Phương pháp so sánh (Comparative method) trong định giá hàng hóa, dịch vụ là gì?
Phương pháp so sánh (tiếng Anh: Comparative method) là một hình thức để định giá hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế, kĩ thuật ảnh hưởng đến mức giá của hàng hóa.
Hình minh họa (Nguồn: Vietnambiz)
Mục lục bài viết
Phương pháp so sánh (Comparative method)
Phương pháp so sánh – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Comparative method.
Thông tư 25/2014/TT-BTC qui định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ qui định như sau:
Phương pháp so sánh là phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế, kĩ thuật ảnh hưởng lớn đến mức giá của hàng hóa, dịch vụ cần định giá với hàng hóa, dịch vụ tương tự được giao dịch trên thị trường trong nước; có tham khảo giá cả trên thị trường khu vực và thế giới (nếu có).
Các bước cơ bản tiến hành định giá theo phương pháp so sánh
Bước 1. Xác định tổng quát về hàng hóa, dịch vụ cần định giá
Xác định số lượng, chủng loại, đặc điểm và các thông số kinh tế – kĩ thuật chủ yếu, thời gian sử dụng, thực trạng tại thời điểm định giá và các thông tin khác; xác định các yếu tố so sánh chủ yếu có ảnh hưởng nhiều nhất đến giá hàng hóa, dịch vụ cần định giá; Thuê tổ chức có chức năng giám định tình trạng kinh tế – kĩ thuật, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cần định giá.
Bước 2. Nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin
Nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin về mức giá và các thông tin liên quan đến mức giá của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên thị trường từ các nguồn thông tin; phân tích các nguồn thông tin để lựa chọn ít nhất ba 03 hàng hóa, dịch vụ tương tự làm hàng hóa, dịch vụ so sánh. Trường hợp không có đủ ba 03 hàng hóa, dịch vụ tương tự làm hàng hóa, dịch vụ so sánh, thì thực hiện so sánh theo số lượng thực tế thu thập được.
Bước 3. Phân tích
Phân tích mức giá và các thông tin liên quan của hàng hóa, dịch vụ tương tự; phân tích các yếu tố so sánh chủ yếu tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ cần định giá.
Trường hợp không xác định được tỉ lệ điều chỉnh và mức điều chỉnh cụ thể của các yếu tố so sánh: thuyết minh cơ sở tính toán và đưa ra kết luận về mức giá của hàng hóa, dịch vụ cần định giá.
Trường hợp xác định được tỉ lệ điều chỉnh và mức điều chỉnh cụ thể của các yếu tố so sánh, việc điều chỉnh giá thực hiện theo nguyên tắc:
a) Lấy hàng hóa, dịch vụ cần định giá làm chuẩn để thực hiện việc điều chỉnh mức giá của hàng hóa, dịch vụ so sánh theo các đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ cần định giá;
b) Việc điều chỉnh mức giá được thực hiện theo sự khác biệt của từng yếu tố so sánh trên cơ sở cố định những yếu tố so sánh còn lại (coi như giống nhau), mỗi mức điều chỉnh theo từng yếu tố so sánh phải được chứng minh từ các thông tin đã thu thập được trên thị trường, cụ thể:
– Những yếu tố ở hàng hóa, dịch vụ so sánh kém hơn so với hàng hóa, dịch vụ cần định giá thì điều chỉnh tăng (cộng) mức giá tính theo đơn vị chuẩn của hàng hóa, dịch vụ so sánh;
– Những yếu tố ở hàng hóa, dịch vụ so sánh vượt trội hơn so với hàng hóa, dịch vụ cần định giá thì điều chỉnh giảm (trừ) mức giá tính theo đơn vị chuẩn của hàng hóa, dịch vụ so sánh;
– Việc điều chỉnh sự khác biệt yếu tố so sánh có thể được thực hiện theo số tiền tuyệt đối hoặc theo tỉ lệ % tăng, giảm so với giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ so sánh.
– Tổng giá trị điều chỉnh thuần của hàng hóa, dịch vụ so sánh là tổng mức điều chỉnh theo từng yếu tố so sánh với dấu âm (điều chỉnh giảm) và dấu dương (điều chỉnh tăng).
– Mức giá hàng hóa, dịch vụ sau điều chỉnh bằng mức giá của hàng hóa, dịch vụ so sánh cộng (+) hoặc trừ (-) tổng giá trị điều chỉnh thuần của hàng hóa, dịch vụ so sánh đó.
c) Xác định mức giá cho hàng hóa, dịch vụ cần định giá bằng cách lấy mức giá sau điều chỉnh đại diện chung của các hàng hóa, dịch vụ so sánh hoặc bằng mức giá trung bình của các mức giá sau điều chỉnh của hàng hóa, dịch vụ so sánh:
Mức giá đại diện chung của các hàng hóa, dịch vụ so sánh là mức giá sau điều chỉnh của mỗi hàng hóa, dịch vụ so sánh được chọn theo các tiêu chí sau:
– Hàng hóa, dịch vụ so sánh có số lần điều chỉnh giá ít nhất.
– Hàng hóa, dịch vụ so sánh có tỉ lệ điều chỉnh của mỗi yếu tố so sánh nhỏ nhất.
– Hàng hóa, dịch vụ so sánh có tổng giá trị điều chỉnh thuần nhỏ nhất. (Theo Thông tư 25/2014/TT-BTC qui định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ)