Quá trình cải cách nền công vụ của Cộng hòa Nam Phi
Mục lục bài viết
Quá trình cải cách nền công vụ của Cộng hòa Nam Phi
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Nam Phi, ngày 20/6/2019. Nguồn: TTXVN
Khái quát về Cộng hòa Nam Phi
Cộng hòa Nam Phi là quốc gia nằm ở phía Nam của châu Phi, là nơi giao nhau giữa hai dòng chảy Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương(1). Trước năm 1994, Nam Phi là một quốc gia với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai, chính quyền do người da trắng nắm giữ và thực hiện chế độ hà khắc với những người không phải là da trắng. Từ khi Tổng thống Nelson Mandela lên nắm quyền vào năm 1994, ông đã đặt nền móng cho Nam Phi trở thành một quốc gia dân chủ, người dân dù bất kỳ màu da nào cũng được thực hiện quyền công dân của một đất nước dân chủ là lựa chọn và bầu cử ra đảng lãnh đạo trong nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền (quy định tại Hiến pháp Cộng hòa Nam Phi năm 1996).
Hiện nay, Cộng hòa Nam Phi là một quốc gia dân chủ hợp hiến với hệ thống Chính phủ ba cấp và cơ quan tư pháp độc lập. Chính quyền quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương đều có quyền lập pháp và hành pháp trong các lĩnh vực riêng và được xác định trong Hiến pháp là khác biệt, phụ thuộc lẫn nhau và có liên quan đến nhau. Chính phủ Nam Phi là một thể hợp nhất của hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lãnh đạo của các cơ quan hành chính ở cấp tỉnh cũng như cấp Trung ương hầu hết có yếu tố dòng dõi lãnh đạo bộ tộc. Hiến pháp năm 1996 của Cộng hòa Nam Phi khẳng định quốc gia được điều hành trên một nền quản trị hợp tác giữa các chủng người, tự do, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, giới tính, dân chủ và thống nhất.
Cộng hòa Nam Phi có 09 tỉnh, cấp dưới tỉnh là tám đại đô thị (Cape Town là thủ đô lập pháp, Pretoria là thủ đô hành pháp, Bloemfontein là thủ đô tư pháp, cùng các đại đô thị Port Elizabeth, East London, Johannesburg, East Rand, Durban), dưới cấp tỉnh có 44 quận, huyện và 205 đơn vị cấp dưới quận, huyện. Các nhiệm vụ chủ yếu tập trung ở những cấp này là phát triển kinh tế địa phương, cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Các địa phương được tổ chức và thực thi công vụ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1997 và Luật Cấu trúc Thành phố năm 1998. Theo Hiến pháp, Tổng thống là người điều hành bộ máy hành pháp, được bầu ra theo đa số phiếu của Nghị viện, là người đứng đầu nhà nước, đồng thời cũng là Chủ tịch của Đảng cầm quyền. Tổng thống là người đứng đầu Nội các và nền công vụ của Cộng hòa Nam Phi. Mọi hoạt động của nền công vụ đều phải dựa trên các quy định của Hiến pháp và Luật Công vụ năm 1994.
Điều 196, Khoản 4 Hiến pháp năm 1996 Cộng hòa Nam Phi quy định: Ủy ban Công vụ (PSC), là cơ quan thuộc Quốc hội và hoạt động với chức năng chính là giám sát, chịu trách nhiệm đánh giá những thành tựu hay thiếu sót trong các chương trình hoạt động của Chính phủ, đồng thời có nghĩa vụ thúc đẩy các biện pháp nhằm đảm bảo các hoạt động trong nền công vụ có hiệu lực và hiệu quả. PSC không những chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Quốc hội mà các nhánh của PSC tại địa phương cũng chịu trách nhiệm báo cáo với cơ quan dân cử của mỗi tỉnh. PSC gồm 14 ủy viên, đứng đầu là chủ tịch ủy ban và có 05 ủy viên làm việc tại Thủ đô hành pháp Pretoria, số còn lại là đại diện cho mỗi tỉnh. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức của PSC gồm 05 đơn vị cấu thành phụ trách: giám sát và đánh giá, công tác lãnh đạo và quản lý, liêm chính và chống tham nhũng, công tác quản lý con người, tài chính. Chịu trách nhiệm chung cho 05 đơn vị này là tổng vụ trưởng, mỗi đơn vị có một phó tổng vụ trưởng phụ trách chuyên môn.
