Phương pháp xây dựng văn hoá doanh nghiệp hiệu quả nhất – Glints – Glints Employers Blog
Văn hoá doanh nghiệp là giá trị cốt lõi của mọi doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là nền tảng, giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt trong các hoạt động kinh doanh, cũng như kết quả tuyển dụng. Vì vậy, xây dựng văn hoá doanh nghiệp hiệu quả là điều cần thiết đối với mọi doanh nghiệp. Trong bài viết này, Glints xin chia sẻ những phương pháp xây dựng văn hoá doanh nghiệp hiệu quả nhất.
I. Văn hoá doanh nghiệp là gì?
Văn hoá doanh nghiệp là những giá trị văn hoá được xây dựng và hình thành trong doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp sẽ được thể hiện thông qua hành vi, niềm tin, thái độ, cách thức xử lý công việc của nhân viên…
Ngoài ra, văn hoá doanh nghiệp còn được thể hiện qua những tiểu tiết nhỏ nhặn như: trang phục đi làm của nhân viên, giờ làm việc, địa điểm làm việc, chế độ đãi ngộ của nhân viên, lương thương, doanh thu, dịch vụ khách hàng, hoạt động xã hội, sự kiện nội bộ,… Văn hoá doanh nghiệp sẽ được chỉnh sửa và phát triển theo thời gian. Tính cách, và năng lực của nhân viên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến văn hoá doanh nghiệp.
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp là cần thiết với mọi doanh nghiệp
Trong một doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp sẽ có tác động vô cùng lớn tới niềm tin cũng cách thức tương tác giữa nhân viên và quản lý của công ty.
Văn hoá của những doanh nghiệp quy mô lớn tầm cỡ quốc tế cũng sẽ khác so với những doanh nghiệp quy mô nhỏ startup.
>>> Tham khảo thêm: Các loại văn hóa doanh nghiệp phổ biến hiện nay
>>> Tham khảo thêm: Các nhân tố ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp
Để nhận thêm những thông tin kiến thức bổ ích và mới nhất về Tuyển dụng, Phát triển doanh nghiệp và Quản trị nhân sự, vui lòng để lại thông tin
II. Tại sao cần xây dựng văn hoá doanh nghiệp
1. Giúp nhân viên dễ dàng hòa nhập khi văn hóa doanh nghiệp cởi mở
Một doanh nghiệp khi muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh sẽ luôn đặt các giá trị cốt lõi lên hàng đầu, quan trọng hơn cả các khía cạnh của cơ cấu tổ chức và hoạt động hàng ngày của công ty. Thế nhưng nếu các giá trị đó không phù hợp với tư tưởng làm việc của cá nhân bạn, thì đó sẽ là một vấn đề lớn.
Lý do là vì nhân viên sẽ luôn yêu thích công việc của mình hơn khi nhu cầu và giá trị của họ phù hợp với những gì công ty đang hướng tới. Điều này cũng góp phần cải thiện khả năng tương tác của bạn với cấp trên và các đồng nghiệp trong quá trình giao tiếp và làm việc.
Vì vậy, sự không tương thích với văn hóa công ty sẽ cản trở sự hòa nhập của bạn với môi trường văn phòng và dần dần khiến bạn không còn niềm vui trong công việc.
2. Nâng cao năng suất và chất lượng mối quan hệ công sở
Luôn có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chất lượng cuộc sống nơi công sở của nhân viên với năng suất làm việc của họ. Chất lượng cuộc sống ở đây được hiểu là sức khỏe tinh thần và thể chất, cũng như sự hài lòng của họ với doanh nghiệp. Một văn hóa công ty lành mạnh có thể giúp bạn đạt được hiệu quả cao với cả hai yếu tố trên.
Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc phát triển đời sống của nhân viên một cách toàn diện. Chính vì vậy, những hành động hỗ trợ từ phía công ty, như giờ làm việc linh hoạt, hay một môi trường làm việc cởi mở cho phép nhân viên có tiếng nói, là vô cùng quan trọng.
Tất cả những điều trên giúp bạn luôn đảm bảo được động lực và tinh thần tốt trong công việc. Thêm vào đó, việc được hỗ trợ đầy đủ các nguồn lực và công cụ sẽ giúp tăng năng suất và mức hiệu suất nói chung.
Hiệu suất tăng, thường xuyên đạt được mục tiêu đề ra sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều với công việc mình đang làm
3. Tác động tích cực đến sự gắn bó lâu dài của nhân viên
Các khoản lương thưởng có thể là mục đích của việc đi làm, nhưng thứ luôn tạo động lực đẩy bạn tiến lên chính là cảm hứng. Bạn muốn trở thành một phần quan trọng của công ty, và những đóng góp của bạn có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển chung.
