Phổ thông hóa hệ bổ túc và những hệ lụy khôn lường
(GDVN) – Phổ thông hóa hệ bổ túc các trung tâm giáo dục thường xuyên không chỉ trái Luật Giáo dục, mà còn tạo bất công giữa học sinh với nhau, giữa các trường với nhau.
Những ngôi trường hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, lãng phí không ai chịu trách nhiệm là thực tế tồn tại nhiều năm nay ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tại nhiều địa phương.
Luật Giáo dục hiện hành quy định, “hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”, và “trung tâm giáo dục thường xuyên được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện”;
Vì vậy cho nên nhiều địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên bề thế với bộ máy biên chế đầy đủ, nhưng không tuyển sinh được mà ngân sách vẫn phải nuôi, gây lãng phí rất lớn.
Khi thấy sự lãng phí rất lớn nguồn lực và ngân sách, sự vô lý của việc duy trì một bộ máy hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động, tài sản nhà nước hao mòn từng ngày mà không mang lại giá trị, nhiều địa phương muốn giải thể hay sáp nhập cũng không đơn giản, bởi rào cản từ luật, từ cơ chế lẫn dư luận.
Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì sao? Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoạt động như thế nào? Chúng tôi xin phân tích trong bài viết này.
Phổ thông hóa hệ bổ túc để “hà hơi thổi ngạt” cho các trung tâm giáo dục thường xuyên?
Luật Giáo dục hiện hành quy định:
“Giáo dục thường xuyên giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.”;
“Các hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: a) Vừa làm vừa học; b) Học từ xa; c) Tự học có hướng dẫn.”
Như vậy, đối tượng giáo dục của các trung tâm giáo dục thường xuyên học để “lấy văn bằng”, ở đây là bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc, là những người “vừa làm vừa học” với 3 hình thức: vừa làm vừa học, học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn.
Nhưng thực tế lâu nay các trung tâm giáo dục thường xuyên lại tuyển sinh học sinh hoàn thành bậc học trung học cơ sở, tổ chức học tập trung như các trường trung học phổ thông chính quy.
Cái khác ở đây là tên gọi và tấm bằng, học hệ giáo dục thường xuyên gọi là “học viên” và tốt nghiệp có bằng ghi rõ “hệ bổ túc”, người học trung học phổ thông thì gọi là “học sinh” và khi tốt nghiệp có tấm bằng “hệ chính quy”.
Ranh giới cuối cùng này cũng đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo xóa hẳn vào năm 2015 bằng Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015, thay thế cho Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007.
Trước thời điểm Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT có hiệu lực, văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải ghi rõ nội dung hình thức đào tạo (chính quy đối với học sinh tốt nghiệp các trường trung học phổ thông; bổ túc đối với học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên).
Từ năm 2016, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên không còn khác biệt, vì Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT đã xóa bỏ nội dung về hình thức đào tạo trên văn bằng.
Bằng quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xóa bỏ ranh giới cuối cùng giữa loại hình giáo dục thường xuyên với giáo dục phổ thông.
Nói cách khác, Bộ đã phổ thông hóa loại hình bổ túc để giúp nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên đang trong cơn thoi thóp, có thể tuyển sinh và đào tạo, mặc dù không đúng Luật Giáo dục (chỉ tuyển người vừa làm vừa học, đào tạo phi chính quy và không tập trung với 3 hình thức như trên).
Kẽ hở tạo bất công giữa chính học sinh với nhau
Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT đã tạo ra những kẽ hở và sự bất công giữa chính các em học sinh với nhau.
Học sinh trung học phổ thông phải học 12 môn, trong khi học viên học giáo dục thường xuyên chỉ phải học 7 môn, thi tốt nghiệp như nhau và bằng tốt nghiệp như nhau.
Phát hiện được kẽ hở này, ngay sau khi Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT có hiệu lực, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện hiện tượng nhiều học sinh bỏ các trường trung học phổ thông để nhảy sang học hệ giáo dục thường xuyên.
Theo phản ánh của Báo Thanh Niên ngày 10/11/2015, nhiều học sinh trung học phổ thông đã nhảy sang một số trung tâm giáo dục thường xuyên để học nốt lớp 12 để có thời gian ôn thi đại học thoải mái hơn các bạn trong khi học phí lại rẻ.
Các em nhận ngay ra lợi thế, và các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng nhanh chóng quảng bá: học ít môn, học phí thấp, tiện luyện thi đại học mà khi hưởng ưu tiên khu vực vẫn được tính khu vực nơi đã học 2 năm phổ thông trước đó.
