Phương pháp luận nghiên cứu văn học: Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh là một phương pháp đã xuất hiện từ lâu trong nghiên cứu khoa học nói chung và trong nghiên cứu văn học nói riêng, bởi lẽ nó xuất phát từ một thực tế là so sánh là một yêu cầu rất tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của con người. Từ cuộc sống, nó được đưa vào trong nghiên cứu khoa học và dần dần trở thành một phương pháp rất hữu hiệu. Có thể nói ngắn gọn là nhìn chung, so sánh là để xác định sự vật bề mặt định tính, định lượng hoặc ngôi thứ trong mối tương quan với các sự vật khác.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu văn học, phương pháp so sánh có thể được áp dụng chung cho tất cả các bộ môn, nhưng mỗi một bộ môn, việc áp dụng phương pháp so sánh lại phải tuân thủ những quy định khác nhau. Trong bộ môn văn học sử dân tộc, phương pháp so sánh sẽ được tiến hành khác với trong bộ môn văn học sử thế giới, lại càng khác với trong bộ môn văn học sử so sánh, đó là vì tính chất và mục đích của mỗi bộ môn có khác nhau.
Ở đây chúng ta cần lưu ý một điều: không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm so sánh văn học và văn học so sánh. So sánh văn học là một phương pháp phổ biến có thể được áp dụng cho nhiều bộ môn; còn văn học so sánh là một bộ môn văn học sử nằm giữa văn học sử dân tộc và văn học sử thế giới. Về điều này, nhiều người còn có sự nhầm lẫn. Nhiều người khi nói đến “văn học so sánh” là chỉ nghĩ ngay đến “so sánh văn học”, vì họ tưởng rằng [hay cho rằng] văn học so sánh chỉ sử dụng phương pháp so sánh. Ví dụ như nhà nghiên cứu người Liên Xô cũ Mikhail B.Khrapchenko đã viết: “Nghiên cứu văn học theo phương pháp so sánh thường được hiểu như việc khảo sát những mối liên hệ giữa các nền văn học khác nhau, như việc khám phá ra những ảnh hưởng và những mối quan hệ qua lại. Chính theo chiều hướng này, ngành nghiên cứu văn học so sánh hiện đang được nhiều nhà khoa học nước ngoài phát triển.” Thực chất “việc khảo sát những mối liên hệ giữa các nền văn học khác nhau” chính là chức năng – nhiệm vụ của bộ môn văn học so sánh, còn nhiệm vụ của phương pháp so sánh chỉ đơn thuần là so sánh các hiện tượng văn học với nhau, bất kể chúng thuộc các nền văn học khác nhau hay thuộc cùng một nền văn học. Rõ ràng nhiều người còn chưa hiểu thế nào là văn học so sánh, chưa hiểu rằng so sánh chỉ là một trong những phương pháp của văn học so sánh. Trong mục này tôi sẽ giới thiệu phương pháp so sánh nói chung chứ không trình bày bộ môn văn học so sánh, vì các bộ môn nghiên cứu văn học không thuộc đối tượng khảo sát của công trình này. Nhất là về bộ môn “văn học so sánh”, bản thân tôi đã có riêng một công trình chuyên luận nhan để Lý luận văn học so sánh (Nxb. KHXH xuất bản năm 1998; Nxb. ĐHQGHN tái bản năm 2000, 2003; Nxb. KHXH in lần thứ 5 có sửa chữa và bổ sung năm 2011; [tên cũ: Những vấn đề lý luận của văn học so sánh, Nxb. KHXH, 1995]), trong đó tôi đã giới thiệu lịch sử hình thành của bộ môn văn học so cánh trên thế giới và ở Việt Nam, đồng thời phân tích và rút ra những nguyên tắc phương pháp luận của nó.
Có thể nói, cùng với nhiều nhà nghiên cứu khác, bản thân tôi cũng đã đóng góp một phần nhỏ cho việc phát triển bộ môn văn học so sánh ở nước ta, làm sáng rõ về mặt lý luận và phương pháp luận thế nào là so sánh văn học và văn học so sánh, qua đó phát triển phương pháp so sánh cho nghiên cứu văn học nói chung. Đồng thời tôi cũng áp dụng phương pháp so sánh để nghiên cứu một số đề tài thuộc văn học thế giới, một việc có thể được coi là “văn học so sánh ứng dụng”.