Văn hóa công ty có thể giúp bạn thực hiện điều này. Một trong những lợi thế lớn nhất của văn hóa công ty lành mạnh là nó có khả năng truyền cảm hứng cho các nhân viên và bạn là một trong số đó.
Một công ty xây dựng được văn hóa kinh doanh vững mạnh sẽ luôn biết cách khích lệ và tôn vinh các nhân viên của mình. Từ đó, bạn sẽ có động lực để cống hiến lâu dài, và trở thành một người không chỉ đóng góp vào văn hóa của tổ chức mà còn sẵn sàng quảng bá nó ra bên ngoài.
4. Ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng
Văn hoá doanh nghiệp tích cực và lành mạnh sẽ nâng cao hạnh phúc cho nhân viên. Từ đó họ sẽ đóng góp và làm việc năng suất, sáng tạo hơn.
Điều này phản chiếu trực tiếp lên cách mà họ ứng xử với khách hàng. Nếu nhân viên luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng khi làm việc, họ cũng sẽ lan toả luồng cảm xúc đó tới khách hàng. Họ có thể giới thiệu sản phẩm hay tư vấn cho khách hàng nhiệt tình và tràn đầy năng lượng như cách họ được đối xử trong văn hoá công ty.
Theo Gallup, các doanh nghiệp sở hữu nhân viên hạnh phúc có thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao hơn 147% so với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, bên cạnh các chiến lược kinh doanh, marketing, tầm nhìn hay sứ mệnh, văn hoá chính là chìa khoá dẫn đến thành công của mỗi doanh nghiệp.
III. Phương pháp xây dựng văn hoá doanh nghiệp.
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp sẽ giúp bạn tăng tỷ lệ giữ chân doanh nghiệp, cũng như tìm kiếm, thu hút và tuyển dụng thành công những nhân tài tiềm năng chất lượng và phù hợp nhất. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn, và được thực hiện đồng bộ tại các cấp của doanh nghiệp. Chiến lược xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần được điều chỉnh và xem xét mỗi năm.
1. Xác định rõ ràng mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng tới.
Tuỳ vào mỗi mục tiêu về kết quả kinh doanh, cũng như cách xây dựng thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp muốn hướng đến, chiến lược xây dựng văn hoá doanh nghiệp sẽ phản ánh đúng điều đó.
Khi đã xác định chúng một cách rõ ràng và rành mạch thì sẽ đưa ra được chiến lược để xây dựng văn hoá công ty trong thời gian sắp tới. Ví dụ cân nhắc xem trong thời điểm hiện tại thì phương hướng đầu tư nên tập trung vào cơ sở vật chất, con người hay là xây dựng văn hóa nhằm hướng tới tăng mức độ trải nghiệm với khách hàng.
2. Xác định rõ ràng giá trị cốt lõi đưa tới thành công
Có thể khẳng định rằng đây chính là bước cơ bản nhất trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải tạo lập được một hệ thống những tiêu chuẩn, giá trị cốt lõi để đó chính là thước đo cho những hành vi, quá trình định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Những giá trị cốt lõi doanh nghiệp ấy phải được xác định một cách cẩn trọng để đảm bảo rằng theo thời gian nó vẫn trường tồn.
Ví dụ nếu doanh nghiệp của bạn xác định rõ ràng rằng khách hàng chính là giá trị cốt lõi trong quá trình phát triển doanh nghiệp thì tốc độ giao hàng, thái độ tư vấn của nhân viên, các dịch vụ chăm sóc khách hàng trước trước và sau khi mua hàng cần phải được chú trọng đầu tư trong tương lai.
3. Tự đánh giá và tiến hành cải thiện
Đánh giá và cải thiện văn hoá doanh nghiệp là việc làm cần thiết
Có thể nói đây chính là một bước cực kỳ khó khăn với mỗi doanh nghiệp bởi văn hoá doanh nghiệp không phải là một thứ hữu hình, ngay lập tức có thể chạm thấy và cảm nhận được nên thường bị nhầm lẫn với các tiêu chí đánh giá. Để xây dựng được văn hoá doanh nghiệp thật thành công cần phải nhìn lại thành tựu đã đạt được trong hành trình ấy. Công ty đã đạt được những gì, nhân viên đã đóng góp ra sao, thái độ phục vụ khách hàng có tốt không, tính kỷ luật trong doanh nghiệp có đang được phát huy không.
Từ đó để phát huy những điểm mạnh trong văn hoá và cải thiện khắc phục những điểm yếu. Những lỗ hổng trong văn hoá doanh nghiệp luôn tồn tại. Để xây dựng được văn hoá doanh nghiệp vững chắc thì cần phải tìm ra lỗ hổng, thiếu sót, kịp thời điều chỉnh. Bước này cần được thực hiện định kỳ để đảm bảo rằng văn hoá doanh nghiệp luôn phát triển theo đúng những mục tiêu chiến lược đã đề ra.
