Phương Đông qua chiếc gương soi | ELLE Decoration VN

Phương Đông qua chiếc gương soi

15:03, 17/02/2022

“Ôi phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây,
và hai bên sẽ chẳng thể bao giờ gặp nhau”. (1907)

Đây là câu thơ đã được nhà văn đoạt giải Nobel R.Kipling nhấn mạnh, và trở thành một trong những luận điểm được trích dẫn liên tục trong nhiều thảo luận văn hóa. Song có thực Đông và Tây chưa từng gặp gỡ và chưa từng hiểu nhau đến thế? Phương Đông – phương Tây có thể chỉ là những ý niệm huyễn tưởng do con người dựng lên…

1. Phương Đông trôi trượt

Chưa bao giờ người ta có thể đi đến một định nghĩa dứt khoát về phương Đông. Mỗi thế kỷ lại xuất hiện những luận giải khác nhau, nhưng tựu trung hầu hết các “định nghĩa” trước đây đều đến từ giới trí thức châu Âu. Chủ thuyết châu Âu trung tâm luận đã dẫn đến cái nhìn thế giới theo kiểu phân đôi: phương Tây được xem là “trung tâm”, còn phương Đông là “cái nằm ngoài thế giới phương Tây”. Phương Tây từng tin họ là xứ sở của tư duy khoa học, khai minh, tiến bộ; còn phương Đông trở thành nửa đối lập, một nhà kho của những điều huyền bí, cảm tính và mơ hồ.

Kể từ chuyến chinh phạt đầu tiên về phía Đông của người phương Tây, ranh giới giữa Đông và Tây cứ bị dời ra xa mãi: ban đầu người Hy Lạp xem họ là Tây còn Ai Cập là phía Đông bí hiểm, rồi vùng Trung Cận Đông trở thành phương Đông, đến lượt Ấn Độ, Trung Hoa và vươn qua biển để chạm bờ xứ Phù Tang. Phương Đông như thế là một vùng đất phải mang định mệnh do phương Tây gán đặt: bị trôi trượt và trở thành xứ sở ở ngoài rìa thế giới.

Khởi đi từ thời kỳ Lãng mạn (thế kỷ 18-19), những nhà “khai phá” phương Tây đã đi tìm một phương Đông hư ảo như ánh trăng đáy nước, như người đẹp ẩn tàng sau bức rèm lụa, như làn sương mờ không bao giờ nắm bắt được. Trong cơn xung chấn lãng mạn, họ đi tìm và ngỡ rằng phương Đông sẽ đợi chờ để đón những kẻ phiêu lưu như họ. Mối bất đối xứng về tâm thế như vậy đã dẫn đến những ảo ảnh về một phương Đông xa lạ mà đến nay chúng ta vẫn liên tục gặp lại trong những khuôn mẫu đã sáo mòn về mặt biểu đạt: người châu Á mắt híp, đen đúa…

phương Đôngphương Đông

Chúng ta phản ứng như thế nào khi bị nhìn vào và bị gán đặt? Okakura Kazuko viết trong trước tác Trà luận (năm 1906) như sau: “Bao giờ phương Tây sẽ hiểu, hay cố thử hiểu, phương Đông đây? Người châu Á chúng tôi vốn sợ loại mạng nhện kỳ bí của các sự kiện và điều huyễn tưởng, tức những thứ mà chúng tôi bị thêu dệt nên. Chúng tôi bị khắc họa như đang sống với hương sen; nếu không thì bị khắc họa đang sống chung với loài chuột nhắt và gián. Hoặc là thứ chủ nghĩa cuồng tín nhưng vô tài, hoặc thứ dâm đãng hạ tiện; chúng tôi bị nhìn như thế.” (Đức Chính dịch). Khi phương Tây ngỡ rằng phương Đông là một người phụ nữ chờ người được gọi, thì phương Đông vẫn đang hiện ra ngay trong chính nó với đầy ý thức mãnh liệt.

 

2. Người Việt Nam đã suy tư về phương Đông như thế nào?

 

Việt Nam là bờ biển tận cùng của lục địa Á – Âu. Nằm cách xa cả về địa lý lẫn ý niệm như thế, một lẽ hiển nhiên là nhiều thế hệ người Việt cảm thấy như mình tồn tại ở ngoài rìa lịch sử. Những biến cố cận đại và hiện đại biến Việt Nam thành vùng đất “đen” trong tâm thức phương Tây, ngoài bị nhìn vào như một người đẹp ngây thơ sau tấm lụa, một Việt Nam – phương Đông còn được nhớ đến, được viết về và được vẽ ra như một vùng đầm lầy đầy rẫy chiến tranh. Đối diện với những tầng lớp định đặt như vậy nên các thế hệ người Việt đã nghĩ ngợi về căn tính Việt như thế nào?

