Phong tục tập quán – nhìn thế nào cho đúng?

Lâu nay, vấn đề những người ngoài nhận định, đánh giá về các phong tục tập quán của các cộng đồng thuộc các nền văn hóa khác nhau đang gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Cái nhìn của người ngoài cuộc đang ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội đang ngày càng phổ biến rộng rãi và sự tương tác xã hội trên các mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn.

Các ý kiến của người ngoài cuộc đang tác động mạnh đến các giá trị văn hóa của các cộng đồng khác nhau. Điều đó cũng dễ hiểu khi mà chúng ta thường khó để tránh khỏi những thiên kiến của mình trong cuộc sống. Nhưng khi nhìn về một nền văn hóa khác, những thiên kiến của mình có thể làm cho lăng kính của mình thêm hạn hẹp, qua đó có thể khiến cho mình nhìn không rõ, thậm chí không đúng với bản chất của vấn đề. Vậy nên, nhìn về văn hóa của một cộng đồng khác, cần phải có một tâm thế phù hợp.

Phong tục tập quán - nhìn thế nào cho đúng? Cách nhìn nhận về văn hóa, nhất là với các phong tục tập quán hiện nay được thay đổi, cởi mở hơn – Ảnh: vovworld.vn

Tôi theo dõi một facebook của một người thầy giáo mà tôi rất ngưỡng mộ. Thầy là một nhà nhân học nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tôi vẫn luôn mong chờ để đọc những status của thầy. Bởi đó là những ghi chép, mô tả dân tộc học sinh động và tạo ra những nguồn cảm hứng lớn cho người đọc, nhất là những ai đam mê theo đuổi dân tộc học.

Và gần đây nhất, thầy tôi đã đưa lên trang của mình một bài viết mô tả chi tiết, sinh động về một lễ hiến sinh của người Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang). Một gia đình người Mông gặp nhiều vận rủi khi vợ thì hay đau ốm, cậu con trai cưới vợ mấy năm mà chưa có con, còn một cậu con trai khác thì bị bọ xít đái vào mắt nên bị đau. Người ta bảo là trong nhà có ma ở lẫn với người nên phải mời thầy về cúng. Trong lễ cúng, cùng với các nghi lễ cúng tế, thầy mo đã ngậm máu của một con chó đen được gia đình mới cắt tiết phun lên người cặp vợ chồng trẻ. Rồi lại ngậm máu dê làm tương tự. Còn chủ nhà cũng cắt tiết gà đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên và sau đó lấy tiết gà nhỏ vào mắt cậu con trai bị bọ xít đái vào… Buổi lễ hiến sinh được thầy mô tả chi tiết và khách quan, không đưa vào những nhận định hay đánh giá gì thêm.

Bài viết của thầy đã nhận được nhiều người quan tâm và tương tác. Có cả những ý kiến khen ngợi sự mô tả tỉ mỉ, sự cảm ơn hay mong chờ về những câu chuyện liên quan. Một số người bày tỏ sự tôn trọng các nghi lễ này với tư cách là một giá trị văn hóa thuộc về cộng đồng chủ thể. Cũng có những ý kiến nêu quan điểm khác nhau về vấn đề được đề cập. Nhiều người cho rằng đây là phong tục lạc hậu, man dã, cần phải loại bỏ. Người lại lo cho sức khỏe của người dân khi mà không đi điều trị theo y học hiện đại lại dựa vào mê tín dị đoan.

Trong đó có một người cho rằng: “Đến nay mà vẫn giữ các hủ tục này thì khi nào miền núi tiến kịp miền xuôi. Giữ mãi cái nét văn hoá này thì cũng chẳng tiến đến văn minh được. Có lẽ dự định gặp thầy cúng chú chắc sẽ góp ý cho họ chứ?!” Những ý kiến thảo luận, những quan được được nhiều người đưa ra. Điều này cũng đặt ra một vấn đề đã cũ nhưng còn tranh luận gay gắt: Nhận thức về các phong tục tập quán của các cộng đồng bản địa sao cho đúng đắn, cho phù hợp?

Một thực tế là hơn một nửa thế kỷ qua, chúng ta nhìn các nền văn hóa khác với lăng kính hạn hẹp và nhiều định kiến. Đặc biệt là đối với các phong tục tập quán của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Tâm thế của nhiều người bị cố định bởi một định kiến do ảnh hưởng của thuyết tiến hóa giản đơn khi cho rằng những người dân tộc thiểu số là lạc hậu, kém phát triển và cần phải được giúp đỡ để tiến kịp miền xuôi, tiến kịp người Kinh. Vì vậy mà nhiều chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số được xây dựng dựa trên nền tảng quan điểm như vậy nên vô hình trung các phong tục tập quán và nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số bị coi là lạc hậu, trì trệ, kém văn minh, thậm chí bị quy về mê tín dị đoan và cần phải được loại bỏ.