>>> Tham khảo thêm: Làm sao để duy trì văn hóa doanh nghiệp?
4. Xác định rõ vai trò của lãnh đạo
Trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp lãnh đạo đóng vai trò quan trọng. Người đi đầu, dẫn dắt luôn cần phải chỉnh chu từ nếp sống, phong cách làm việc. Có như vậy thì văn hoá công ty mới có thể khởi sắc. Một lãnh đạo tốt và giỏi sẽ giúp cho nhân viên của mình có thể hiểu đúng họ cần làm gì và thay đổi những gì để hoà nhập và đưa công ty phát triển. Lãnh đạo sẽ là người mang sứ mệnh định hướng tầm nhìn, giúp nhân viên xóa tan những sợ hãi hay rào cản thách thức.
Vì vậy người lãnh đạo của một doanh nghiệp cần phải xác định rõ được vai trò của mình để đưa văn hoá doanh nghiệp ngày càng trở nên phát triển hơn nữa.
5. Lên kế hoạch hành động chi tiết
Sau khi đã hoàn thành những bước trên thì một trong những bước đóng vai trò vô cùng quan trọng đó chính là đưa ra một bản kế hoạch cụ thể. Trong đó sẽ cần phải bao gồm những mục tiêu chính, các mốc quan trọng, những hoạt động cụ thể cần phải làm. Ngoài ra cũng cần phải xác định rõ trong từng thời điểm, đâu sẽ là nhân tố được ưu tiên, đâu là những điểm cần phải tập trung nỗ lực. Đặc biệt là thời hạn để hoàn thành cũng cần phải được xác định một cách rõ ràng.
6. Tạo động lực cho nhân viên
Cơ bản trong mỗi kế hoạch chiến lược đều sẽ dẫn tới những thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Dù những thay đổi này lớn hay nhỏ thì đều ảnh hưởng trực tiếp tới nhân viên. Vì vậy nên cần phải để nhân viên hiểu rõ những thay đổi trong văn hoá doanh nghiệp sẽ đem tới những lợi ích thực tế nào đối với chính họ, sau đó là với doanh nghiệp. Chỉ khi hiểu được thì nhân viên mới có được động lực thay đổi.
Động lực thay đổi có thể được tiến hành bằng việc thiết lập một chế độ khen thưởng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp. Những phần thưởng dành cho những nỗ lực phát triển, những lời động viên tới đúng lúc chính là động lực vô cùng mạnh mẽ giúp nhân viên có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng tốt đẹp.
>>> Tham khảo thêm: Ebook ” Bộ Công Cụ Tuyển Dụng Toàn Diện 2022″ từ Glints
>>> Tham khảo thêm: Ebook “Cẩm Nang Xây Dựng Thương Hiệu Tuyển Dụng Cho Doanh Nghiệp”
Để nhận thêm những thông tin kiến thức bổ ích và mới nhất về Tuyển dụng, Phát triển doanh nghiệp và Quản trị nhân sự, vui lòng để lại thông tin
IV. Các yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp
1. Yếu tố tầm nhìn
Khi cấu thành nên văn hoá doanh nghiệp yếu tố tầm nhìn được đưa lên hàng đầu. Bởi vì văn hoá doanh nghiệp xứng tầm và phát triển bền vững thì cần có những mục tiêu rõ ràng với một tầm nhìn mang tính chiến lược. Những mục tiêu xác định rõ ràng, rành mạch có thể định hướng được mọi quyết định trong nội bộ doanh nghiệp. Tầm nhìn sáng suốt cụ thể sẽ có thể đưa văn hoá doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn nữa.
2. Yếu tố giá trị
Có một sự thật không thể chối bỏ rằng đó chính là cốt lõi của nền văn hoá doanh nghiệp chính là giá trị của công ty, doanh nghiệp đó. Đây chính là yếu tố cốt lõi có giá trị định hướng hành vi cũng như tư duy của nhân viên trong doanh nghiệp. Nhờ những giá trị này mà nhân viên ý thức được nhiều hơn về vai trò, sứ mệnh của mình trong sự nghiệp xây dựng văn hoá công ty.
3. Yếu tố thực tiễn
Cơ bản sau khi đã xác định được chính xác về tầm nhìn, giá trị và đưa ra một kế hoạch chi tiết, nhà lãnh đạo cần phải vận dụng ngay vào thực tiễn để biết được những gì đang được vận hành tốt, những gì đang chưa được. Để từ đó có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững mạnh. Lãnh đạo công ty có thể phát huy yếu tố này trong những hoạt động hàng ngày của nhân viên.
