nét văn hóa, ẩm thực và kiến trúc độc đáo của hàng trăm năm trước, được trải dài qua những con đường. Những mái nhà được lợp ngói ống ở dãy phố người Hoa cùng với kiến trúc đặc trưng nổi bật tôn lên nét cổ điển.
2. Khu phố người Hoa – Chinatown giữa lòng Sài Gòn có gì thú vị
3 Con đường nổi tiếng ở phố người Hoa quận 5
Nếu đã nhắc về phố người Hoa ( Chinatown ) thì không thể kể đến những con đường mang đậm dấu ấn Hongkong như: Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, An Điềm, Châu Văn Liêm.. Ở đây bạn sẽ bắt gặp được vô số tiệm thảo dược thơm lừng.
- Con đường từ Trần Hưng Đạo – Hải Thượng Lãn Ông được coi là mạch xương sống của khu phố người Hoa ở quận 5. Đây được coi là những nét tinh hoa nhất của người Hoa ở giữa lòng Sài Gòn tấp nập. Nơi này tập trung hầu hết các nhà thuốc đông y, chủ tiệm là những người gốc Hoa sinh sống tại Sài Gòn.
Các cửa hàng sẽ có những cái tên thương hiệu đặc trưng của dân tộc như là: Vĩnh Thái Đường, Hữu Duyên Đường, Thiên Phước Đường…
Bên cạnh kinh doanh thuốc bắc, dọc con đường Hải Thượng Lãn Ông còn nổi tiếng buôn bán các mặt hàng trang trí. Cứ mỗi dịp Trung thu, Halloween, Noel hay Lễ Tết thì con phố này lại khoác lên mình những chiếc áo lung linh đầy sắc màu.
Từ những góc phố ngôi nhà cho đến những cửa tiệm sang trọng đều mang dáng vẻ Hongkong thế kỷ trước. Trong đó khu vực từ Nhà văn hóa quận 5 đến tuyến đường Châu Văn Liêm được coi là “ thế giới kính mát “. Với hàng chục tiệm kính lâu năm nằm san sát nhau, tất cả đều phủ lên một lớp bụi của thời gian xưa cũ.
- Con đường nối dài từ Triệu Quang Phục đến Trần Hưng Đạo: là những ngôi nhà cổ kính có từ lâu đời, hoặc là những hàng quán vỉa hè của những xe bán đậu phộng luộc. Luồn qua những con hẻm, từng ngóc ngách sẽ thấy được những khu chung cư được xây dựng theo phiên bản TVB Hong Kong thu nhỏ đó chính là : Hào Sĩ Phường.
Tách biệt hoàn toàn với không khí ồn ào của phố thị, những ngôi nhà mang màu của thời gian. Những nét văn hóa được giữ gìn qua hàng trăm năm ở con hẻm Hào Sĩ Phường, đã đem đến một khu phố người Hoa giữa lòng Sài Gòn đầy ấn tượng và thú vị.
Nhà trong hẻm được xây dựng theo dạng chung cư, gồm nhiều căn nhà nhỏ được bố trí ở hai tầng và có các cầu thang kết nối với nhau. Điều đặc biệt hẻm có một lối thông ra đường Trần Hưng Đạo và lối thông ra đường Ngô Quyền. Xây dựng hệ thống cầu thang bên trong vô cùng độc đáo khác hẳn với những con hẻm của người Việt ở Sài Gòn.
Tham quan chợ nổi Cái Răng
Tại đây với hơn 70 căn hộ được xây dựng theo kiến trúc của người Hoa. Giữa Sài Gòn năng động phồn thị, đã tồn tại khu phố người Hoa mà ít ai biết được đã có mặt hơn 100 năm qua.
Đến đây bạn sẽ thấy mình đang thật sự là một cư dân HongKong. Nơi đây chính là một trong những con đường hẻm độc đáo nhất mà các bạn khi nghĩ đến khu phố người Hoa tại Sài Gòn thì không thể bỏ quên được có một Hào Sĩ Phường mang đậm bản chất Trung Hoa như thế.
