Phủ định là gì? Phủ định biện chứng, siêu hình trong triết học? Ví dụ
Trong bài viết lần này, hãy cùng Luật Minh Khuê đi vào tìm hiểu phủ định là gì? Phủ định biện chứng và siêu hình trong triết học, cùng những ví dụ về phủ định nhé.
Mục lục bài viết
1. Phủ định là gì?
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì phủ định là “khái niệm chỉ sự xóa bỏ hoặc thay thế một sự vật, hiện tượng này bằng một sự vật, hiện tượng khác” trong quá trình vận động và phát triển. Chẳng hạn như trong trong quá trình phát triển của các phương tiện giao thông, xe máy là sự phủ định đối với xe đạp, còn xe ô tô là sự phủ định đối với xe máy.
Ngoài ra, phủ định còn có thể được hiểu là một thao tác logic và nhờ đó một mệnh đề mới được sinh ra từ một mệnh đề đã cho. Tức là, nếu mệnh đề đã cho là đúng thì sự phủ định nó là sai, và ngược lại, mệnh đề đã cho là sai thì sự phủ định nó sẽ thành đúng.
2. Phủ định biện chứng là gì?
Phủ định biện chứng trước hết là sự phủ định, nhưng không phải là tất cả những sự phủ định mà chúng ta vẫn bắt gặp thường ngày. Theo đó, phủ định biện chứng với tư cách là một phạm trù triết học, là khái niệm dùng để chỉ sự phủ định làm tiền đề, tạo điều kiện cho sự phát triển. Phủ định biện chứng làm cho sự vật, hiện tượng mới ra đời thay thế cho sự vật, hiện tượng cũ, và là yếu tố liên hệ giữa sự vật, hiện tượng cũ với sự vật, hiện tượng mới. Hay nói cách khác, phủ định biện chứng là tự phủ định, tự phát triển của sự vật, hiện tượng; là “mắt xích” trong “sợi dây chuyền” dẫn đến sự ra đời của sự vật, hiện tượng mới, tiến bộ hơn so với sự vật, hiện tượng cũ.
Từ đây có thể hiểu rằng, phủ định, trong phép biện chứng, không phải chỉ có ý nghĩa đơn giản là nói: không, hoặc giả là tuyên bố rằng một sự vật không tồn tại, hay phá hủy sự vật ấy theo một cách nào đó (luận điểm của Ph.Ăngghen), mà còn là loại phủ định căn cứ vào quá trình phát triển hiện thực của sự vật, hiện tượng. Cho nên, đối với mỗi sự vật cũng như đối với mỗi quan niệm, khái niệm, chúng đều có phương thức phủ định riêng biệt. Suy ra, phương thức phủ định sẽ gồm có hai bước, đó là phủ định (bước thứ nhất) và phủ định của phủ định (bước thứ hai).
Về đặc trưng của phủ định biện chứng, có thể thấy phủ định biện chứng mang hai đặc trưng cơ bản là tính khách quan (sự vật, hiện tượng tự phủ định mình do mâu thuẫn bên trong nó gây ra) và tính kế thừa (loại bỏ các yếu tố không phù hợp và cải tạo các yếu tố của sự vật, hiện tượng cũ còn phù hợp để đưa vào sự vật, hiện tượng mới). Theo đó:
- Tính khách quan của phủ định biện chứng thể hiện ở chỗ: Nguyên nhân của sự phủ định nằm trong chính bản thân sự vật, hiện tượng. Đó là kết quả chuyển hoá của các mặt đối lập nhằm giải quyết những mâu thuẫn bên trong bản thân sự vật, hiện tượng và của quá trình tích lũy về lượng dẫn đến nhảy vọt về chất. Quá trình đó hoàn toàn không phụ thuộc vào ý thức của con người.
- Tính kế thừa của phủ định biện chứng thể hiện ở chỗ: Phủ định biện chứng không phải là sự phủ định sạch trơn, phủ định siêu hình. Tức là ngược lại, với phủ định biện chứng, cái mới ra đời trên cơ sở cái cũ, chỉ loại bỏ những yếu tố đã lỗi thời, lạc hậu, cản trở sự phát triển của cái mới ở cái cũ, đồng thời giữ lại và cải biến những yếu tố tích cực cho phù hợp với cái mới từ cái cũ.