Ví dụ tôi đã viết một số bài in trong tập tiểu luận Nghiên cứu văn học – Lý luận và ứng dụng (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999 [giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000], như các bài: Huyễn tưởng văn học – một hình thái nhận thức thẩm mỹ; Thân phận con người và trách nhiệm của nhà văn trong văn học phương Tây hiện đại; Kafka với cuộc chiến chống phi lý; Dấu ấn phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại – vài nhận xét tổng quan. Sau đó tôi cũng đã viết một công trình khảo luận thuộc lĩnh vực văn học so sánh ứng dụng là Văn học phi lý (Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002). (Tôi nói ra những điều này không phải là để kể công, mà chỉ muốn nói rằng người làm lý luận cũng phải biết thực hành ứng dụng, nếu không thì những ý kiến của mình sẽ ít có sức thuyết phục. Trên thế giới, hầu hết các nhà lý luận nổi tiếng như Barthes, Bakhtin, Goldmann, Jauss…, đều xây dựng và thực hành lý thuyết của mình qua những công trình nghiên cứu ứng dụng cụ thế. Cho nên, nếu ở nước ta có ai đó cho rằng lý luận thuần tuý là công việc của nhà lập thuyết, còn thực hành là công việc của các nhà nghiên cứu ứng dụng, thì đó chỉ là một sự nguy biến ở lảng tránh trách nhiệm và che giấu sự bất lực của mình.)
Và một điều đáng mừng là kể từ năm 1996, lần đầu tiên lĩnh vực lý luận văn học so sánh đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại Khoa Văn học của Trường Đại học KHXH và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, với tư cách là một chuyên đề sau đại học do tôi đảm nhiệm. Từ đó đến nay, nhiều trường đại học khác trên toàn quốc đã triển khai giảng dạy chuyên đề này. Tôi nói “đáng mừng” là vì trước đó, văn học so sánh ở nước ta chưa được quan tâm thoả đáng, thậm chí có nhiều người vẫn chưa công nhận vai trò và ý nghĩa của nó. Nhưng ở đây, khi đề cập đến phương pháp so sánh văn học nói chung tôi sẽ nói đến nó với tư cách là một phương pháp không biên giới, tức là một phương pháp áp dụng cho tất cả các bộ môn nghiên cứu văn học chứ không phải chỉ dành riêng cho bộ môn văn học so sánh.
Như chúng ta biết, một sự vật không bao giờ tồn tại một cách biệt lập. Cho nên muốn tìm hiểu nó, chúng ta không thể chỉ mổ xẻ, phân tích nó một cách biệt lập, mà còn phải tìm hiểu các mối quan hệ đa dạng và đa chiều của nó. Để làm được điều đó, chúng ta có thể áp dụng một phương pháp rất thông dụng là so sánh. Như vậy, ích lợi lớn nhất của phương pháp so sánh là nó giúp cho chúng ta hiểu rõ bản chất và vị trí của một hiện tượng văn học trong các mối tương quan đa chiều của nó. Tinh thần cơ bản của phương pháp so sánh là hiểu một sự vật thông qua các sự vật khác. Đây chính là một trong những phương châm phổ biến của nhận thức luận từ xưa đến nay. Một ví dụ điển hình cho phương châm này là câu ngạn ngữ phổ biến của nhiều dân tộc: “Hãy nói cho tôi biết các mối quan hệ của anh, tôi sẽ nói anh là ai”. Tất nhiên, chữ “quan hệ” phải được hiểu theo nghĩa đa chiều: có thể là quan hệ tương đồng, thân thiện, nhưng cũng có thể là quan hệ mâu thuẫn, đối lập, vv…
Trong nghiên cứu văn học, ta có thể so sánh một hiện tượng văn học với các hiện tượng cùng loại, nhưng cũng có thể so sánh với cả các hiện tượng đối lập để làm nổi bật bản chất của cái hiện tượng được đem ra so sánh. Việc so sánh như thế sẽ giúp ta thấy rõ bản chất của hiện tượng, từ đó xác định được vị trí của nó trong một hệ thống và đánh giá được ý nghĩa của nó trong hệ thống đó. Đây cũng chính là mục đích của các bộ môn văn học sử nói chung.