Những ngôi nhà với những chiếc cửa sổ màu xanh và đỏ cùng với ban công nhỏ ở phía trước, những mái nhà lợp ngói được sắp xếp khéo léo. Tạo nên những nét hoài cổ ở khu phố người Hoa ở đây.
- Đường Lương Nhữ Học phố lồng đèn: Nếu như điểm danh qua các loạt con đường về thuốc đông y, về thảo dược nổi tiếng và con hẻm đầy cổ điển thì con đường Lương Nhữ Học sẽ cho các bạn lạc vào một phố đèn lồng thu nhỏ.
Tại đây các cửa hàng bán đèn lồng và các đồ thủ công bằng giấy, khi đến dịp Tết Trung Thu các căn hộ sẽ tổ chức làm đèn lồng và treo trước nhà, tạo thành một con đường đèn lồng, để cho mọi người có thể đến tham quan. Để cùng nhau chúc mừng cho một dịp lễ lớn của người Hoa.
Họ tạo ra và lưu giữ được những đường nét và bản sắc của những chiếc đèn lồng xa xưa. Con phố có những nét đặc trưng vào ban ngày và ban đêm. Nếu như ban ngày là sự bình lặng thì ban đêm được treo những chiếc đèn lồng đủ màu sắc và họa tiết đậm chất hoài cổ.
6 Địa điểm hấp dẫn ở khu phố người hoa quận 5
Đến với phố người Hoa bạn sẽ được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc như hội quán, các ngôi chùa, đậm chất Trung Hoa. Trước cửa mỗi nhà dân thường treo đèn lồng đỏ của người Hoa. Còn với những nhà làm nghề buôn bán thì biển hiệu của quán đều có ghi hai dòng chữ Việt và Hoa độc đáo.
Những công trình sắp được kể dưới đây đều có tuổi đời khoảng 100 năm, được khắc họa từ những dãy nhà cổ kính mang âm hưởng kiến trúc Hoa và Pháp thời kỳ xưa.
Các kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hóa, đã tạo nên mảng màu sắc hoàn toàn khác biệt và là một nét chấm phá độc đáo tại khu phố người Hoa giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp phồn hoa.
Những nơi có thể tham quan văn hóa Trung Hoa được kể đến như:
Hội quán Hà Chương
Địa chỉ: 802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5
Đây là công trình độc đáo tại khu phố người Hoa tại Sài Gòn ( còn được gọi là ChinaTown Sài Gòn ) mà bạn không thể bỏ qua. Hội quán Hà Chương còn được gọi là Hội quán Dương Châu hay chùa Ông Hược, chùa bà Hà Chương.
Hội quán được xây dựng với các họa tiết khắc gỗ, đá và gạch ngói cầu kỳ nhưng vẫn giữ được sự độc đáo. Bộ khung chịu lực bằng gỗ hoặc đán, mái ngói lợp ống, chân mái được viền bằng ngói xanh mô phỏng theo kiến trúc đền miếu Trung Hoa cổ xưa.
Đặc trưng lớn nhất ở Hội quán Hà Chương chính là cặp cột đá nguyên khối được đặt tại cột hiên và một cặp cột đá đặt dưới đầu mái chính điện.
Theo nhận định của chuyên gia đây được xem là những tác phẩm nghệ thuật có một không hai của Việt Nam khi xuất hiện trong khu phố người Hoa.
Phần đặc sắc tiếp theo đó chính là mái nhà. Dáng mái của hội quán Hà Chương mang nét đặc trưng của kỹ thuật tạo hình người Hoa Phúc Kiến với các đỉnh mái cong vút như là một con thuyền. Điểm thu hút hơn khi mỗi gian nhà đều có một lớp mái riêng độc đáo. Các lớp mái được lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh, trên các mái nhà đều có những mảng tượng trang trí rất công phu. Bao gồm binh tướng, rồng, phượng,..rất hài hòa và sống động.
Hiện nay Hội quán Hà Chương đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam vào năm 2001.
