Phong tục lì xì và ý nghĩa đẹp đẽ đằng sau những tấm ‘hồng bao’
Lì xì (Tiếng Việt) hay hồng bao (Tiếng Hán) là một phong tục quan trọng đối với nhiều nền văn hóa khác nhau trên khắp châu Á. Trao tặng phong bì màu đỏ (với tiền giấy bên trong) là một cách để thể hiện sự chia sẻ may mắn và thịnh vượng.
Nguồn gốc của tấm “hồng bao” ngày Tết
Phong tục lì xì ngày Tết xuất hiện từ rất xưa tại Trung Quốc và cũng có rất nhiều câu chuyện giải thích về sự ra đời của phong bao lì xì này. Nhưng có lẽ phổ biến nhất đó chính là câu chuyện về 8 vị tiên.
Tương truyền rằng, thời xa xưa ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa.
Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét và bị sốt, nên bố mẹ thường không dám ngủ để thức canh con trẻ.
Con ma tên Sui trong nguồn gốc của tấm phong bao lì xì. Ảnh: Chinatourstar.
Có một gia đình nhà nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền đồng, cha mẹ chú đem gói vào một mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh gối đứa bé.
Khi con quái vật tên Sui đến, những đồng tiền lóe ánh hào quang, khiến con quái vật hoảng sợ phải bỏ chạy. Tiếng lành đồn xa, cứ mỗi đêm giao thừa, nhà nhà đều gói đồng tiền vào giấy đỏ rồi tặng cho con cháu để cầu an. Từ đó lì xì được coi như “lá bùa” trừ tà ma, yêu quái trong đêm giao thừa.
Ý nghĩa của phong bao lì xì
Lì xì theo tiếng Trung Quốc là phiên âm của từ “lợi thị” có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.
Từ rất lâu, lì xì trở thành một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết. Mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, 3 cho tới mùng 10.
Lì xì ẩn chứa nhiều ý nghĩa trong ngày Tết. Ảnh: Seattle Times.
Có lẽ, điều mà những đứa trẻ luôn chờ đợi và háo hức nhất là được người lớn tặng cho một chiếc bao lì xì đỏ chót, bên trong chứa những đồng tiền xanh đỏ đẹp mắt khiến chúng vui vẻ và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Chiếc phong bao còn tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn người nhận có sự so bì, tị nạnh, tránh xích mích không đáng có trong không khí vui vẻ. Do đó, người nhận không nên mở phong bao trước mặt người tặng.
Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu của như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Cứ vào mỗi sáng mùng 1, sau khi dậy sớm và diện những bộ quần áo đẹp, người lớn và trẻ con lần lượt ra chúc tết, chúc thọ và biếu lì xì cho ông bà, bố mẹ. Sau đó, người lớn sẽ tặng cho những đứa trẻ những chiếc bao lì xì đựng tiền cùng với lời chúc mong muốn sự hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân của mình trong suốt một năm.
Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận. Vì vậy, tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ.
Lì xì màu xanh lá cây của người Mã Lai theo đạo Hồi. Ảnh: cbc.ca.
Phong tục lì xì đa dạng ở các nước châu Á
Tại Singapore, lì xì không chỉ là những tờ tiền mới có mệnh giá từ 2-20 Đô Sing, mà có thể chứa cả voucher, coupon, vé xe tháng, tem, ngân phiếu, tiền xu hay vé du lịch.
Trong khi mọi nơi đều ưa chuộng phong bao đỏ thì riêng ở Nhật Bản người ta lại dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh, trên đó còn ghi tên của người nhận.
Những người Mã Lai theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo bằng nhưng phong bao lì xì màu xanh lá cây đặc trưng.