Thực tế, một sự vật nếu chỉ được nhận thức bằng chính nó thì ta khó có thể nhìn thấy được bản chất của nó, nhưng nếu ta phát hiện ra được các mối quan hệ của nó, thì nhiệm vụ nhận thức của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chẳng hạn ở Việt Nam có một chủ đề được coi là chủ đề lớn của văn học so sánh, đó là chủ đề Truyện Kiều. Đối với Truyện Kiều, nếu chỉ nghiên cứu một cách biệt lập, thì những kết quả thu được sẽ rất hạn chế, thậm chí có thể sẽ dẫn đến những kết luận sai lệch, bởi lẽ Truyện Kiều có một mối quan hệ ảnh hưởng và vay mượn rất rõ ràng đối với nguyên mẫu của nó là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Do đó khi nghiên cứu Truyện Kiều, chúng ta không thể không so sánh nó với Kim Vân Kiều truyện. Và thực tế là đã có rất nhiều công trình nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện.
Tiếc thay, rất nhiều người khi nghiên cứu so sánh Truyện Kiều thường hay xuất phát từ một định kiến về sự hơn thua. Họ đã có sẵn trong đầu cái định kiến không cần chứng minh về sự hơn hẳn của Truyện Kiều của Nguyễn Du so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ví dụ trong cuốn sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, ở cuối sách tác giả tuyên bố rất rõ ràng rằng: “Điều khó nhất là thái độ chân thành, triệt để khách quan, nỗ lực phân tích đến cùng cái mỹ cảm của mình, chỉ tin vào cái gì được quy ra thành quan hệ rõ ràng và tách bạch, không để cho một định kiến nào chi phối, dù định kiến ấy có được cả giới ngôn ngữ học thừa nhận”, nhưng ngay từ đầu cho đến khi kết thúc cuốn sách thì ông lại để cho mình bị chi phối bởi cái định kiến rất to lớn về sự hơn thua, đến nỗi ông không hề nhìn thấy những sự giống nhau hiển nhiên giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà lại cố công đi tìm những chỗ được ông gọi là sự “đối lập” giữa hai tác giả, đến mức ông đã không cẩn trọng để đi đến chỗ tạo ra một “hiện trường sai lệch”: đó là việc ông lấy nhầm lời bình được coi là của Kim Thánh Thán ở đầu hồi I của Kim Vân Kiều truyện, cho nó là chính văn của Thanh Tâm Tài Nhân, để đi đến kết luận là tư tưởng trong Kim Vân Kiều truyện là “mâu thuẫn giữa tình và khổ” chứ không phải là “tài mệnh tương đố”, và rằng tư tưởng “tài mệnh tương đố” là của riêng Nguyễn Du chứ không phải của Thanh Tâm Tài Nhân! Chẳng cần phải tìm đâu xa, chẳng cần phải mất công đem cả nền văn hoá Trung Hoa ra để chứng minh cho luận điểm là trong văn hoá Trung Hoa không có thuyết “tài mệnh tương đố”(!) như Phan Ngọc đã cất công tiến hành, mà chỉ cần kiên nhẫn đọc hết Kim Vân Kiều truyện cũng thấy ngay rằng từ đầu đến cuối truyện, Thanh Tâm Tài Nhân đã thấm nhuần tư tưởng “tài mệnh tương đố” như thế nào. Chuyện nhầm lẫn này đã xảy ra từ lần xuất bản đầu vào năm 1985, đáng ra cũng chẳng cần phải nhắc lại, nhưng đến lần tái bản năm 2001, tức là sau 16 năm, Phan Ngọc vẫn để nguyên không sửa (tr. 42), mặc dù từ đó đến nay bản thân tôi đã có nhiều lần nói rõ vấn đề này trên sách báo. Cuốn sách của Phan Ngọc là một cuốn sách có giá trị khoa học nhất định trong việc nghiên cứu phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du. Đây là kết quả của việc ông đã dành nhiều tâm huyết cho phần nghiên cứu hình thức Truyện Kiều. Giá như phần nghiên cứu nội dung cũng được ông chú tâm như thế thì chắc là sẽ không xảy ra sự nhầm lẫn đáng tiếc nói trên.
Trong văn học Việt Nam cũng còn nhiều chủ để có thể trở thành đối tượng của phương pháp so sánh và của văn học so sánh. Chẳng hạn khi nói đến văn học lãng mạn Việt Nam, một dòng văn học chịu ảnh hưởng rất mạnh của văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp, thì các nhà nghiên cứu của Việt Nam không thể không so sánh nó với văn học phương Tây để tìm ra sự ảnh hưởng của phương Tây cũng như cho thấy sự tiếp thu có sáng tạo của các nhà văn Việt Nam. Trong dòng văn học này nổi bật lên có phong trào Thơ Mới, và về phong trào đó, trước đây nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân đã có một công trình bình tuyển rất nổi tiếng là Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản lần đầu tại Huế, 1942). Trong công trình này, Hoài Thanh và Hoài Chân đã áp dụng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp so sánh. Bằng phương pháp so sánh, hai ông đã cho thấy sự ảnh hưởng của thơ ca phương Tây, đặc biệt là thơ Pháp, và của thơ Đường Trung Quốc đối với Thơ Mới (xem thêm mục “Phương pháp trực giác”).