Tam Sơn Hội Quán
Địa chỉ: 118D Triệu Quang Phục, quận 5
Hội quán Tam Sơn được xem là một trong những hội quán lâu đời của khu phố người Hoa Chinatown. Nơi đây được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa Kiều gốc Phúc Kiến. Trở thành một trong những địa điểm cầu tự của những gia đình hiếm muộn.
Tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc gốc cổ xưa đầy huy hoàng. Tam Sơn hội quán sỡ hữu kiến trúc đặc trưng của người Trung Hoa, do vậy nơi đây vừa có nhiều giá trị lịch sử và có giá trị về văn hóa.
Chính điện được xây dựng theo kiểu nhà ba gian, mái lợp ngói ống, trang trí phù điêu lưỡng long triều nguyệt, phụng hoàng lân,… Càng vào trong các điện thờ sẽ có một bộ khung chịu lực riêng và lớp mái riêng lợp ngói ống, diềm mái bằng ngói thanh lưu ly.
Tam Sơn hội quán có tông màu đỏ rực rỡ mà vẫn giản dị và mộc mạc mang đến cảm giác yên bình. Hiện nay hội quán là một địa điểm mà bạn có thể được chiêm ngưỡng khám phá một nét văn hóa tập tục của những người Hoa sinh sống tại đây.
Chùa Bà Thiên Hậu
Địa chỉ: 710 đường Nguyễn Trãi quận 5
Nổi bật nhất trong cụm đền chùa của người Hoa tại quận quận 5 đó là chùa Bà Thiên Hậu còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn theo cách gọi của người Việt. Ở đây được xem là ngôi chùa cổ nhất của người Hoa ở Sài Gòn. Nơi đây được nhóm người Hoa ở Quảng Đông lựa chọn làm nơi gặp gỡ và tụ họp khi có các dịp lễ đặc biệt.
Trải qua hơn 200 năm lịch sử qua nhiều lần trùng tu chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ gìn nguyên vẹn phong cách Á Đông truyền thống xưa. Những kiến trúc của người Hoa như là lối kiến trúc tam quan, cách điệu ở cổng chính và hai hành lang được mở rộng phía bên hông.
Với kiến trúc đặc trưng mang nét truyền thống của người Trung Hoa, nhất là phần lợp mái. Mặt trước của phần mái có phần chấm phá vài nét phù điêu bằng gốm sứ và các biểu tượng nét văn hóa tín ngưỡng của người Hoa như: cá chép hóa rồng, Lưỡng Long Tranh Châu và các bức phù điêu nổi tiếng khác.
Về tổng thể của chùa Bà Thiên Hậu có 4 dãy nhà liên tiếp được ngăn cách giữa các gian nhà là các Giếng trời tạo cho tổng thể không gian hài hòa và thoáng đãng hơn.
Tại đây có sự tích về Bà Thiên Hậu đang hiển linh trên sóng nước được ghi lại trên các bia đá cổ.
Hiện nay chùa Bà được xem là điểm du lịch tâm linh, chốn sinh hoạt văn hóa quen thuộc không chỉ của người Hoa mà còn của người dân Sài Gòn.
Miếu Nhị Phủ
Địa chỉ: 264 đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5
Kiến trúc tại Miếu Nhị Phủ được xây dựng theo hình chữ khẩu gồm 4 dãy nhà xếp liên tiếp nhau, giữa các gian nhà đều có giếng trời.
Nổi bật nhất đó là phần mái nhà cong chồng chéo lên nhau, trang trí phù điêu rồng, cá chép được ghép từ các mảng bằng những mảnh sành sứ, khá độc đáo so với các khu đền, miếu, chùa khác ở Việt Nam. Ngoài ra trên các bức tường miếu đều trạm trổ những hình ảnh phong tục tập quán, văn hóa của người hoa Phúc Kiến.
