Quản lý xe vận chuyển khách trá hình – Bài cuối: Ba nhóm giải pháp căn cơ
Để siết chặt quản lý xe vận chuyển khách theo hợp đồng, dần loại bỏ xe khách trá hình, cần phải làm gì, thưa ông?
– Muốn loại bỏ xe khách trá hình cần sự vào cuộc quyết liệt, thực chất của cả hệ thống chính trị lẫn người dân. Bộ GTVT phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, bổ sung, sửa đổi, lấp những lỗ hổng pháp lý. Lực lượng chức năng địa phương và chuyên ngành phải xử phạt có hiệu quả vi phạm về kinh doanh vận tải cũng như vi phạm giao thông của xe hợp đồng.
Quản lý xe vận chuyển khách trá hình còn nhiều bất cập
Mặt khác các DN kinh doanh xe khách liên tỉnh phải tự vực mình lên, trở thành đối trọng với xe trá hình, tự cứu lấy mình. Người dân cần nâng cao ý thức, không tiếp tay cho vi phạm. Có thể tạm khái quát các giải pháp vào ba nhóm chính.
Thứ nhất, hoàn thiện quy định quản lý, giám sát đối với xe ô tô kinh doanh vận chuyển khách, trong đó có loại hình xe hợp đồng. Bộ GTVT cần nâng cấp hệ thống quản lý dữ liệu giám sát hành trình để Sở GTVT các địa phương có thể trích xuất, giám sát việc thực hiện quy định không vượt quá 30% tổng số chuyến trùng lặp điểm đầu cuối trong tháng đối với mỗi xe hợp đồng. Thứ hai, tăng cường năng lực cho hệ thống vận tải khách liên tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân. Thứ ba, xử phạt nghiêm minh, toàn diện vi phạm của xe khách trá hình.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long
Theo ông, cần những điều chỉnh như thế nào về chính sách, quy định?
– Muốn hoàn thiện quy định, trước hết cần lấp những lỗ hổng pháp lý đối với xe hợp đồng. Có quy định bất cập cần loại bỏ ngay như việc cấp phù hiệu hợp đồng cho xe khách tuyến cố định. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho xe khách liên tỉnh (XKLT) bỏ bến ra chạy trá hình bên ngoài, chỉ cầm chừng giữ tuyến bằng một lượng chuyến lượt nhất định.
Cùng với đó, khôi phục điều kiện bắt buộc xe hợp đồng phải báo cáo thông tin chuyến đi trước khi thực hiện về Sở GTVT các địa phương để có cơ sở kiểm tra, giám sát. Xây dựng phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu hoạt động của xe hợp đồng có thể dùng chung cho cả nước để lực lượng chức năng thuận tiện kiểm tra, giám sát bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Hay buộc xe hợp đồng phải kê khai giá cước như các loại hình khác để tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Mặt khác các địa phương căn cứ trên thực tế riêng cần xem xét tổ chức giao thông, cấm xe hợp đồng vào trung tâm TP theo giờ, theo tuyến, theo số ghế… nhằm hạn chế tối đa áp lực giao thông do xe khách trá hình gây nên.
Về phía Bộ GTVT, cần phối hợp với các địa phương điều chỉnh mạng lưới vận tải khách liên tỉnh một cách linh hoạt, nhanh chóng, phù hợp với tình hình thực tế. Như Hà Nội hiện nay, nhiều tuyến XKLT chỉ quá cảnh TP nhưng DN lập văn phòng để gom khách, nhận hàng trong nội đô, làm tăng áp lực giao thông, cạnh tranh không lành mạnh với XKLT trên địa bàn.
Phải làm gì để XKLT thực sự trở thành đối trọng, góp phần đẩy lui xe khách trá hình, thưa ông?