Ngoài hai đặc trưng cơ bản kể trên, phủ định biện chứng còn có tính phổ biến (diễn ra trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy) và tính đa dạng, phong phú (thể hiện ở nội dung, hình thức của phủ định biện chứng). Tuy nhiên, đặc trưng cơ bản nhất của phủ định biện chứng lại chính là tính kế thừa. Tính kế thừa là đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt phủ định biện chứng với phủ định sạch trơn, phủ định siêu hình. Phủ định biện chứng là sự thống nhất của yếu tố bị loại bỏ với yếu tố được kế thừa và phát triển. Mỗi lần phủ định biện chứng được thực hiện xong sẽ mang lại những yếu tố tích cực mới. Do đó, sự phát triển thông qua những lần phủ định biện chứng sẽ tạo ra xu hướng phát triển không ngừng của sự vật, hiện tượng. Như vậy, có thể khẳng định phủ định biện chứng là vòng khâu tất yếu của sự liên hệ và phát triển.
3. Phủ định siêu hình là gì?
Phủ định siêu hình là một trong các loại phủ định, là sự phủ định đối lập hoàn toàn với phủ định biện chứng. Theo đó, phủ định siêu hình là sự bác bỏ “sạch trơn”, không bao hàm một tiền đề nào để khẳng định cả. Chẳng hạn như việc giết chết một con sâu, nghiền nát một hạt thóc làm cho chúng không có khả năng để phát triển.
Có thể thấy, phủ định siêu hình là loại phủ định không căn cứ vào quá trình phát triển hiện thực của sự vật, hiện tượng mà chỉ là “một ý kiến từ ngoài áp đặt vào” quá trình đó. Hay nói cách khác, đây là sự phủ định không có khả năng dẫn đến bất kỳ một sự phát triển nào, là “sự phủ định trong đó không có sự phát triển”. Từ đây, một trong những khác biệt căn bản nhất của phủ định trong phép biện chứng với phủ định trong phép siêu hình là “phủ định trong phép biện chứng là sự phủ định có khẳng định chứ không phải là sự phủ định sạch trơn và không hàm chứa bất kỳ một sự khẳng định nào như sự phủ định trong phép siêu hình”.
Trong lịch sử, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin cũng đã nhiều lần phê phán và kiên quyết đấu tranh chống lại những sự phủ định siêu hình. Chẳng hạn, trong Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen đã phê phán sự phủ định siêu hình của “chủ nghĩa xã hội cũ” đối với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sự phủ định đó chỉ biết phê phán mà không thể giải thích được sự tồn tại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như những hậu quả mà phương thức sản xuất đó gây ra. Đó là sự phủ định không có sự khẳng định. Cho nên, “chủ nghĩa xã hội cũ” “chỉ có thể tuyên bố một cách giản đơn là phương thức sản xuất đó xấu”.
Và từ những tư tưởng của của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về phủ định biện chứng, “sự phủ định chân chính” và phủ định siêu hình, cũng như về mối quan hệ giữa phủ định biện chứng và phủ định của phủ định, có thể khẳng định rằng, “chủ nghĩa duy vật hiện đại” đã có những đóng góp rất đáng kể vào quá trình nhân loại nhận thức về phủ định. Đặc biệt là, chủ nghĩa duy vật hiện đại đã vận dụng phép biện chứng của sự phủ định để giải thích được một cách duy vật sự vận động và phát triển trong xã hội.
4. Ví dụ về phủ định
Như đã đề cập ở phần đầu tiên, có thể thấy một trong những ví dụ về phủ định chính là quá trình phát triển của các phương tiện giao thông, xe máy là sự phủ định đối với xe đạp, còn xe ô tô là sự phủ định đối với xe máy. Ngoài ra, còn một số ví dụ khác về phủ định có thể kể đến như:
- Trong sự phát triển của gia đình, con giỏi hơn cha tức là con đã phủ định cha. Ông cha ta thường hay nói câu “con hơn cha là nhà có phúc” là mang hàm ý như vậy.
- Trong ngành sản xuất điện thoại thông minh, iPhone 14 là sự phủ định đối với iPhone 13.
- Khi gieo trồng, cây lúa là sự phủ định biện chứng đối với hạt thóc.
- Khi chúng ta đã là một học sinh cấp ba, có sự khác biệt lớn đối với học sinh cấp hai, thì chính chúng ta đã phủ định lại cấp hai.
- Trong chăn nuôi, con gà con đạp vỏ trứng ra đời là sự phủ định biện chứng đối với quả trứng.
- Trong quá trình hạt giống nảy mầm, ở trường hợp này thì cái mầm ra đời từ cái hạt, sự ra đời của nó là sự phủ định biện chứng đối với cái hạt, nhờ đó giống loài này tiếp tục quá trình sinh tồn và phát triển.
Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về phủ định là gì? Phủ định biện chứng và siêu hình trong triết học, cùng những ví dụ về phủ định. Hi vọng chúng tôi đã mang đến những thông tin hữu cho các bạn. Luật Minh Khuê trân trọng cảm ơn.