Mỗi dãy nhà đều có một lớp mái, riêng tiền điện có hai tầng mái. Tất cả mái đều lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh. Mái có hình thuyền trên các đầu đao có gắn tượng cá hóa rồng, còn ở các đầu kìm là những tượng rồng, thân dựng thẳng, đuôi xòe lên cao, chầu hai bên mặt trời. Những vòm cửa bằng đá và những hàng cột gỗ to có cột to cao đến 7m, chân cột kê trên các chân đế bằng đá chạm trổ mỹ thuật.
Trong hầu hết các ngôi chùa, đền, miếu, hội quán ở khu phố người Hoa tại Sài Gòn đều thờ hầu hết là Thiên Hậu Thánh mẫu hay Quan Đế thì miếu Nhị Phủ là nơi duy nhất thờ Bổn Đầu Công, là vị thần bảo vệ đất đai và con người.
Nhìn chung Miếu Nhị Phủ là một công trình kiến trúc độc đáo mang tính nghệ thuật kết hợp điêu khắc gỗ, gốm sứ, gạch ngói và đá. Mặc dù Miếu Nhị Phủ đã qua 3 lần trùng tu lớn nhưng miếu vẫn giữ được nét cổ kính qua phong cách kiến trúc và trang trí truyền thống của người Phúc Kiến.
Hội Quán Ôn Lăng ( Chùa Quan Âm )
Địa chỉ: Số 12 Lão Tử, phường 11, quận 5
Hội quán là công trình tâm linh có lịch sử có lẽ lâu đời nhất vì hơn 300 năm của người Hoa được xây chủ yếu là để thờ Bà Thiên Hậu theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa. Sau này hội quán thờ thêm bà Quan Âm Bồ Tát nên người Sài Gòn bấy giờ gọi là Ôn Lăng hội quán là chùa Quan Âm cho gần gũi hơn.
Hiện nay nơi đây còn lưu giữ rất nhiều hiện vật lịch sử có giá trị. Đó chính là các bức phù điêu bằng gỗ chạm vàng, hoặc là những bộ trống, và đỉnh gang có từ thời Quang Tự thời nhà Thanh, cùng với quả chuông đúc cùng nhiều hoành phí và các câu đối khác..
Phía bên trong của Hội quán là sự phối hợp độc đáo của điêu khắc và trang trí hội họa. Các bức phù điêu gỗ có hai loại là chạm lộng và chạm nổi được sơn son thiếp vàng tạo vẻ đẹp lộng lẫy. Ngoài ra kỹ thuật chạm nổi còn thể hiện qua bằng phần tàu mái, các linh vật như long, lân, quy, phụng cùng với các điển tích Trung Hoa khác.
Đặc biệt nhất chính là cặp sư tử đá chầu cửa, một trong những tác phẩm điêu khắc đặc sắc vào năm 1869. Con sư tử bên trái miệng ngậm hạt châu còn con bên phải đang chơi đùa cùng với sư tử con.
Hội Quán Nghĩa An
Địa chỉ: số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11 quận 5
Nếu bạn đã nghe đến vị Quan Công tiêu biểu của thời Tam Quốc thì Hội quán Nghĩa An chính là nơi bạn cần đến. Trong tín ngưỡng của người Hoa, miếu thờ Quan Công biểu thị cho lòng trung nghĩa, khẳng khái, luôn nhớ về quê cha đất tổ của những người xa xứ.
Hội quán Nghĩa An còn được gọi là Chùa Ông là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Hoa gốc Triều Châu theo tín ngưỡng thờ Quan Công.
Như phần lớn các đền miếu của người Hoa thì đều có kiến trúc tổng thể là hình chữ khẩu với các dãy nhà khép kín vuông góc. Được thiết kế theo phong cách Triều Châu và màu chủ đạo là màu đỏ. Tất cả được thể hiện qua những thư pháp, chạm đá, chạm gỗ, ghép các mảnh sứ để tôn lên được giá trị nghệ thuật.
Mái ngôi miếu có 3 cấp: giữa cao, hai bên ít hơn. Trên nóc có gắn sành hình lưỡng long tranh châu.
