Qua các nền văn hóa cổ xứ Thanh

Qua các nền văn hóa cổ xứ Thanh

Tự cổ chí kim, dường như, khi đưa ra nhận định về mảnh đất xứ Thanh, các học giả, sử gia, nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất rằng: Nơi đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “khả ái”, “đất thang mộc”, “vượng khí chung đúc”… Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất xứ Thanh qua các nền văn hóa cổ, mỗi người dân lại càng thêm thấm thía, tự hào về những trầm tích văn hóa – lịch sử lắng đọng, cái danh giá ngàn đời của quê hương.

Qua các nền văn hóa cổ xứ ThanhLàng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) – nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Thảo Linh

“Công xưởng nguyên thủy” – “Buổi bình minh loài người” trên mảnh đất xứ Thanh

Núi Đọ nằm bên bờ hữu ngạn sông Chu, nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Mã. Cuối năm 1960, núi Đọ được các nhà khảo cổ học Việt Nam cùng với Giáo sư P.I.Boriskovski phát hiện, nghiên cứu và chứng minh rằng, nơi đây đã tồn tại một nền văn hóa sơ kỳ thời đại đá cũ. Người nguyên thủy đã từng sinh sống ở núi Đọ, cách ngày nay khoảng 30 – 40 vạn năm. Đây là một trong những phát hiện lớn về khảo cổ học ở Việt Nam vào thập kỷ 60 (thế kỷ XX). Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các di vật bằng đá như: rìu tay, công cụ chặt thô, hạch đá, mảnh tước… mang dấu ấn kỹ thuật ghè đẽo thô sơ của con người thời nguyên thủy. Ở núi Đọ, mảnh tước chiếm đa số di vật mà người ta đã tìm thấy. Nghiên cứu những dấu vết kỹ thuật trên các mảnh tước núi Đọ, các học giả cho rằng người nguyên thủy ở núi Đọ đã dùng đá bazan ngay tại đây để chế tác các loại công cụ tại chỗ; vì vậy các nhà khảo cổ học đã gọi di tích núi Đọ là một di chỉ – “công xưởng nguyên thủy” trên đất xứ Thanh.

Cùng với núi Đọ, tại phức hệ Nuông – Quan Yên (Thanh Hóa) cũng đã tìm thấy nhiều di vật bằng đá, chứng tích về địa bàn quần tụ của người nguyên thủy trên mảnh đất xứ Thanh – nơi xuất hiện và chứng kiến buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nhìn nhận về vai trò, giá trị của các di chỉ này, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ viết: “Đó là những trang sử đá chứng minh người nguyên thủy tối cổ trên miền đất xứ Thanh từ người vượn – vượn người đứng thẳng lên bằng hai chân và bắt đầu làm ra công cụ kỹ thuật rìu đá đầu tiên từ những mảnh bazan để lao động sản xuất” (Tinh hoa văn hóa xứ Thanh, Nxb Thanh Hóa).

Hang Con Moong – bảo tàng về diễn tiến của các nền văn hóa thời đại đá

Hang Con Moong nằm trong dãy núi đá vôi của Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận xã Thành Yên (Thạch Thành). Đây là một trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hang có hình tang trống, hai cửa thông nhau, chiều dài 40m, chỗ rộng nhất lòng hang đạt 9m. Phần nền trước cửa hang tương đối bằng phẳng, lòng hang (mặt trên của tầng văn hóa khảo cổ) thấp hơn cửa. Cửa thứ hai có hướng Đông – Đông Nam, rộng 4m, vòm cửa cao 4m – 4,5m, trước cửa có nhiều khối đá lớn từ vòm rơi xuống và có một khoảng tương đối bằng phẳng, ánh sáng nhiều, nền hang khô ráo…

Theo tiếng địa phương, hang Con Moong có nghĩa là hang con thú. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều dấu tích về người tiền sử có thời gian tồn tại dài nhất và liên tục nhất ở Việt Nam (khoảng 60.000 năm). Hang chứa đựng 3 tầng văn hóa khác nhau với những di vật tiêu biểu đại diện cho 3 nền văn hóa ấy: lớp dưới cùng là những di vật tiêu biểu cho văn hóa Sơn Vi thuộc thời đại đá cũ; lớp giữa là những di vật mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình và lớp trên cùng là di vật tiêu biểu cho văn hóa Bắc Sơn thuộc thời đại đá mới. Từ 3 nền văn hóa ấy đã cho thấy bước chuyển nghìn năm của con người trên vùng đất này từ thời đại đá cũ (văn hóa Sơn Vi) qua văn hóa Hòa Bình sang thời đại đá mới (văn hóa Bắc Sơn).

Trong việc nghiên cứu các nền văn hóa từ hậu kỳ thời đại đá cũ đến sơ kỳ thời đại đá mới trong khoảng thời gian hàng ngàn, hàng vạn năm thì hang Con Moong (Thạch Thành) xứng đáng là “bảo tàng” về diễn tiến của các nền văn hóa thời đại đá ở Việt Nam. Xoay quanh lịch sử hình thành và phát triển cùng kết quả nghiên cứu các hiện vật tìm thấy ở đây, hang Con Moong đã kể lại câu chuyện hết sức lý thú về truyền thống cư trú trong hang, chế tác đá và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, thay đổi hành vi văn hóa của người xưa nhằm thích ứng với biến đổi, đòi hỏi của môi trường tự nhiên.

