Quan hệ giữa cũ – mới, giữa xưa – nay trong văn hoá

Năm 1947, trong tác phẩm “ĐỜI SỐNG MỚI”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đời sống mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm… Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”. (1)

leftcenterrightdel

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tháng 11 năm 1946. (Ảnh tư liệu) 

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã bền bỉ sáng tạo, xây dựng và phát triển nền văn hóa đa dạng, phong phú trên cơ sở kế thừa những nét tiến bộ, thể hiện rõ lẽ sống, đạo lý, bản lĩnh của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Những nhà Việt Nam học trên thế giới qua nghiên cứu đặc điểm nền văn hóa nước ta, đã rất chú ý đến những câu châm ngôn, ca dao… của ông cha ta được đúc kết từ thực tiễn lâu đời, cho đến hôm nay vẫn lưu truyền và trở thành phương châm hành động trong đời sống hằng ngày. Ví như, nói về quan hệ dựng nước và giữ nước: “Làng còn thì nước còn”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; về đạo lý biết ơn cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng mình khôn lớn: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; về lối sống đùm bọc nghĩa tình giữa người với người: “tắt lửa tối đèn có nhau”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”; về sự thủy chung làm nên sức mạnh vô song: “thuận vợ thuận chồng, biển Đông tát cạn”; về sự nhân văn, độ lượng với những ai từng là kẻ thù, nhưng biết sám hối: “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”, vv và vv. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống kẻ thù lộ mặt, mưu toan xâm lược nước ta, từ ngày Đảng ra đời, cũng như thành công bước đầu của cuộc chiến chống kẻ thù giấu mặt – giặc COVID-19 – là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh trường tồn của văn hóa, một trong những nhân tố quyết định thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta. Chính vị tướng Mắc-na-ma-ra, “kiến trúc sư” của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” khi về hưu viết hồi ký về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, đã tự lý giải một trong ba nguyên nhân quan trọng khiến nước Mỹ bại trận, là do những người lãnh đạo nước Mỹ chưa hiểu rõ cội nguồn và sức mạnh nền văn hóa Việt Nam!

Chúng ta đều biết, chỉ sau hơn một năm lập nước, ngày 24/11/1946 diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chủ trì. Tư tưởng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” đã thể hiện rõ trong toàn bài nói chuyện của Người. Chỉ sau 1 năm 8 tháng, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2, ngày 15/7/1948, trong thư gửi Hội nghị, Bác Hồ lại khẳng định sức mạnh của văn hóa: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng… Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải phải nêu ra những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta cho thế giới. Các nhà văn hóa phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bấy giờ mà còn để lưu truyền lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế.”(2)

Như vậy, với tầm nhìn chiến lược, Bác căn dặn những người làm văn hóa phải chú ý cả văn hóa đối nội và văn hóa đối ngoại, phải chú ý làm cái hôm nay để lại cho mai sau con cháu ta biết và phát huy những điều tốt đẹp của ông cha, góp sức giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, khí phách quật cường, tinh thần quả cảm, sáng tạo để xây dựng đất nước vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, nhanh chóng sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Ở đây có điều mới thú vị là, trong bộn bề cam go của cuộc chiến đấu chống thù trong giặc ngoài, Bác Hồ đã lưu tâm nhắc nhở phải coi trọng công tác tuyên truyền văn hóa đối ngoại để bạn bè thế giới hiểu và đồng tình ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta – mà thông qua văn hóa, thế giới cảm nhận được Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng kẻ thù “buộc ta ôm cây súng” để giành và giữ độc lập, tự do. Có ai ngờ sau 20 năm thua trận (30/4/1975), Tổng thống Mỹ Bill Clintơn chủ động tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, xóa bỏ bao vây, cấm vận. 5 năm sau đó, ông là vị tổng thống của một cường quốc cựu thù đã vui vẻ sang thăm Việt Nam. Trong lịch trình chuyến thăm, ông đã đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của nước ta được thành lập trước sự ra đời của nước Mỹ hơn 7 thế kỷ. Trong diễn văn tại tiệc chiêu đãi, ông ta trích một câu Kiều: “Sen tàn, cúc lại nở hoa/Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân”. 15 năm sau đó, chính phủ Mỹ mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ. Và cũng trong tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng chào mừng Tổng Bí thư ta, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden lại đọc câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”. Rõ ràng văn hóa Việt Nam đã là cầu nối của hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Đạo lý, lẽ sống của dân tộc ta hình thành từ ngàn năm vẫn luôn mới, không hề cũ; cái giá trị của một tác phẩm văn học cách đây hơn hai trăm năm vẫn toả sáng trên thế giới, đã và đang là “điểm tựa” tốt đẹp cho hiện tại và tương lai trong quan hệ nước ta với nhiều quốc gia.

leftcenterrightdel

Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. (Hội thảo khoa học “Hệ giá trị Quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, diễn ra ngày 29/11/2022). (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)