Cùng thời với cuốn sách Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan cũng đã sử dụng phương pháp so sánh một cách tự giác trong công trình Nhà văn hiện đại (xuất bản tại Hà Nội năm 1942 – 1943). Trong công trình này, Vũ Ngọc Phan không chỉ so sánh các nhà văn Việt Nam với nhau, mà ông còn so sánh họ với các nhà văn của nước ngoài. Như thế, công trình của ông vừa mang tính chất của văn học sử dân tộc vừa mang tính chất của văn học so sánh.
Gần đây, cố GS Phan Cự Đệ đã có một công trình nghiên cứu công phu về cả Thơ Mới lẫn văn xuôi lãng mạn Việt Nam, trong đó ông áp dụng phương pháp so sánh một cách khá kỹ lưỡng để làm rõ những đặc điểm của dòng văn học này. Đó là công trình Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002), [ in gộp hai chuyên luận đã xuất bản nhiều lần trước đó là Phong trào “Thơ mới” (xuất bản lần đầu năm 1966, Nxb. Khoa học) và Tự Lực văn đoàn – con người và văn chương (xuất bản lần đầu năm 1990, Nxb. Văn học)].
Trong công trình nói trên, GS Phan Cự Đệ đã dành một phần lớn cho việc khảo cứu Thơ Mới, trong đó ông đặc biệt dành riêng một mục viết về “Một bước tổng hợp mới những ảnh hưởng của văn học nước ngoài trên cơ sở truyền thống cũ của dân tộc”. Trong mục này, GS Phan Cự Đệ đã tuyên bố là ông “áp dụng phương pháp văn học so sánh” (mà đúng ra phải nói là áp dụng lý thuyết của văn học so sánh) để phân tích sự ảnh hưởng của văn học phương Tây và của thơ Đường đối với Thơ Mới, và cho thấy các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới đã tiếp thu những sự ảnh hưởng đó trên cơ sở bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam như thế nào. Có thể nói, GS Phan Cự Đệ đã áp dụng một cách rất tự giác phương pháp so sánh để làm rõ ý nghĩa cách tân và những hạn chế của Thơ Mới. Ông khẳng định: “Thơ ca Pháp đã có ảnh hưởng rõ rệt vào “thơ mới” trong cách gieo vần, lối ngắt nhịp, lối bắc cầu, cách làm cho ngôn ngữ giàu nhạc điệu, lối diễn tả bằng những cảm giác tinh tế,… Nhưng dầu sao những hình ảnh đó vẫn nằm trong phạm vi hình thức nghệ thuật. Điểm chính vẫn là những ảnh hưởng về nội dung. Khá nhiều bài thơ Pháp có tác dụng gợi ý cho những bài thơ Việt”. Và cuối cùng Phan Cự Đệ kết luận về phần thơ mới: “Nói chung thì, ở cả hai lĩnh vực nội dung và hình thức, “Thơ mới” đã có những đóng góp mang ý nghĩa cách tân, do đó đã đẩy nhanh thơ ca Việt Nam trên con đường hiện đại hoá. Nhưng mặt khác, đứng về phương diện thế giới quan thẩm mỹ, “Thơ mới” lãng mạn cũng có nhiều hạn chế cần phải khắc phục”.
Đến nay, phương pháp so sánh và văn học so sánh không còn là điều mới lạ đối với phần lớn các nhà nghiên cứu văn học của nước ta. Thậm chí trong một số trường hợp, nếu không sử dụng phương pháp so sánh thì ta khó có thể nắm bắt được bản chất của sự việc.
