Phong tục Tết của người Việt: Tục sum họp ngày Tết & Tục thờ cúng tổ tiên

Michel Nguyễn Hạnh, Nhóm Lasan 100

Chính đán tiết hay Tết nguyên đán của người Việt ảnh hưởng của người Trung Hoa. Điều này không thể tránh khỏi khi người Việt bị bốn lần Bắc thuộc trong gần 1.000 năm (lần 1: 207TCN-40, nhà Triệu; lần 2: 43-541, nhà Hán; lần 3: 602-905, nhà Tùy; lần 4: 1407-1427, nhà Minh). Do vậy, phong tục Tết nguyên đán của người Việt bị ảnh hưởng không nhỏ bởi phong tục phương Bắc. Thế nhưng nhờ lũy tre làng, nhà văn hóa làng xã mà người Việt vẫn giữ được nét riêng của mình. Tết của người Việt gọi là lễ hội, được chia ra hai phần rõ ràng: lễ (nghi thức, tục lệ), hội (vui chơi).

Vậy đâu là bản sắc riêng của người Việt trong phong tục ngày Tết?

Tetgd Tục xum họp ngày Tết

Chữ Nôm森 (bộ mộc木) mượn từ sâm (sēn) của Hán, đọc là xum hay sum, với nghĩa là: 1. cây cối rậm rạp. ‖ 2. cảnh ấm cúng quây quần bên người thân.

Cũng như người Hoa, tết âm lịch của người Việt bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp và chấm dứt vào ngày mồng 7 tháng giêng, nên còn gọi là ngày 23 tết. Ngày xưa, người Việt lấy nông nghiệp làm gốc, bởi thế mới có câu ca: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Gần cuối tháng chạp, người dân cho thu vén công việc để có thể thảnh thơi họp mặt gia đình đón tết. Vì vậy, “Dưa gang một, chạp thì trồng. / Chiêm cấy trước tết thì lòng đỡ lo / Tháng hai đi tậu trâu bò / Cày đất cho ải mạ mùa ta gieo”. Câu ca dao (cd.) cho thấy vào tháng chạp, nông dân do cấy trồng lúa, dưa để thu hoạch vào vụ chiêm (thu hoạch vào mùa hè). Với việc lo liệu như thế, tháng giêng chính là lúc nông nhàn – Tháng giêng ăn Tết ở nhà. / Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm… (cd.). Người Việt thường thăm hỏi nhau, đi lễ chùa vào tháng giêng.

Tục thờ cúng tổ tiên

Từ ngày 23 tết cho đến sáng 30 tết, con cháu tề tựu về gia đình và chia nhau quét dọn mồ mả, chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, để trưa 30 tết thắp nhang mời vong linh tổ tiên về ăn tết với con cháu. Việc dọn dẹp mồ mả phải được chuẩn bị trước trưa 30 tết, vì trong ba ngày tết sẽ mắc vào những điều kiêng cữ, ví dụ có người đàn bà góa ca cẩm than phiền hàng xóm vì sự chểnh mảng và không biết giữ ý của mình: Xóm mần răng, xóm mần ri / Ở chi quá tệ! / Ba mươi mồng một Tết, tôi mượn cái cuốc giẫy mả chồng không cho / Hai tay bụm đất đắp mồ / Lòng sầu dạ thảm biết thuở mô gặp chàng? (cd.)

Mồng một Tết là ngày con cháu cúng tổ tiên đầu năm. Lệ ấy được thể hiện qua câu ca dao sau: – Chiều ba mươi anh không đi Tết / Rạng ngày mồng một, anh không đi đến lạy bàn thờ / Hiếu trung mô nữa mà bảo em chờ uổng công / – Hôm ba mươi anh mắc lo việc họ / Sáng mồng một anh bận lo việc làng / Ông bà bên anh cũng bỏ, huống chi bên nàng, nàng ơi! (cd.)

Tâm thức thờ kính tổ tiên của người xưa

cung-ong-baNgười xưa tin linh hồn không mất đi, khi lìa khỏi xác vẫn hoạt động để trợ giúp hay đối nghịch lại với người sống. Linh hồn của người chết vẫn có những nhu cầu như khi còn sống. Vì vậy, họ cần được tôn kính và săn sóc cẩn thận qua việc cúng tế để khi nhận lễ vật, các hồn sung sướng và có thiện cảm với người dâng cúng, ban cho họ những ơn huệ. Từ đó cảm thấy giao cảm được cùng cõi nhân sinh khi thờ cúng các vong hồn, thờ kính tổ tiên và tôn thờ các danh nhân. Trong nghi thức tế lễ tổ tiên hay vong hồn, lễ vật là tam sênh (đọc theo âm Bắc Kinh của từ sinh – shēng) gồm: hột vịt luộc, tôm luộc, heo luộc.

Tổ tiên thường được xác định đến mức bốn đời hay nhiều hơn nữa. Bởi vậy, nơi một số các đình đền hay gia đình người Việt có khám thờ hay bàn thờ CỬU HUYỀN THẤT TỔ 九玄七祖 – chín đời cháu và bảy đời tổ tiên. Trong đó:

– CỬU HUYỀN: Kỷ己 (bản thân) là một đời, lên trên bốn đời và xuống dưới bốn đời. Tính từ dưới lên trên như sau: huyền tôn玄孫 (chít, cháu sơ), tằng tôn曾孫 (chắt, cháu cố), tôn孫 (cháu nội), tử 子(con trai), kỷ己 (chính mình), phụ 父 (cha), tổ phụ 祖父 (ông nội), tằng tổ 曾祖 (ông cố), cao tổ 高祖 (ông sơ). Theo quan niệm này, mình (kỷ) đã vay công ơn của bốn đời trên thì sẽ trả lại cho bốn đời con cháu sau này.

– THẤT TỔ: bảy đời tính từ dưới lên trên: phụ 父 (cha – nhứt tổ), tổ phụ 祖父 (ông nội – nhị tổ), tằng tổ 曾祖 (ông cố – tam tổ), cao tổ 高祖 (ông sơ – từ tổ), tiên tổ 先祖 (ngũ tổ), viễn tổ 遠祖 (lục tổ), thỉ tổ 始祖 (thất tổ). Từ quan niệm này, thờ cha mẹ đến thất tổ rồi cũng mở rộng đến tổ tiên của dân tộc là các vua Hùng (giỗ của các vua Hùng nay là quốc giỗ – ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Người Việt Nam lấy đạo hiếu làm trọng. Trong đó, con cháu nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên và hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng khi các ngài còn sống; khi các ngài đã qua đời, việc thờ kính để tưởng nhớ tổ tiên đồng thời dâng hiến lễ vật để các ngài hưởng dùng.