Những thành tựu của văn hóa Việt Nam từ ngày đổi mới đất nước đến nay là kết quả của quá trình Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa hôm xưa và hôm nay, giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và thời đại, giữa kế thừa và phát triển… Cùng với những thành tựu to lớn đó, chúng ta nghiêm túc nhìn lại chặng đường đã qua với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, theo tôi, cần giải quyết tập trung sức óc và trí tuệ thực hiện tốt mấy yêu cầu cấp bách sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy nhìn nhận về nguyên nhân thực trạng văn hóa vừa qua, đã và đang xuất hiện những điều bức xúc, bất cập. Phải chăng có biểu hiện “tiền hậu bất nhất” trong xử lý các hoạt động văn hóa, như trong những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ 20, ở không ít nơi có biểu hiện xóa bỏ ào ạt cái cũ (mà điển hình là phá dỡ một số đình, chùa; không chú ý phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống…) Từ ngày có hai nghị quyết số 03 và số 33 về văn hóa, thì một số nơi lại núp dưới khẩu hiệu “đổi mới” cho phục hồi hàng loạt các lễ hội (hiện cả nước có hơn 8.000 lễ hội, mà có một số lễ hội biến tướng của mê tín dị đoan, lợi dụng “xã hội hóa” huy động quá nhiều sự đóng góp của nhân dân). Hiện tượng các địa phương đua nhau lập hồ sơ xin Nhà nước công nhận di tích lịch sử quốc gia và đề nghị UNESCO vinh danh “di sản văn hoá thế giới” (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) – điều đó cũng cần nhưng điều cần thiết hơn là phải quan tâm những vấn đề nóng của cuộc sống đang diễn ra hàng ngày làm bức xúc nhân dân, cản trở bước tiến xã hội, như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về sự phát triển cả chiều rộng và chiều sâu các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc; sự ô nhiễm môi trường văn hóa; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực đang có hiện tượng gia tăng ở đó đây, vừa trắng trợn vừa tinh vi…, nhưng chưa được cấp ủy và chính quyền các cấp dành thời gian thoả đáng để nghiên cứu, phân tích thấu đáo, tìm các biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Thứ hai, mọi thành bại suy cho cùng là do CON NGƯỜI, hay nói cách khác, nguồn nhân lực làm văn hóa, mặc dù mấy năm vừa qua đã được tăng cường, nhưng chưa tương xứng với yêu cầu. Điều quan trọng là chất lượng đội ngũ còn nhiều hụt hẫng về kiến thức chuyên sâu; về sự tận tâm, tận lực, hết mình với công việc mang ý nghĩa vẻ vang là xây dựng “nền tảng tinh thần xã hội”. Nhưng cũng cần công tâm nhìn nhận rằng, không thể có CON NGƯỜI với hai bàn tay trắng, do vậy nhân lực phải đi liền vật lực. Trong cơ chế, chính sách về tài chính cho các hoạt động văn hóa, vẫn còn khoảng trống, tạo ra nhiều bất công, nên hiện tượng đầu tư “rải mành mành” làm hạn chế thật sự các hoạt động cần triển khai, là lẽ đương nhiên. Từ thực trạng này, tôi và nhiều người tự đặt câu hỏi: vì sao ngày xưa, trong điều kiện vô cùng gian khó của một đất nước thường xuyên có chiến tranh và thiên tai dịch họa, chúng ta vẫn tạo nên những công trình văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị lớn, tạo ra sức sống tinh thần qua hàng ngàn năm? Chung quy lại, vẫn là CON NGƯỜI, nhưng cần nhấn mạnh, đây là con người làm văn hóa của thời kỳ mới – mà đội ngũ này trước hết phải là đội ngũ đi đầu, thể hiện rõ nét 7 đặc tính của con người Việt Nam như Nghị quyết số 33 đúc kết.

Thứ ba, một trong bốn giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết 33 đã chỉ ra là: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với văn hóa. Nhưng từ đó đến nay, nội hàm của giải pháp này chưa được bàn thảo đầy đủ; mặt khác có những điều đã rõ, nhưng chưa được thực hiện triệt để. Văn hóa là lĩnh vực đặc thù, luôn vận động và phát triển, đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp, nhất là trong thời cơ chế thị trường. Vì vậy cần có sự đánh giá khách quan, công tâm mới chỉ ra bản chất thực trạng; từ đó có biện pháp xử lý “tâm phục, khẩu phục”. Phải chăng đây cũng là đòi hỏi bức thiết hiện nay?

Thứ tư, đã đến lúc cần tổng rà soát Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, đổi mới và hội nhập quốc tế; trên cơ sở đó, làm rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ cho từng ban, bộ, ngành…, để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động với mục tiêu và bước đi thật cụ thể, sát hợp tình hình thực tiễn. Hơn lúc nào hết, quan điểm đặt văn hoá ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo ra sức mạnh nội sinh của văn hoá, là động lực to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta trong thời kỳ mới./.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H.2009, trang 94-95

(2) Sách đã dẫn, tập 5, trang 464