Quá trình xây dựng nền công vụ của Cộng hòa Nam Phi
Năm 2019 đánh dấu bước ngoặt lớn của nền công vụ Cộng hòa Nam Phi trong việc tinh gọn bộ máy hành chính cồng kềnh và được coi là nội các có số lượng thành viên lớn nhất thế giới. Trước thời điểm bầu cử tháng 5/2019, số lượng bộ trưởng là 36 người, sau khi cải tổ giảm còn 28 người. Lần đầu tiên trong lịch sử công vụ Nam Phi, giới tính giữa các thành viên nội các có sự cân bằng. Hiện tại, tổng số thành viên nội các là 64 người, bao gồm Tổng thống, Phó Tổng thống, 28 bộ trưởng và 34 thứ trưởng. Mỗi bộ chỉ được phép có 01 thứ trưởng (ngoại lệ có Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế; Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh có 02 thứ trưởng). Ngoài ra, trong cơ cấu tổ chức của mỗi bộ, ngành đều có 01 vị trí là tổng vụ trưởng, thường được xếp sau thứ trưởng. Người được bổ nhiệm vào vị trí tổng vụ trưởng thường có chuyên môn rất sâu về ngành, lĩnh vực mà mình công tác, họ thường có thâm niên công tác lâu năm tại bộ, có nhiệm vụ quản lý chung các hoạt động nội bộ của bộ và chịu trách nhiệm trực tiếp với bộ trưởng của bộ đó. Đáng chú ý là các thứ trưởng cũng là thành viên của nội các.
Điểm mới của nhiệm kỳ Chính phủ Cộng hòa Nam Phi từ năm 2019 là việc Tổng thống thành lập một nhóm có tên gọi “Thường trực Nội các” gồm 05 thành viên chủ chốt: Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng về kế hoạch, giám sát và đánh giá hoặc hành chính, Bộ trưởng về phụ nữ và Thứ trưởng về quy hoạch, giám sát và đánh giá. Các thành viên Thường trực nội các có những chức năng và nhiệm vụ chính như: hỗ trợ thực thi các hoạt động trong hệ thống hành chính và đảm bảo tổng thể nội các và các thành viên nội các thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tối ưu nhất, đồng thời tạo điều kiện trong việc quản lý các quá trình ra quyết định của nội các; có một ban tham mưu điều phối chính sách gồm một phó tổng vụ trưởng và 05 vụ trưởng nhằm hỗ trợ các quy trình chính sách được xây dựng bởi nhóm các tổng vụ trưởng (tương ứng với 05 vụ trưởng kể trên) của các bộ; một ban pháp lý và điều hành có chức năng tham mưu cho Tổng thống, Phó Tổng thống, các bộ trưởng và Thường trực Nội các.
Việc tái cấu trúc các cơ quan của chính quyền trung ương của Cộng hòa Nam Phi trong nhiệm kỳ thứ VI (2019-2024) đã cắt giảm với số lượng 05 cơ quan bộ, chủ yếu là sáp nhập và chuyển giao các chức năng với nhau. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá được sáp nhập với Bộ Phát triển Nông thôn và Cải cách Đất đai thành bộ mới là Bộ Nông nghiệp, Cải cách Đất đai và Phát triển Nông thôn; Bộ Truyền thông và Bộ Viễn thông và Dịch vụ Bưu chính sáp nhập thành Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số; Bộ Tài nguyên Khoáng sản và Bộ Năng lượng được hợp nhất thành là Bộ Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng; Bộ Thể thao và Giải trí và Bộ Nghệ thuật và Văn hóa hợp nhất thành Bộ Thể thao, Nghệ thuật và Văn hóa; Bộ Phát triển Kinh tế sáp nhập với Bộ Thương mại và Công nghiệp thành Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh. Tuy nhiên, số lượng bộ trưởng giảm không có nghĩa là các cơ quan bộ, ngành cũng giảm theo mà chỉ thay đổi một số cấu trúc trong hệ thống các cơ quan này. Ở Cộng hòa Nam Phi, một bộ trưởng có thể là lãnh đạo của nhiều bộ cùng lúc. Ví dụ: Bộ trưởng về Giáo dục Đại học, Khoa học và Công nghệ là lãnh đạo của Bộ Giáo dục Đại học và Đào tạo và Bộ Khoa học và Đổi mới, hoặc Bộ trưởng về quản trị và truyền thống là lãnh đạo của Bộ Quản trị và Hợp tác và Bộ Các vấn đề Truyền thống…