Ví dụ như đối với một số hiện tượng văn học mới nhất của chúng ta hiện nay như Phạm Thị Hoài và Nguyễn Việt Hà, nếu chúng ta chỉ phê bình tác phẩm của họ bằng cách mổ xẻ tác phẩm của họ một cách biệt lập, thì chúng ta không thể đánh giá được chính xác bản chất của hiện tượng. Phê bình như thế, chúng ta dễ bị gán cho căn bệnh chủ quan, áp đặt. Đối với hai hiện tượng đó, chúng ta phải so sánh chúng với các hiện tượng văn học cùng loại của phương Tây thì mới xác định được đúng tên gọi của chúng, từ đó mới đánh giá được ưu điểm và nhược điểm của chúng. Việc này chúng tôi đã tiến hành trong công trình chuyên luận văn học phi lý. Qua việc so sánh Phạm Thị Hoài và Nguyễn Việt Hà với văn học phi lý phương Tây, chúng tôi muốn nói rằng hai nhà văn này đã có ý muốn đổi mới mô hình tiểu thuyết, họ đã tiếp thu cái tư tưởng của văn học phi lý để phê phán sự tha hoá và lối sống bầy đàn, nhưng sự phê phán của họ thiếu chiều sâu của chủ nghĩa nhân đạo và của tình yêu đồng loại.
Tuy nhiên, so sánh là một công việc tương đối nhạy cảm, bởi lẽ nó đụng chạm đến nhiều đối tác. Khi so sánh, ta không chỉ phải đánh giá cái hiện tượng được đem ra so sánh, mà còn phải đánh giá cả các đối tác so sánh của nó. Chính vì vậy, khi so sánh chúng ta phải quán triệt thái độ thận trọng. Để làm được điều này, tôi cho rằng chúng ta cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
1. Nguyên tắc khách quan, phi định kiến. Theo nguyên tắc này, khi so sánh ta phải dựa vào thực tế khách quan chứ không được xuất phát từ một định kiến nào đó để đi chứng minh cho cái định kiến đó. Điều này thường hay xảy ra khi các nhà nghiên cứu phải so sánh hai hiện tượng văn học thuộc hai nền văn học khác nhau. Chẳng hạn khi so sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ta không nên xuất phát từ định kiến cho rằng vì Truyện Kiều là một tuyệt tác rồi nên Kim Vân Kiều truyện chỉ có thể là một tác phẩm “tầm thường”. Ở đây, nhiều khi người ta dễ bị cám dỗ bởi lòng tự tôn dân tộc thái quá mà quên đi nguyên tắc khách quan trong nghiên cứu.
2. Nguyên tắc so sánh cùng loại khi phân hạng thứ bậc. Một trong những chức năng của so sánh là phân hạng thứ bậc, nhưng khi phân hạng thứ bậc thì các vế so sánh phải thuộc cùng một loại. Cũng giống như trong thể thao, mỗi môn thi đấu đều phải được phân loại theo giới tính, độ tuổi,… Theo nguyên tắc này, trong nghiên cứu so sánh văn học và văn học so sánh, việc phân hạng chỉ được diễn ra trong cùng một hệ thống. Trong một lĩnh vực văn hoá tinh thần tế nhị như thế này, người ta không chấp nhận có sự phân hạng thứ bậc giữa các nền văn học dân tộc. Kiểu đánh giá phân hạng như vậy sẽ dẫn đến chủ nghĩa sôvanh, kỳ thị chủng tộc.
3. Nguyên tắc so sánh liên ngành. Một sự việc có thể có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá. Nhìn từ một góc độ, ta có thể tưởng nó là hoàn hảo, nhưng nhìn từ một góc độ khác ta lại thấy nó có khiếm khuyết. Nhìn từ nhiều góc độ sẽ giúp ta tiếp cận đa diện đối với vấn đề. Đây chính là tinh thần của nguyên tắc so sánh liên ngành. So sánh đa diện hay liên ngành sẽ giúp ta đánh giá chính xác và toàn diện sự việc.
4. Nguyên tắc so sánh tổng hợp. Đặt sự việc trong nhiều cấp độ, nhiều hệ thống, chúng ta sẽ thấy hết được mọi ý nghĩa tiềm ẩn của nó và đánh giá đúng các tương quan giá trị khác nhau của nó. Chẳng hạn, nếu chúng ta cứ cố công chứng minh cho sự hơn hẳn của Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều truyện để khẳng định sự vĩ đại của Nguyễn Du, thì sẽ không đạt được kết quả thuyết phục bằng việc so sánh vai trò của Truyện Kiều trong văn học Việt Nam với vai trò của Thần khúc của Dante trong văn học Italia.
Tóm lại, phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn học là một phương pháp phổ biến, dễ thao tác nhưng cũng dễ mắc phải căn bệnh chủ quan, áp đặt thiên kiến. Việc nắm vững các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là cách tốt nhất giúp chúng ta đạt được những kết quả khách quan và khoa học.
Nguyễn Văn Dân
Phương pháp luận nghiên cứu Văn học
Xem thêm: Phương pháp luận và Phương pháp luận nghiên cứu văn học là gì?