Phường 12 Quận 10 > Giới thiệu > Giới thiệu chung
I. Địa lý tự nhiên
Vị trí địa lý
Phường 12, nằm sát trung tâm hành chính Quận 10. Phía Tây giáp Phường 14, giới hạn bởi đường Thành Thái, phía Đông giáp Phường 10 Quận 3, phía Nam giáp Phường 10, 11; phía Bắc giáp Phường 13 Quận 10. Ranh giới của phường được giới hạn bởi các tuyến đường lớn: Ba Tháng Hai, Thành Thái, Tô Hiến Thành, Cách Mạng Tháng Tám. Diện tích toàn phường là 129,24 ha, chiếm khoảng 1/5 diện tích Quận 10.
Điều kiện tự nhiên
Phường nằm trong vùng thuộc miền Đông Nam Bộ, có khí hậu mang đặc trưng nóng – ẩm, ít ảnh hưởng của gió bão, triều cường với hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Nhiệt độ trung bình từ 27oC – đến 30oC. Nhiệt độ thấp nhất xuống khoảng 25oC và cao nhất là 39oC.
Địa chất phường vừa mang những đặc điểm chung của quận nhà, vừa có những sắc thái riêng: Là vùng đất phù sa cổ, được bồi đắp chậm. Vì vậy, khi đào móng xây dựng các công trình, người dân trong vùng đào được lớp đất trên mặt là đất xám, không có đất đỏ ba-zan.
Về hệ sinh thái, trước khi người Việt đến khai hoang, lập thôn, ấp khu vực này còn hoang vắng, sình lầy và nhiều bọng nước. Với bàn tay khéo léo và trí thông minh, các lớp cư dân đã từng bước biến nơi đây thành những cụm dân cư để thôn, làng được hình thành. Trải qua vài thế kỷ, cảnh quan phường đã thay đổi, trở thành khu dân cư đông đúc, sầm uất, là một trong những phường có tốc độ phát triển nhanh ở Quận 10.
Hệ thống giao thông của phường với các trục đường lớn như: đường Cách Mạng Tháng Tám, là tuyến đường được hình thành từ rất sớm trong lịch sử phát triển của thành phố, đây là tuyến đường nối Thành phố Sài Gòn đi Campuchia có từ thời nhà Nguyễn và mang tên là đường Sứ (hay đường Thiên Lý), đến năm 1865 là đường Thuận Kiều (đoạn từ Ngã Sáu đến ranh tỉnh Gia Định), từ 1916 thực dân Pháp đổi tên là đường Verdun. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đặt tên là Lê Văn Duyệt, từ tháng 8 năm 1975 đến nay là đường Cách Mạng Tháng Tám.
Đường Ba Tháng Hai hình thành sớm từ thời Pháp, năm 1954 chỉ có đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Lê Đại Hành hiện nay và có tên là Ceinture là đường đất đỏ rải đá. Năm 1943 đổi tên là đường Pavie, năm 1955 đổi là đường Trần Quốc Toản. Từ tháng 8 năm 1975 đổi tên là đường Ba Tháng Hai cho đến nay.
Đường Thành Thái trước đây là đường Nguyễn Tri Phương nối dài, đoạn liên quan đến phường bắt đầu từ đường Ba Tháng Hai đến Tô Hiến Thành, năm 2000 được nối dài đến đường Bắc Hải và đổi tên là đường Thành Thái.
Đường Hòa Hưng có từ trước khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, lúc này còn là đường đất đỏ đến năm 1950 mang tên Nguyễn Đình Chiểu, năm 1955 chính quyền Sài Gòn đổi tên là đường Hòa Hưng.
Những trục đường nhỏ còn lại trong phường được bồi đắp hình thành vào các thời kỳ khác nhau, nhất là từ sau năm 1985 đến nay, khi cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện và xây dựng mới, tốc độ đô thị hóa được đẩy mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Địa hình phường chia thành hai vùng rõ rệt, vùng tương đối bằng phẳng thuộc phạm vi khu phố 8, vùng trũng trước đây là Rạch Bùng Binh từ Bộ Tư lệnh Thành phố đến Rạch Nhiêu Lộc. Bùng binh – chỗ phình rộng giữa rạch, ghe thuyền đến đây làm nơi trở đầu – vị trí ngay Công trường Dân chủ ngày nay. Thế kỷ 20, từ Bùng binh được dùng để chỉ nơi giao lộ trong thành phố, khi mở đường Thiên Lý ( đường Cách Mạng Tháng Tám), rạch bị lấp, làm thành đường phố. Quận 3 còn có tên đường Rạch Bùng Binh, nơi còn có đường nước nối rạch Chí Hòa, ảnh hưởng vùng trũng rõ nét nhất khi trời mưa to, nước ngập, phương tiện di chuyển trên đường Ba Tháng Hai hết sức khó khăn, dẫu rằng qua rất nhiều lần nâng cấp, thoát nước, vùng trũng ngập nước mới được hạn chế. Đường nước hiện vẫn còn lưu thông, nhưng đưa vào hệ thống cống lớn, chỉ còn giữ lại hồ nước trong Công viên Kỳ Hòa.