4. Yếu tố con người
Con người được đánh giá là một trong những yếu tố cốt cán, nền tảng để xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp. Nhờ có con người, những mục tiêu, tầm nhìn và đặc biệt là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ được xây dựng và phát huy. Chính vì thế nên để đảm bảo doanh nghiệp của công ty thì các doanh nghiệp đều có tiêu chí riêng biệt để tuyển chọn những ứng viên phù hợp.
5. Yếu tố từ sức mạnh của câu chuyện
Một câu chuyện độc đáo về lịch sử doanh nghiệp chính là điểm nhấn cần thiết của một công ty, doanh nghiệp. Chính những câu chuyện này sẽ trở thành một di sản của công ty và trở thành nét chấm phá ấn tượng trong quá trình hình thành nên văn hoá doanh nghiệp. Có thể hiểu rằng, nhờ việc khắc họa rõ nét hơn những câu chuyện phát triển của doanh nghiệp qua từng mốc thời gian thì văn hoá doanh nghiệp sẽ có nền tảng, động lực trở nên ngày một tốt đẹp hơn. Từ đó truyền lại những cảm hứng, nhiệt huyết cho nhân viên trong toàn bộ công ty xây dựng văn hóa doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong tương lai.
>>> Tham khảo thêm: Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp
IV. Top 10 công ty lớn có văn hoá doanh nghiệp thành công
1. Zappos
Không chỉ là một tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh giày online, Zappos còn được biết đến nhờ có văn hóa doanh nghiệp đặc sắc.
Sau tuần đào tạo đầu tiên, nhân viên mới sẽ được phỏng vấn về chuyện họ có cảm thấy phù hợp với công việc hay không. Nếu hợp, họ sẽ tiếp tục ở lại. Còn nếu không, họ sẽ được nhận 2.000 USD và ra đi.
Các nhân viên cũng thuộc lòng 10 giá trị cốt lõi của công ty. Nhân viên được nâng lương nếu vượt qua những bài kiểm tra năng lực và khả năng làm việc liên tục đi lên. Zappos cũng dành riêng một khoản ngân sách cho các hoạt động teambuilding và phát triển văn hóa công ty.
Tiêu chí tuyển dụng số một của Zappos là ứng viên phải hòa nhập được với công ty. Cảm thấy mình là một phần của doanh nghiệp sẽ khiến nhân viên hạnh phúc, từ đó làm hài lòng khách hàng và xây dựng thương hiệu cho công ty.
2. Warby Parker
Warby Parker bắt đầu sản xuất và kinh doanh kính mắt trực tuyến từ năm 2010. Các mẫu kính đều được tự thiết kế và bán trực tiếp cho khách hàng, từ đó cắt giảm được chi phí trung gian.
Warby Parker luôn có một nhóm nhân viên có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tập thể. Lãnh đạo công ty yêu cầu luôn phải có những sự kiện để tất cả nhân viên tham gia, nhằm giúp mọi người làm việc ăn ý hơn với nhau. Những hoạt động đó có thể là cùng nhau dọn dẹp khu vực nghỉ hoặc mỗi phòng cử ngẫu nhiên một người cùng đi ăn trưa với nhau.
3. Southwest Airlines
Ngành hàng không thường bị phàn nàn về dịch vụ chăm sóc khách hàng tồi tệ, nhưng hãng hàng không Southwest Airlines thì hoàn toàn ngược lại. Công ty luôn được khách hàng yêu mến vì thái độ phục vụ ân cần và niềm nở của nhân viên.
Southwest không phải là một cái tên mới. Công ty này đã đi vào hoạt động được 43 năm. Trong suốt thời gian đó, hãng hàng không luôn tuyên bố rõ tầm nhìn và mục tiêu với toàn bộ nhân viên. Công ty cho phép nhân viên tùy ý làm tất cả những gì có thể để khiến khách hàng hài lòng.
4. Twitter
Nhân viên của Twitter lúc nào cũng ca ngợi văn hóa công ty mình. Họ được khuyến khích phát triển hết khả năng trong một môi trường mà sự thân thiện và tinh thần tập thể luôn được đề cao.
Ngoài ra, nhân viên làm việc tại trụ sở chính ở San Francisco còn được ăn trưa, tham gia các lớp yoga miễn phí và có những kỳ nghỉ không giới hạn. Nhân viên của Twitter thích làm việc theo nhóm. Họ có một nguyên tắc “bất thành văn” là không ai rời đi nếu công việc chưa được hoàn thành.
5. Chevron
Trái ngược với những ý kiến tiêu cực mà các công ty dầu khí thường phải đối mặt, nhân viên Chevron phản ứng rất tích cực với văn hóa của công ty. So với các doanh nghiệp khác, Chevron đề cao tính an toàn và nhân viên luôn được hỗ trợ tận tình.
Chevron thể hiện sự quan tâm tới nhân viên với bằng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và rèn luyện cơ thể. Ngoài ra, công ty còn có những chính sách để nhân viên được nghỉ ngơi thường xuyên. Bởi vậy, nhân viên của Chevron luôn cảm thấy họ được trân trọng.