– Trong khi chờ đợi Bộ GTVT vá lỗ hổng pháp lý, các DN kinh doanh vận tải khách tuyến cố định cần tự nâng cao chất lượng dịch vụ, cạnh tranh sòng phẳng với xe khách trá hình. XKLT phải chấm dứt những tập quán xấu như lê la, dừng đỗ tùy tiện, nhồi nhét, thu quá giá, ứng xử thiếu văn minh lịch sự với khách…
Xe khách trá hình hơn hẳn XKLT là có thể đưa đón khách tận nơi, tiếp cận người dân bằng mạng xã hội, ứng dụng trên internet… Vậy XKLT cũng cần phải quảng bá thương hiệu qua kênh thông tin mạng xã hội; sử dụng xe trung chuyển đưa đón khách đến bến.
Các bến xe đang suy yếu dần do ảnh hưởng của xe khách trá hình, họ phải cùng với DN vận tải bắt tay nâng cao chất lượng phục vụ, tạo mọi điều kiện tốt nhất, thoải mái nhất để thu hút hành khách, người dân đến bến đi xe. Khi cả bến và xe đều có chất lượng cao, thuận tiện, sức cạnh tranh sẽ gia tăng mạnh mẽ, đủ làm đối trọng với xe khách trá hình.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn đông dân cư cần phát triển mạng lưới xe buýt kế cận, chạy liên tỉnh trong phạm vi khoảng 100km để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với giá rẻ, dịch vụ tốt, góp phần triệt tiêu xe khách trá hình.
Còn việc thực thi luật, chấn chỉnh sai phạm của xe hợp đồng thì sao?
– Đó là nhóm giải pháp có vai trò cực kỳ quan trọng và cũng gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay. Muốn chấn chỉnh được vi phạm của xe hợp đồng cần làm mạnh, làm nghiêm, làm toàn diện từ trên đường đến văn phòng, nơi dừng đỗ… Các lực lượng chính như Thanh tra GTVT, CSGT cần tập trung vào giám sát, xử phạt vi phạm về kinh doanh vận tải, Luật Giao thông đường bộ đối với xe hợp đồng. Với những hành vi như dừng đỗ tùy tiện, chạy ẩu, bán vé, nhận đặt chỗ… phải phạt nặng cả DN lẫn người lái xe.
Về phía địa phương cần đôn đốc các lực lượng chức năng cùng vào cuộc, giám sát chặt hoạt động của văn phòng đại diện, điểm tập kết hàng hóa, hành khách. Kiên quyết không để mỗi văn phòng là một bến cóc gây mất trật tự, an ninh, văn minh đô thị. Không có điểm tập kết, xe khách trá hình sẽ mất dần chỗ đứng trong lõi đô thị, khu vực đông dân cư, chấm dứt những lộn xộn mà nó đã gây ra nhiều năm qua trong lòng các TP lớn.
Muốn làm được như vậy cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương khi để xảy ra vi phạm của văn phòng xe du lịch, hợp đồng. Xe khách trá hình đang gây ra rất nhiều hệ lụy về trật tự, ATGT, văn minh đô thị, nếu chỉ ngành giao thông vào cuộc trong khi các địa phương thờ ơ thì vi phạm không thể bị xử lý tận gốc.
Mặt khác, lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT của nhiều địa phương, kể cả Thủ đô và các đô thị lớn hiện khá mỏng. Muốn tăng cường hiệu quả giám sát, xử phạt cần trang bị hệ thống camera phạt nguội rộng khắp để hỗ trợ lực lượng chức năng.
Ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường vận tải khách liên tỉnh nói chung và xe khách trá hình nói riêng trong thời gian tới?
– Thị trường vận tải khách liên tỉnh đang gặp những nguy cơ thực sự, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Bộ GTVT cũng như các địa phương, tình hình sẽ ngày càng khó khăn hơn nữa cho DN.
Xe khách trá hình ngày càng phát triển về số lượng, lách luật tinh vi hơn, kinh doanh “thông minh” hơn XKLT. Nên các DN không thể chỉ trông chờ vào cơ chế, chính sách, mà cần phải tự nỗ lực cải thiện mình, tự cứu lấy mình, giành lại thị phần. DN vận tải và bến xe nếu tách rời, thiếu sự gắn bó cùng xây dựng thương hiệu, cả hai sẽ thất bại hoàn toàn trước xe khách trá hình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!