Trên vách mặt tiền hai bên cửa miếu chạm chìm những chữ Hán và sáu bức chạm cành trúc khác nhau.
Điểm nhấn của thiết kế từ hai cổng lớn vào đến cửa miếu có năm cặp kỳ lân lớn nhỏ bằng đá được đặt đối xứng nhau. Đẹp hơn nữa là cặp “ lân hàm châu “ được gọi là ( lân ngậm ngọc ) được đặt chầu ở hai bên cửa. Ngoài ra ở đây còn có một quả chuông cao 39cm, đường kính 46 cm, hai bên được đúc hai đầu lân, đường nét thiết kế tinh xảo, phía trước có chữ “ Quan Thánh đế quân “.
Giếng trời ở giữa chùa rộng rãi và khoáng đãng với những chậu cây cảnh. Dọc theo dãy hành lang hai bên sân là các bia đá ghi niên đại trùng tu chùa và tên tuổi những người đóng góp vào việc trùng tu chùa.
Sát hai bên góc tường đặt hai bộ chuông đối xứng nhau. Chuông bên trái bằng gang, được đúc ở Quảng Đông Trung Quốc vào những năm 1850. Chuông còn lại được làm bằng hợp kim, có chạm nổi hàng chữ “ Minh Hương xa, Nghĩa An hội quán,…” được đúc ở giữa thế kỷ 19.
Từ khi xây dựng cho đến nay chùa Ông đã được trùng nhiều vào những năm 1866, 1901, 1969,…và mới đây là năm 2010. Hiện giờ tuy việc trùng tu khá nhiều nhưng chùa vẫn giữ được nét tỏa nắng rực rỡ trong kiến trúc xây dựng xưa, và luôn là điểm đến quan trọng cho những ai muốn tham quan khi những gì đặc sắc nhất của phố người Hoa ở Sài Gòn.
Tham quan Lạc Tiên Giới Đà Lạt
Phố ẩm thực người Hoa quận 5 đa màu sắc và độc đáo
Phố ẩm thực người Hoa quận 5 được xem là những địa điểm hiếm hoi còn giữ những nét văn hóa của Trung Hoa. Những nét văn hóa đó được thể hiện từ những điều nhỏ nhặt nhất như từ tấm bảng hiệu ghi hai thứ tiếng hay những ông chủ người Hoa với khuôn mặt niềm nở đón tiếp khách hàng.
4 Món ăn đặc trưng của người Hoa tại Chinatown Sài Gòn
- Vịt quay truyền thống Trung Hoa
Dọc con đường Bùi Hữu Nghĩa có tới hơn 10 tiệm vịt quay lớn, nhỏ, từ vài chục năm đến vài năm tuổi nhưng cửa hàng nổi tiếng nhất vẫn là hàng vịt quay nằm ngay phía trái góc đường Bùi Hữu Nghĩa.
Ở đây sẽ cho bạn trải nghiệm với một con vịt quay ngon là lớp da giòn rụm màu vàng nâu và bóng loáng bắt mắt. Thịt vịt mềm và mọng nước rất tươi ngon.
Vit quay đúng chuẩn hương vị có mùi thoang thoảng hoa hồi, bột xá xíu và ngũ vị hương. Dùng để ăn với cơm và bánh mì có thể là bánh bao để tăng thêm hương vị.
- Dimsum
Dimsum là món ăn phổ biến của Trung Hoa được rất nhiều người Việt yêu thích. Đặc biệt là các người dân ở khu phố người Hoa quận 5. Đây là món ăn sáng ưu thích của người dân Quảng Đông, Trung Quốc.
Phần nhân của một chiếc Dimsum thường bao gồm các loại thịt như tôm, cua, cá, thịt lợn và các loại rau củ, nấm đi kèm. Được băm nhuyễn và trộn đều nêm nếm gia vị vừa đủ. Tại Sài gòn có rất nhiều địa chỉ phục vụ Dimsum ngon mà đầy danh tiếng của người Hoa.