6. SquareSpace
Công ty này thường xuyên được bình chọn là nơi làm việc lý tưởng nhất New York. Văn hóa của họ là “phẳng, mở và sáng tạo”. “Phẳng” nghĩa là không có (hoặc có rất ít) sự quản lý giữa nhân viên là lãnh đạo. Mô hình này khá phổ biến cho hãng mới thành lập, nhưng lại trở nên phức tạp khi công ty lớn mạnh hơn, yêu cầu phải hình thành các nhóm làm việc riêng rẽ.
SquareSpace cũng mang đến cho nhân viên những phúc lợi hấp dẫn, gồm bảo hiểm sức khỏe 100%, nghỉ phép linh hoạt, không gian làm việc hấp dẫn, đồ ăn phục vụ tận nơi, bếp luôn đầy chật thực phẩm, liên hoan hằng tháng, không gian thư giãn và những buổi hội thảo định kỳ. Những đãi ngộ như vậy đã tạo ra sự gắn kết giữa quản lý với nhân viên. Hiển nhiên là người lao động luôn muốn được tự do nêu ý kiến và quan điểm của mình được cấp trên lắng nghe.
7. Google
Sẽ thật thiếu sót nếu Google không có tên trong danh sách. Công ty này vẫn luôn được biết đến là nơi có văn hóa đáng nể và là hình mẫu để các công ty mới học hỏi theo. Đồ ăn miễn phí, các buổi liên hoan dã ngoại, thưởng tiền, phòng tập gym, buổi gặp tự do với lãnh đạo và cho phép mang chó tới nơi làm việc… đã giúp Google trở thành công ty hàng đầu thế giới.
Dù vậy, nhiều nhân viên vẫn còn phàn nàn về những thiệt thòi khi làm việc cho một công ty lớn, như áp lực và môi trường cạnh tranh khốc liệt. Quá trình tuyển dụng và kỳ vọng nhiều vào nhân viên có thể trở thành tác nhân gây áp lực nếu công ty không tạo điều kiện cho họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
8. REI
Với những người yêu thích hoạt động ngoài trời, REI đã trở thành một cái tên quen thuộc. Nhân viên của REI luôn đồng tình rằng đây là một nơi mà sự tuyệt vời không chỉ nằm ở những sản phẩm.
REI quan niệm nhân viên đã cống hiến cuộc sống của mình vì mục tiêu của công ty. Vì vậy, thành công của họ chính là của đội ngũ này. Nhân viên REI có thể nộp ý tưởng về hoạt động ngoài trời và nhận giải thưởng là sản phẩm của công ty. Ngoài ra, họ còn có những buổi trưng cầu dân ý để lãnh đạo hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra trong công ty.
9. Facebook
Cũng như Google, Facebook là một công ty toàn cầu nổi tiếng với văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, ông lớn này cũng không tránh khỏi những khó khăn như môi trường làm việc căng thẳng, nhiều áp lực. Bên cạnh đó, cơ cấu tự do trước đây cũng không còn phù hợp khi công ty trở nên lớn mạnh.
Để giải quyết những thách thức này, Facebook đã tạo ra những phòng hội nghị, những tòa nhà riêng, không gian ngoài trời để nhân viên nghỉ ngơi. Ngay cả cấp lãnh đạo như Mark Zuckerberg cũng làm việc ngay cạnh những nhân viên bình thường. Đây chính là sự nỗ lực của công ty để tạo dựng văn hóa “phẳng”, sử dụng những tòa nhà và không gian nhằm tạo cảm giác về sự cạnh tranh công bằng.
10. Adobe
Adobe là một công ty luôn đưa cho nhân viên những dự án khó nhằn, nhưng lại tin tưởng và hỗ trợ hết mình để họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tên tuổi của Adobe gắn liền với sự sáng tạo.Vì vậy, chỉ khi loại bỏ việc săm soi quá kỹ, nhân viên mới được tự do sáng tạo. Chẳng hạn, Adobe không áp dụng các loại bảng đánh giá với nhân viên, cho rằng việc này sẽ kìm hãm sự sáng tạo và ảnh hưởng tới sự phối hợp khi hoạt động nhóm. Giám đốc chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, để nhân viên tự đặt mục tiêu và quyết định hình thức đánh giá.
V. Các loại hình văn hoá doanh nghiệp phổ biến
1. Loại hình văn hóa doanh nghiệp gia đình
Khi làm việc trong một công ty hướng đến loại hình văn hóa doanh nghiệp “gia đình”, nhân viên sẽ cảm thấy mọi người gắn kết với nhau như những thành viên trong nhà. Một đặc điểm thường thấy của loại hình văn hóa doanh nghiệp này là nhân viên thường rất thân thiết và có sự kết nối bền chặt.