Điều đó gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa của các cộng đồng. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị mai một, mất mát vì các chính sách không phù hợp. Rồi đến những năm cuối thế kỷ XX, khi bắt đầu nhận thức lại vấn đề văn hóa cộng đồng ở vùng dân tộc, chúng ta lại xây dựng những chính sách mới nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Cách nhìn nhận về văn hóa, nhất là với các phong tục tập quán được thay đổi, cởi mở hơn. Nhưng tâm thế lấy người Kinh, lấy giá trị hiện đại vẫn còn ảnh hưởng nặng nề. Những người liên quan vẫn nhìn vào đó với ánh mắt của người ngoài cuộc. Vậy nên cuộc tranh luận về các phong tục tập quán vẫn còn chưa có hồi kết.

Cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, các phong tục tập quán của các cộng đồng ngày càng được biết đến rộng rãi hơn. Những thực hành văn hóa trong các phong tục tập quán cũng được nhiều người chia sẻ hơn. Sự đa dạng văn hóa cũng được thể hiện rõ nét hơn. Nhưng bên cạnh đó thì những ý kiến trái chiều, những nhận định, quan điểm của người ngoài cuộc cũng được thể hiện một cách trực tiếp hơn. Và những quan điểm, ý kiến này không chỉ tác động đến cộng đồng chủ thể mà còn tác động đến cả những người hoạch định chính sách. Và nhiều chính sách can thiệp trực tiếp vào các hoạt động thực hành văn hóa qua các phong tục tập quán đã được ban hành. Trong đó, có nhiều nghi lễ hiến sinh đã bị phê phán mạnh mẽ. Từ việc chặt đầu lợn đến giết mổ trâu bò hay nhiều nghi lễ liên quan đến hiến sinh của các cộng đồng gặp phải những phản ứng dữ dội từ các nhà nhân văn hậu hiện đại. Và nhiều khi được cổ súy bởi nhiều người vốn là những người ngoài cuộc nhưng có ảnh hưởng mạnh đối với các giá trị văn hóa cộng đồng. Thế nên câu chuyện quan điểm nào đúng quan điểm nào sai càng trở nên phức tạp hơn.

Quay trở lại câu chuyện về lễ hiến sinh của người Mông mà thầy tôi đã mô tả, trước nhiều quan điểm khác nhau, thầy vẫn giữ quan điểm của một nhà dân tộc học – nhân học: “Đối với dân tộc học thì cái xấu, cái tốt chỉ là tương đối thôi, bác ạ! Quan trọng là cái xấu hay tốt ấy được nhìn từ mắt của ai, còn người làm nghiên cứu thì chỉ cố gắng thấu hiểu vấn đề từ “bên trong”, từ chính cách nghĩ và ứng xử của người trong cuộc, mà không giải thích hay phán xử theo quan điểm thiên kiến của mình. Thế nên nhà cháu quên mất góp ý cho thầy cúng rồi, bác ạ!”.

Đây thật sự là một nguyên tắc, một điều cần phải quan tâm. Mỗi giá trị văn hóa, nhất là các phong tục tập quán thường thể hiện vai trò và ý nghĩa trong một cộng đồng, một bối cảnh nhất định. Và để nhận định về nó cần coi trọng quan điểm của những người trong cuộc, là người chủ thể của các hoạt động văn hóa đó.

Những hệ giá trị bên ngoài, luôn có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động văn hóa của các cộng đồng chủ thể, và trong bối cảnh hiện nay, còn góp phần làm thay đổi các hoạt động văn hóa đó. Nhưng xét cho cùng, các giá trị văn hóa, nhất là các phong tục tập quán luôn dành riêng cho một cộng đồng nhất định. Vậy nên để nhận thức, đánh giá về nó cần đặt vào vị trí, tâm thế của chủ thể. Nếu bỏ qua yếu tố quan trọng này, không những không thể giữ gìn, phát huy các giá trị tích cực của các hoạt động văn hóa đó, mà còn tạo nên mâu thuẫn và xung đột xã hội giữa các nhóm với nhau. Vậy nên, dù ở bất kỳ trường hợp nào, cũng phải tăng quyền và trao quyền cho cộng đồng chủ thể khi đưa ra các quyết định liên quan đến các hoạt động văn hóa của họ, nhất là với các phong tục tập quán truyền thống.