Chiều dài nhất của phường là đoạn đường Ba Tháng Hai từ đầu đường Cách Mạng Tháng tám đến ngã 4 Thành Thái – Ba Tháng Hai, dài 2 km.
Về địa danh hành chính, Phường 12 – Quận 10 ngày nay được xác lập theo Quyết định số 33 – QĐ/ HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 14 tháng 2 năm 1987. Trước đó, đơn vị hành chính qua các thời kỳ được xác lập như sau:
Theo sử liệu, năm 1698 khi các chúa Nguyễn xác lập quyền quản lý vùng đất phía Nam của Tổ quốc cho đến năm 1836 vùng đất Phường 12 thuộc thôn Hòa Hưng, xã Chí Hòa, tổng Tân Long, huyện Tân Bình, phủ Gia Định.
Từ 1945 đến 1958 vùng đất Phường 12 thuộc Hộ 6 thuộc sự quản lý của Quận 3.
Từ năm 1959 đến năm 1968, vùng đất Phường 12 thuộc phường Chí Hòa, một trong 5 phường của Quận 3.
Từ ngày 1 tháng 7 năm 1969 đến ngày 17 tháng 5 năm 1976, vùng đất Phường 12 thuộc Quận 10.
Tháng 7 năm 1976 Quận 10 từ 5 phường chia thành 24 phường mang tên số. Trong đó phường Chí Hòa chia thành 4 phường là: 21, 23, 24 và phường 25. Thời gian này, Phường 12 mang tên Phường 21 gồm khóm 1 và khóm 9 của phường Chí Hòa cũ.
Từ năm 1987 đến nay, phường ổn định về địa danh và địa bàn, là một trong 15 phường thuộc Quận 10 – thành phố Hồ Chí Minh.
II. Đặc điểm dân cư và kinh tế xã hội
Dân cư
Ngày nay, Phường 12 gồm 8 khu phố với 103 tổ dân phố có 6.081 hộ, 25.605 nhân khẩu. Cư dân phường sinh sống bằng nhiều nghề khá phong phú: buôn bán, người làm thuê, công chức nhà nước tập trung ở các khu phố: 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8. Riêng Khu phố 4 mới thành lập từ năm 1990, phần lớn là gia đình cán bộ cao cấp, đời sống cơ bản ổn định, đồng thời cũng là địa bàn tập trung nhiều loại hình kinh doanh – dịch vụ mà đặc biệt dịch vụ lưu trú, dịch vụ thương mại và dịch vụ văn hóa.
Dân tộc, tôn giáo:
Trong phường có: dân tộc Kinh: 5.990 hộ với 25.064 người; dân tộc Hoa 68 hộ với 458 người; dân tộc Chăm: 14 hộ với 71 người. Ngoài ra, một số ít người dân tộc Khmer, Nùng, Tày…
Về tôn giáo: Trong phường có 389 hộ với 2451 người theo Phật giáo; 352 hộ với 2316 người theo Thiên Chúa giáo; 16 hộ với 79 người Hồi giáo; có một sốt ít người theo đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo.
Văn hóa – giáo dục – y tế:
Trên địa bàn phường có nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương, Thành phố như : Bộ Tư lệnh Thành phố, Nhà máy Z756, Học viện Quốc gia Hành chánh cơ sở 2, Trung Tâm Thể dục, Thể thao Quốc phòng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện 115, Bệnh viện Vạn Hạnh, Trường Phổ thông trung học Nguyễn Khuyến. Đồng thời có các đơn vị của Quận 10: Trung tâm Văn hóa Hòa Bình, 17 trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở công lập và tư thục, Bệnh viện Quận 10.
Phường có 4 cơ sở tôn giáo: Nhà thờ Đồng Tiến, Việt Nam Quốc Tự, chùa Từ Ân và Tiểu Thánh Đường Hồi giáo.
Đặc điểm về kinh tế:
Sau nhiều Nghị quyết Đại hội, đến nay phường xác định mô hình kinh tế của phường là kinh doanh dịch vụ, nhất là dịch vụ văn hóa, dịch vụ lưu trú, sản xuất. Trong phường có những khu vực kinh doanh lớn như: Siêu thị Sài Gòn, Siêu thị Điện máy Thiên Hòa, Nhà sách Nguyễn Văn Cừ.
Hệ thống chính trị:
Phường có 27 chi bộ với 1017 đảng viên, trong đó có 589 đồng chí đảng viên từ 30 tuổi Đảng trở lên, chiếm tỷ lệ 58,5% đảng số.
Mặt trận Tổ quốc phường với 33 thành viên; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: 248 đoàn viên; Hội Liên hiệp Thanh niên: 398 hội viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ: 3280 hội viên; Hội Cựu chiến binh: 525 hội viên; Hội Người cao tuổi: 1.580 hội viên; Hội Chữ thập đỏ: 1.225 hội viên.