Mọi người sẽ có nhiều sở thích chung và chia sẻ một thế giới quan giống nhau. Nhân viên khi làm việc trong loại hình văn hóa doanh nghiệp này thường sẽ gắn bó lâu dài với tổ chức. Khách hàng và các mối quan hệ đối tác từ đó cũng sẽ gắn bó hơn.
Trong môi trường văn hóa doanh nghiệp gia đình, làm việc theo nhóm sẽ phổ biến hơn là các dự án cá nhân. Người có nhiều kinh nghiệm sẽ hướng dẫn, giúp đỡ nhân viên mới để giúp họ hòa nhập và phát huy hết tiềm năng của mình. Mọi người đều được đánh giá công bằng, có cơ hội tham gia vào các dự án của công ty và có quyền nêu lên ý kiến của mình. Một công ty áp dụng loại hình văn hóa doanh nghiệp gia đình có xu hướng sở hữu cấu trúc tổ chức theo “chiều ngang”, và không cần nhiều cấp bậc quản lý.
Một số người sẽ thích làm việc tại môi trường văn hóa doanh nghiệp gia đình. Nó cho họ một cảm giác gắn bó và thân thuộc. Điều này dẫn đến chất lượng công việc tốt hơn và năng suất cao hơn. Tuy nhiên, loại hình văn hóa doanh nghiệp sẽ phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc công ty khởi nghiệp hơn là với các tập đoàn lớn. Vì số lượng nhân sự càng nhiều, sẽ càng khó để duy trì cảm giác thân thiết này và sẽ là thách thức lớn cho ban lãnh đạo.
Một vấn đề khác với loại hình văn hóa doanh nghiệp gia đình là việc tăng trưởng chậm. Vì doanh nghiệp sẽ đặt nhu cầu của nhân viên lên hàng đầu và cố gắng đáp ứng những nhu cầu đó, dẫn đến có thể sẽ mắc sai lầm trong việc quản lý.
2. Loại hình văn hóa doanh nghiệp hướng về mục đích
Trong loại hình văn hóa doanh nghiệp mục đích, tất cả sẽ cùng hướng về những mục tiêu có ý nghĩa lớn lao của tổ chức. Đó có thể là những mục tiêu liên quan đến tính bền vững, môi trường hay nhân quyền. Mọi người sẽ cùng đồng lòng vì những giá trị đó thay vì chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận thông thường.
Loại hình văn hóa doanh nghiệp này thường được áp dụng ở các tổ chức phi lợi nhuận, một ví dụ có thể kể đến là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF). Nhưng ngay cả ở những công ty kinh doanh thông thường, chúng ta vẫn có thể xây dựng loại hình văn hóa doanh nghiệp hướng về mục đích này.
3. Loại hình văn hóa doanh nghiệp phân cấp
Đây là loại hình được áp dụng ở nhiều công ty truyền thống. Văn hóa doanh nghiệp phân cấp còn thường được gọi là “văn hóa kiểm soát”. Bộ phận quản lý được hình thành từ nhiều cấp bậc khác nhau và có sự tách biệt rõ ràng giữa nhóm nhân viên và nhóm lãnh đạo.
Môi trường quân đội là một hình mẫu tiêu biểu cho văn hóa phân cấp. Cấp dưới sẽ báo cáo trực tiếp cho cấp trên trong quân ngũ, đồng thời sẽ hạn chế mắc sai lầm ít nhất có thể nếu không muốn nhận lấy hậu quả. Việc ra quyết định trong loại hình văn hóa doanh nghiệp phân cấp thường xuất phát từ thượng tầng. Đó là một quá trình chi tiết với sự cân nhắc kỹ lưỡng, bao gồm việc xem xét tất cả dữ kiện hiện có nhằm giảm thiểu rủi ro cho tổ chức.
Các công ty áp dụng văn hóa doanh nghiệp phân cấp sẽ chú trọng vào việc lập kế hoạch và đánh giá thận trọng các phương án khi hoạt động. Những yếu tố này giúp văn hóa phân cấp trở thành một loại hình văn hóa lý tưởng ở các công ty yêu cầu sự kỷ luật và bảo mật thông tin ở mức cao nhất.
Một số người cảm thấy hứng thú với văn hóa doanh nghiệp phân cấp vì tính minh bạch và rõ ràng của nó. Ví dụ, tất cả những gì một nhân viên cần làm là tuân theo các quy tắc, quy trình, hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Các nhà quản lý cũng ưa thích văn hóa doanh nghiệp phân cấp vì sự hiệu quả và năng suất khi kinh doanh.