Đó là chưa kể các trung tâm giáo dục thường xuyên “tạo điều kiện hết mức” bằng cách đáp ứng nhu cầu của “học viên”, muốn học trọng tâm phần nào, giảm nhẹ phần nào (để phục vụ ôn thi đại học) đều được.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10 thời điểm đó được Báo Thanh Niên dẫn lời cho biết:
“Vì có thời gian nhiều tập trung vào các môn thi đại học và có mục đích rõ ràng nên gần như 100% học sinh ở các trường trung học phổ thông chuyển qua đều thi đậu đại học. Thậm chí là đậu những trường đỉnh với số điểm rất cao”. [1]
Tạo ra rào cản với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước
Phổ thông hóa hệ bổ túc để hà hơi tiếp sức cho các trung tâm giáo dục thường xuyên bằng cách cho phép tuyển sinh trái Luật Giáo dục, sử dụng chung một loại văn bằng tốt nghiệp không chỉ tạo ra bất công giữa chính các học sinh, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục.
Nếu như một số trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng nhìn ra kẽ hở và cơ hội từ Thông tư số 29/2015/TT-BGDĐT thì ở Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã cố gắng quảng bá những lợi thế bất công này, nhưng các trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn khó tuyển sinh.
Bài viết Nan giải tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị ngày 23/8/2018, cho biết:
Mặc dù số học sinh tốt nghiệp lớp 9 tăng hơn 22.000 so với năm học 2017 – 2018, nhưng đến thời điểm bài viết này được đăng, một số trung tâm giáo dục thường xuyên – nghề nghiệp mới tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu được giao, thậm chí có nơi chỉ 30%.
Trung tâm giáo dục thường xuyên một số quận huyện như Mỹ Đức, Ba Đình, Cầu Giấy mới chỉ tuyển được chưa đến 50% chỉ tiêu, trong khi 2 trung tâm của quận Đống Đa, Thanh Xuân đông học sinh nhưng cũng chỉ tuyển được 30%.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại cho rằng, các trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội cần “xem lại mình” bởi chất lượng đào tạo chưa tương xứng.
Theo thầy Phạm Văn Đại: với tỷ lệ học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tới 96,94% cho thấy, chất lượng đào tạo không kém các trường phổ thông.
Các trường ngoài công lập thu học phí cao, nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng chỉ ngang với giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên có mức học phí chỉ 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Thầy Phạm Văn Đại không những không thấy hoặc lờ đi sự thật là phổ thông hóa loại hình bổ túc không những không đúng với Luật Giáo dục, mà còn tạo ra sự bất công giữa chính những học sinh với nhau, bất công giữa chính các cơ sở giáo dục dưới quyền quản lý của mình.
Điều đó dường như đang đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước với cách thầy Phạm Văn Đại so sánh “tính ưu việt và chất lượng” của các trung tâm giáo dục thường xuyên với khối trường tư thục như trên, mặc dù thực tế lại khác.
So sánh của thầy Phạm Văn Đại cho thấy một thực tế, rõ ràng các trường tư thục đang bị cạnh tranh không lành mạnh, bất công bởi chính cơ quan quản lý giáo dục và chính sách phổ thông hóa hệ bổ túc tại Thông tư số 29/2015/TT-BGDĐT.
Mặc dù tạo cho hệ giáo dục thường xuyên những lợi thế vượt trội về mặt chính sách lẫn học phí, nhưng hiện tại cha mẹ học sinh vẫn không nhiều người lựa chọn.
Nhưng về lâu dài, nếu xu hướng phổ thông hóa hệ bổ túc trái Luật Giáo dục này tiếp tục được các cơ quan quản lý giáo dục thúc đẩy, sẽ hạn chế rất nhiều các chính sách và nỗ lực xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, bởi nó tạo ra sự bất công từ chính cơ quan quản lý và ban hành chính sách.
Tại Hà Nội, trong khi các trường tư thục gặp nhiều hạn chế, rào cản và giấy phép con trong công tác tuyển sinh đầu cấp thì các trung tâm giáo dục thường xuyên luôn được ưu ái mà vẫn không tuyển nổi 50% chỉ tiêu, sự phi lý và bất công này còn duy trì đến bao giờ?
Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích thực trạng qua đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này, ngõ hầu tìm ra nguyên nhân, đồng thời nêu ra một số khuyến nghị chính sách để xóa bỏ sự bất công, trái luật nêu trên.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-truong-cong-hoc-giao-duc-thuong-xuyen-631990.html
[2]http://kinhtedothi.vn/nan-giai-tuyen-sinh-giao-duc-nghe-nghiep-323638.html
Hồng Thủy