- Sủi cảo
Sủi cảo hay còn gọi là bánh chẻo là món ăn xuất xứ từ Trung Quốc phổ biến nhiều nước ở Châu Á. Phần vỏ bánh dai mềm, bọc nhân tôm, thịt và hòa quyện với hỗn hợp xì dầu ớt tạo nên hương vị đậm đà, hấp dẫn. Đây là một trong những món ăn chính trong dịp Tết nguyên đán cũng như là món ăn quanh năm tại các tỉnh phía Bắc Trung Quốc.
Sủi cảo thường bao gồm thịt xay hoặc rau chất đầy và cuốn trong trong một miếng bột bánh mỏng, sau đó được ép chặt bằng cách nhấn mạnh các góc bánh vào nhau hoặc xếp thành nếp.
Sủi cảo được chia làm 3 loại: Sủi cảo luộc, sủi cảo hấp, sủi cảo chiên giòn.
- Các món chè
Các món chè của người Hoa không chỉ là món ăn ngon mà còn là món bổ. Khá nhiều món chè thơm ngon làm nức lòng bao con người đất Việt có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đứng đầu trong danh sách các loại chè người Hoa được yêu thích nhất là
- Chè mè đen
Với vẻ ngoài giản dị đặc quánh một màu đen thẫm. Có tên chính gốc là Chí Mà Phũ. Nguyên liệu chính được nấu từ hạt vừng đen nấu cùng bột gạo cho dẻo, vị ngon đến từ cái bùi bùi nhẹ nhàng của hạt vừng chất lượng còn tươi và ngọt thanh của hạt.
- Chè trứng hồng trà
Đây được xem là một món chè khá lạ lẫm với phong cách ăn chè của Việt. Hột gà được nấu bằng nhiều vị thuốc Bắc, một ít trà và thêm một chút đường phèn và đặc biệt là còn một chút từ nước trà.
Trứng gà nấu chè không hề bị tanh cũng không nghe mùi thuốc Bắc. Vị béo bùi của trứng hòa quyện với nước trà màu đen óng ánh, nóng hổi của nước trà, để lại cảm giác khó quên và lạ lẫm.
- Cao quy linh
Cao quy linh được biết đến như một bài thuốc thanh nhiệt cho cơ thể với các nguyên liệu như bột mai rùa, thổ phục linh, cam thảo và các loại thảo dược bồ công anh, hoa kim ngân và sanh địa. Cao quy linh có vị nhẫn nhẹ nên thường được dùng cùng mật ong hoặc nước đường để cân bằng mùi vị, dễ dàng tìm thấy ở các quán ăn của người Hoa và các quán chè nhỏ lớn.
Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng khu phố người Hoa tại Sài Gòn vẫn giữ được các giá trị truyền thống của đồng bào Hoa kiều. Đây là nơi tập trung của rất nhiều người Hoa đến từ Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến tạo nên một cộng đồng người Hoa ở quận 5. Ở đây chủ yếu là những nơi làm ăn sinh sống của những người buôn bán Hoa kiều, nên vì thế đó là lý do nơi đây luôn được mọi người tìm đến để trải nghiệm các dịch vụ ăn uống và giải trí mang phong cách Trung Hoa.
Điểm cộng lớn nhất khi bạn đến với phố người Hoa đó chính là các kiến trúc mang nét cổ xưa truyền thống và sự hài hòa sinh động của Sài Gòn nhộn nhịp. Đảm bảo bạn sẽ có cảm giác đang có mặt tại khu phố Trung Quốc khi được đặt chân đến khu phố nhà lợp mái ngói ngay tại khu phố người Hoa ở quận 5.
Chính những nét đặc trưng trong văn hóa đã tạo nên sự khác biệt cho khu phố người Hoa so với những con phố có mặt ở Sài Gòn. Đã trở thành nơi tham quan lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về những văn hóa cũng như ẩm thực và bản sắc Trung Hoa.
Hãy cùng theo chân Dulinews để khám phá những nơi thú vị và đầy bản sắc Việt Nam.
Author: Lin Lin