Quận Thanh Xuân: 72.491 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”
Theo báo cáo, năm 2022, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và quận, phong trào”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quận Thanh Xuân được triển khai đồng bộ, có hiệu quả từ quận tới cơ sở.
Các tiêu chuẩn xây dựng Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa,…; thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội theo nếp sống văn hóa có nội dung phù hợp, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp và tạo chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực.
Ông Đặng Khánh Hòa – Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào quận trao tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022
Năm 2022, 65.334/72.491 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trên tổng số hộ gia đình, tỷ lệ 90,1% (đạt và vượt 2 % so với chỉ tiêu Thành phố giao và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VI đề ra); công nhận 205/231 tổ dân phố đạt”Tổ dân phố văn hóa”, tỷ lệ 88,7% (đạt và vượt 13,7% so với chỉ tiêu Thành phố giao và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VI đề ra).
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò trong từng lĩnh vực, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thực hiện. Công tác đăng ký, bình xét, công nhận các mô hình văn hóa được thực hiện đảm bảo đúng quy trình.
Đặc biệt, tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” năm 2022 được triển khai bài bản; được sự quan tâm lãnh đạo của các ủy Đảng, UBND 11 phường và hệ thống chính trị khu dân cư, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận cao, tham gia tích cực của Nhân dân trên địa bàn. Kết quả, 14 tổ dân phố/11 phường đạt danh hiệu mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” năm 2022; duy trì đối với 69/71 Tổ dân phố văn hóa “5 không” từ năm 2019-2021.
Có thể khẳng định, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quản lý đô thị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, làm chuyển biến tích cực nhận thức của người dân trong ý thức chấp hành pháp luật, các quy định, quy chế, quy ước dân chủ ở cơ sở; góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, cũng như xây dựng hệ thống chính trị từ Quận tới cơ sở vững mạnh. Tạo được sự gắn kết quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hoá, xã hội với phát triển kinh tế, phát triển đô thị của Quận.
Cùng với đó, đổi mới các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị về tác động lâu dài và sự cần thiết của phong trào; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Đưa mục tiêu, nội dung thực hiện phong trào vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Phân công rõ người, rõ việc, gắn trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các thành viên Ban Chỉ đạo quận chủ động tham mưu, cụ thể hóa nội dung của phong trào cho cấp ủy Đảng, chính quyền; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào.
Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở (Nhà văn hoá phường/nhà sinh hoạt cộng đồng; thư viện; vườn hoa, sân chơi, dụng cụ thể thao ngoài trời,… bằng nguồn ngân sách quận và huy động xã hội hóa.
Ngoài ra, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa thông tin quận/phường. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, biểu dương khen thưởng kịp thời các gương điển hình trong quá trình triển khai phong trào; đồng thời phê phán các biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến phong trào.