Quận Thanh Xuân (Hà Nội): Phá Nhà văn hóa để giao đất cho doanh nghiệp làm dự án
BVCL – Để thực hiện Dự án Tòa nhà hỗn hợp tại khu “Tam giác điện tử”, UBND quận Thanh Xuân đã đồng ý cho phá dỡ Nhà văn hóa Khu dân cư Nam Thăng Long II thuộc phường Nhân Chính. Đã hơn 8 năm kể từ khi Nhà văn hóa bị “đập”, dự án này vẫn chưa thể thực hiện, còn người dân thì không còn chỗ để sinh hoạt văn hóa.
Sau 8 năm, dự án Tòa nhà hỗn hợp tại khu “Tam giác điện tử” vẫn chưa thể thực hiện.
Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê, dịch vụ công cộng và nhà ở, với quy mô 30 tầng được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo quyết định số 5091/QĐ-UBND ngày 6/01/2012, tại lô đất “Tam giác điện tử” (ngã tư đường Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến) thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Để thực hiện dự án, UBND quận Thanh Xuân cho thu hồi 2 loại đất là đất công (Nhà văn hóa Khu dân cư Nam Thăng Long II do Trung tâm Phát triển Quỹ nhà đất quản lý) và đất của 27 hộ gia đình đã xây nhà ở ổn định nhiều năm.
Để thực hiện dự án, ngày 31/7/2013, UBND quận Thanh Xuân đã tiến hành cưỡng chế, “đánh sập” toàn bộ các công trình xây dựng ở khu vực nêu trên để tạo điều kiện chủ đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, nhiều người dân thắc mắc, là dự án thương mại nhưng việc thu hồi đất lại được thực hiện “chớp nhoáng”, bỏ qua nhiều quy trình, thủ tục.
Ông Đỗ Xuân Thịnh – Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc Khu dân cư Nam Thăng Long II (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), đại diện cho người dân thuộc 6 tổ dân phố cho biết, ông không đồng tình với quyết định phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao Nhà văn hóa Khu Nam Thăng Long II, bởi đây là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị của gần 2.000 người dân. Hơn nữa, theo Quyết định ngày 17/2/2012 của UBND quận Thanh Xuân, việc chủ đầu tư chỉ bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đầy 500 triệu đồng cho UBND phường Nhân Chính tại khu đất 625m2 là cái giá… không tưởng. Ngoài ra, các cấp chính quyền quận Thanh Xuân, chủ đầu tư khi thực hiện việc giải phóng mặt bằng đã không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục, trong đó có việc không lấy ý kiến của người dân.
Ngày 18/1/2011, ông Đào Sỹ Hảo, bất ngờ nhận được Thông báo số 06 của UBND quận Thanh Xuân về việc triển khai thủ tục thu hồi đất để thực hiện dự án toà nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê dịch vụ công cộng và nhà ở tại “Tam giác điện tử”. Có nghĩa là khi “sự đã rồi”, người dân mới biết có dự án, ông Thịnh chia sẻ.
Cũng theo ông Thịnh, trước đây khu vực Nhà văn hóa vốn là vùng trũng, UBND phường Nhân Chính tiến hành đổ đất, san nền và cuối năm 2002 xây dựng xong Nhà văn hóa. Thời điểm trước khi bị chính quyền thu hồi và phá dỡ, Nhà văn hóa đang phát huy tốt vai trò là nơi hội họp, tập thể thao, tập văn nghệ… của quần chúng nhân dân.
Ông Thịnh còn cho rằng, hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng dự án Tòa nhà hỗn hợp. Song ông đề nghị chính quyền phải bố trí vị trí đất khác xây dựng Nhà văn hóa cho nhân dân hội họp, sinh hoạt văn hóa; đồng thời phải minh bạch việc thực hiện dự án để người dân biết.
Việc công trình Nhà văn hóa Khu dân cư Nam Thăng Long II đã bị chính quyền UBND quận Thanh Xuân cho san phẳng chỉ trong nửa ngày tạo sự nghi ngờ lớn cho người dân bởi nhiều điều chưa minh bạch. Không chỉ thu hồi và phá dỡ tài sản thuộc Nhà văn hóa, UBND quận Thanh Xuân còn cho thu hồi và phá dỡ toàn bộ diện tích đất của các hộ dân còn lại đang sử dụng.
Như vậy, dù không được sự đồng thuận của người dân theo Pháp lệnh dân chủ cơ sở, nhưng nhà Văn hóa của bà con trong tổ dân phố vẫn bị xóa bỏ, không có địa điểm để sinh hoạt cộng đồng, còn người dân trong cảnh mất nhà, mất cửa. Điều mà người dân phường Nhân Chính bức xúc nhất kể từ khi thu hồi và phá dỡ Nhà Văn hóa đến nay, toàn bộ diện tích đất thuộc dự án vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm gây lãng phí và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Qua vụ việc nêu trên, nhiều người dân cho rằng, từ tên gọi của dự án là tòa nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê, dịch vụ công cộng và nhà ở, đã bộc lộ rõ tính thương mại, chứ không phải là một công trình quốc phòng hay công ích. Vậy, tại sao chủ đầu tư lại thiếu sự bàn bạc với những hộ dân bị mất đất, mất nhà; không tiến hành các thủ tục thu hồi, đấu giá rồi giao đất cho doanh nghiệp theo quy định?
Đến thời điểm này đã hơn 8 năm trôi qua nhưng các cơ quan chức năng UBND TP. Hà Nội, UNND quận Thanh Xuân và chủ đầu tư vẫn không hề có kết luận chính thức về việc cá nhân nào mắc sai phạm và phải xử lý sai phạm như thế nào? Sau khi bị thu hồi, ai chịu trách nhiệm cấp đất này cho dự án? Các hộ dân rất cần các cơ quan chức năng của thành phố trực tiếp chỉ đạo, giải quyết đúng đắn, bảo vệ quyền lợi của họ.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.