Tuy nhiên, nhược điểm của những doanh nghiệp áp dụng loại hình văn hóa này là họ sẽ kém năng động hơn so với các công ty sở hữu loại hình văn hóa khác. Điều này khiến văn hóa doanh nghiệp phân cấp trở nên không phù hợp với những ngành kinh doanh yêu cầu sự đổi mới và sáng tạo.
4. Loại hình văn hóa doanh nghiệp sáng tạo
Đây là loại hình văn hóa doanh nghiệp cho phép tối đa sự sáng tạo. Mọi nhân viên đều được xem như những “ý tưởng gia” và được khuyến khích thử nghiệm càng nhiều càng tốt. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất chính là Google. Ngoài các dự án của công ty, Google còn khuyến khích nhân viên dành thời gian để thử nghiệm sáng kiến của riêng mình. Từ những chương trình như thế mà ngày nay chúng ta được trải nghiệm Gmail, Google Adsense hay Google News.
Một nền văn hóa doanh nghiệp như vậy rất hữu ích trong các ngành kinh doanh mà việc chấp nhận rủi ro được xem là cần thiết để đổi lấy những kết quả tích cực hơn, chẳng hạn như công nghệ hay quảng cáo.
Loại hình văn hóa doanh nghiệp sáng tạo tập trung vào sự phát triển nhanh chóng của công ty hoặc khi cần đưa ra các sản phẩm mới ra thị trường một cách nhanh chóng. Nhân viên ở những môi trường như thế thường có tư duy cầu tiến và sẵn sàng thất bại để có được kết quả tốt nhất. Việc tuân theo các quy tắc cứng nhắc sẽ nhường chỗ cho việc học hỏi từ sai lầm trong công việc.
Các doanh nghiệp được xây dựng dựa trên văn hóa doanh nghiệp sáng tạo có cơ hội nhận được những kết quả lớn rất nhiều so với những gì mà đối thủ có thể đạt được. Lý do là vì họ chấp nhận thử và đổi mới liên tục. Nhưng mặt khác, nguy cơ thất bại hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có phát kiến nào đủ mới lạ hay thuyết phục. Nhược điểm của loại hình văn hóa doanh nghiệp sáng tạo là tính cạnh tranh cao giữa đội ngũ nhân sự. Trong khi một số người ưa thử thách, một số khác lại cho việc phải liên tục đưa ra ý tưởng mới là sự căng thẳng không cần thiết.
5. Loại hình văn hóa doanh nghiệp cạnh tranh
Một loại hình thậm chí còn cạnh tranh gay gắt hơn văn hóa sáng tạo chính là văn hóa doanh nghiệp cạnh tranh. Mục tiêu của doanh nghiệp khi ứng dụng loại hình văn hóa này là thường là để khuyến khích nhân viên làm việc hăng say hơn, nhằm chiếm lĩnh thị trường và vượt qua đối thủ.
Khả năng lãnh đạo của nhóm quản lý được đo lường dựa trên lợi nhuận kinh doanh và thị phần mà anh ta tìm được. Mọi quyết định kinh doanh sẽ xoay quanh câu hỏi làm sao để công ty đạt được hai mục tiêu trên. Văn hóa doanh nghiệp cạnh tranh yêu cầu nhân viên phải cam kết chất lượng công việc trong mọi sản phẩm hay dịch vụ. Mặt khác, nhân viên sẽ được khích lệ bằng những khoản thưởng lớn từ phía công ty.
Vì các tổ chức ứng dụng loại hình văn hóa doanh nghiệp cạnh tranh thường sẽ thu hút những người có tính cạnh tranh cao, nên nhân viên sẽ luôn cố gắng để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Loại hình văn hóa doanh nghiệp này cũng tạo ra những cấp bậc quản lý phù hợp để nhân sự có thêm mục tiêu để hướng tới. Tuy nhiên, nhiều người làm việc ở môi trường này cho rằng, thành công của họ chỉ đơn thuần là vật chất và công việc của họ sẽ mất dần ý nghĩa theo thời gian.
6. Loại hình văn hóa doanh nghiệp lãnh đạo
Loại hình văn hóa doanh nghiệp lãnh đạo nhấn mạnh vào tầm quan trọng của khả năng lãnh đạo và cách công ty phát triển đội ngũ nhân sự của mình. Ở các doanh nghiệp ứng dụng loại hình văn hóa doanh nghiệp này, nhân viên sẽ có rất nhiều cơ hội được đào tạo và huấn luyện từ những mentor. Các nhà quản lý sẽ chủ động đầu tư và phát triển những nhân sự mà họ cảm thấy có tiềm năng lớn nhất, giúp nhân viên nhanh chóng đạt được những vị trí cao cấp hơn trong công ty.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, loại hình văn hóa doanh nghiệp lãnh đạo không cần quá nhiều cấp bậc để xây dựng. Điều quan trọng là nhân sự nhận được cơ hội phát triển kỹ năng lãnh đạo và sự nghiệp của bản thân.