Một vài năm gần đây, sự bùng nổ của các thảo luận về văn hóa khiến chúng ta ngỡ mình chính là thế hệ đầu tiên nói về căn tính. Nhưng hóa ra lo âu ấy là “vòng tuần hoàn vĩnh cửu”. Theo cách nói của Nietzsche: mọi lo âu và niềm vui của con người đều chung nhất và đều tái hồi theo cùng một cách. Như thế nghĩa là khi nào người ta còn đứng từ một vị trí ngoại biên thì sẽ còn mãi những giằng co Đông-Tây, và người Việt cứ mãi tìm kiếm câu trả lời về vị trí của chính mình.

Khi Việt Nam còn đang là thuộc địa của Pháp, lớp trí thức cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 đã nỗ lực thúc đẩy tính tự chủ về tinh thần. Xây dựng nội lực là phản kháng lại tình trạng bị định đặt. Theo Phạm Quỳnh, tiếng Việt là bản sắc và ngôn ngữ ấy đã đạt đến độ trác tuyệt qua nhiều tác phẩm của tiền nhân, trong đó có Truyện Kiều. Giữ tiếng Việt và giữ Truyện Kiều – nói cách khác là giữ hồn cốt của văn hóa – là giữ lấy lẽ tồn tại của dân tộc, là trân trọng quá khứ và tâm hồn Việt Nam. Phan Bội Châu tư duy Việt Nam trong một tổng thể châu Á toàn vẹn và bảo bọc nhau.

Trường Đông Kinh Nghĩa Thục thúc đẩy tư duy về một Việt Nam mới thông qua việc phổ biến chữ quốc ngữ, giới thiệu những ý niệm về “tự do” và “quốc dân”. Những làn sóng phản tư duy này nổi lên rồi vụt tắt nhưng những xung động của chúng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến các thế hệ trí thức tiếp theo.

phương Đông 2phương Đông 2

Từ năm 1954, thế kỷ cầm quyền của người Pháp kết thúc và để lại một đất nước gãy đổ thành hai thực thể. Định vị cá tính lại tiếp tục trở thành nỗi ưu tư của thời đại mới khi mà tương lai dân tộc khi ấy còn vô định. Giữa rất nhiều thảo luận ở đây, chúng tôi muốn dẫn ra một ví dụ nhỏ là kiến trúc. Chúng tôi tìm thấy những bức thư của các KTS thế hệ trước từ các phông lưu trữ, trong đó họ trình bày khát khao xây dựng một nền kiến trúc đậm đà bản sắc. Họ tìm thấy cơ hội thử nghiệm điều ấy ở Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới. Sự phẳng lì của kiến trúc quốc tế được uốn cong để tương thích với khí hậu nhiệt đới của đất nước, cho phép con người tìm thấy sự dễ chịu và đầy đủ trong vòng trời đất của chính mình. Đồng thời, truyền thống trang trí của tổ tiên cũng được biến đổi theo ngôn ngữ tạo hình mới để dành chỗ cho sự tiếp nối. Nơi ở, định đặt và tư duy sẽ xây nên cá tính; do vậy, kiến trúc chính là nỗ lực đối thoại dành cho câu hỏi lớn về căn tính.

Ngày nay, tính chất phẳng và tức thời của thời đại công nghệ lại khiến người trẻ trở lại ưu tư về căn tính. Đấy là thời khắc một thế hệ thị dân mới ra đời.

 

3. Sự ra đời của một thế hệ thị dân mới

 

Thị dân là thế hệ sinh ra trong đô thị, lớn lên với môi trường vật chất và tinh thần của đô thị. Họ phải đối mặt với tái tạo không ngừng của không gian công cộng. Phố xá và cửa hàng thường xuyên biến đổi, một cửa hiệu mới hôm qua vẫn còn đó nhưng hôm nay bỗng dưng biến mất và mang hình dáng, tên tuổi hoàn toàn mới. Đứng trước các hiện tượng dễ đổi thay, đan xen giữa các công trình cũ – mới, các luồng văn hóa liên tục biến đổi như thế, thế hệ thị dân bắt đầu suy tư về sự tồn tại của chính mình.

Thảo luận về bản sắc phương Đông ngay thời điểm này đã khác với các thế hệ trước, bởi những nỗi lo toan về độc lập của đất nước đã biến mất, thay vào đó là nỗi sợ bị hòa tan. Không chỉ phẳng mà thế giới còn trở nên tự do hơn rất nhiều, theo nghĩa chúng ta dễ dàng trở thành bất kỳ ai mà mình muốn: một quốc tịch khác, một thân phận khác, một văn hóa khác. Trong tình trạng như thế thì căn tính vừa là một thôi thúc vừa là một tự do lựa chọn.

phương Đông 3phương Đông 3

Nói về phương Đông, vấn đề đặt ra là tìm cách biểu đạt tinh thần phương Đông mà không dùng nhãn quan Tây phương… Có lẽ, nên bắt đầu bằng cách đặt lại vai trò của phương Đông: thôi nhìn phương Đông trong một sự đứng yên và thụ động chờ khám phá, hay đối lập với các giá trị vốn được xem là của riêng phương Tây. Trong thực tế rõ ràng là chúng ta không thể tiến tới việc đưa ra một định nghĩa sau cùng để thỏa mãn câu hỏi thế nào là phương Đông. Vấn đề không nằm ở việc đưa ra một định nghĩa bất biến, mang tính chân lý để phân biệt rõ thế nào là phương Đông và thế nào là phương Tây, bởi thực tế mọi luồng văn hóa và tư duy của con người luôn thay đổi mỗi ngày, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Điều chúng ta có thể làm là nhìn vào các dòng chảy văn hóa đang diễn ra, nhìn vào sự giao thoa giữa các lớp kiến tạo cũ-mới để khám phá không ngừng các mẫu hình của con người, để không rơi vào các mặc định mang khuynh hướng phương Đông xa lạ.

 

CHỈ CÓ NHÌN LẠI PHƯƠNG ĐÔNG NGAY TỪ BÊN TRONG NÓ, TRẢI NGHIỆM TỪ ĐỜI SỐNG RỰC RỠ VÀ TIẾP XÚC VỚI CON NGƯỜI, THÌ MỚI THAY ĐỔI ĐƯỢC NHỮNG MẶC ĐỊNH CỐ HỮU TRONG TÂM THỨC, KHI ĐÓ PHƯƠNG ĐÔNG MỚI THỰC SỰ HIỆN RA VỚI TIẾNG NÓI CỦA CHÍNH NGƯỜI TRONG CUỘC.

 

Như thế không thể nắm bắt phương Đông chỉ bằng ý niệm về sự đối lập các giá trị với phương Tây, hay như một huyễn ảnh nghệ thuật hoặc những minh họa cũ kỹ về một Phương Đông huyền bí. Vì khi để trôi theo dòng chảy ảo tưởng chính chúng ta sẽ lặp lại những khuôn sáo, và rơi vào tình trạng thiếu thốn trải nghiệm văn hóa, đời sống ở những đất nước phương Đông thực sự. Chỉ có nhìn lại phương Đông ngay từ bên trong nó, trải nghiệm từ đời sống rực rỡ và tiếp xúc với con người, thì mới thay đổi được những mặc định cố hữu trong tâm thức, khi đó phương Đông mới thực sự hiện ra với tiếng nói của chính người trong cuộc.

phương Đông 4phương Đông 4

Phương Đông ngày nay là những quốc gia và nền văn hóa đa dạng, đang tiếp nhận các giá trị mới để liên tục tái sáng tạo chứ không hề chết cứng trong các ám ảnh như: huyền bí, mắt híp, trong “Cái nhìn da trắng”… Đồng thời mọi đô thị đều có thể chứa cả tính chất phương Đông lẫn phương Tây, hai bên tìm về nhau để học hỏi các giá trị khác biệt nhằm tạo ra những thế giới mới mẻ. Rằng con người cũng như văn hóa có thể trượt đi và linh động giữa Đông – Tây, giữa cũ – mới, giữa tất cả các giá trị từng được tin là đối lập và không thể dung hòa.

 

“Trái tim xao xuyến của tôi khao khát trời Tây khi tôi đang ở phương Đông và khao khát trời Đông khi tôi đang ở phương Tây. Những phần khác của tôi khăng khăng tôi là đàn bà trong khi tôi là đàn ông và khăng khăng tôi là đàn ông khi tôi là đàn bà. Làm người thật gian nan làm sao, sống một đời người thậm chí còn tồi tệ hơn. Tôi chỉ muốn làm vui cho mình cả phía trước vẫn phía sau, là cả Đông lẫn Tây” .

(Tên tôi là Đỏ, một tiểu thuyết đặc sắc về sự giao thoa văn hóa Đông-Tây của Orhan Pamuk).

 

Bài ca đầy đối nghịch này dường như là đáp án và phản đề mới cho quan điểm bất dung hòa mà R.Kipling đã đặt ra từ 1907 về Đông-Tây. Giờ đây ta hiểu rằng Đông-Tây trôi trượt và hoàn toàn có thể đồng hiện và tìm về bên nhau.

Chúng ta bước vào một phương Đông mới, chủ động, thực sự tồn tại và không còn là những ảo ảnh trong chiếc gương soi của người phương Tây.

Bài: Hiếu Y & Vương An Nguyên | Ảnh: Nghĩa Nguyễn.

(Tựa đề được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Nhật Bản trong chiếc gương soi” của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu)

Xem thêm:

Doãn Chí Trung | Kinh nghiệm những “giờ bay” với sơn mài

Nguyễn Xuân Lục | Tác phẩm – sản phẩm đều như nhất