Các Bộ, ngành của Nam Phi trong nhiệm kỳ mới này chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến những khó khăn và vướng mắc trong nhiệm kỳ trước, mà nổi lên là nền kinh tế kiệt quệ, đồng tiền quốc gia bị mất giá nghiêm trọng, tệ nạn tham nhũng toàn hệ thống công vụ và quá nhiều vị trí bộ trưởng, thứ trưởng trong nội các đã đè nặng lên ngân sách của quốc gia. Tuy chưa thể đưa ra những đánh giá khách quan về việc tái cấu trúc bộ máy của chính quyền trung ương Nam Phi, nhưng nhiều tổ chức trên thế giới đã nhìn nhận dưới góc độ vĩ mô rằng, đây là động thái tích cực và có chiều hướng cải tiến. Điều này thể hiện ở giá trị của đồng rand có dấu hiệu tăng trở lại ngay sau khi tân Tổng thống Ramaphosa nhậm chức và đưa ra tuyên bố cải tổ nội các với hàng loạt thay đổi kể trên.
Nền công vụ của Cộng hòa Nam Phi hoạt động theo mô hình vị trí việc làm, nên công tác tuyển dụng trong các cơ quan trung ương và địa phương được triển khai theo hình thức thông báo từng vị trí cần tuyển rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Với những vị trí quản lý cấp cao cần tuyển, thông tin tuyển dụng được công bố rộng rãi trên toàn quốc theo yêu cầu mở để thu hút nhân sự cả trong và ngoài nền công vụ. Theo quy định hiện hành, Bộ Công vụ và Hành chính (DPSA) chịu trách nhiệm định kỳ hàng tuần ban hành thông báo về tuyển dụng công vụ, trong đó có thông tin về các vị trí công việc và cả vị trí quản lý cần được tuyển ở các bộ, địa phương. Về cơ bản, các bộ và địa phương có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin công khai về vị trí công việc, mức lương, các yêu cầu tiêu chuẩn cho vị trí cần tuyển, bảng mô tả nhiệm vụ và một số yêu cầu khác. Bất cứ ai có nguyện vọng làm việc trong hệ thống công vụ cần liên hệ trước với cơ quan tuyển dụng để biết bản thân có phù hợp và được phép ứng tuyển hay không(2). Một số cơ quan tuyển dụng như Bộ Quốc phòng có thể yêu cầu các ứng viên phải kiểm tra sức khỏe trước khi xem xét đơn đăng ký dự tuyển.
Các bước tuyển dụng được tiến hành như sau: 1) Ứng viên dự tuyển truy cập website của DPSA hoặc bất cứ website chính thức của bộ, ngành hay địa phương nào để tải mẫu Z83 (đơn xin việc theo mẫu của Chính phủ); sau đó gửi sơ yếu lý lịch và bản sao các văn bằng chứng chỉ giáo dục, bản sao căn cước công dân và bản sao một số giấy tờ khác theo yêu cầu tuyển dụng về địa chỉ theo chỉ định của cơ quan tuyển dụng; 2) Cơ quan tuyển dụng tiến hành sàng lọc hồ sơ theo hai vòng nhằm chọn lọc ra những ứng viên phù hợp nhất; 3) Các ứng viên được lựa chọn sẽ chính thức dự thi viết và thi phỏng vấn; đối với ứng viên ứng tuyển vào các vị trí quản lý sẽ phải thuyết trình trước hội đồng phỏng vấn, đồng thời phải đạt được yêu cầu trong bài thi viết. Thông thường, để lựa chọn người phù hợp, cơ quan tuyển dụng sử dụng từ một đến nhiều phương pháp trong bảy phương pháp sau: phỏng vấn; kiểm tra tâm lý; mô phỏng trong giỏ (xử lý các công việc tồn đọng sau thời gian vắng mặt); thi viết; xem xét các thành tựu đã có; đánh giá trọng tâm; tham khảo chéo với người giới thiệu (khai trong mẫu Z83). Trên thực tế, các cơ quan tuyển dụng sử dụng