7. Loại hình văn hóa doanh nghiệp vì khách hàng
Như tên gọi của mình, loại hình văn hóa doanh nghiệp này đặt sự hài lòng của khách hàng làm trung tâm. Đây là loại văn hóa doanh nghiệp sẽ chú trọng vào mục tiêu tập thể của công ty. Chúng ta có thể xây dựng tổ chức của mình dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp vì khách hàng ngay cả khi phần lớn nhân viên không thuộc đội ngũ bán hàng hay Customer Service. Điểm mấu chốt là tất cả cùng làm việc với mục tiêu mang lại trải nghiệm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình.
Ở các công ty áp dụng loại hình văn hóa này, nhân viên sẽ luôn nghĩ đến việc khách hàng sẽ tương tác với thương hiệu của mình ra sao. Họ nói gì về sản phẩm với người thân của mình. Họ viết gì trên những trang đánh giá… Doanh nghiệp cũng sẽ dành thời gian để quan tâm khách hàng hơn. Đội ngũ chăm sóc sẽ trực tổng đài 24/24 và thường trả lời tin nhắn nhanh nhất có thể. Các cuộc thăm dò mức độ hài lòng cũng rất phổ biến ở loại hình văn hóa vì khách hàng.
Để minh họa, Zappos chắc chắn là một trong những cái tên nổi bật nhất. Nhà sáng lập Tony Hsieh trong quyển sách “Deliver Happiness” (bản tiếng Việt: Tỷ Phú Bán Giày) đã chia sẻ cách ông cùng đội ngũ xây dựng Zappos thành một trong những thương hiệu được yêu mến nhất.
8. Loại hình văn hóa doanh nghiệp dựa trên vai trò
Trong loại hình văn hóa doanh nghiệp dựa trên vai trò, nhân viên sẽ trực tiếp quản lý và điều hành các dự án dựa trên chuyên môn hơn là vị trí của họ trong tổ chức. Công ty sẽ ít khi so sánh công việc này được thực hiện bởi một quản lý hay một nhân viên bình thường.
Để phát triển loại hình văn hóa doanh nghiệp dựa trên vai trò, công ty sẽ không cần quá nhiều nhân viên. Tuy nhiên, nhân sự cần phải được trang bị những kỹ năng cần thiết khi làm việc. Mỗi nhân viên sẽ là người duy nhất có khả năng hoàn thành tốt công việc của mình và thậm chí, người đó có thể là người giỏi nhất trong lĩnh vực mà họ đang làm. Loại hình văn hóa này trở nên hấp dẫn vì mức đãi ngộ mà nó mang lại cho những người có chuyên môn xuất sắc.
Nhưng rất khó để tham gia vào một môi trường như vậy nếu bạn là một người chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Ngược lại, công ty cũng sẽ gặp khó khăn khi vận hành nếu chẳng may một người nắm giữ vai trò quan trọng bất ngờ rút lui hoặc gặp sự cố ở giai đoạn quan trọng của dự án.
9. Loại hình văn hóa dựa trên tác vụ
Trong một vài trường hợp, văn hóa dựa trên tác vụ sẽ đối lập hoàn toàn với văn hóa dựa trên vai trò. Những thành viên trong nhóm sẽ cùng tìm ra vấn đề cần giải quyết, sắp xếp các công việc cần làm, sau đó phân công theo khả năng của từng người chứ không phải theo chức danh công việc. Một điểm tương đồng giữa hai loại hình văn hóa doanh nghiệp này chính là hệ thống cấp bậc có rất ít ảnh hưởng.
Loại hình văn hóa doanh nghiệp này đặc biệt phổ biến ở các công ty khởi nghiệp, nơi mà một vài nhân viên phải đảm nhận nhiều trách nhiệm khác nhau. Để hòa nhập được vào môi trường như thế, bạn cần có kiến thức tổng quát về công việc và khả năng thực hiện nhiều tác vụ cùng một lúc.
VI. Kết luận
Glints mong rằng những thông tin trong bài viết này hữu ích, giúp bạn xây dựng thành công văn hoá doanh nghiệp của mình. Qua đó, doanh nghiệp của bạn có thể xây dựng hình ảnh tích cực, giữ chân nhân tài, và thu hút những nhân tài chất lượng và tiềm năng.
Các bạn có thể truy cập vào Glints Blog để xem thêm những bài viết khác về chủ đề nhân sự và tuyển dụng.
Để nhận tất cả những thông tin và ưu đãi mới nhất từ Glints, bạn vui lòng đăng ký tham gia bản tin của Glints. Xin cám ơn.
Đăng ký nhận thông tin
Đăng ký để nhận những thông tin và kiến thức mới nhất trong ngành về Tuyển dụng, Phát triển doanh nghiệp và Quản trị nhân sự