Hang Con Moong cùng với một số di tích phụ cận tại khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương đã cho thấy cuộc di cư vĩ đại của cư dân nơi đây khoảng sau 7.000 năm trước Công nguyên. Họ đã vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ trước núi để từ đó, bằng bàn tay khối óc, sức lao động, sáng tạo từng bước tạo dựng nên bộ mặt văn hóa mới – văn hóa Đa Bút. Với ý nghĩa quan trọng ấy, hang Con Moong cùng với một số di tích phụ cận được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015.

Rực rỡ nền văn hóa – văn minh Đông Sơn

Những hiểu biết về nền văn hóa Đông Sơn xuất phát từ việc một người dân sinh sống ở ngôi làng Đông Sơn tình cờ tìm thấy một số hiện vật làm bằng đồng bên bờ hữu ngạn sông Mã. Sau đó, các hiện vật này được một viên chức thuế quan Pháp chuyên săn lùng đồ cổ là L.Pajot mua lại. Năm 1929, những hiện vật ấy được học giả người Pháp V.Golubew công bố trên toàn thế giới. Kể từ đó, tên của ngôi làng nhỏ ở xứ Thanh – nơi đầu tiên phát hiện ra những dấu tích của nền văn hóa này đã trở thành tên của cả một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2.000 – 3.000 năm, thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ – mốc thời gian ra đời Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Có thể nói, trong số các nền văn hóa cổ được phát hiện trên đất Việt Nam, văn hóa Đông Sơn là một trong những nền văn hóa tiêu biểu nhất, thu hút đông đảo sự quan tâm của giới khảo cổ, nghiên cứu văn hóa – lịch sử.

Những hiện vật thu thập được từ các cuộc điều tra, thám sát, khai quật hàng loạt các di chỉ phân bố rộng khắp trên các vùng miền, tập trung rõ nét ở dọc đôi bờ hai con sông lớn là sông Mã, sông Chu thuộc nền văn hóa này như: di chỉ cư trú, khu mộ táng, các loại công xưởng… đã khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn trên đất xứ Thanh nói riêng, Việt Nam nói chung và cả khu vực Đông Nam Á. Trong đó, hiện vật tiêu biểu, ghi dấu ấn sâu đậm cho nền văn hóa này là trống đồng. Với những đường nét, hoa văn chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ, trống đồng Đông Sơn mô tả khá phong phú các sinh hoạt văn hóa của cư dân lúc bấy giờ. Đồng thời cho thấy, cư dân thuộc nền văn hóa Đông Sơn đã tinh tế, nhạy cảm như thế nào trong cách cảm nhận cuộc sống và tài hoa trong cách biểu đạt cảm xúc, thẩm mỹ của mình. Âm vang trống đồng vang vang trong những đêm hội tưng bừng. Âm vang trống đồng hào hùng thúc giục, hiệu triệu lòng quân sẵn sàng xông pha trận mạc với lòng yêu nước nồng nàn… Cho đến ngày hôm nay và có lẽ mãi muôn đời sau, âm vang ấy vẫn vang vọng như hồn thiêng sông núi, lưu truyền trong tâm thức các thế hệ “con Lạc, cháu Hồng” qua sức sống bền bỉ của nghề và làng nghề đúc đồng truyền thống, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng… “Người Việt cổ đã có thời làm chủ một cuộc sống huy hoàng với văn hóa Đông Sơn, với các Vua Hùng. Di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã chứng tỏ tài năng xuất chúng về phát minh và đúc trống đồng văn minh hơn Âu châu ngang thời của người Việt cổ” – GS sử học Phạm Huy Thông sâu sắc nhận định.

Ngoài trống đồng Đông Sơn, sự khác nhau về hoa văn, họa tiết trang trí trên các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, đồ trang sức thuộc nền văn hóa này cũng phần nào cho thấy một xã hội phức tạp trên cơ sở các đại gia đình, các dòng họ trong cộng đồng làng xã đã có sự định cư ổn định.

Đi qua các nền văn hóa cổ xứ Thanh để một lần nữa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mạch nguồn văn hóa – lịch sử quê hương. Từ núi Đọ – sơ kỳ đồ đá cũ, trải qua các nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút, Đông Khối, Quỳ Chử, Đông Sơn… Xứ Thanh đã vinh dự, tự hào chứng kiến buổi bình minh của loài người, là quê hương trống đồng Đông Sơn, “cái nôi” của nền văn hóa – văn minh rực rỡ. Xuyên suốt hành trình ấy, tổ tiên chúng ta đã không ngừng nỗ lực, hăng say lao động sản xuất, sáng tạo, nhạy bén thích ứng, từng bước chinh phục tự nhiên, cải thiện đời sống, cắm dấu mốc, hình thành nên những nền văn hóa – văn minh đặc sắc trong lịch sử. Các nền văn hóa hình thành, phát triển, tỏa sáng đóng góp vào tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Tự hào về bề dày văn hóa – lịch sử ấy, ngày nay, các thế hệ người xứ Thanh luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn đức, luyện tài, xây dựng quê hương, đất nước, từng bước đưa Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.

Thảo Linh

(*). Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn: “Địa chí Thanh Hóa”, tập II; “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” – Hoàng Tuấn Phổ.