phương pháp phỏng vấn nhiều nhất để tiến hành ở bước này nhằm rút ngắn thời gian và công sức. Một cuộc phỏng vấn nhằm đánh giá ứng viên với nội dung kiểm tra kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm (nếu có), thái độ và hành vi ứng xử. Điểm của ứng viên trong phần thi cuối này được chấm theo bảng ma trận điểm (scoring matrix) với những mức chấm điểm tương ứng với yêu cầu theo bảng mô tả công việc đã được đăng trong thông tư tuyển dụng; 4) Công bố kết quả và gửi kết quả tới tất cả các ứng viên gửi hồ sơ, kể cả những ứng viên không đạt cũng được nhận thư báo. Ví dụ, tại thời điểm xây dựng bài viết này, vị trí Tổng Vụ trưởng của Bộ Thể thao, Nghệ thuật và Văn hóa đang khuyết và cần tuyển dụng. Đây là vị trí điều hành cao nhất trong một bộ, chịu trách nhiệm lãnh đạo và quản lý tổng thể và xây dựng định hướng chiến lược hoạt động của bộ này. Theo bảng mô tả vị trí việc làm, vị trí này có hợp đồng làm việc 05 năm với tổng thu nhập hàng năm là 1.570.254 ZAR(3) cùng yêu cầu cụ thể: bằng đại học có liên quan đến ngành văn hóa, thể thao, nghệ thuật; có bằng sau đại học về khoa học xã hội sẽ là lợi thế; có ít nhất 12 năm kinh nghiệm ở vị trí lãnh đạo và quản lý cấp cao; có hiểu biết rộng về ngành; hiểu sâu hệ thống luật, chính sách, và chương trình hành động quốc gia; có kỹ năng tốt về quản lý tài chính và nhân sự; có khả năng khơi nguồn cảm hứng cho cấp dưới và giao tiếp hiệu quả trong nhiều tình huống thực tế; có kiến thức và kỹ năng quản lý những thay đổi; có kiến thức về quản lý dự án và đổi mới sáng tạo cung ứng dịch vụ; kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề; có khả năng định hướng và tập trung khối khách hàng; có khả năng xây dựng chiến lược và lãnh đạo; kỹ năng giao tiếp tốt và kết nối cá nhân linh hoạt.
Bên cạnh đó, bảng mô tả cũng đưa ra nhiều yêu cầu về khả năng đáp ứng trong công việc của lĩnh vực và vị trí cần tuyển. Các ứng viên dự tuyển buộc phải khai báo về tình trạng xung đột lợi ích của cá nhân hiện có. Đối với ứng viên trúng tuyển, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí này sẽ phải trải qua bài kiểm tra đánh giá năng lực chi tiết của Chính phủ, đồng thời hàng năm phải công khai các nguồn thu tài chính. Có thể thấy, theo mô hình này, những vị trí quản lý cấp cao cũng đều được tạo ra cơ hội cho tất cả những ai có nguyện vọng được làm trong nền công vụ, bất kể đó là người đang làm trong khu vực tư hay công. Với hệ thống vị trí việc làm, Cộng hòa Nam Phi đã xác định từng vị trí công việc cụ thể trong nền công vụ, đồng thời công khai nội dung công việc, thù lao đối với từng vị trí để hướng đến một nền công vụ liêm chính và hiện đại.
ThS. Mai Anh Duy, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
Nguồn: tcnn.vn
——————-
Ghi chú:
(1) Trên thực tế, các nhà khoa học đã đo đạc và tính toán vị trí địa lý cũng như kênh độ, vĩ độ và đưa ra kết luận mũi Agulhas mới là mũi cực Nam của châu Phi, đồng thời cũng chính là điểm giao nhau giữa hai dòng chảy của Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Mũi Agulhas nằm ở thị trấn Agulhas, tỉnh Western Cape của Nam Phi.
(2) Ở Cộng hòa Nam Phi, tình trạng giả mạo danh tính và lừa đảo rất phổ biến, các cơ quan tuyển dụng phải kiểm soát chặt chẽ nhân sự trước khi quyết định cho phép ứng tuyển.
(3) Khoảng 2.235.000.000vnđ, tỷ giá 1 ZAR = 1.423 VNĐ ngày 16/8/2022.